⠀
Với nước Nga, Tổng thống Putin là sự lựa chọn tất yếu của lịch sử
Đương nhiên, Tổng thống Nga là Tư lệnh Tối cao Lực lượng vũ trang Nga, nhưng người Nga chọn phẩm chất đầu tiên của Tổng thống của mình là Tư lệnh Tối cao.
Ông Putin đanh giọng: Quân ly khai “đầu hàng hay là chết”
Có thể nói, sự do dự, thiếu quyết đoán của giới cầm quyền ở Điện Kremly đã khiến quân đội Nga phải trả giá và phải ký một hiệp định không hề vui vẻ với quân ly khai Chechnya năm 1996. Có lẽ đây là một sự xúc phạm không thể chịu đựng được của Thủ tướng Vladimir Putin khi ông lên nắm quyền vào năm 1999.
Theo cuốn “Từ Trung tá KGB đến Tổng thống Liên bang Nga” của tác giả Trung Quốc Lý Cảnh Long, vào một ngày hạ tuần tháng 10/1999, trong một lều bạt lớn của căn cứ không quân Mozdok ở Kavkaz của Nga, trước các sĩ quan chỉ huy cao cấp chuẩn bị nhận lệnh tấn công Chechnya, Thủ tướng mới nhậm chức Putin nâng cao chén rượu, nghiêm nghị nói: “Tôi đề nghị mọi người cạn chén vì thắng lợi giành được trong cuộc đấu tranh của Nga với lực lượng ly khai vũ trang ở Chechnya, vì nền hòa bình lâu dài phải được thực hiện ở vùng Kavkaz vốn đã chịu biết bao giày xéo của chiến tranh”.
Nhưng, khi 15 vị tướng tá nâng cốc chuẩn bị làm một hơi cạn thì ông Putin lại đặt mạnh ly rượu xuống, đanh giọng nói: “Các bạn, khi mọi việc kết thúc triệt để, trên mảnh đất này không còn quân ly khai nữa, tôi sẽ uống ly rượu này”.
Không một vị tướng tá nào nghi ngờ quyết tâm của ông Putin, bởi đã có lúc… Tướng Vladimir Samanov, chỉ huy quân đội Nga ở Kavkaz nói rằng: “Nếu lệnh cho quân đội ngừng tiến công Chechnya thì tôi sẽ từ chức. Tôi sẽ bỏ quân hàm, rời khỏi quân đội làm dân thường. Tôi không muốn phục vụ một quân đội như thế này nữa”.
Với ông Putin, quân khủng bố, ly khai chỉ có một con đường “đầu hàng hoặc chết”. Ông Putin – Tổng tư lệnh tiễu phỉ – được mang biệt danh từ đó, khi bắt đầu mở màn chiến dịch Chechnya lần thứ 2.
Chiến dịch Chechnya lần thứ 2 thắng lợi vang dội đã đưa ông trở thành Tổng thống Nga trong 2 nhiệm kỳ liền từ năm 2000-2008. Hiến pháp năm 1993 không cho phép một người làm quá 2 nhiệm kỳ tổng thống nên người kế vị ông là một người thân cận, ông Dmitry Medvedev (2008-2012).
Năm 2012, cuộc bầu cử tổng thống Nga mà ông Putin tranh cử trở lại Điện Kremly, được cho là đã thu hút sự quan tâm quyết liệt và có sự lo ngại đặc biệt của Mỹ – phương Tây. Có ý kiến cho rằng họ tìm cách nhằm ngăn chặn, loại bỏ ứng viên vô cùng sáng giá này nhưng vô vọng, bởi lúc đó, dân Nga và giới quân sự đã tỏ rõ một quan điểm “rất Nga”, rằng, “chúng ta hãy bầu Tư lệnh Tối cao rồi Tổng thống”.
Tình thế khi đó rất phức tạp, đặc biệt tại Libya và Syria, nhiều phần tử khủng bố Hồi giáo cực đoan sẵn sàng xâm nhập vào vùng Kavkaz đe dọa an ninh Nga… Đã tới lúc Lực lượng Vũ trang Nga phải thể hiện vị trí, vai trò của mình trong sự phát triển về kinh tế, địa chính trị nội bộ và toàn cầu.
Một quân đội mạnh sẽ quyết định vị thế của Nga trên toàn cầu là điều không cần bàn cãi. “Mạnh sẽ giàu” giống như định lý, nhưng có lẽ sẽ không đúng khi đổi vế “giàu sẽ mạnh”. Giàu mà không mạnh sẽ chỉ như anh “trọc phú” mà thôi.
