AI và sự trở lại của đấu tranh giai cấp theo chủ nghĩa Marx

Điều gì sẽ xảy ra nếu, để hiểu được lợi ích thật sự của trí tuệ nhân tạo, thì chúng ta phải đọc lại Tuyên ngôn Cộng sản? Trong văn bản răn mắt năm 1848 này, dĩ nhiên là không có câu hỏi về trí tuệ nhân tạo và cuộc cách mạng đã diễn ra là cách mạng công nghiệp chứ không phải cách mạng kỹ thuật số. Tuy vậy, phân tích về xã hội ở góc độ xã hội học của Karl Marx và Friedrich Engels lại phù hợp hơn bao giờ hết.

Tác giả: Sylvain Duranton, thành viên Ban Điều hành BCG, công ty tư vấn quản lý kinh doanh Mỹ nổi tiếng trên thế giới trong lĩnh vực tư vấn quản lý chiến lược.

Nguồn: AI: The Return Of Marxist Class Struggle? / Sylvain Duranton / Forbes / 28/6/2023.

Biên dịch: Đoàn Hiểu Linh.

Hai nhà tư tưởng Đức nói gì với chúng ta? Trước hết, “lịch sử của các xã hội chỉ là lịch sử của các cuộc đấu tranh giai cấp”. Câu này có thể áp dụng một cách hoàn hảo vào những gì chúng ta quan sát được trong các công ty có sử dụng AI hiện nay.

Một trong những khảo sát gần đây của chúng tôi trên 13.000 người ở 18 công ty nhấn mạnh một sự chia rẽ xoay quanh AI giữa các nhà lãnh đạo và nhân viên, hay “giai cấp thống trị” và “giai cấp vô sản” như cách nói của hai nhà triết học. Hai phe đang xung đột: Phe nhân viên lo lắng về công việc và phe quản lý yên tâm hơn rất nhiều về tương lai của mình. Về sự lạc quan trước AI, hai nhóm xã hội này có sự chênh lệch lớn.

Đúc kết lại, sự “đấu tranh giai cấp” về AI xoay quanh bốn vấn đề:

Đầu tiên là việc sử dụng AI. Nếu 80% lãnh đạo cho biết có dùng AI tạo sinh vài lần một tuần thì chỉ có 20% nhân viên làm điều này. [AI tạo sinh / Generative Artificial Intelligence-GAI – là dạng trí tuệ nhân tạo có thể tạo ra nội dung mới thay vì phân tích hay hành động dựa trên nội dung có sẵn, ví dụ các mô hình AI sáng tạo nội dung mới như văn bản, âm thanh, hình ảnh, video…- Người dịch].

Tiếp đến, khoảng cách về đào tạo cũng đáng kể. Trong khi 86% nhân viên nghĩ rằng họ cần được đào tạo về tác động của AI đến công việc của họ, thì chỉ 14% trong số họ cảm thấy mình đã được đào tạo. Tỉ lệ được đào tạo về AI cao gấp 3 lần ở các nhà quản lý.

Tương tự, các nhân viên rất quan tâm đến cách thức công ty của họ sử dụng AI như thế nào. Chỉ 29% nghĩ rằng công ty họ dùng AI một cách có trách nhiệm. Con số này ở các nhà quản lý là 69%.

Cuối cùng, đối mặt với những nỗi sợ này, 75% nhân viên đang kêu gọi có thêm luật, và do đó cần tăng cường vai trò của Chính phủ trong quản lý AI, gợi nhớ đến những đề nghị của Marx và Engels.

Vậy, “phải làm gì” để giải quyết câu hỏi cơ bản của Lenin?

Trong một xã hội tri thức, phần lớn câu trả lời nằm ở đào tạo. Và chúng ta hãy hiểu rõ là, nhu cầu không chỉ là hai hoặc ba ngày đào tạo về ChatGPT hoặc DALL-E [một mô hình AI giúp người dùng tạo hình ảnh qua các mô tả bằng văn bản – Người dịch] hàng năm mà là đào tạo liên tục về các công cụ đang tiến hóa không ngừng.

Các AI tạo sinh thật ra là một cơ hội để đào tạo tất cả đội nhóm cách nói chuyện (“prompt”, nghĩa là viết các câu lệnh) với các hệ thống này. Tin tốt là, nghiên cứu của chúng tôi cũng cho thấy, khi đội nhóm dùng AI, tỉ lệ người lạc quan tăng gấp đôi, trong khi tỉ lệ lo lắng giảm phân nửa.

Vấn đề cấp bách là phải cùng nhau hành động để tránh một cuộc khủng hoảng giữa “giai cấp tư sản” của trí tuệ nhân tạo – những người mà tư bản của họ là tri thức và đào tạo, và “giai cấp vô sản” mới. Những bất công đang gia tăng với một tốc độ chóng mặt giữa tầng lớp thượng lưu được lợi từ cơ hội việc làm hoặc đầu tư có lãi ngày càng nhiều hơn và phần còn lại của dân số, những người chỉ thấy triển vọng công việc đi xuống – họ đang bị các hệ thống số “biến thành nô lệ” giống như cha ông của họ đã bị máy móc nô lệ.

Vì vậy, thách thức đặt ra là tạo điều kiện cho sự trỗi dậy của một “giai cấp trung lưu AI”. Một số công ty đã sử dụng AI tạo sinh để đào tạo các kỹ thuật viên cho những vị trí mà trước đây họ không thể tiếp cận.

Tuy vậy, một giải pháp không tưởng sẽ không đơn giản xảy ra một cách tự nhiên. Nó cần một nỗ lực phối hợp từ mọi thành phần xã hội, đặc biệt là trong việc đảm đảo giáo dục dễ tiếp cận và sự kiểm soát dân chủ, có trách nhiệm đối với AI.

Sự đấu tranh giai cấp mà AI dường như đang thúc đẩy là một quan điểm đối lập với “kết thúc của lịch sử” của Fukuyama. Nhà khoa học chính trị người Mỹ sinh năm 1952 cho rằng, sự tiến hóa hệ tư tưởng của nhân loại đã kết thúc bằng sự chấp nhận rộng rãi nền dân chủ tự do phương Tây. Cuộc đấu tranh giai cấp của chủ nghĩa Marx phần lớn đã được giải quyết.

Nhưng khi chúng ta dịch chuyển từ cách mạng công nghiệp sang cách mạng số, tiềm năng dân chủ hóa công nghệ AI thông qua giáo dục – đào tạo toàn diện có thể dẫn tới một cuộc đấu tranh giai cấp mới, mà mục đích là để tất cả mọi người bất kể giai cấp đều có cơ hội bình đẳng trong việc tiếp cận AI. Việc giải quyết cuộc đấu tranh giai cấp của AI có thể đưa ra một “sự kết thúc của lịch sử” mới.

Bằng cách đem lại những cơ hội bình đẳng trong học tập và sử dụng sức mạnh của AI, chúng ta có thể gìn giữ các giá trị dân chủ và giảm thiểu sự gia tăng khoảng cách kinh tế – xã hội như hiện nay.

REDSVN.NET

Tags: , , ,