⠀
Xem gốm Nhật Bản, nghĩ buồn cho gốm Việt Nam đương đại
Gốm của ta đến hôm nay vẫn nhàn nhạt thiếu cá tính lại rất dễ tính trong cóp nhặt mẫu mã, thậm chí sẵn sàng làm nhái mà vẫn dễ dàng được chấp nhận.
Đồ gốm truyền thống Nhật Bản.
Mới đây, Bảo tàng Mỹ thuật có một trưng bày nho nhỏ về gốm Nhật. Giống như Việt Nam, Nhật cũng có khá nhiều dòng gốm. Theo như giới thiệu thì có đến 6 vùng với sự ra đời sớm muộn khác nhau. Sớm nhất có lẽ là gốm Bizen, khởi đầu từ năm 974 với sản phẩm bình hoa lọ… Sau đó là gốm Seto và Mino (1186), Arita và Karatsu, Hagi (1575). Còn mới nhất cách một hai thế kỉ là ở Tokyo, Mashiko, Kyoto và Tanba.
1. Có lẽ điều đầu tiên tôi muốn bàn là về màu. Các sản phẩm gốm Nhật được trưng bày đều rất trang nhã, có cái mang vẻ quí tộc, nhưng có cái rất mộc mạc, bình dân. Về màu, thường “no” mà chắc.
Người Nhật không ưa cái gì quá sặc sỡ, họ theo bảng màu trung tính, gam trầm. Mới xem cho cảm giác hơi “thiếu” cái gì đó nở rộ. Nhưng rồi đi một vòng xem lại thấy “vừa”, đi xem lần thứ ba thấy “đủ”.
Nó giống như người ta ăn bữa tiệc, cảm giác lưng bụng rồi thì đứng lên, nuôi cảm giác no dần và vừa đủ để người ta khoan khoái nhớ những món ngon sau bữa tiệc. Gốm Nhật cho tôi cảm giác như thế.
Điều thứ hai muốn nói ở đây là người Nhật rất để ý đến tạo hình phong phú mà không xa lạ, gu thẩm mĩ tốt và đặc biệt là dấu ấn cá nhân thợ gốm để lại trên sản phẩm rất mạnh mẽ. Nhìn gốm thấy được tình yêu của nghệ nhân với đất sét trên từng sản phẩm, những đường hoa văn đơn giản nhưng kĩ lưỡng đến chi tiết. Họ tiết chế đến tối đa sắc màu men để lộ chất đất trên từng sản phẩm. Đó là điều đặc biệt của gốm Nhật chăng?
Để nuôi một dòng nghệ thuật, chỉ những nghệ nhân say sưa, tài ba thôi chưa đủ, mà còn cần cả giới tiêu dùng kĩ tính và khó tính, nhưng có chung một tình yêu gốm. Gốm Nhật có lẽ đã hội đủ các điều kiện cần thiết để tồn tại, phát triển.
2. Xem gốm Nhật, quay về đất nước mình, tôi thấy chúng ta từng có những thương hiệu gốm danh tiếng như Thổ Hà, Chu Đậu, Bát Tràng, Phù Lãng, Đông Triều, Thanh Hà, Bình Dương…, trong đó gốm Chu Đậu (Hải Dương) có tiếng vang trên trường quốc tế từ rất sớm, hoặc gốm thời Mạc cũng vang danh đến hôm nay.
Nhưng có cái gì như thiếu sự bền bỉ của cả một dân tộc. Chúng ta gần đây không phải không có những nghệ nhân gốm tài danh như gốm Đoan, gốm Chi và một số tên tuổi nữa.
Họ đã có những tác phẩm gốm độc lập và cũng có những gốm dân dụng khá sắc nét. Nhưng rồi xã hội ta, có lẽ vì mới chỉ có thói quen dùng gốm dân dụng, nên hàng gốm cao cấp không thể bùng phát. Một xã hội tiêu dùng dễ tính và ưa vọng ngoại đã đủ làm chột đi những tài danh mới nhú mầm.
Cho nên gốm của ta đến hôm nay vẫn nhàn nhạt thiếu cá tính lại rất dễ tính trong cóp nhặt mẫu mã, thậm chí sẵn sàng làm nhái mà vẫn dễ dàng được chấp nhận. Đó là điều làm cho sự lười nhác trong sáng tạo có chỗ ỷ lại.
Tôi thích gốm Nhật vì nhìn vào đó thấy dấu ấn cá nhân, thấy niềm tự hào gốm và tình yêu đất sét trong mỗi nghệ nhân gốm. Có lẽ đó cũng là cái đích mà gốm Việt cần vươn tới, vì thực ra chúng ta đâu thiếu tài năng, nhưng sự nghiệp nào muốn thành công cũng có cái gốc toàn dân nuôi dưỡng, mà cái đó khởi nguồn từ giáo dục.
Chúng ta cần nhẫn nại để các thế hệ nối tiếp nhận ra mình là ai. Đó là việc lớn, nhưng không xa lạ vì nó nằm ngay ở cuộc sống bình dị, đôi khi chỉ là cách nhìn sản phẩm tiêu dùng, đơn giản đến kì lạ!
Theo ĐỖ ĐỨC / THỂ THAO & VĂN HÓA
Tags: Văn hóa Việt, Văn hóa Nhật Bản, Thủ công - mỹ nghệ