Campuchia giai đoạn 2024-2028 và phép thử cho Hun Manet

Với xu hướng hợp tác và hội nhập kinh tế đang bao trùm trong khu vực và trên toàn thế giới, Campuchia là nền kinh tế đang phát triển và mở cửa đã đề ra Chiến lược ngoại giao kinh tế trong giai đoạn 2024 – 2028 nhằm nâng cao vị thế và đảm bảo các lợi ích kinh tế

Campuchia giai đoạn 2024-2028 và phép thử cho Hun Manet

Ngày 15/3/2024 đã diễn ra cuộc họp của Bộ Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế Campuchia để thảo luận về Chiến lược Ngoại giao Kinh tế cho giai đoạn 2024-2028. Chiến lược này đóng vai trò như là kim chỉ nam cho ngành ngoại giao của Campuchia, vạch ra những quan điểm, chính sách để nâng cao vị thế của nền kinh tế nước này trên trường quốc tế. Ngoài ra, chiến lược này bao trùm toàn bộ thời gian nhiệm kỳ đầu tiên của Thủ tướng Hun Manet. Đây như là “phép thử” cho năng lực của ông Hun Manet trước khi ông Hun Sen chuyển giao lại toàn bộ quyền lực.

Điểm nhấn đáng chú ý của chiến lược

Với xu hướng hợp tác và hội nhập kinh tế đang bao trùm trong khu vực và trên toàn thế giới, Campuchia là nền kinh tế đang phát triển và mở cửa đã đề ra Chiến lược ngoại giao kinh tế trong giai đoạn 2024 – 2028 nhằm nâng cao vị thế và đảm bảo các lợi ích kinh tế. Vào ngày 15/3/2024, đã diễn ra cuộc họp của Bộ Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế Campuchia để thảo luận về Chiến lược Ngoại giao Kinh tế cho giai đoạn 2024-2028. Chiến lược này đóng vai trò như là kim chỉ nam đối với ngành ngoại giao của Campuchia, vạch ra những quan điểm, chính sách để nâng cao vị thế của nền kinh tế Campuchia trên trường quốc tế. Campuchia nhận ra rằng việc mở rộng thương mại quốc tế đòi hỏi một chiến lược nhiều mặt. Trong những năm gần đây, nước này đã tích cực theo đuổi mục tiêu này thông qua các cuộc đàm phán thương mại chiến lược, đạt được những cột mốc quan trọng như ký kết hai hiệp định thương mại tự do với Trung Quốc và Hàn Quốc. Giới chuyên gia kỳ vọng khi chiến lược được chuyển từ giai đoạn soạn thảo sang thực hiện, nó sẽ là công cụ định hướng các nỗ lực của quốc gia nhằm đảm bảo lợi thế kinh tế và xây dựng các mối quan hệ quốc tế mạnh mẽ hơn trong những năm tới[1].

Cốt lõi của Chiến lược ngoại giao kinh tế Campuchia nằm ở cải cách trong nước, từ đó tạo ra nền kinh tế năng động thu hút đầu tư nhiều hơn, cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh. Campuchia hướng tới chuyển đổi kỹ thuật số, thương mại kỹ thuật số. Ngoài ra, chiến lược này cũng thúc đẩy vào việc quảng bá thương mại và di sản văn hoá của Campuchia. Thiết lập một khuôn khổ ngoại giao kinh tế mới nhằm thích ứng với tình hình trong nước và quốc tế và phù hợp với các mục tiêu của chiến lược ngũ giác. Chiến lược ngoại giao kinh tế nhằm môi tạo ra một trường thuận lợi cho việc thúc đẩy các mối quan hệ thương mại và loại bỏ các rào cản cản trở dòng chảy hàng hóa và dịch vụ. Phát triển một hệ sinh thái hỗ trợ cho các doanh nhân và nhà xuất khẩu Campuchia. Hệ sinh thái này là không thể thiếu để nuôi dưỡng các doanh nghiệp địa phương và cho phép họ thâm nhập và phát triển mạnh trong thị trường quốc tế cạnh tranh cao.

