Vua Lý Thái Tông: Người ban hành bộ luật thành văn đầu tiên của Việt Nam

Văn võ song toàn, lại nhân từ độ lượng, Lý Thái Tông xứng đáng được xếp là một trong những vị vua sáng trong lịch sử phong kiến Việt Nam.

Vua Lý Thái Tông, người ban hành bộ luật thành văn đầu tiên của Việt Nam

Bàn thờ vua Lý Thái Tổ và Lý Thái Tông ở đền Đô, Bắc Ninh.

Lý Thái Tông tên húy là Lý Phật Mã, có tên khác là Lý Đức Chính (sách An Nam chí lược của tác giả người Trung Quốc Lê Tắc cũng chép tên húy của Lý Thái Tông là Lý Đức Chính), sinh ngày 26/6 năm Canh Tý (1000), là con trưởng của vua Lý Công Uẩn. Trong Đại Việt sử ký toàn thư còn chép lại câu chuyện về Lý Phật Mã lúc mới sinh thế này: Lý Phật Mã chào đời đã có 7 nốt ruồi xếp hình như chòm sao Thất Tinh (chòm Bắc Đẩu) ở sau gáy. Khi ấy, ở phủ Trường Yên có con trâu đột nhiên thay sừng. Người chủ của con trâu lấy làm lo lắng lắm vì cho rằng đó là điềm xấu. Có một thầy bói ở Cầu Đông đi qua, cười mà nói: “Đấy là điềm đổi mới, can dự gì đến nhà anh mà lo”. Bấy giờ, người chủ của con trâu mới hết lo. Sau này, quả đúng nhà Tiền Lê bị mục ruỗng, thế sự có đổi mới khi nhà Lý lên thay quyền trị vì thiên hạ.

Lý Phật Mã được lập làm thái tử năm 1012, được phong chức Khai Thiên Vương và được Lý Thái Tổ cho lập phủ ở ngoài nội cung để giao lưu với quan lại, dân chúng, tích lũy kinh nghiệm và vốn sống. Thời gian này, thái tử Lý Phật Mã nhiều lần được giao lãnh nhiệm vụ cầm quân dẹp loạn và lập được nhiều công lớn.

Năm 1928, Lý Thái Tổ băng hà. Còn chưa kịp làm lễ táng cho vua cha, ba hoàng tử là Võ Đức Vương, Dực Thánh Vương và Đông Chính Vương đã kéo quân vây thành hòng tranh ngôi với anh trai là thái tử Khai Thiên Vương. Khi quân của thái tử và quân bạo loạn của ba hoàng tử giáp trận, Võ vệ tướng quân Lê Phụng Hiểu bèn tuốt kiếm chỏ mặt Võ Đức Vương mà mắng rằng: “Các người dòm ngó ngôi cao, khinh rẻ Tự quân, trên quên ơn tiên đế, dưới trái nghĩa vua tôi. Vậy, Phụng Hiểu xin dâng nhát gươm này”. Dứt lời, Phụng Hiểu thúc ngựa xông tới chém Võ Đức Vương chết tại trận. Hai hoàng tử còn lại cả kinh bèn xin hàng. Là người khoan dung, Lý Thái Tông không trách tội hai em, lại cho phục chức vị như cũ.

Để tránh cảnh “nồi da nấu thịt” tái diễn đáng tiếc một lần nữa, Lý Thái Tông định lệ hằng năm bá quan văn võ phải đến đền Đồng Cổ (Yên Thái, Hà Nội) thực hiện nghi lễ tuyên thề: “Làm con phải hiếu, làm tôi phải trung. Ai bất hiếu, bất trung, xin quỷ thần làm tội”. Người nào không đến thi hành nghi lễ tuyên thề này sẽ bị phạt đánh 50 trượng.

