⠀
Giấc mơ đổi đời ở châu Âu: Cái nhìn từ Trung Quốc
Gần 10 triệu trong số 258 triệu di dân trên toàn thế giới là người Trung Quốc, theo Viện Chính sách Di dân (MPI), đưa Trung Quốc vào vị trí thứ tư trong các nước có nhiều di dân ra nước ngoài.
Hầu hết người Trung Quốc di cư sống ở Mỹ (2,5 triệu người), trong khi 712.000 người sống ở Canada và 473.000 sống ở Australia.
Sự tăng trưởng kinh tế thần tốc trong những thập kỷ qua đã khiến Trung Quốc hiện diện trên toàn thế giới về kinh tế và địa chính trị, theo MPI.
Ở Anh, vào năm 2018, hơn 730.000 visa (chiếm 25% tổng số) được cấp cho người Trung Quốc, tăng 11% so với năm trước đó.
Nhiều nạn nhân bỏ quê nhà vì nợ tiền, thiếu cơ hội
Tian Ma, nhà nghiên cứu ở Đại học Utrecht nghiên cứu chuyên về nạn nhân buôn người Trung Quốc nói với Guardian “nguyên nhân căn bản là cách biệt về kinh tế… Nếu bạn nhìn vào lương trung bình ở Anh so với các thành phố nhỏ ở Trung Quốc, cách biệt là rất lớn”.
“Dựa vào nghiên cứu của tôi, một số người bị kẹt trong tình trạng lao động để trả nợ, hay bị những kẻ cho vay nặng lãi truy đuổi. Họ đã bị đẩy vào nước đường cùng, phải rời Trung Quốc”.
Đối với một số người Trung Quốc, vụ việc phản ánh sự bất cân xứng trong tăng trưởng, biến nước này thành một trong những nước có cách biệt giàu nghèo cao nhất thế giới. Vài ngày trước khi phát hiện 39 thi thể, ngân hàng Thụy Sĩ Credit Suisse công bố nghiên cứu cho thấy Trung Quốc có nhiều người giàu nhất thế giới, vượt qua Mỹ.
“Cách biệt giàu nghèo ở Trung Quốc quá lớn, và có quá ít công việc tốt. Hàng chục nghìn, thậm chí hàng trăm nghìn người cạnh tranh cho một vị trí công chức, trong khi người nghèo Trung Quốc làm việc lương 4.000-5.000 tệ/tháng (550-700 USD) để lo cho cha mẹ, con cái”, một người dùng Weibo viết, theo Guardian.
“Nếu họ di cư thành công, họ có thể kiếm vài nghìn bảng mỗi tháng, bằng hàng chục nghìn tệ. Vì vậy một số người sẽ chịu rủi ro”.
Sulaiha Ali, từ văn phòng luật Duncan Lewis Solicitors, nói nhiều người Trung Quốc mà bà đại diện là nạn nhân của nạn buôn người, tới Anh để trả nợ mà họ không thể trả được nếu ở Trung Quốc. Thậm chí, có những người chồng bắt vợ sang Anh để làm việc trả nợ.
Theo Ali, họ chịu sức ép rất lớn từ các chủ nợ, cũng có thể là những kẻ buôn người. Một số người khác tự mình tìm đến những kẻ buôn người, trả cho chúng từ 7.000-14.000 bảng Anh (9.000-18.000 USD).
Ali nói nhiều người đến Anh bằng máy bay thay vì bằng xe tải, và một khi ở Anh, họ bị bắt làm việc, nhưng bị giữ lương trừ nợ.
“Họ có thể được đón ngay ở sân bay (ở Anh) rồi đưa thẳng đến nhà thổ hay quán ăn, rồi bị bắt làm việc”, Ali nói. “Những kẻ buôn người bóc lột họ… Họ thường sợ và không tin cơ quan chức năng. Các dấu hiệu nạn nhân buôn người thường bị giới chức bỏ qua, và nạn nhân bị đưa tới trại giam”.
Di dân Trung Quốc: Cả người giàu lẫn người nghèo
Quan niệm chung thường là chỉ những người nghèo nhất mới di cư. Nhưng điều này không hoàn toàn đúng, đặc biệt là với di dân Trung Quốc.
“Có người trình độ thấp, trình độ trung và trình độ cao”, Natalia Banulescu-Bogdan, Phó giám đốc Chương trình Quốc tế của MPI, nói với CNN.
Nói chung, các di dân đến châu Âu và Mỹ không phải “những người nghèo nhất”, bà nói, vì cần phải đầu tư khoản tiền lớn để di cư, dù là hợp pháp hay bất hợp pháp.
“Nếu đi hợp pháp thì phải lo hộ chiếu, phí visa”, bà nói.
“Nếu đi bất hợp pháp, những kẻ buôn người thường lấy phí cao, và ngoài ra cũng cần phải sành sỏi và biết chỗ nào có cơ hội, và để biết điều đó cần mạng lưới quen biết ở nước ngoài. Thường những gia đình có người chuyển ra nước ngoài dễ chuyển ra nước ngoài hơn”.
Con đường di cư cũng khác nhau, với người trình độ cao và trình độ thấp lựa chọn sống ở những nơi khác nhau, theo các chuyên gia.
“Có con đường dành cho những người trình độ cao, làm trong lĩnh vực học thuật, khoa học, công nghệ – đi sang Mỹ và các nước thu nhập cao khác”, Banulescu-Bogdan nói. “Có con đường sang làm xây dựng ở châu Phi và Đông Âu. Họ rất khác nhau”.
Theo MPI, 10-20% số di dân Trung Quốc là đến châu Phi, và có những hoàn cảnh khác nhau về nghề nghiệp, tuổi tác, từ nhà ngoại giao đến các nhân viên cứu trợ đến công nhân xây dựng.
Nhiều di dân Trung Quốc là sinh viên du học. Ở Anh, gần 100.000 visa Tier 4 được cấp cho người Trung Quốc, tăng 13% so với năm trước.
Ranh giới mờ giữa di cư và buôn người
“Tất nhiên, có di dân bất hợp pháp từ Trung Quốc đến mọi nước châu Âu”, ông nói.
“Italy là một trong những điểm đến lớn. Họ sẵn sàng làm việc lương thấp trong ngành dệt may. Italy có nền kinh tế ngầm lớn trong đó có nhiều người Trung Quốc và Trung Đông”.
Ông Dustmann nói rằng sự tăng trưởng kinh tế đã khiến Trung Quốc bất bình đẳng hơn, một số nhóm người bị bỏ lại phía sau. Cơ hội di cư không đều cho mọi người, có thể khiến một số tìm đến những kẻ buôn người.
Theo Banulescu-Bogdan, “chúng ta vẫn chưa biết chắc (vụ 39 thi thể) là một vụ buôn người bị bại lộ, nhưng cần phải hiểu rằng” ranh giới giữa di cư và buôn người dễ bị xóa mờ.
“Một thanh niên muốn tìm việc làm ở nước ngoài có thể thuê người lo đi lại từ điểm A tới điểm B, nhưng trên đường, thì mối quan hệ có thể xấu đi nhanh chóng”.
“Có thể đó chính là những kẻ tội phạm, và quyết định sẽ tống tiền. Hoặc có nhiều chặng từ Trung Quốc đến Anh, và di dân bị chuyển qua chuyển lại giữa nhiều nhóm tội phạm… có thể tài xế không biết đang có di dân trên xe. Thỏa thuận giữa tội phạm và di dân có thể rất khác nhau”, Banulescu-Bogdan nói với CNN.
Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN
Tags: Trung Quốc, Lao động - việc làm, Di cư - Tị nạn