Bẻ gãy một quan điểm phản động về cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga

Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 là cuộc cách mạng có tầm ảnh hưởng to lớn trên toàn thế giới; chỗ dựa cho hàng trăm dân tộc đứng lên chống ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc, giành độc lập dân tộc, quyết định tiến trình phát triển của lịch sử nhân loại. Vì vậy, luận điệu cho rằng, Cách mạng Tháng Mười Nga là “một sai lầm của lịch sử” là luận thuyết phản cách mạng, nhất định bị phá sản.

Tác giả: PGS, TS. Nguyễn Mạnh Hưởng – ThS. Lưu Văn Thuấn, Trường Sĩ quan Đặc công.

Cách mạng Tháng Mười Nga thành công là một sự kiện nổi bật của thế kỷ 20, mang ý nghĩa thời đại sâu sắc, phù hợp với quy luật vận động và phát triển khách quan của lịch sử xã hội loài người. Tính tất yếu lịch sử của Cách mạng Tháng Mười là không thể phủ nhận và ngày càng được khẳng định sinh động trong đời sống nhân loại. Thế nhưng, các thế lực thù địch dưới mọi hình thức ra sức công kích, xuyên tạc bằng luận thuyết: Cách mạng Tháng Mười là “một sai lầm của lịch sử” với cách lý giải cả trên phương diện nguyên nhân bùng nổ, diễn trình của cách mạng cũng như sản phẩm mà cuộc cách mạng đã sinh ra và sự tồn tại, phát triển của chế độ xã hội mới trong hơn 100 năm qua.

Những luận điệu: Cách mạng Tháng Mười là “một cuộc bạo động phản dân chủ”, một “cuộc đảo chính”, “tiếm quyền” lãnh đạo từ giai cấp tư sản, là một sự “đẻ non”; thiết lập nhà nước công – nông là “đi chệch” quy luật phát triển của lịch sử; chủ nghĩa xã hội – sản phẩm của cách mạng chỉ là một “quái thai của lịch sử”,… là sự cụ thể hóa luận thuyết trên, được họ tung lên các phương tiện thông tin, truyền thông trên khắp thế giới. Sau khi mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ do những sai lầm trong đường lối chính trị, tư tưởng, tổ chức và cán bộ của Đảng Cộng sản cầm quyền, cùng sự phản bội của một số lãnh đạo cao nhất ở đó đối với những nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Marx – Lenin, các thế lực thù địch càng đẩy mạnh công kích, xuyên tạc, phủ nhận giá trị của Cách mạng Tháng Mười, ra sức tuyên truyền về cái gọi là “hồi kết thúc”, sự “cáo chung” của chủ nghĩa xã hội, sự “lạc hậu, lỗi thời” của chủ nghĩa Marx – Lenin.

Song, thực tiễn đã minh chứng: Cách mạng Tháng Mười Nga là sản phẩm tất yếu của những mâu thuẫn thời đại đầu thế kỷ 20: giữa giai cấp tư bản với giai cấp vô sản; giữa địa chủ với nông dân; giữa đế quốc Nga với các dân tộc bị áp bức; giữa đế quốc với đế quốc; giữa đế quốc Nga với các nước đế quốc Tây Âu diễn ra gay gắt, hội tụ, vận động và chồng chéo lên nhau trong lòng xã hội Nga. Điều đó đã tạo nên những tiền đề khách quan, dẫn đến tình thế và thời cơ cách mạng. Một cuộc cách mạng được nảy sinh và bùng nổ từ những mâu thuẫn gay gắt đó không thể là “cuộc bạo động phản dân chủ”, một sự “đẻ non” như sự xuyên tạc của các thế lực thù địch. Và cũng chính sự vận động của các mâu thuẫn đó đã làm cho luận điểm Marxist: cách mạng vô sản “sẽ đồng thời xảy ra ở trong tất cả các nước văn minh, tức là ít nhất, ở Anh, Mỹ, Pháp và Đức”1 được phát triển và bổ sung bằng luận điểm “chủ nghĩa xã hội có thể thắng lợi trước hết là trong một số ít nước tư bản chủ nghĩa hoặc thậm chí chỉ trong một nước tư bản chủ nghĩa”2. Mặt lý luận và mặt thực tiễn hòa quyện với nhau, phản ánh đặc điểm cụ thể của nước Nga đương thời, chỉ rõ bản chất của chủ nghĩa đế quốc và quy luật phát triển không đều của chủ nghĩa tư bản. Như vậy, Cách mạng Tháng Mười Nga là sự chín muồi cả về lý luận và thực tiễn, đã đáp ứng đầy đủ những yêu cầu cấp thiết của lịch sử, chặt đứt khâu yếu nhất trong sợi dây chuyền đế quốc chủ nghĩa. Tuy cách mạng nổ ra trong bối cảnh, điều kiện khác với điều kiện mà K. Marx dự báo, nhưng nó nổ ra ở nơi hội tụ các mâu thuẫn, có sự chuẩn bị đầy đủ lực lượng mà giai cấp công nhân và Đảng Bolshevik Nga đã thực hiện. Cách mạng thắng lợi là kết quả hợp quy luật của sự phát triển tư tưởng và thực tiễn trong lịch sử đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động.