Tuy nhiên, để phát huy hết tiềm năng của mình, Chheang Vannarith, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Quốc hội (NAAC) cho rằng nước này cần phải liên tục và mạnh mẽ thực hiện các cải cách khu vực công, đặc biệt là – tập trung vào quản trị tốt và cuộc chiến chống tham nhũng – và tiếp tục thúc đẩy một môi trường thuận lợi cho kinh doanh, đầu tư và thương mại[2].

Mục đích và những tác động trong tương lai 

Chiến lược ngoại giao kinh tế 2024 – 2028 là một phần trong Chiến lược ngũ giác của Thủ tướng Hun Manet với mục tiêu đưa Campuchia trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2050 thông qua phát triển bền vững[3]. Ngoài ra, chiến lược còn giúp Campuchia ứng phó linh hoạt hơn với các căng thẳng địa chính trị và nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu. Đa dạng hoá kinh tế và giảm phụ thuộc từ một số ít thị trường bên ngoài, tăng cường khả năng phục hồi kinh tế xã hội cũng là một trong những mục tiêu hàng đầu của Chiến lược ngoại giao kinh tế Campuchia giai đoạn mới.

Tạo dựng lòng tin, uy tín cho chính quyền Hun Manet ở trong nước

Việc đưa ra một chiến lược ngoại giao kinh tế toàn diện bao trùm thời gian trong nhiệm kỳ đầu tiên của Thủ tướng Hun Manet có thể là cơ hội để ông thể hiện năng lực, tạo dựng uy tín của mình với Đảng CPP cầm quyền nói riêng và với người dân Campuchia nói chung. Cùng với chiến lược Ngũ giác, chiến lược ngoại giao kinh tế là minh chứng để Hun Manet chứng minh cho Hun Sen thấy ông hoàn toàn có khả năng gánh vác đất nước Campuchia. Từ đó, Hun Sen có thể hoàn toàn lui về hậu trường mà giao lại toàn bộ quyền lực cho Hun Manet. Hiện tại, Hun Sen vẫn là Chủ tịch của Đảng CPP cầm quyền. Mới đây nhất, ngày 3/4/2024, với chiến thắng áp đảo của CPP tại cuộc bầu cử thượng viện, ông Hun Sen đã được bầu giữ chức Chủ tịch Thượng viện. Ngoài ra, ông cũng đang giữ chức Chủ tịch Hội đồng Cố vấn tối cao của Quốc vương Campuchia. Khi Thủ tướng Hun Manet mới nhậm chức, ông Hun Sen cũng đã tuyên bố: “Nếu con trai tôi không đạt được những mục tiêu như mong đợi, tôi sẽ trở lại giữ chức thủ tướng”[4]. Một chiến lược tham vọng cùng với những bước đi quyết liệt, những kết quả khả quan trong thực tiễn sẽ thúc đẩy quá trình chuyển giao quyền lực giữa Hun Sen và Hun Manet diễn ra suôn sẻ, giữ vững lòng tin trong chính quyền và người dân Campuchia.

Tạo dựng lòng tin trong khu vực và gia tăng lợi ích kinh tế với đa dạng các đối tác

