Ý thức và Vô thức dưới góc nhìn phân tâm học của Sigmund Freud

Nhà phân tâm học nổi tiếng Sigmund Freud tin rằng hành vi và tính cách được tạo thành từ sự tương tác liên tục và độc nhất giữa những nguồn sức mạnh tâm lý vận hành ở 3 cấp độ nhận thức khác nhau : Tiền ý thức, ý thức và vô thức. Ông tin rằng mỗi cấp độ này đều đóng một vai trò quan trọng ảnh hưởng lên hành vi.

Ý thức và Vô thức dưới góc nhìn phân tâm học của Sigmund Freud

Nguồn: https://www.verywellmind.com/the-conscious-and-unconscious-mind-2795946

Để hiểu được cặn kẽ học thuyết của Freud, đầu tiên ta cần hiểu được từng bộ phận tính cách làm gì, vận hành ra sao và làm thế nào mà ba thành tố này tương tác với nhau để góp phần vào trải nghiệm của con người theo góc nhìn của Freud. Hãy cùng tìm hiểu thêm về mỗi cấp độ này của nhận thức và vai trò của chúng trong việc định hình hành vi và suy nghĩ của con người.

Tâm trí ba cấp độ của Freud

Tiền ý thức bao gồm tất cả những thứ tiềm ẩn có thể được đưa đến vùng ý thức.

Ý thức bao gồm tất cả những suy nghĩ, ký ức, cảm giác và mong muốn mà ta nhận thức được một cách rõ ràng vào bất kỳ thời điểm nào. Ta có thể nghĩ đến và trò chuyện về những thứ kể trên theo lý trí. Ý thức còn bao gồm cả ký ức, không phải lúc nào ký ức cũng nằm ngay trong vùng ý thức nhưng nó có thể được triệu hồi dễ dàng vào bất kỳ thời điểm nào và giúp ta nhận thức nó rõ ràng.

Vô thức là một ‘kho tàng” các cảm xúc, suy nghĩ, ham muốn và ký ức nằm bên ngoài vùng kiểm soát của ý thức. Hầu hết các nội dung của vùng vô thức đều khá khó chịu và không được chủ thể chấp nhận, như cảm giác đau đớn, lo âu hay xung đột. Theo Freud, tâm trí vô thức không ngừng ảnh hưởng lên hành vi và trải nghiệm của ta, thậm chí ta còn không biết đến sự tồn tại của nguồn sức mạnh này. Vô thức có thể bao gồm cả những cảm xúc bị đè nén, những ký ức, thói quen, suy nghĩ, khao khát và phản ứng ẩn giấu kỹ càng.

Freud liên hệ ba cấp độ của tâm trí như một tảng băng. Phần chóp băng bạn thấy ở trên mặt nước thể hiện cho vùng ý thức. Phần băng ở ngay dưới mặt nước nhưng vẫn có thể nhìn thấy chính là tiền ý thức. Và phần băng lớn, nằm ẩn sâu dưới nước mà mắt không thấy được chính là vô thức.

Để hiểu rõ hơn về ý thức và vô thức trong tâm trí con người, ta nên tìm hiểu rõ hơn về người đã phổ biến những thuật ngữ và học thuyết về cách thức hoạt động của tâm trí.

Sigmund Freud là cha đẻ của thuyết phân tâm. Mặc dù những ý tưởng ông đưa ra được xem là chấn động trong thời điểm ấy và thậm chí vẫn còn làm nảy ra những cuộc tranh luận và ý kiến trái chiều trong thời điểm hiện tại, nhưng công trình của ông đã ảnh hưởng sâu rộng lên nhiều ngành khoa học, từ tâm lý học, xã hội học, nhân chủng học, văn học và thậm chí là đến cả nghệ thuật.

Thuật ngữ Phân tâm học thể hiện nhiều nội dung trong công trình nghiên cứu của Freud, bao gồm các liệu pháp dựa theo học thuyết của Freud, và phương pháp nghiên cứu ông dùng để phát triển nên các học thuyết này. Freud xây dựng học thuyết về sự phát triển tính cách dựa trên khá nhiều những quan sát và nghiên cứu ca bệnh trên bệnh nhân của mình.

Ý thức và vô thức hoạt động như thế nào? 

Chính xác là có những gì xảy ra trong mỗi cấp độ nhận thức này? Có một cách để hiểu được cách thức vận hành của ý thức và vô thức là tìm hiểu hiện tượng lỡ lời. Nhiều người trong chúng ta ít nhiều gì cũng đều trải qua cái gọi là “lỡ lời” theo thuyết của Freud. Những câu chữ phát ra khi người ta lỡ lời sẽ giúp tiết lộ những suy nghĩ và cảm xúc ẩn giấu trong vô thức của họ.

Hãy cùng phân tích một ví dụ sau:

James vừa với bắt đầu mối quan hệ với một người phụ nữ anh ta gặp ở trường. Trong một buổi chiều lúc nói chuyện với cô, anh ta lỡ gọi tên cô bằng tên cô bạn gái cũ.

Trong tình huống này thì bạn sẽ giải thích thế nào? Nhiều người trong chúng ta có thể đổ lỗi cho sự mất tập trung, lơ đễnh hoặc nói rằng đây chỉ đơn giản là sự cố ngẫu nhiên thôi. Tuy nhiên, nếu phân tích theo cách của Freud, bạn sẽ thấy đây không đơn giản chỉ là lỡ lời ngẫu nhiên.

