Quan điểm của Sigmund Freud về Bản năng sống và Bản năng chết

Trong cuốn sách “Beyond the Pleasure Principle” (Vượt ngoài Nguyên tắc lạc thú) xuất bản năm 1920, Freud đã kết luận rằng tất cả mọi bản năng đều được chia thành hai nhóm: bản năng sống và bản năng chết.

Quan điểm của Sigmund Freud về Bản năng sống và Bản năng chết

Nguồn: https://www.verywellmind.com/life-and-death-instincts-2795847

Học thuyết về động cơ của Freud đã thay đổi và biến hóa trong suốt cuộc đời và sự nghiệp của ông. Ban đầu ông mô tả một nhóm các động cơ có tên là bản năng sống và tin rằng những động cơ này chịu trách nhiệm phần nhiều cho hành vi của chúng ta.

Nhưng cuối cùng, ông lại tin rằng một mình bản năng sống không thể giải thích tất cả các hành vi của con người. Trong cuốn sách “Beyond the Pleasure Principle” (Vượt ngoài Nguyên tắc lạc thú) xuất bản năm 1920, Freud đã kết luận rằng tất cả mọi bản năng đều được chia thành hai nhóm: bản năng sống và bản năng chết.

Bản năng sống (Eros)

Bản năng sống, đôi khi còn được gọi là bản năng tính dục, là những bản năng liên quan đến sinh tồn cơ bản, sự thỏa mãn và sinh sôi nảy nở. Những bản năng này là cần thiết để duy trì sự sống của một con người cũng như duy trì của giống nòi. Mặc dù ta có xu hướng nghĩ về bản năng sống theo hướng sinh sản tình dục nhưng nhóm xung năng này còn bao gồm những thứ như cơn khát, cơn đói và tránh để bị đau. Năng lượng do những bản năng này tạo ra còn có tên gọi là dục năng.

Trong những học thuyết đầu tiên về phân tâm học, Freud phát biểu rằng Eros đi nghịch với những nguồn sức mạnh của bản ngã (phần tinh thần thực tế, có tổ chức của một người có nhiệm vụ điều tiết các ham muốn). Sau này, ông xác nhận lại rằng bản năng sống đối nghịch với bản năng chết, tức bản năng tự hủy hoại bản thân, có tên gọi là Thanatos.

Những hành vi thường có liên quan đến bản năng sống bao gồm tình yêu, sự hợp tác và những hành vi thuận xã hội khác.

Bản năng sống tập trung vào bảo tồn sự sống, cả ở cấp độ cá nhân và giống loài. Loại động cơ này thúc đẩy con người ta thực hiện những hành động giúp duy trì sự sống của bản thân, như chăm sóc sức khỏe và chăm lo an toàn. Và bằng xung năng tình dục, nó thúc đẩy con người ta kiến tạo và nuôi dưỡng những mầm sống mới.

Những cảm xúc tích cực như yêu, thương, các hành động thuận xã hội và hợp tác với người khác thuộc về nhóm bản năng sống. Những hành vi này hỗ trợ cho cả cuộc sống của cá nhân và cả sự tồn tại hòa hợp của một xã hội lành mạnh, tương thân tương ái.

Bản năng chết (Thanatos)

Khái niệm về bản năng chết được mô tả lần đầu trong cuốn “Beyond the Pleasure Principle”, trong đó Freud có phát biểu rằng “Mục đích của tất cả mọi sự sống đều là cái chết”. Freud tin rằng con người ta về cơ bản đều hướng đến việc thể hiện những bản năng chết này ra bên ngoài. Ví dụ, sự hung hăng là cái sinh ra từ bản năng chết. Tuy nhiên, đôi khi nhóm bản năng hướng đế sự hủy diệt này có thể được hướng vào bên trong, gây ra những hành vi tự làm hại bản thân hoặc tự sát.