Campuchia là một quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, việc nước này đề ra một chiến lược tổng thể về ngoại giao kinh tế cũng sẽ ảnh hưởng tới các nước trong khu vực. Các nước ASEAN từ lâu đã lo ngại sự phụ thuộc ngày càng tăng vào Trung Quốc của Campuchia sẽ gây ra những ảnh hưởng tới khu vực ASEAN mà đặc biệt là vai trò trung tâm của tổ chức này. Những chiến lược được đề ra trên văn bản lại chưa có sự đồng nhất với các hành động trong thực tiễn của Campuchia. Thực chất các chiến lược trước từ thời người cha của Hun Manet cũng nhấn mạnh rất nhiều vào đa phương hoá ngoại giao nhằm phục vụ phát triển lợi ích kinh tế. Trong chiến lược ngoại giao kinh tế giai đoạn 2021-2023 dưới thời ông Hun Sen đã chỉ rõ: “Ngoại giao kinh tế là một ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Campuchia vì nó đóng một vai trò quan trọng trong việc đa dạng hóa các nguồn tăng trưởng kinh tế và các đối tác thương mại. Như vậy, thông qua ngoại giao kinh tế, Campuchia có thể duy trì sự năng động và khả năng phục hồi kinh tế cũng như nâng cao uy tín và sự hiện diện của mình trên trường quốc tế”. Tuy nhiên thực tế lại cho thấy điều hoàn toàn ngược lại. Kinh tế Campuchia ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Campuchia, chiếm 25,6% trong tổng kim ngạch thương mại quốc tế trị giá 27 tỷ USD của Campuchia trong nửa đầu của năm 2023[5]. Không chỉ là đối tác thương mại hàng đầu, Trung Quốc còn là “chủ nợ” và là nhà đầu tư số một của Campuchia. Năm 2021, Trung Quốc là quốc gia đầu tư vốn FDI lớn nhất với tỷ lệ 48,2% trong toàn bộ dòng vốn vào Campuchia. Singapore và Hàn Quốc xếp thứ hai và thứ ba, với tỷ lệ lần lượt là 8,3% và 8,1% vào năm 2021. Từ năm 2012 đến 2017, Trung Quốc đã đầu tư hơn 15 tỷ USD vào Campuchia vào cơ sở hạ tầng như đường bộ/đường cao tốc, cảng và sân bay, đồng thời đầu tư thêm 11 tỷ USD vào lĩnh vực năng lượng. Con số trên chiếm 53% tỷ trọng đầu tư của Trung Quốc vào quốc gia Đông Nam Á[6].

Chính sách đối ngoại của Campuchia dưới thời Thủ tướng Hun Manet gồm 3 điểm chính. Thứ nhất, khôi phục quan hệ với các đối tác truyền thống. Thứ hai, thiết lập quan hệ với các đối tác mới, đặc biệt ở Mỹ Latinh, châu Phi, Trung Đông và Trung Á. Thứ ba, củng cố, làm sâu sắc hơn mối quan hệ với các nước láng giềng thân thiện và quốc gia trong khu vực. ASEAN có quyền hoài nghi rằng liệu những chính sách trong văn bản và những hành động trong thực tế dưới thời Hun Manet có đi liền với nhau? Chiến lược ngoại giao kinh tế giai đoạn 2024-2028 là cơ hội tốt để cho chính quyền Hun Manet tạo dựng lòng tin và uy tín của Campuchia với các nước ASEAN. Qua đó, có thể kết hợp gia tăng hợp tác kinh tế giữa các nước thành viên, thúc đẩy đoàn kết nội khối.

