⠀
Vì sao cần nâng cao nhận thức về quyền lợi của các loài động vật?
Mahatma Gandhi đã nói “Sự vĩ đại của một quốc gia và sự tiến bộ về đạo đức của nó có thể được đánh giá thông qua cách thức họ đối xử với động vật”.
Theo Luật Chăn nuôi được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam thông qua ngày 19/11/2018:
Điều 69 quy định, tổ chức, cá nhân có hoạt động chăn nuôi phải thực hiện các yêu cầu sau đây: 1. Có chuồng trại, không gian chăn nuôi phù hợp với vật nuôi; Điều 71 quy định, Cơ sở giết mổ vật nuôi phải thực hiện các yêu cầu sau đây: 1. Có nơi lưu giữ vật nuôi bảo đảm vệ sinh; cung cấp nước uống phù hợp với vật nuôi trong thời gian chờ giết mổ; |
Quyền lợi động vật (Animal welfare) được định nghĩa là trạng thái thể chất và tinh thần của một con vật. Quyền lợi động vật có liên quan đến đời sống cả về thể chất lẫn tinh thần của động vật và lưu tâm đến cả sự tiến hóa của động vật và môi trường sống tự nhiên của chúng. Đó là sự mô tả trạng thái của động vật và tác động của sự chăm sóc hoặc ngược đãi đối với chúng. Bảo vệ quyền lợi động vật có nghĩa là đáp ứng các nhu cầu về thể chất và tinh thần của con vật nhằm đảm bảo tình trạng khoẻ mạnh cho động vật, tức là trạng thái mà con vật có được sức khoẻ tốt, có khả năng đối phó tốt với môi trường sống và có thể biểu hiện được các hành vi tập tính đa dạng đặc trưng của loài. Bảo vệ quyền lợi động vật là trách nhiệm của con người bao gồm sự quan tâm tới tất cả các mặt liên quan đến sức khoẻ động vật như chuồng nuôi, dinh dưỡng, phòng và trị bệnh hợp lý, chăm sóc có trách nhiệm và đối xử nhân đạo với chúng.Việc động vật được đối xử thế nào có ý nghĩa lớn tới cả động vật và cả con người. Đây là một phần của hiểu biết rộng lớn hơn về sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các sinh vật. Chính vì thế Liên hiệp quốc đang trong quá trình tiến tới thông qua một Tuyên ngôn chung về quyền lợi động vật nhằm khuyến khích các chính phủ và cơ quan liên chính phủ trên toàn thế giới hành động để mang lại lợi ích cho động vật, con người và cũng như môi trường – những lợi ích đó rất quan trọng cho các thành viên của Liên hiệp quốc và mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hiệp quốc. Đó là một thỏa thuận giữa con người với nhau và giữa các quốc gia để thừa nhận rằng động vật có tri giác (sentient) và có thể phải chịu đựng, nhằm tôn trọng các nhu cầu quyền lợi (welfare needs) của chúng và chấm dứt vĩnh viễn việc đối xử tàn nhẫn với động vật. Chúng ta cần phải đặt câu hỏi về những hành động của chúng ta có ảnh hưởng thế nào tới động vật và làm thế nào chúng ta có thể giảm thiểu sự đau đớn cho động vật. Vì lý do đó, Tổ chức Thú y thế giới (OIE) đã yêu cầu rằng “Việc sử dụng động vật phải được gắn liền với trách nhiệm đạo đức để đảm bảo quyền lợi của động vật đó đạt tới mức cao nhất có thể được” (Bộ luật quốc tế về thú y, 2006).
Bảo vệ tốt quyền lợi động vật, giảm bớt sự chịu đựng ở những động vật có tri giác, sẽ tạo ra nhiều lợi ích không chỉ cho bản thân con vật mà còn cho cả con người và môi trường. Những lợi ích của việc bảo vệ quyền lợi động vật và cũng là lý do phải giáo dục quyền lợi động vật có thể kể đến là:
– Việc đối xử tàn tệ và sao nhãng động vật bằng nhiều cách có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe đối với con người. Ngược lại, quan tâm đến động vật có thể giảm thiểu các nguy cơ và làm tăng các lợi ích cho con người. Vấn đề cấp bách nhất là bệnh truyền lây giữa người và động vật (zoonoses). Việc bảo vệ và đối xử với động vật tốt hơn sẽ giảm thiểu nguy cơ bệnh tật cho cả con vật – cải thiện quyền lợi động vật – và cho con người.
– Thái độ và cách cư xử với động vật là một khía cạnh có ý nghĩa trong sự phát triển của nhân cách, xã hội và đạo đức. Điều này một phần vì chúng không khác với thái độ và cách cư xử giữa người với người mà chúng có sự đan xen vào nhau. Ngày càng có sự hiểu biết hơn về mối quan hệ giữa lạm dụng động vật và bạo lực giữa con người với nhau. Nói một cách khái quát hơn, những vấn đề này đang đẩy mạnh nhận thức về giá trị của giáo dục nhân đạo. Chừng nào con người mở rộng được vòng tay nhân ái cho muôn loài thì mới tìm được sự bình yên cho chính mình. Không có một nền giáo dục nào thực sự tốt nếu như nó không làm cho con người có tình thương với động vật. Bác sỹ thú y có vai trò quan trọng trong việc giáo dục cộng đồng, người chăn nuôi và chủ động vật trong vấn đề này.