Vốn đươc rèn rũa từ tấm bé, tài võ bị, thao lược của Lý Thái Tông nức tiếng gần xa. Phàm là giặc Chiêm Thành quấy phá hay giặc cỏ nổi loạn đều bị Lý Thái Tông cầm quân dẹp yên. Năm 1044, giặc Chiêm Thành quấy quả vùng biên, Lý Thái Tông cầm quân đánh thẳng vào kinh đô Chiêm Thành, chém chết vua Chiêm. Từ ấy, bờ cõi được yên ổn. Ở vùng biên giới phía Bắc, họ Nùng dấy quân làm phản, tự xưng hoàng đế, tự lập quốc hiệu, lại xua quân quấy phá khiến dân chúng không được yên. Lý Thái Tông bèn đích thân cầm quân dẹp loạn, bắt được kẻ cầm đầu là Nùng Tốn Phúc và vợ con hắn về kinh trị tội. Riêng có Nùng Trí Cao chạy thoát, lại nối gót cha làm phản, vẫn xưng đế và cướp đất làm càn. Lý Thái Tông bèn sai người đi đánh, bắt được Trí Cao. Để tỏ lòng khoan dung, Thái Tông tha chết cho Trí Cao, phong cho chức Quảng Nguyên Mục, tước Thái Bảo. Nhưng Trí Cao vẫn ngầm nuôi mộng xưng đế. Năm 1048, Trí Cao lại xưng là Nhân Huệ hoàng đế, bị tướng triều đình là Quách Thịnh Dật đánh chạy dạt sang đất Trung Quốc. Tại đây, Trí Cao cầm quân đánh chiếm Ung Châu và 8 châu khác thuộc vùng Quảng Đông, Quảng Tây của nhà Tống.

Sử gia nước ta ghi chép lại sự kiện này như sau: Bấy giờ, vua Tống muốn nhờ Đại Việt chi viện tiến đánh Trí Cao. Nhưng đại tướng Địch Thanh can gián: “Mượn binh ngoài để trừ giặc trong chẳng phải là việc hay. Vì Trí Cao giày phá hai châu, không chế ngự nổi, phải nhờ binh ngoại viện. Giả thử binh ấy nhân đó mà làm loạn thì ta biết lấy gì mà chế ngự? Vậy xin bãi viện binh của Giao Chỉ”. Vua Tống nghe theo, bèn xuống chiếu đình chỉ viện binh của Đại Việt. Nhưng nhà Tống dùng kế gì cũng không dẹp yên được giặc Nùng. Cuối cùng, may nhờ dân Đại Lý bắt được Nùng Trí Cao chém đầu, nhà Tống mới được yên.

Về kế sách trị nước, Lý Thái Tông chủ trương dùng pháp trị kết hợp với đức trị. Chính sự kết hợp hài hòa, mềm dẻo này mà xã hội dưới thời trị vì của Lý Thái Tông rất phát triển.

Với chủ trương pháp trị, năm 1042, Lý Thái Tông cho soạn bộ “Hình thư”. Đây là bộ luật thành văn đầu tiên của nước ta, mở ra kỷ nguyên mới cho lịch sử lập pháp của Đại Việt. Tiếc rằng bộ luật này sau đó bị giặc phương Bắc cướp và tiêu hủy mất. Người đời sau vì thế mất đi một tư liệu quý.

Dù ban hành Hình thư, nhưng Lý Thái Tông chủ trương không nặng về hình phạt, coi trọng việc cảm hóa người dân. Với những tội nhẹ, Lý Thái Tông định ra quy chế cho được lấy tiền chuộc tội. Bởi vậy, xã hội ngày càng ít có loạn.

Lý Thái Tông cũng là vị vua rất biết khoan sức dân. Mỗi khi mất mùa, đói kém, hoặc giả đánh trận trở về, vua đều giảm thuế cho dân. Vì thế, nhân dân rất phấn khởi, hết lòng quy thuận.

Vua Lý Thái Tông ở ngôi được 27 năm, đến năm 1054 thì băng hà, thọ 55 tuổi. Trong thời gian ở ngôi, ông đổi 6 niên hiệu: Thiên Thành (1028-1034), Thông Thụy (1034-1039), Càn Phù Hữu Đạo (1039-1042), Minh Đạo (1042-1044), Thiên Cảm Thánh Vũ (1044-1049), Sùng Hưng Đại Bảo (1049-1054).

Văn võ song toàn, lại nhân từ độ lượng, Lý Thái Tông xứng đáng được xếp là một trong những vị vua sáng trong lịch sử phong kiến Việt Nam.

Theo HOANGTHANHTHANGLONG.VN

Tags: , , ,