Cơ hội thúc đẩy hợp tác kinh tế với Mỹ và đồng minh

Việc vạch ra một chiến lược ngoại giao kinh tế toàn diện như là một tín hiệu thông báo cho Mỹ và các nước phương Tây thấy được thiện chí hợp tác của Campuchia. Quan hệ Mỹ – Campuchia xấu đi do những cáo buộc của Washington về sự suy thoái dân chủ của Phnom Penh, đàn áp phe đối lập chính trị và những hạn chế về tự do báo chí. Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt và đình chỉ chương trình viện trợ. Tuy nhiên, Hun Manet là người học từ Mỹ về, ít nhiều đã có những tiếp thu từ những giá trị của phương Tây mà đặc biệt là từ Mỹ. Điều này có thể tạo thuận lợi cho tăng cường hợp tác giữa Campuchia với Mỹ và phương Tây. Học giả Seun Sam, nhà phân tích chính sách tại Học viện Hoàng gia Campuchia khi phân tích chính sách ngoại giao của Campuchia cho rằng: “Hun Manet của Campuchia tin rằng việc cải thiện quan hệ ngoại giao với các nước hùng mạnh là rất quan trọng để hỗ trợ ổn định khu vực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy hợp tác song phương vì Mỹ là thị trường chính để Campuchia bán sản phẩm của mình”[7]. Với những thiện chí và thuận lợi trên, Mỹ có thể từng bước gia tăng hợp tác với Campuchia. Đầu tiên, Mỹ mời gọi Campuchia tham gia các cơ chế hợp tác kinh tế của Mỹ tại khu vực mà không có sự hiện diện của Trung Quốc, tiêu biểu Khuôn khổ Hợp tác kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (IPEF). Từng bước giảm bớt sự phụ thuộc kinh tế của Trung Quốc tại Campuchia.

Ngoài ra, quan hệ kinh tế với các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc cũng ngày gia tăng dưới thời Thủ tướng Hun Manet và sẽ còn được đẩy mạnh khi chiến lược ngoại giao kinh tế chính thức được công bố. Tại “Diễn đàn Maegyeong Campuchia” được tổ chức vào ngày 27/3 vừa qua, kỷ niệm 27 năm thiết lập lại quan hệ ngoại giao và kỷ niệm 2 năm hiệp định thương mại tự do giữa Hàn Quốc và Campuchia, ông Hun Manet thông báo rằng ông đang xem xét việc thành lập một đặc khu kinh tế (SEZ) dành riêng cho các công ty Hàn Quốc. SEZ nhằm tùy chỉnh các lợi ích đặc biệt về thuế cùng với cơ sở hạ tầng như điện, nước và đường sá mà Hàn Quốc cần để thu hút các nhà sản xuất ô tô và điện tử có lợi thế so sánh[8]. Trong năm 2023 vừa qua, Campuchia đã nâng cấp mối quan hệ ngoại giao 70 năm với Nhật Bản lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Đưa Nhật Bản lên vị trí then chốt trong quan hệ đối ngoại của Campuchia. Sự hợp tác nâng cao này mở ra con đường hợp tác về kinh tế, công nghệ kỹ thuật số và an ninh, mang lại cho Campuchia đòn bẩy trong động lực cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung[9].

Trước xu hướng Campuchia gia tăng hợp tác với Mỹ và đồng minh như vậy, Trung Quốc sẽ không chỉ đứng nhìn việc Campuchia ngày càng rời xa vòng tay của mình. Trung Quốc có thể đưa ra những lời đề nghị hợp tác kinh tế, những khoản vay ưu đãi mà Campuchia khó có thể chối từ hoặc nhận được từ một đối tác nào khác để ngày càng làm sâu sắc hơn mối quan hệ gần gũi với Campuchia. Hoặc theo một cách tiêu cực, Trung Quốc có thể gây ra sự bất ổn kinh tế – xã hội ở Campuchia bằng cộng đồng người Hoa đông đảo tại quốc gia này, đặc biệt ở thành phố Shihanouvilke. Tình thế trên sẽ vừa tạo ra thuận lợi vừa tạo ra thách thức cho Campuchia. Việc ngày càng được các nước lớn ngày càng quan tâm đến sẽ thu hút nguồn đầu tư lớn hơn cho nước này phát triển kinh tế. Campuchia có thể phát triển nhiều ngành kinh tế có hàm lượng công nghệ cao, thúc đẩy năng suất lao động. Tuy nhiên, Campuchia cũng có thể rơi vào tình thế khó xử trong cuộc cạnh tranh địa chiến lược Mỹ – Trung.

Đánh giá triển vọng

Các yếu tố trong nước

Để có thể đánh giá được triển vọng thành công của chiến lược ngoại giao kinh tế trước hết có thể nhìn vào những lợi thế của Campuchia đang có trong nước.