Ngay từ năm 2001, lúc ông Putin bước vào Điện Kremly, quân đội Nga với sự thừa hưởng gần như trọn vẹn di sản từ Liên Xô, tuy mạnh nhưng thiếu tiền, ngân sách… đã tan rã về cơ cấu tổ chức và phương tiện trang bị, chỉ đủ khả năng chống khủng bố mà dường như không đủ khả năng bảo vệ đất nước trước đòn tấn công của NATO.
Ổn định chính trị bằng cách loại bỏ, quốc hữu hóa “mềm” đối với các đầu sỏ kinh tế thò tay vào lũng đoạn chính trị và tái vũ trang là 2 nhiệm vụ sống còn của chính quyền Tổng thống Putin, trong đó tái vũ trang quân đội xếp sau.
Cả hai nhiệm vụ trọng yếu mang tính quyết định này phải cần một người đứng đầu có tư duy mới lạ và phải có tiền. Thiếu một trong hai điều này thì nhiệm vụ tái vũ trang quân đội Nga không thành công. Ông Putin đã chèo lái nước Nga vượt qua tất cả.
Dấu ấn trong 12 năm lãnh đạo
Cho tới nay, sau 12 năm trên cương vị Tổng thống – Tổng tư lệnh Tối cao lực lượng vũ trang Nga, ông Putin đã lãnh đạo đất nước thu được những kết quả địa chính trị quan trọng sau đây:
Đầu tiên, sáp nhập bán đảo chiến lược Krym vào năm 2014 thông qua cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi. Ukraina và phương Tây không công nhận điều này.
Thứ hai, chiến thắng tại Syria, ngăn chặn lực lượng khủng bố “thò chân” vào vùng Kavkaz, đe dọa an ninh Nga, đồng thời, tạo ra một “Hạm đội Địa Trung Hải”, điều mà Liên Xô dù muốn nhưng chưa từng làm được.
Thứ ba, xây dựng Hiến pháp mới năm 2020, thay thế cho hiến pháp 1993, kết thúc kỷ nguyên Gorbachev – Yeltsin và đưa nước Nga hùng mạnh trở lại, khiến Mỹ và châu Âu phải nể sợ.
Thứ tư, tái vũ trang lực lượng vũ trang thành công, hoàn thiện hiện đại hóa 95% bộ ba tấn công hạt nhân vượt trội Mỹ, đưa nước Nga trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới có “lực lượng siêu thanh chiến lược”.
Thứ năm, trước đòn cấm vận, bao vây cấm vận của phương tây tập thể, ông đã có đường lối đúng đắn và khôn ngoan, dựa trên nguồn lực tài nguyên cũng như trí tuệ dồi dào, giúp nước Nga vẫn đứng vững, phát triển mạnh mẽ.
Thứ sáu, tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraina. Mặc dù Nga phải gián tiếp đối đầu quân sự với Mỹ – NATO tại Ukraina, nhưng cho tới nay, như Tổng thống Putin đã tuyên bố, Nga đã từng bước thành công. Dường như, Mỹ – NATO bất lực trước “dự án Ukraina”.
Thứ bảy, Nga có đủ khả năng và tiềm lực để thực hiện “Đề xuất bảo đảm an ninh của Nga” gửi Mỹ và NATO tháng 12/2021 mà dư luận gọi là tối hậu thư, yêu cầu NATO không tiến về phía Đông, lùi về biên giới năm 1997.
Cuối cùng, từ năng lực quân sự, kinh tế, Tổng thống Nga Putin đã đi những nước cờ để khiến thế giới đơn cực do Mỹ lãnh đạo bị rung lắc dữ dội, bắt đầu xây dựng một thế giới đa cực.
Trong vòng 12 năm làm tổng thống, việc ông Putin đã đưa nước Nga từ đống đổ nát trỗi dậy như vậy, phải nói là thần kỳ.
Ai sẽ kế nhiệm ông Putin?
Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov cho biết khi trả lời phỏng vấn với kênh sinh viên MGIMO 360: Tổng thống tiếp theo của Nga phải “giống như Putin”. “Hoặc khác, nhưng giống nhau”, ông Peskov nói thêm.
Vậy người kế nhiệm Putin không ai khác chính là Putin.
Tại sao lại không? Khi Luật pháp cho phép ông tranh cử tổng thống, khi tuổi tác, trí tuệ, bản lĩnh và sức khỏe dường như cũng vậy… thì người Nga sẽ là “ngu ngốc” hay thông minh khi không chọn ông Putin?
