⠀
Xoay trục sang châu Á – Thái Bình Dương: Thế lưỡng nan của Biden
Ông Biden sẽ phải sớm bắt tay vào giải quyết các vấn đề Trung Đông và châu Á – Thái Bình Dương trước khi mọi việc vượt quá tầm tay.
Tác giả: Tiến sỹ Terry F. Buss.
Biên dịch: Đào Thúy.
Cựu Tổng thống Barack Obama đã hoài công trong nỗ lực rút trọng tâm của nước Mỹ khỏi “các cuộc chiến vô tận” ở Trung Đông và chuyển hướng sang châu Á – Thái Bình Dương.
Các nhà phê bình tin rằng Mỹ vẫn sa lầy ở Trung Đông vì ông Obama đã cố gắng thiết lập lại cán cân quyền lực ở khu vực này – chuyển từ hướng có lợi cho các quốc gia Ả Rập do Ả Rập Saudi đứng đầu sang ủng hộ Iran.
Obama tin rằng ông có thể trì hoãn chương trình vũ khí hạt nhân của Iran bằng việc cung cấp cho nước này những lợi ích thông qua tăng cường đầu tư nước ngoài, tiếp cận hệ thống tài chính quốc tế, gia hạn thương mại với phương Tây và giảm bớt các lệnh trừng phạt kinh tế nặng nề.
Với những ưu đãi đó, Mỹ hy vọng Iran sẽ từ bỏ các hoạt động gây bất ổn và can thiệp vào khu vực.
Sáng kiến Trung Đông của Donald Trump
Cựu Tổng thống Donald Trump đã giúp cải thiện tình hình Trung Đông. Ông thiết lập lại cán cân quyền lực cho Ả Rập Saudi và các đồng minh Ả Rập, đồng thời tái củng cố quyền lực cho Israel trước đó đã bị gạt ra ngoài lề. Ông Trump ủng hộ Ả Rập Saudi trong cuộc chiến chống lại phe nổi dậy của Yemen. Ả Rập Saudi mua vũ khí của Mỹ và ông Trump đã triển khai quân đội Mỹ ở đó.
Ông Trump đã vô hiệu hóa các lực lượng thánh chiến của Nhà nước Hồi giáo đang chiếm đóng Syria và Iraq, cho phép Mỹ rút khỏi cuộc chiến Iraq và cuộc nội chiến ở Syria. Mỹ đã tiêu diệt thủ lĩnh thánh chiến al-Baghdadi, loại bỏ tướng Qassem Soleimani, chỉ huy lực lượng Quds của Iran, người đứng đầu các động thái nhằm gây mất ổn định khu vực.
Ông khởi xướng Sáng kiến hòa bình mang tên “hiệp định Abraham” giữa Israel và Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Bahrain, Morocco và Sudan. Trước đó, Israel đã duy trì quan hệ hòa bình với Ai Cập (1979) và Jordan (1994). Ông đang trong quá trình rút quân đội Mỹ khỏi Afghanistan. Và dường như đã sẵn sàng xoay trục sang châu Á – Thái Bình Dương.
Đại dịch COVID-19 ập đến và chiến thắng của ông Biden trong cuộc bầu cử Tổng thống đã đặt dấu chấm hết cho kế hoạch xoay trục của ông Trump.
Sáng kiến Trung Đông của Tổng thống Biden
Sau lễ nhậm chức ngày 20/1, ông Biden đang lật ngược các chính sách của ông Trump và theo đuổi cách tiếp cận Obama 2.0: Tái củng cố quyền lực cho Iran, ngừng ủng hộ Israel và các quốc gia liên minh đứng đầu là Ả Rập Saudi.
Theo Tướng Jack Keane, cựu Phó tổng tham mưu trưởng Lục quân Hoa Kỳ đã nghỉ hưu, Nhóm đặc trách Iran của chính quyền đương nhiệm bao gồm chính các thành viên của nhóm đàm phán trao quyền cho Iran trong Thỏa thuận vũ khí hạt nhân Iran năm 2015.
Nhóm đàm phán của Mỹ đi theo hướng của Pháp, Đức và Anh là những quốc gia đang theo đuổi các mối quan hệ kinh tế với Iran. Châu Âu đang muốn quay trở lại hiệp định ban đầu.
Các nhà đàm phán của nhóm đặc trách Iran muốn dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế nặng nề mà chính quyền của ông Trump đã áp đặt trước đó. Họ không yêu cầu Iran ngừng các hoạt động thử nghiệm tên lửa đạn đạo, làm giàu uranium…
Chính quyền Mỹ đã ngừng các chuyến hàng vận chuyển vũ khí bán cho Ả Rập Saudi (350 tỷ USD trong 10 năm) và UAE (23 tỷ USD). Kết quả là Ả Rập Saudi đang cân nhắc mua vũ khí từ Nga. Mỹ cũng đã rút các hệ thống tên lửa và quân đội khỏi Ả Rập Saudi.