Mặt khác, sau Cách mạng tháng 02/1917, nước Nga tồn tại song song hai chính quyền: Chính phủ lâm thời của giai cấp tư sản và các Xô viết đại biểu công nhân và binh lính. Chính phủ lâm thời sau khi nắm được chính quyền, đã không giải quyết những vấn đề đã hứa: ruộng đất của nông dân, việc làm cho công nhân, tình trạng thiếu lương thực, mà còn theo đuổi chiến tranh đế quốc và tuyên bố áp dụng mọi biện pháp cần thiết để tiêu diệt cuộc khởi nghĩa ở Petrograd. Trước tình hình đặc biệt nghiêm trọng và vô cùng khẩn trương đó, V.I. Lenin và Đảng Bolshevik Nga đã thể hiện tài tình nghệ thuật chớp thời cơ, tiến hành khởi nghĩa ngay đêm 24 tháng 10, lật đổ Chính phủ lâm thời tư sản, bảo vệ các Xô viết đại diện, cách mạng thắng lợi. Đây là cơ sở khẳng định: Cách mạng Tháng Mười Nga tuyệt đối không phải là “cuộc bạo động phản dân chủ”, một cuộc “tiếm quyền”, cũng không phải là sự “đẻ non” cả về lý luận và thực tiễn như những gì các thế lực thù địch rêu rao, xuyên tạc. Mà đây là sự trung thành, phát triển sáng tạo lý luận Marx và hiện thực hóa sinh động chủ nghĩa Marx trong thực tiễn; là kết quả tất yếu của quy luật vận động và phát triển khách quan của lịch sử xã hội loài người.

Hơn thế nữa, diễn trình và kết quả của Cách mạng Tháng Mười Nga cho thấy: lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, quần chúng công nông, những người lao động từ thân phận nô lệ vươn lên làm chủ, đứng ra cai quản, tổ chức xây dựng chế độ xã hội mới. Đúng như V.I. Lenin nhận định: đó là cuộc cách mạng “giành được nước Nga từ trong tay bọn nhà giàu để giao lại cho những người nghèo, từ trong tay bọn bóc lột để giao lại cho những người lao động”3. Với sự ra đời của nhà nước công nông đầu tiên trên thế giới, Cách mạng Tháng Mười là sự kiện lịch sử vĩ đại nhất của thế kỷ 20, trở thành biểu tượng của niềm tin và sự cổ vũ mạnh mẽ đối với phong trào cách mạng của các dân tộc bị áp bức và nhân dân trên toàn thế giới.

Một cuộc cách mạng của nhân dân lao động, do nhân dân lao động tiến hành, giành chính quyền từ “trong tay bọn bóc lột để giao lại cho những người lao động” đầy bản chất nhân đạo, nhân văn và tiến bộ như thế, sao lại nói đó là “sự chệch hướng lịch sử”. Vậy, cái “hướng lịch sử” và “chệch hướng lịch sử” ở đây là như thế nào? Các thế lực thù địch cố tình lập luận rằng, lịch sử không có cái chế độ xã hội mang tên “chủ nghĩa xã hội”; tiến lên chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản không phải là sự vận động tất yếu của lịch sử, chủ nghĩa tư bản mới là chế độ xã hội “vĩnh hằng”, là “hướng lịch sử”, là tất yếu của lịch sử. Vì thế, Cách mạng Tháng Mười, một cuộc cách mạng thủ tiêu chế độ áp bức, bóc lột, thiết lập chế độ xã hội mới – chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa, mà ở đó quyền lực chính trị xã hội, quyền làm chủ thuộc về giai cấp công nhân và nhân dân lao động, là “trái với quy luật lịch sử”, là “chệch hướng lịch sử”, theo cách nói của họ. Đây là luận thuyết phản động, phản khoa học và cực kỳ nguy hiểm, không những cố tình “nắn” xu thế phát triển khách quan của lịch sử, mà còn biện minh cho sự tồn tại “vĩnh hằng” của chủ nghĩa tư bản.

