Suy ngẫm về một thế giới chẳng có gì là chắc chắn

Chắc chắn không phải lúc nào cũng ổn, nhiều tình huống khiến chúng ta cảm thấy ngờ nghệch, thậm chí hiểm nguy. Cảm giác hoài nghi xuất hiện, tạm thời đưa não bộ đến ngã ba đường để phải cân nhắc nên lựa chọn ngã rẽ nào phù hợp nhất.

Syt ngẫm về một thế giới chẳng có gì là chắc chắn

Chúng ta luôn hoài nghi

Trưởng thành là khi chúng ta biết đối diện thực tế, cân đo đong đếm mọi khả năng trước khi quyết định. Chúng ta hoàn toàn có thể mắc lỗi sai, vì cuộc đời là vậy, nhưng không phải ai cũng dám thừa nhận điểm yếu của bản thân.

Xã hội với vô số kiểu người, đa dạng loại cá tính, nên rất khó để hướng mình theo một sự chắc chắn nhất định. Tức là, theo cách lý giải của giáo sư Nicholas Tampio, con người cần tư duy hoài nghi để phân tích bối cảnh, tiến tới lựa chọn tối ưu cho bản thân và chấp nhận thỏa hiệp để tiếp tục tồn tại.

Triết học cho rằng, sự hoài nghi luôn tồn tại song song với ý niệm chắc chắn. Với bất kể một lập luận nào, chúng ta đều hoàn toàn phát hiện một lập luận “song sinh” phản bác tương ứng, khiến mọi nhận thức hay hay lý luận đều phái sinh những quan điểm trái chiều.

Heracleitus tin vào một thế giới dịch chuyển không hề có chân lý vĩnh cửu, còn triết gia Protagoras khẳng định không có quan điểm tuyệt đối khi chúng là sản phẩm của từng cá nhân. Có thể thế giới quan của họ khác nhau, nhưng điểm chung đều hướng đến kết luận: ở đời, chẳng có gì thực sự chắc như đinh đóng cột cả.

“Ông tổ” của trường phái ngờ vực mọi thứ, triết gia Pyrrho xứ Elis, từng miêu tả lý trí loài người luôn có xu hướng tự mâu thuẫn với nhau. Thuyết hoài nghi do ông khởi xướng ra đời, tạo ra một thế giới quan khác lạ mà ở đó phương pháp hoài nghi trở thành kim chỉ nam cho mọi nghiên cứu, hành động.

Nhiều tài liệu ghi chép về một cuộc đời hoài nghi của Pyrrho, cần trợ giúp từ bạn để tránh xa xe cộ, chó mèo và vách núi vì ông coi chúng tựa vật cản để nhìn sâu vào thế giới lục giác quan. Thậm chí, triết gia không đỡ bạn dậy sau vấp ngã trên đường, đơn giản ông đang mải bận tâm về ý nghĩa thực sự của lòng tốt.

Cuộc sống cũng vậy. Ta băn khoăn liệu người có thông minh hơn một chú cún, hẳn vì ta vượt trội hơn chúng từ lúc tiến hóa đến giờ. Pyrrho lại nghĩ khác, loài vật trung thành này có những khả năng mà đôi khi con người “cần phải học tập”, thông minh tựa chúng ta, cũng có cảm xúc và giao tiếp riêng. Thậm chí những loài khác, từ bạch tuộc, cá voi cho đến dơi và nhện đều “cảm” được thế giới xung quanh theo cái cách khác biệt so với con người.

Hay câu chuyện mật ong ngọt nhưng chẳng hấp dẫn thị giác, nước hoa thơm nhưng vị đắng chát, tranh núi non nhìn hùng vĩ trập trùng mà chạm vào lại phẳng lặng. Với triết gia Pyrrho, hoài nghi ẩn mình trong giác quan, bằng sự xung đột, cho ta cảm nhận đa chiều về cùng một sự vật. Thế nên, không thể vội kết luận người này sai, người kia đúng khi não chúng ta lúc nào cũng phải… nghi ngờ.