Theo bài viết đăng tải trên trang Seasia Stats, Campuchia là quốc gia xếp thứ 1 về tốc độ tăng trưởng kinh tế ở Đông Nam Á và đứng thứ 3 ở châu Á. Tốc độ tăng trưởng GDP của Campuchia trong năm 2024 dự kiến ở mức 6,1%. Tăng trưởng GDP bình quân đầu người trong năm 2024 dự kiến ở mức 6,34%[10]. Trong nhóm các quốc gia châu Á có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất gồm: Đặc khu hành chính Macao (Trung Quốc) ở vị trí số 1; Ấn Độ thứ 2, Campuchia thứ 3. Theo báo các đánh giá của IMF, nền kinh tế của Campuchia trong giai đoạn 2024 – 2028 có tốc độ tăng trưởng GDP trung bình trên 6% và mức lạm phát được giữ ở mức 3%[11]. Một số dữ liệu quan trọng khác của nền kinh tế như cán cân xuất nhập khẩu, tiết kiệm quốc gia cũng được dự báo ở mức khả quan.

Dân số cũng là một yếu tố quan trọng khi muốn xét đến tính hiệu quả của một chiến lược phát triển kinh tế. Dân số vừa là nguồn thị trường tiêu thụ vừa là nguồn cung cấp lao động chính cho quốc gia. Dân số của Campuchia tính đến hết năm 2023 đạt gần 17 triệu người, với độ tuổi trung bình là 27,1[12].

Bảng 1: Tháp dân số của Campuchia năm 2021.

Nhìn vào tháp dân số có thể thấy, Campuchia đang ở trong giai đoạn có dân số vàng, tỉ lệ dân cư ở trong độ tuổi lao động cao. Tỷ lệ thất nghiệp ở Campuchia được dự báo là 0,47% vào năm 2024. Tổng lực lượng lao động ở nước này được dự báo là 9,28 triệu vào năm 2024. Đây là một lợi thế lớn cho nước này trong thực hiện chiến lược phát triển kinh tế nói chung và chiến lược ngoại giao kinh tế nói riêng. Bên cạnh đó, các quan chức trong chính quyền Campuchia hiện tại đang là “thế hệ thứ hai” của các nhà lãnh đạo tiền nhiệm, chủ yếu được đào tạo ở môi trường các quốc gia phương Tây. Đây là cơ hội thuận lợi để đổi mới nền kinh tế Campuchia theo hướng năng động và hiệu quả hơn. Qua đó, thể hiện cho thế giới thấy Campuchia là một điểm đến hấp dẫn cho sản xuất và đầu tư.

Tuy vậy, Campuchia cũng đang phải đối mặt với không ít thách thức ở trong nước. Theo Chỉ số nhận thức tham nhũng năm 2023 của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, chấm điểm khu vực công của 180 quốc gia trên thang điểm từ 0 (“tham nhũng cao”) đến 100 (“rất trong sạch”), Campuchia xếp thứ 158/180 quốc gia với 22 điểm[13]. Năng suất lao động của Campuchia cũng đang ở mức đáng lo ngại. Năng suất lao động của nước này trong năm 2023 chỉ đạt mức 1,75 đô la/giờ, ở mức thấp so với thế giới.

Các yếu tố bên ngoài

Kể từ khi mới nhậm chức, Thủ tướng Hun Manet đã tích cực thực hiện chuyến thăm tới các nước đối tác quan trọng với kinh tế Campuchia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam, Thái Lan. Qua đó, củng cố được lòng tin giữa các quốc gia và đem về được nhiều cam kết hợp tác kinh tế giữa các nước. Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin đã chọn Campuchia cho chuyến công du ASEAN đầu tiên trong nhiệm kỳ của mình. Chuyến thăm khẳng định tầm quan trọng của Campuchia trong chính sách đối ngoại của chính phủ Thái Lan. Đây là những hoạt động ngoại giao tạo ra những điều kiện tiền đề thuận lợi cho hợp tác phát triển kinh tế, thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Campuchia trong giai đoạn tới. Bên cạnh đó, xu hướng hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng ở khu vực và trên thế giới cũng là yếu tố thuận lợi cho chiến lược ngoại giao kinh tế của Campuchia.