Cần nhấn mạnh rằng: xã hội luôn vận động theo đúng những quy luật khách quan, không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của bất kỳ ai. Lịch sử xã hội loài người đến nay đã trải qua bốn hình thái kinh tế – xã hội và đang quá độ tiến vào hình thái kinh tế – xã hội cộng sản chủ nghĩa, theo đúng quy luật vốn có mà học thuyết hình thái kinh tế – xã hội Marx – Lenin đã chỉ ra: “Sự phát triển của những hình thái kinh tế – xã hội là một quá trình lịch sử – tự nhiên”4. Cách mạng Tháng Mười là một lô gíc lịch sử, là sản phẩm tất yếu của “quá trình lịch sử – tự nhiên” ấy; không thể nói rằng đó là một “sai lầm của lịch sử”, là “sự chệch hướng lịch sử”. Và không thể mượn cớ sự kiện chủ nghĩa xã hội theo mô hình Xô viết ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ để tuyên bố về sự “kết thúc của chủ nghĩa xã hội”. Thực tiễn đã chứng minh: chủ nghĩa xã hội đến nay đã hơn một thế kỷ phát triển với những thành tựu to lớn và cả những tổn thất nặng nề. Nhưng tính ưu việt, bản chất nhân đạo, nhân văn và thành tựu to lớn của chủ nghĩa xã hội trong lịch sử nhân loại là không thể phủ nhận. Hiện nay, một số nước như Trung Quốc, Cuba, Việt Nam,… đang tiếp tục con đường xã hội chủ nghĩa, tạo cho chủ nghĩa xã hội một diện mạo mới năng động, sáng tạo và phong phú hơn, đó là một minh chứng rõ nét.

Tuy còn nhiều khó khăn, phức tạp, nhưng nó chứng tỏ chủ nghĩa xã hội là hiện thực, đã và đang đổi mới, được xây dựng, phát triển trên cơ sở vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Marx – Lenin trong điều kiện mới ở từng quốc gia dân tộc. Điều đó phản ánh những bước thăng trầm, quanh co, nhưng tất thắng của chủ nghĩa xã hội trên con đường đấu tranh khẳng định sự tồn tại hợp quy luật của mình; cho thấy sức sống bất diệt của những giá trị Cách mạng Tháng Mười và chủ nghĩa Marx – Lenin trong đời sống nhân loại. Nó không chỉ là sản phẩm tất yếu của lịch sử, mà còn là nhân tố thúc đẩy và quy định chiều hướng phát triển của lịch sử xã hội loài người là tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Mục tiêu giải phóng con người khỏi ách áp bức, bóc lột, đưa con người lên làm chủ, đem lại cuộc đời tự do, hạnh phúc thực sự cho quần chúng nhân dân bằng con đường mà Cách mạng Tháng Mười đã vạch ra là mục tiêu hiện thực, đã và đang diễn ra trên thế giới và ở Việt Nam, chủ nghĩa xã hội vẫn là tương lai của nhân loại. Cách mạng Việt Nam dư­ới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, hơn chín thập kỷ qua, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. “Chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý  nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn so với những năm trước đổi mới. Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay5. Đó là một hiện thực sinh động khẳng định những giá trị, tính hợp quy luật và sức sống của Cách mạng Tháng Mười Nga.

Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Cách mạng Tháng Mười đã mở ra là đúng đắn, phù hợp với quy luật của lịch sử, không phải là “viển vông”, “phi thực tế”, không phải là “sai lầm của lịch sử” như sự bịa đặt, xuyên tạc của các thế lực thù địch. Luận thuyết Cách mạng Tháng Mười Nga là “một sai lầm của lịch sử” mà các thế lực thù địch cố tình dựng lên là phản động, phản khoa học, phi lịch sử, nhất định bị phá sản bởi chính giá trị, sức sống trường tồn của Cách mạng Tháng Mười và sự phát triển của chủ nghĩa xã hội trên thế giới.

———————–

Chú thích:

1 – C. Mác và Ph. Ăngghen – Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG, H. 1995, tr. 472.
2 – V.I. Lênin – Toàn tập, Tập 26, Nxb CTQG, H. 2006, tr. 447.
3 – V.I. Lênin – Toàn tập, Tập 36, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva. 1977, tr. 209.
4 – C. Mác và Ph. Ăngghen – Toàn tập, Tập 23, Nxb CTQG, H. 1993, tr. 21.
5 – ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 25.

Theo TẠP CHÍ QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN

Tags: , , ,