Một số quan điểm bảo thủ nhấn mạnh, Pyrrho, cùng những người theo đuổi sự hoài nghi, mang bản chất ác quỷ. Nicholas Tampio tin rằng những kẻ hoài nghi vẫn có bản chất loài người, chứ không vô cảm như nhiều triết gia khẳng định.

Họ tồn tại trong mối quan hệ xã hội, chi phối bởi hành vi, nhưng luôn tìm cách truy tìm nguồn gốc ranh giới giữa bản chất bên trong của sự vật và cách chúng biểu hiện ra bên ngoài. Tư duy của Pyrrho mang ảnh hưởng sâu rộng đến mức một trong những người ủng hộ học thuyết của ông, Sextus Empiricus, đã viết nhiều tác phẩm đồ sộ vạch mặt các nhà giáo điều một cách lý trí bằng chính những câu hỏi đậm chất ngờ vực.

Điều này được khẳng định trong Môn đệ Pyrrho, khi những triết gia như Sextus, Montaigne hay Hume đều hướng đến nhận thức vạn vật nhờ giác quan, điểm chạm cơ thể, để học hỏi kỹ năng sinh tồn thuận theo quy luật của thế giới. Như Pyrrho từng nói, hoài nghi vẽ cho loài người tấm bản đồ vô tận về sự vật, mà ở đó “lằn đỏ mỏng manh” cần chú ý thuộc về sự trăn trở của não và cách cơ thể phản ứng lại nó.

Theo đó, không thể loại bỏ hoàn toàn cảm giác nghi ngờ khi sự tồn tại của nó tựa kháng thể trong máu người, sở hữu năng lực loại trừ nguồn cơn của hiểu lầm đến từ kiểu ngụy biện “nổi tiếng luôn đúng”, thói quen “vơ đũa cả nắm” vì tưởng mình giàu kinh nghiệm, hay tư duy “trái tim để trên đầu” khi đánh giá thế giới.

Vượt khỏi vòng an toàn

Chúng ta biết đến hoài nghi kiểu Sextus, giống như nhịp điệu một bài hát cứ tăng dần lên. Cảm thấy không đúng, chúng ta tìm kiếm về nó để xác nhận. Chúng ta loay hoay giữa hai ý niệm “nặng như nhau”, buộc phải chọn lấy một cái, nhưng rồi quyết định buông bỏ để mọi thứ thuận theo tự nhiên.

Sextus cho rằng, khoảnh khắc chúng ta nhận ra mình không thấy lời đáp cho bất cứ một câu hỏi nào, đó là lúc ta rơi vào “khoảng hư vô”. Bên trong hư vô, không hề tồn tại bất cứ khẳng định hay phủ định nào của tri thức, mà tâm trí chạm tới ngưỡng yên bình, chờ đợi những gì có thể xảy đến. Mọi hoang mang tạm thời được quét sạch trước khi não đưa ra phán xét sau cùng.

Trong tiếng Anh, từ sceptic có nguồn gốc từ chữ Hy Lạp skepsis, nghĩa là đặt câu hỏi. Người hoài nghi sẽ luôn làm thí nghiệm, kiểm chứng mọi giả thuyết, cân đo đong đếm các phương án, và chú ý quan sát người khác. Họ tin vào khoa học, bằng chứng “cứng” rõ ràng về phản biện, tin rằng trí tuệ gắn liền với hạn chế, sai lầm chứ không hề hoàn hảo.

Bản thân Pyrrho đã nỗ lực khi cố gắng sống theo thuyết hoài nghi của mình, không muốn gượng ép bản thân với bất cứ ý niệm bàn luận nào về bản chất của thế giới. Ông muốn tự đưa đẩy cuộc sống “trôi theo dòng nước”, hy vọng con người, nếu không ở giữa tranh luận khốc liệt, sẽ sống thông minh và bình an hơn.