Tuy vậy, các yếu tố bên ngoài cũng có những điểm bất lợi cho thực hiện chính sách ngoại giao kinh tế của Campuchia. Trước hết là vấn đề dân chủ nhân quyền, đây vẫn là vấn đề kiềm chế sự phát triển quan hệ hợp tác kinh tế giữa các nước châu Âu và Campuchia trong nhiều năm qua. Đối sách trước cuộc cạnh tranh Mỹ – Trung nhằm hài hoà lợi ích giữa các quốc gia cũng là yếu tố quan trọng góp phần vào sự thành bại của chiến lược.

Nhìn chung, Campuchia đang sở hữu những thời cơ thuận lợi ở cả trong nước và quốc tế nhằm thực hiện thành công các mục tiêu của Chiến lược ngoại giao kinh tế giai đoạn 2024 – 2028. Thủ tướng Hun Manet từ khi lên cầm quyền vào tháng 8/2023 đã có nhiều biện pháp nhằm hạn chế các khó khăn mà Campuchia đang gặp phải. Chiến lược thứ hai trong Chiến lược Ngũ giác của Campuchia nhấn mạnh việc đưa nước này trở thành 1 quốc gia thịnh vượng, mạnh mẽ, tự do, dân chủ đa đảng dựa trên pháp quyền và một nền kinh tế bền vững và công bằng. Chiến lược trên như một lời cam kết với các nước phương Tây, vốn luôn bất đồng quan điểm với Campuchia về vấn đề dân chủ, nhân quyền và tự do chính trị. Quan trọng và thách thức hơn cả cho chính quyền Thủ tướng Hun Manet  là vấn đề cải thiện hiệu quả của bộ máy hành chính, giảm bớt tình trạng tham nhũng và nâng cao năng suất lao động. Đây là những yếu tố hết sức quan trọng nhằm tạo ra lòng tin của các nhà đầu tư mong muốn rót vốn nhiều hơn vào Campuchia.

Vấn đề đặt ra với Việt Nam và các kiến nghị đề xuất

Việt Nam là một quốc gia láng giềng vơi Campuchia với lịch sử quan hệ hữu nghị lâu dài và gắn bó với nhau. Chiến lược ngoại giao kinh tế của Campuchia cũng là cơ hội để Việt Nam gia tăng hợp tác kinh tế hơn nữa giữa hai quốc gia. Qua đó, gắn kết tình hữu nghị không chỉ giữa hai Đảng, Nhà nước mà còn giữa nhân dân 2 quốc gia. Việt Nam có thể thực hiện theo hướng thúc đẩy phát triển kinh tế biên giới với Campuchia. Bởi đây còn là khu vực phức tạp với nhiều vấn đề phức tạp, những điểm nóng về các tệ nạn như buôn lậu, lừa đảo vẫn đang diễn ra. Tuy nhiên, khu vực biên giới cũng là nơi có tiềm năng phát triển vô cùng lớn cho các ngành kinh tế như du lịch, giao lưu buôn bán thuận tiện hơn giữa hai quốc gia v…v. Việt Nam cần có chính sách để khai thác tiềm năng của khu vực biên giới một cách có hiệu quả. Qua đó, vừa thúc đẩy lợi ích kinh tế, vừa góp phần giải quyết được các vấn nạn bất cập hiện tại ở biên giới hai quốc gia.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần đặc biệt theo dõi tình hình trong bối cảnh Campuchia có nguy cơ trở thành mục tiêu cạnh tranh tiếp theo của các cường quốc. Sự phụ thuộc về kinh tế luôn đi kèm với nguy cơ cao sẽ tiếp tục phụ thuộc trong các lĩnh vực khác như văn hoá xã hội, chính trị. Đặc biệt, khi Campuchia vẫn còn là nước đang phát triển, trình độ và tiềm lực còn ở mức hạn chế. Việt Nam cần luôn nắm bắt rõ tình hình và đưa ra những biện pháp ứng phó kịp thời.

———————–

Tài liệu tham khảo:

[1] Surya Narayan (2024), “Cambodia Advances Economic Diplomacy: A Strategic Plan for 2024-2028”, The Better Cambodia, https://thebettercambodia.com/cambodia-advances-economic-diplomacy-a-strategic-plan-for-2024-2028/
[2] Chheang Vannarith (2024), “Cambodia’s Economic Diplomacy Gains Momentum”, Khmer Times, https://www.khmertimeskh.com/501428588/cambodias-economic-diplomacy-gains-momentum/
[3] Heidi Dahles (2024), “Reality tempers Cambodia’s renewed economic optimism”, East Asia Forum, https://eastasiaforum.org/2024/01/18/reality-tempers-cambodias-renewed-economic-optimism/
[4] Hoàng Hải (2023), “Chuyển giao quyền lực ở Campuchia: Thời đại Hun Sen liệu đã chấm dứt?”, Nghiên cứu chiến lược, https://nghiencuuchienluoc.org/chuyen-giao-quyen-luc-o-campuchia-thoi-dai-hun-sen-lieu-da-cham-dut/
[5] Huỳnh Thảo (2023), “Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Campuchia”, Vietnamplus, https://www.vietnamplus.vn/trung-quoc-la-doi-tac-thuong-mai-lon-nhat-cua-campuchia-post894844.vnp
[6] Quỳnh Anh (2023), “’Dấu ấn’ Trung Quốc tại Campuchia: Những công trình trọng yếu hàng tỷ USD”, Vietnam Finance, https://vietnamfinance.vn/dau-an-trung-quoc-tai-campuchia-nhung-cong-trinh-trong-yeu-hang-ty-usd-20180504224287112.htm
[7] Seun Sam (2024), “Strategies for Cambodia’s Hun Manet to Enhance US-Cambodia Ties”, Khmer Times, https://www.khmertimeskh.com/501465516/strategies-for-cambodias-hun-manet-to-enhance-us-cambodia-ties/
[8] Hwang Inhyeok (2024), “Cambodian Prime Minister Hun Manet announced on the 27th that he is considering creating a special economic zone (SEZ) specialized for Korean companies”, MK Korea, https://www.mk.co.kr/en/business/10976124
[9] Chhay Lim (2023), “Cambodia strengthens ties with Japan amid US–China tensions”, East Asia Forum, https://eastasiaforum.org/2024/01/24/cambodia-strengthens-ties-with-japan-amid-us-china-tensions/
[10] Văn Đỗ (2024), “Campuchia được dự báo tăng trưởng kinh tế nhanh nhất Đông Nam Á năm 2024”, VOV, https://vov.vn/the-gioi/campuchia-duoc-du-bao-tang-truong-kinh-te-nhanh-nhat-dong-nam-a-nam-2024-post1087446.vov
[11] IMF (2024), “Cambodia 2023 ARTICLE IV CONSULTATION—PRESS RELEASE; AND STAFF REPORT”, IMF.org, https://www.imf.org/en/Publications/CR/Issues/2024/01/29/Cambodia-2023-Article-IV-Consultation-Press-Release-and-Staff-Report-544276
[12] “Cambodia Demographics” (2023), Worldometer, https://www.worldometers.info/demographics/cambodia-demographics/
[13] “Transparency International Cambodia” (2023), Transparency International, https://www.transparency.org/en/countries/cambodia

Theo PHẠM QUANG PHÚC / NGHIENCUUCHIENLUOC.ORG 

Tags: ,