– Người tiêu thụ thực phẩm ngày càng ý thức cao hơn về chất lượng thực phẩm mà họ ăn vào, trong đó có cả yêu cầu được biết thực phẩm mà họ tiêu thụ đã được sản xuất thế nào, con vật nuôi được đối xử như thế nào. Do vậy các tiêu chuẩn thương mại quốc tế có ảnh hưởng đến hầu hết người chăn nuôi. Những tiêu chuẩn này thường bao gồm các mục như an toàn thực phẩm, chất lượng thực phẩm, các nguy cơ về môi trường và càng ngày càng gia tăng là yêu cầu về quyền lợi động vật. Nếu những tiêu chuẩn này không được đáp ứng thì sản phẩm chăn nuôi sẽ mất thị trường. Hiện nay người tiêu dùng văn minh đang quan tâm đến việc nhu cầu thể hiện các tập tính tự nhiên và môi trường sống của vật nuôi bị thay đổi theo chiều hướng xấu. Để có nhiều sản phẩm trong khi dân số lao động nông nghiệp giảm, phương thức chăn nuôi đã dần tập trung và hiện đại hoá dẫn tới vật nuôi bị giam giữ nhiều hơn trong môi trường chật hẹp hơn. Vì lý do thâm canh, người chăn nuôi ngày nay không còn giữ mối quan hệ với từng cá thể vật nuôi như ngày trước. Vì bị nuôi trong điều kiện giam giữ dày đặc vật nuôi ngày càng bị giữ xa rời nhu cầu nguyên thuỷ của chúng. Những sản phẩm chăn nuôi từ các hệ thống như vậy ngày càng bị người tiêu dùng khước từ sử dụng.
– Con người ngày càng lệ thuộc vào thú cưng nuôi trong nhà, họ cũng đặt yêu cầu cao hơn về cách cư xử và cần được hướng dẫn để hiểu và để xây dựng mối quan hệ với thú cưng của họ. Mặt khác, vai trò của thú cưng cũng có nhiều thay đổi. Ví dụ, chó ngày xưa có vai trò giữ nhà, chăn dắt động vật khác và tự do đi lại do nhiệm vụ của chúng. Ngày nay, con người sống đơn độc nhiều hơn và sử dụng chó và vật cưng khác như thành viên gia đình, từ đó, vô tình làm giảm hoạt động và nhu cầu tự nhiên của chúng.
– Những nhà chuyên môn làm việc liên quan đến động vật cần được tập huấn để giúp họ nhạy cảm hơn với nhu cầu của động vật mà họ tiếp xúc. Khi thực hành thú y, sinh viên cần có kỹ năng cảm nhận được hành vi và suy nghĩ của vật nuôi hơn là chỉ tập trung vào kiến thức chăm sóc sức khoẻ, bệnh tật của chúng. Kỹ năng này sẽ giúp quá trình can thiệp thú y hiệu quả hơn bởi tương tác giữa bác sĩ thú y và đối tượng trở nên cụ thể và sâu sắc.
– Chăm sóc động vật một cách thích hợp, đảm bảo tốt quyền lợi động vật sẽ giúp cải thiện năng suất của chúng và làm tăng hiệu quả chăn nuôi. Phần lớn chương trình đào tạo chăn nuôi và thú y được dành cho khoa học và nghệ thuật để nuôi được con vật khỏe mạnh qua việc quan tâm đến kỹ thuật chăn nuôi tốt, vệ sinh phòng bệnh tốt và điều trị bệnh tật kịp thời. Để làm được điều đó, trước đây người ta rất ít chú ý đến việc nghiên cứu con vật có cảm giác như thế nào. Thực ra động vật cũng có những cảm giác giống như con người: vui vẻ và đau đớn, thoải mái và cơ cực. Mặc dù chúng ta hình dung được khó đến nhường nào để hiểu được cảm giác của một con vật, nhưng nếu biết được cảm giác của động vật, biết được nhu cầu sống của chúng sẽ giúp con người nuôi được chúng khoẻ mạnh và có năng suất cao hơn.
Vì những lý do trên, GS John Webster, Khoa Thú y lâm sàng, Trường đại học Bristol (Anh quốc) đã nói “Giảng dạy về quyền lợi động vật, bao gồm cả giảng dạy chính quy, trải nghiệm thực tiễn và tự đào tạo có hướng dẫn, cũng cần thiết cho một chương trình đào tạo thú y như là giảng dạy môn bệnh lý hay ngoại khoa”. Cũng chính vì thế, Tổ chức Thú y thế giới (2006) đã chính thức gửi công văn tới các nước thành viên đề nghị đưa quyền lợi động vật vào giảng dạy trong các chương trình đào tạo về thú y và nông nghiệp.
Tóm lại, Quyền lợi động vật (quyền lợi động vật) là mối quan tâm toàn cầu. Quyền lợi động vật có ý nghĩa rất lớn với con người, nó không chỉ giới hạn ở động vật và những người phụ thuộc vào động vật, mà việc đảm bảo tốt quyền lợi động vật còn mang lại lợi ích cho cả loài người và môi trường.
Theo HỌC VIỆN NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM
Tags: Động vật, Đạo đức môi trường, Bảo vệ động vật