Bằng phương cách này, ông tìm kiếm hạnh phúc, hay ít nhất là sự bình yên trong tinh thần. Bởi lẽ, hoài nghi không đơn giản như một kho tàng tri thức mới, đó thực sự là một lối sống cho chúng ta mở mang đầu óc. Như cách Pyrrho từng nghiệm với đời mình: tìm thấy không gian tĩnh lặng để ngẫm nghĩ, đào sâu vào tri thức, chấp nhận lỗi sai mà không cáu giận.

Quan trọng hơn, chúng ta không bị ý niệm chắc chắn che mờ đôi mắt phán xét, để không trở nên quá cực đoan hay nhìn nhận phiến diện. Những người theo thuyết Pyrrho không trở nên thụ động khi ở “khoảng hư vô” mà sống một cách không giáo điều, thuận theo các hiện tượng, các tập tục, và các khuynh hướng tự nhiên.

Nicholas Tampio nói với sinh viên rằng chính họ cần hoài nghi để trở nên hạnh phúc hơn. Việc trì hoãn phán xét (thay vì đưa thẳng ra một kết luận dẫn tới tranh cãi gay gắt) giúp những cô cậu hãy còn thiếu trải nghiệm có thêm thời gian suy tính, bồi đắp dần bản lĩnh. Họ cũng cần hiểu những đặc tính của thế giới xung quanh thực ra phụ thuộc vào sự thay đổi của cách nhìn nhận, tính tương đối của giác quan, hay tâm trạng chúng ta.

Chẳng hạn, cây cỏ luôn màu xanh chỉ đúng ở ban ngày, lúc đêm buông chúng thành màu đen theo quan sát của mắt thường. Thế nên, không thể quá nóng vội khẳng định một điều gì đó phải như này, thế kia. Chúng ta, ai cũng có quyền hoài nghi đến khi hiểu bản chất.

Nhà văn Pháp Michel de Montaigne rất nổi tiếng với “Lời xin lỗi gửi Raymond Sebond”, cho rằng ở thế giới tồn tại liên hệ mật thiết giữa hoài nghi và lòng khoan dung. Mọi ngờ vực không hẳn triệt tiêu sự phát triển, trái lại mang bản chất định hướng của tự nhiên, thuận theo xung động cảm xúc và đâu đó ẩn chứa nghệ thuật tư duy.

Những triết gia như Pyrrho hay Sextus nhận định, hoài nghi bắt nguồn từ văn hoá và môi trường sống, từ đó tạo ra vô số hướng đi cho luân lý cùng đạo đức mỗi người. Hoài nghi thúc đẩy chúng ta sống vượt qua “vòng an toàn” của sự ổn định, thay vì bó hẹp suy nghĩ thì phải tự mình mở mang đầu óc để phát triển cuộc sống.

Thực tế cho thấy, chúng ta của ngày nay luôn bị bao trùm bởi đám mây ngờ vực. Tin tức lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội, ảo hay thật đều không ai rõ. Thuyết hoài nghi bùng nổ về những lời hứa của giới chính khách, liệu có ai tin đó là sự thật đã được “đóng cọc bê tông” không thể thay đổi.

Loài người từng khiếp sợ về rủi ro hóa chất, dù trước đó vui mừng khôn xiết khi nghe “chiếc bánh vẽ” về lợi ích của chúng. DDT chẳng hạn, diệt côn trùng bảo vệ mùa màng nhưng để lại cho hậu thế di chứng môi trường và sức khỏe nặng nề đến mức bị cấm. Nếu không có hoài nghi, chúng ta chắc hẳn sẽ dễ bị “dắt mũi”, đơn giản vì ai cũng có thể mắc lỗi sai, dù đó là nhà khoa học, hay một vị tổng thống…

Theo VIỆT DŨNG / AN NINH THẾ GIỚI

Tags: