Bài học còn mới nguyên từ ba điều răn kẻ làm quan của Đặng Huy Trứ

Đặng Huy Trứ là quan thời Tự Đức. Ông là nhà cải cách, canh tân thời Nguyễn với các tư tưởng phát triển kinh tế, quân sự và cải cách xã hội vô cùng tiến bộ.

Dưới đây là ba điều răn của Đặng Huy Trứ đối với người làm quan.

Thanh là liêm khiết giữ mình

Của cải của người ta như dầu mỡ đối với đồ vật. Đã dây bẩn thì không thể gột sạch. Huống chi ta lấy một thì dưới lấy mười, ta lấy mười thì dưới lấy hàng nghìn. Ta được vừa miệng thì dân bị hút máu. Ta được bảnh bao thân hình thì dân bị lột da. Ta được đầy túi thì dân phải bán nhà, độ ruộng. Ta có cái khoản đãi bạn bè thì vợ con của dân chỉ còn cháo. Nghĩ như thế, há lại không giữ chữ thanh liêm hay sao? Túi quan có lép thì cũng giữ lấy cái nghèo cho toàn danh tiết. Rượu độc không cầm được cơn khát, giọt rỉ mầm không làm nguôi cái đói, cái lợi trước mắt không bù lại cái hại lớn về sau.

Những trường hợp hối lộ mà người làm quan phải tránh không thể kể ra hết. Cần giữ gìn nghiêm ngặt, nhất thiết mọi thứ của cải phi nghĩa đều không thể nhận. Không lấy trước mặt mà lại lấy sau lưng thì lại càng xấu xa. Hoặc khi xem xét tình hình lại bắt dân, bắt cấp dưới phải đưa đón. Hoặc đi chơi mà bắt cấp dưới phải tiếp rước hoặc sai làm vật dụng với giá rẻ khiến người làm phải bù tiền, mua rẻ sản vật để người bán bị thiệt, hoặc khinh suất lấy vật tư để bợ đỡ bậc quyền quý, để sửa sang nhà cửa công thợ cho đẹp mắt làm tốn công quỹ… như thế cũng làm hại đến thanh tiết.

Hoặc tự ta không lấy mà để cho người nhà nhận riêng, để cho con hầu, đầy tớ phải giở thủ đoạn vòi vĩnh, để cấp dưới vòi tiền, để nha lại, binh lính gây khó khăn sách nhiễu, để thân hào lừa dối, hương lý tố gian. Để kẻ giữ việc kiện tụng gây mối tệ, để binh lính đi tuần tra giở thói hung tàn. Những việc làm như thế đều làm hại đến thanh tiết nhiều lắm. Lại nếu chỉ một mình ôm chữ Liêm, khư khư tự giữ mình, thiếu sự kiểm tra để bốn bề trên dưới đầy rẫy chỗ rò rỉ, hư hỏng thì phỏng có ích gì và cũng chưa phải đã vẹn toàn được thanh tiết.

Cần cù

Làm quan mà một ngày không chăm chỉ, bên dưới ắt phải chịu mọi điều tệ hại. Điều quan trọng của việc làm quan không gì bằng giữ cho tâm được trong sạch. Gà gáy đã dậy để nghe chính sự. Việc gia đình giữ cho được êm ấm. Chớ đam mê rượu chè, chớ đắm say sắc dục, chớ liên miên với thú riêng của mình. Việc gì phải giải quyết, giấy tờ gì phải báo lập tức xem xét thi hành. Không nên để lại đến ngày mai.

Người làm quan là được uỷ thác việc nước, việc dân mà dân tình không thấu đáo thì sao được. Chi bằng cam chịu khổ, cam chịu khó nhọc, thì dân ắt chẳng phải chịu tệ hại khôn lường. Không làm việc tận tâm thì yên lòng sao được.

Thận trọng

Thận trọng là một đức tính mà người làm quan cần phải có. Đánh xe muốn đi thật xa thì phải cẩn thận từ việc cầm dây cương. Đưa ra một lệnh sai lầm thì tệ hại sẽ phát sinh. Một lần nghe lời sai lầm thì tệ che đậy, khuất tất sẽ dấy lên. Một lần dùng người sai lầm thì lũ yêu tinh chuột cáo ngóc đầu dậy. Một lần bắt phu dịch sai lầm thì nỗi oán thán kêu ca sẽ nẩy sinh. Một lần xử án hình sai lầm thì cái đạo khuyến khích, trừng phạt sẽ bị tắc lấp. Một lần xử án hình sai lầm thì oan khuất sẽ ứng ngay. Cứ nghĩ những điều như thế thì làm sao mà không thận trọng được?

Việc quan thì công văn giấy tờ rối như tơ vò, dân tình bên dưới cách trở khó nắm được. Nếu ỷ vào sự thông minh của mình, gặp khi nóng giận hay vội vã đều có thể làm oan uổng người ta. Xem thế đủ biết người làm quan khó biết chừng nào. Cái khó của sự thận trọng không phải ở sự thiếu cân nhắc đôi ba lần trong một việc mà ở chỗ không thực tâm xem xét kỹ lưỡng.

Theo KIẾN THỨC

Tags: , ,