Có một chân lý bất di bất dịch: “Khi kẻ thù tức giận bao nhiêu thì sự lựa chọn của chúng ta đúng bấy nhiêu”. Các đối thủ chắc chắn sẽ không vui, thậm chí vô cùng tức giận với ông Putin, họ không muốn ông làm tổng thống. Dường như họ càng như vậy thì người dân Nga càng muốn Putin làm tổng thống.
Và điều đó sắp thành sự thực khi RT đưa tin, Tổng thống Putin hôm 18/12 đã nộp hồ sơ đăng ký tranh cử tổng thống lên Ủy ban Bầu cử Trung ương Nga. Ông sẽ tranh cử nhiệm kỳ thứ 5 với tư cách ứng viên độc lập.
Theo AFP, đến ngay như ứng viên đối thủ – Lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do Nga (LDPR) Leonid Slutsky – cũng tin ông Putin thắng lớn khi tái tranh cử.
Thậm chí ông Slutsky, sau khi được đề cử đại diện LDPR ra tranh cử tổng thống Nga vào năm 2024, còn tuyên bố hôm 19/12 rằng: “Tôi sẽ không kêu gọi bỏ phiếu chống lại Tổng thống Putin. Một cuộc bỏ phiếu cho Slutsky và LDPR hoàn toàn không phải bỏ phiếu chống lại ông Putin. Tôi sẽ không lấy đi những lá phiếu ủng hộ Tổng thống”.
Với người Nga, đất nước Nga: Ông Putin là sự lựa chọn tất yếu của lịch sử
Ngay từ năm 2014, Herbert E. Meyer, người từng giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Tình báo Quốc gia của CIA trong Chính quyền của Tổng thống Mỹ Reagan trong bài “Cách giải quyết vấn đề Putin” có đoạn:
“Chúng ta phải để các nhà tài phiệt Nga và các nhà quản lý hàng đầu, những người bị phương Tây trừng phạt, hiểu rằng ông Putin là vấn đề của họ, không phải của chúng ta. Những người này có thể thuyết phục ông Putin già tốt bụng rời khỏi Điện Kremly với danh hiệu quân sự và nghi thức chào, tuyệt vời”.
Cách đây ít ngày, Tổng thống Putin được 4 tiêm kích Su-35S hộ tống đã bay tới UAE, Ả rập Xê út, nơi ông được đón tiếp trọng thị – điều mà có thể khiến Thủ tướng Đức và Tổng thống Mỹ không vui.
Phương Tây tập thể do Mỹ đứng đầu đang đối đầu Liên bang Nga trên 3 mặt trận: chính trị, quân sự và kinh tế. Cả 3 mặt trận này đều rất quyết liệt, nguy hiểm, đều đe dọa tới tồn vong của người Nga, nhà nước Nga.
Đòn kinh tế – chính trị gồm trừng phạt, cấm vận, bao vây, cô lập… đã không còn tác dụng. Nga đã “miễn nhiễm” với tất cả, nhưng vấn đề ở chỗ NATO vẫn đang có ý định mở rộng về phía Đông để chống Nga. Hãy nói về mặt trận quân sự: cuộc đối đầu Nga – NATO.
Việc Ukraina gia nhập NATO đã chạm tới giới hạn cuối cùng của Nga, nói cách khác, nếu Mỹ – NATO kết nạp Ukraina thì Moskva sẽ sử dụng biện pháp quân sự và kỹ thuật quân sự đáp trả. Đây là nhiệm vụ chiến lược an ninh chính trị tối thượng mà người đứng đầu – ông chủ Điện Kremly – phải bộc lộ phẩm chất đầu tiên: Tổng tư lệnh Tối cao lực lượng vũ trang liên bang Nga rồi Tổng thống Nga.
Không có sức mạnh quân sự, Nga không được tôn trọng, thế giới Ả rập, châu Phi sẽ e sợ Mỹ – NATO, khó mà xích lại gần Moskva như bây giờ. Không có sức mạnh quân sự, không nắm trong tay bộ ba tấn công hạt nhân chiến lược vượt trội, không sở hữu duy nhất lực lượng “siêu thanh chiến lược”, không có một lực lượng quân sự được xếp “mạnh bậc nhất thế giới”… thì không thể làm lung lay “thế giới đơn cực” do Mỹ – Phương tây lãnh đạo để xây dựng thế giới đa cực.
Như vậy, việc Vladimir Putin không được người dân Nga chọn làm tổng thống mới là chuyện lạ. Nga còn bao việc phải làm đang chờ ông ở phía trước.
Theo LÊ NGỌC THỐNG / DÂN TRÍ
Tags: Nga, Vladimir Putin, Quan hệ Nga - phương Tây