Các nhà phân tâm học tin tưởng rằng chính tâm trí vô thức, cái sức mạnh nằm ngoài phạm vi của ý thức, đang điều khiển hành vi của bạn. Ví dụ, một nhà phân tâm học có thể nhận định rằng James gọi nhầm tên là do bởi những cảm xúc chưa được giải tỏa bên trong con người anh ta về người bạn gái cũ hoặc có thể là vì mối e sợ của anh ta trước một mối quan hệ mới.

Freud tin rằng hầu hết vùng vô thức là khá khó tiếp cận nhưng những nội dung của tâm trí vô thức có thể đôi lúc “trồi’ lên theo một cách chẳng ai ngờ tới như giấc mơ hoặc những lúc lỡ lời vô ý.

Như đã đề cập, vô thức chứa đựng những suy nghĩ, cảm xúc, ký ức, mong muốn, và động lực nằm ẩn sau tấm rèm ý thức, thế nhưng nó vẫn không ngừng ảnh hưởng lên hành vi. Vì vậy, khi gọi nhầm tên người mới bằng tên người cũ, James có thể đang thổ lộ những cảm xúc vô thức liên quan đến mối quan hệ trước đây.

Ý thức và Tiền ý thức: Một cái nhìn cận cảnh hơn

Nội dung chứa đựng trong ý thức bao gồm tất cả những thứ mà bạn chủ động nhận thức được tại bất kỳ thời điểm nào. Ví dụ, vào lúc này, bạn nhận thức được thông tin bạn đang đọc, âm nhạc bạn đang nghe, hoặc một cuộc trò chuyện với người khác. Tất cả các suy nghĩ đi qua tâm trí bạn, cảm giác và cảm nhận của bạn về thế giới xung quanh, và cả những ký ức bạn gom lại trong nhận thức chính là trải nghiệm của ý thức trong bạn.

Tiền ý thức cũng có mối liên hệ gần gũi, nó bao hàm tất cả những thứ bạn có khả năng kéo lại về với ý thức. Bạn có thể không phải lúc nào cũng chủ động nghĩ về những ký ức từ hồi tốt nghiệp phổ thông, nhưng bạn vẫn có thể triệu hồi lại thông tin này về với ý thức nếu bạn cần hoặc muốn làm như vậy. Tiền ý thức cũng hoạt động như một người bảo hộ, kiểm soát thông tin nào được cho phép đưa vào vùng ý thức.

Có một điều cần nhớ về ý thức và tiền ý thức là chúng chỉ thể hiện phần băng ở trên. Lượng thông tin chúng nắm giữ bị giới hạn khá nhiều.

Vô thức: Cái gì nằm dưới bề mặt nhận thức?

Nếu ý thức thể hiện cho phần chóp của tảng băng thì vô thức giống như một phần lớn của tảng băng chìm sâu bên dưới, không thể nhìn thấy từ trên mặt nước. Ký ức, suy nghĩ, cảm xúc và thông tin đau đớn, đáng xấu hổ, tội lỗi, hoặc cực kỳ khó chịu đối với chúng ta trong ý thức sẽ được lưu trữ trong một cái kho khổng lồ hình thành nên vùng vô thức.

Mặc dù những thông tin này không tiếp cận được trong trạng thái ý thức, nhưng Freud vẫn tin rằng nó vẫn có thể tác động mạnh mẽ lên hành vi và trạng thái sức khỏe tinh thần của con người khi tỉnh táo. Ông liên hệ sự khó chịu về tâm lý với những cảm xúc chưa giải tỏa từ những xung đột nằm ngoài nhận thức, rất nhiều kỹ thuật trị liệu của ông tập trung vào việc mang những thôi thúc, cảm xúc, và ký ức từ vô thức này về với ý thức đề từ đó ta có thể xử trí chúng một cách hiệu quả. Những kỹ thuật như liên tưởng tự do và phân tích giấc mơ tập trung vào việc mang các tác động từ vùng vô thức tăm tối ra ánh sáng. Nói lỡ lời theo cách nhìn từ học thuyết của Freud, đôi khi lại là một dấu hiệu thể hiện những suy nghĩ và cảm xúc trong vô thức đang “trồi” lên trên bề mặt của nhận thức.

Kết luận

Mặc dù khá nhiều ý tưởng của Freud đã không còn được ưa chuộng trong tâm lý học nhưng tầm quan trọng của vô thức có lẽ đã trở thành một trong những đóng góp quan trọng và lâu dài nhất của ông cho tâm lý học. Liệu pháp phân tâm đi sâu khám phá cách vô thức ảnh hưởng lên hành vi và suy nghĩ, nó đã trở thành một công cụ quan trọng trong điều trị những bệnh lý tâm thần và những vấn đề tâm lý khó chịu.

———————————

Tài liệu tham khảo: 

Carducci, BJ. The Psychology of Personality: Viewpoints, Research, and Applications. New York: John Wiley and Sons; 2009.
Corsini, R. J., & Wedding, D. Current Psychotherapies (9th ed.). Belmont, CA: Brooks Cole; 2011.

Theo LINDANGA.COM

Tags: , ,