Cùng với đó, Mỹ nối lại khoản viện trợ 235 triệu USD cho Palestine, trước đó đã bị chính quyền của ông Trump ngăn chặn, và cho phép mở lại văn phòng của Tổ chức Giải phóng Palestine ở Washington.
Mỹ cũng tái gia nhập Hội đồng Nhân quyền LHQ mà trước đó chính quyền Trump đã từ bỏ sau quyết định của Hội đồng không công nhận Israel là một quốc gia dân tộc.
Cùng lúc với việc chấm dứt sự hậu thuẫn cho Israel và Ả Rập Saudi, và nối lại hợp tác với Iran, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã đến thăm Israel để đảm bảo “sự hỗ trợ vững chắc của Mỹ” dành cho nước này.
Kế hoạch xoay trục sang châu Á
Trong khi Mỹ sa lầy ở Trung Đông thì Trung Quốc đang thúc đẩy lợi ích của mình ở châu Á – Thái Bình Dương và ở khu vực này.
Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận trị giá 400 tỷ USD với Iran, bao gồm các khoản đầu tư trong khuôn khổ sáng kiến “Vành đai và Con đường” và hợp tác quân sự để đổi lấy dầu mỏ. Trung Quốc đang chống lại nỗ lực của chính quyền Mỹ nhằm gây ảnh hưởng đến Iran và Thỏa thuận hạt nhân. Trung Quốc cũng góp một phần trong các cuộc đàm phán Thỏa thuận hạt nhân Iran, và Nga cũng vậy.
Trung Quốc đã ký Hiệp ước an ninh với Pakistan, Nepal và Afghanistan, trong một nỗ lực tạo ảnh hưởng ở Trung Đông và đối đầu với các động thái của Mỹ. Rất có thể, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ sớm có mặt trong liên minh này. Nga, hiện hợp tác với Iran để hỗ trợ Syria, cũng tham gia.
Trung Quốc có căn cứ hải quân ở Djibouti, một nước Cộng hoà ở Đông Phi, gần cơ sở quân sự của Mỹ. Và Trung Quốc đang kiểm soát các cảng biển ở Pakistan và Hy Lạp.
Ông Biden vẫn đang để ngỏ vấn đề Triều Tiên, mặc dù ông cho rằng Trung Quốc phải đứng ra giúp chấm dứt tình trạng bế tắc trong chương trình vũ khí hạt nhân của nước này.
Trung Quốc đang thực hiện phép thử đối với các giải pháp chính sách của chính quyền Biden ở châu Á – Thái Bình Dương: Tăng cường các hoạt động ở Biển Đông; điều đội tàu hùng hậu vây đá Ba Đầu; Thực hiện các vụ xuất kích quân sự trên quần đảo Senkaku của Nhật Bản; Xây dựng các ngôi làng tại các khu vực tranh chấp trên dãy Himalaya, giáp biên với Ấn Độ; Thâu tóm các cảng biển của Sri Lanka… Ngoài ra, Trung Quốc cũng có nhiều hoạt động cứng rắn với Đài Loan.
Ông Biden đã có một cuộc họp thành công với các quốc gia thành viên của “Tứ giác Kim cương”, bao gồm Nhật Bản, Úc và Ấn Độ, những quốc gia đang lo ngại về ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc. Trong cuộc họp, chính quyền Mỹ đã khẳng định sẵn sàng bảo vệ Đài Loan và Nhật Bản.
Mỹ cũng đã tiến hành các hoạt động hải quân với Philippines và điều một máy bay chở lực lượng tấn công đến khu vực để đối đầu với Trung Quốc.
Viễn cảnh
Ông Biden đang tập trung vào các vấn đề đối nội trong những ngày đầu của nhiệm kỳ. Nhưng nhiều người tin rằng, ông sẽ phải sớm bắt tay vào giải quyết các vấn đề Trung Đông và châu Á – Thái Bình Dương trước khi mọi việc vượt quá tầm tay.
Mặc dù có rất nhiều vấn đề đang sôi sục ở cả 2 khu vực này, đề xuất ngân sách mới của chính quyền đương nhiệm chỉ yêu cầu mức tương tự như năm 2020. Điều này có nghĩa là việc hiện đại hóa vũ khí hạt nhân, phòng thủ an ninh mạng và lực lượng không gian sẽ không có đủ ngân sách cần thiết bất chấp khuyến cáo của các nhà phê bình về việc cần phải củng cố các lĩnh vực này.
Trong vài tháng tới, chúng ta sẽ có có câu trả lời rõ hơn cho câu hỏi: Các chính sách đan xen của chính quyền Mỹ về Trung Đông và châu Á -Thái Bình Dương sẽ tiến triển như thế nào?
Theo VIETNAMNET
Tags: Mỹ, Trung Đông, Châu Á - Thái Bình Dương