Xung đột Nagorno-Karabakh: Khi UAV ‘thảm sát’ xe tăng

Cuộc chiến Nagorno-Karabakh cho thấy xe tăng đang là mục tiêu dễ dàng đối với máy bay không người lái tấn công.

Xung đột Nagorno-Karabakh: Khi UAV ‘thảm sát’ xe tăng

Cuộc chiến Nagorno-Karabakh lần thứ hai cho thấy sự dễ bị tổn thương của các phương tiện bọc thép, đặc biệt là xe tăng trước máy bay không người lái (UAV) công nghệ cao của Thổ Nhĩ Kỳ và Israel.

Theo tờ Zvezda, hiệu quả của UAV đã vượt xa vũ khí chống tăng mặt đất. Về vấn đề này, ấn phẩm kết luận rằng trong điều kiện hiện đại, việc bảo vệ xe tăng ngày càng trở nên khó khăn hơn do số lượng và tính chất của các mối đe dọa ngày càng tăng.

Các nhà thiết kế Nga đang cố gắng cải thiện khả năng sống sót của xe tăng. Người ta đã biết về kế hoạch lắp đặt trênT-72B3M và T-80BVM tổ hợp bảo vệ chủ động Arena-M, các khối giáp phản ứng nổ Relikt thay thế Kontakt-5 ở những vị trí trọng yếu.

Bên cạnh đó, khả năng sống sót của xe tăng cũng được lên kế hoạch nâng cao nhờ các hệ thống bảo vệ điện từ và hệ thống phòng cháy chữa cháy đa tác dụng hoàn toàn tự động.

Theo các nhà phân tích phương Tây, nếu không tính đến việc bị quân đội Azerbaijan bắt làm chiến lợi phẩm, Armenia đã mất hơn 120 xe tăng thuộc nhiều loại cải tiến (Azerbaijan cũng mất 30 chiếc), 24 xe bọc thép, khoảng 20 xe bộ binh chiến đấu, 120 pháo xe kéo và 17 pháo tự hành.

Azerbaijan không được coi là một cường quốc quân sự, nhưng nhờ sử dụng các UAV tiên tiến như Bayraktar TB2, Harop và Skystriker, nước này đã có thể áp đặt kịch bản của riêng mình cho sự phát triển của cuộc xung đột.

Đồng thời cần tính đến sự hỗ trợ đắc lực của Thổ Nhĩ Kỳ đối với lực lượng mặt đất Azerbaijan, khi quốc gia này chịu trách nhiệm tuần tra bầu trời Nagorno-Karabakh thông qua sự hỗ trợ của máy bay chỉ huy – cảnh báo sớm trên không Boeing 737 AEW & C.

Phó Giáo sư khoa Khoa học Chính trị và Xã hội của PRUE Plekhanov – một thành viên của hội đồng chuyên gia “Sĩ quan Nga” – ông Alexander Perendzhiev tin rằng trong thực tế hiện đại, không nên sử dụng xe tăng theo nguyên tắc của pháo tự hành.

“Sắp tới xe tăng phải được trang bị hệ thống phòng không cỡ nhỏ. Ngoài ra cần có các phương tiện hỗ trợ đặc biệt trên chiến trường. Chúng có nhiệm vụ bảo vệ xe tăng khỏi mối đe dọa từ trên không”, ông Perendzhiev nói.

Vị chuyên gia giải thích rằng quân đội hiện phải suy nghĩ kỹ hơn về việc sử dụng xe tăng trong trận chiến do có quá nhiều vũ khí đe dọa. Nếu xe tăng được sử dụng không hiệu quả trên chiến trường, điều này không có nghĩa là bản thân chúng đã lỗi thời.

“Đúng hơn là các bộ chỉ huy không hiểu tầm quan trọng của xe tăng trong tác chiến hiện đại,” chuyên gia này nhận định. Ngoài việc tăng cường hệ thống bảo vệ, cần phải tạo ra các phương tiện mới để hỗ trợ chúng, chẳng hạn như UAV, ông Perendzhiev tin tưởng.

Vadim Kozyulin – giáo sư Học viện Khoa học Quân sự, Giám đốc dự án Vũ khí thông thường của Trung tâm PIR và ATMT nhớ lại rằng vài năm trước, những cuộc thảo luận đầu tiên đã xuất hiện ở Syria về khả năng UAV thay đổi tiến trình của cuộc xung đột quân sự.

“Các UAV đối phương đã tấn công một cách đồng bộ và mang tải chiến đấu tốt. Nếu không nhờ những hệ thống phòng vệ vốn không phải lúc nào cũng đáng tin cậy, thì nó đã là một lực lượng đáng gờm, ngay cả trong phiên bản tự chế”, ông Kozyulin nói.

Theo ông Kozyulin, khắp thế giới đang tìm kiếm những cách bảo vệ xe tăng hiệu quả trước UAV tấn công, nhưng ngay cả hệ thống hiện đại nhất cũng chưa chắc sẽ giải quyết được vấn đề này.

Đây là một vấn đề nghiêm trọng đối với quân đội, và nó sẽ đòi hỏi một khoản đầu tư lớn. Cho đến nay, các hệ thống phòng không hoạt động tương đối hiệu quả khi kết hợp với tác chiến điện tử (EW). Nhưng Armenia không có những tổ hợp hiện đại như vậy.

Tình báo Armenia đã bỏ lỡ sự xuất hiện của các vũ khí tấn công mới. Thật ngạc nhiên khi họ tiếp cận vấn đề này một cách nhẹ nhàng. Một vấn đề nữa là Nga thiếu sót máy bay không người lái đủ mạnh, nên Armenia cũng không có.

Người phụ trách chuyên mục cho tạp chí “Kho vũ khí của Tổ quốc” – chuyên gia mitry Drozdenko đồng ý việc yếu tố Armenia thiếu một hệ thống phòng không phù hợp, đào tạo nhân lực kém đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến Karabakh.

Mặc dù xe tăng có thể trở nên an toàn hơn với hệ thống phòng chủ chủ động, nhưng vũ khí này mới chỉ được tối ưu hóa cho đánh chặn đạn chống tăng chứ không phải UAV tấn công, chuyên gia Drozdenko thừa nhận.

Đối với việc bảo vệ các xe tăng hiện đại nhất của Nga, chẳng hạn như T-14 Armata khỏi các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái, cần đưa ra biện pháp cụ thể.

“Tình hình ở Karabakh là một lý do để đưa ra kết luận: Công nghệ không đứng yên và vẫn phủ định nhau. Đây là điều có từ xa xưa”, chuyên gia Drozdenko tổng kết.

Theo AN NINH THỦ ĐÔ 

Tags: , , ,