Để hỗ trợ cho học thuyết này, Freud đã lưu ý rằng người nào trải nghiệm một sự kiện gây sang chấn có thể sẽ thường xuyên tái diễn lại trải nghiệm đó. Từ đây, ông kết luận rằng những người đang nắm giữ những ham muốn vô thức rằng mình muốn chết bà bản năng sống của họ đang vất vả “cân” lại ham muốn này.

Freud đã dựa trên một số các trải nghiệm then chốt để xây dựng nên học thuyết này:

Khi làm việc với cựu binh sau Thế chiến thứ I, Freud quan sát thấy rằng những đối tượng của ông thường tái diễn lại những trải nghiệm thời chiến và cho biết “những giấc mơ mang tính sang chấn có đặc điểm là liên tục đưa người bệnh quay trở về lại tình huống lúc họ bị thương.”

Freud cũng lưu ý thấy hành vi tương tự ở Ernest, đứa cháu trai 18 tháng tuổi của mình. Cậu bé luôn chơi một trò chơi có tên gọi Fort/Da khi mẹ đi vắng. Để đối phó với lo âu, cậu bé sẽ ném đi một ống cuộn có dây cột vào cũi của mình và hô “fort” (nghĩa là “đằng kia”) mỗi khi cuộn dây biến mất và hô “da” (nghĩa là “đằng này”) khi cậu chàng cuộn nó lại. Freud tự hỏi “Làm sao mà việc lặp đi lặp lại trải nghiệm khó chịu như một trò chơi lại có điểm nào phù hợp với nguyên tắc thỏa mãn khoái lạc?”

Cuối cùng, trong nhóm các bệnh nhân của mình, Freud thấy nhiều người có trải nghiệm sang chấn đang đè nén có khuynh hướng “lặp đi lặp lại thứ đang bị đè nén, hình thành một trải nghiệm mang tính tạm thời” thay vì nhớ lại nó hay coi nó là một thứ gì đó thuộc về quá khứ.

Theo quan điểm của Freud, sự thôi thúc, cưỡng chế phải lặp lại hành vi là “một thứ gì đó khá nguyên thủy, cơ bản, thuộc về bản năng hơn là nguyên tắc thỏa mãn mà nó chà đạp.” Ông cũng đề xuất thêm rằng bản năng chết là sự mở rộng hiện tượng này, nơi tất cả mọi sinh vật sống đều có một “niềm thoải mãn đối với cái chết” hết sức bản năng. Và nhóm bản năng này đi ngược lại hoàn toàn với bản năng sống tồn, sinh sôi nảy nở và thỏa mãn các ham muốn.

Hơn nữa, Freud xác nhận rằng, khi nguồn năng lượng được hướng thể hiện ra bên ngoài với người khác thì nó sẽ được thể hiện dưới hình hài của sự hung hăng và bạo lực.

Kết luận

Mặc dù các học thuyết của Freud không còn giữ được vị thế thống trị của nó như ngày trước nhưng hiểu được cách khuynh hướng bảo vệ và phá hủy bản thân tác động như thế nào lên hành vi có thể giúp ích cho cuộc sống của bạn. Bản năng sống có thể thôi thúc bạn tìm kiếm những mối quan hệ lành mạnh và sự hỗ trợ từ xã hội, điều này là thiết yếu cho đời sống cảm xúc của chúng ta.

Xu hướng hủy hoại bản thân, mặt khác, lại có thể khiến bạn thực hiện những hành động không lành mạnh, như cư xử hung hăng hay có những hành vi liều lĩnh. Một khi bạn nhận ra những khuynh hướng này tồn tại bên trong bạn thì bạn sẽ có thể điều tiết những nguồn xung năng trong bạn và thay thế những hành vi tiêu cực bằng những sự lựa chọn khác tích cực hơn.

————————–

Tài liệu tham khảo:

Mitchell, S. and Black. M. (2016) Freud and Beyond: A History of Modern Psychoanalytic Thought (Updated Edition). New York, New York: Basic Books/Hachette Books; ISBN-13: 978-0465098811.

Theo LINDANGA.COM

Tags: ,