⠀
Về vấn đề đảm bảo an ninh cho vùng đồng bằng sông Cửu Long hiện nay
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với diện tích gần 40 nghìn km2 là khu vực có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trên cả nước, trọng điểm sản xuất lúa gạo, thủy sản phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua khu vực này đang gặp nhiều thử thách do biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế không bền vững cũng như ảnh hưởng từ các quốc gia trong khu vực. Trước tình hình đó, Việt Nam cần tìm ra giải pháp để đảm bảo an ninh cũng như cân bằng với việc phát triển kinh tế bền vững. (1)
Thực trạng an ninh và kinh tế vùng đồng bằng sông Cửu Long
Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cho thấy, Việt Nam nằm trong nhóm 5 quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất do biến đổi khí hậu. Tại Việt Nam, 2 vùng Đồng bằng sông Hồng và ĐBSCL chịu ảnh hưởng nặng nhất. Khi nước biển dâng cao 1m, ước chừng 5,3% diện tích tự nhiên, 10,8% dân số, 10,2% GDP, 10,9% vùng đô thị, 7,2% diện tích nông nghiệp và 28,9% vùng đất thấp sẽ bị ảnh hưởng. Biến đổi khí hậu gây bất lợi lớn cho sản xuất, sinh kế và đời sống của người dân ven khu vực ĐBSCL, từ đó, kìm hãm sự phát triển kinh tế – xã hội nơi đây. (2)
Suy giảm dòng chảy, hạn hán, xâm nhập mặn và ô nhiễm nguồn nước
Được biết đến là “vựa lúa” lớn của Việt Nam và thế giới với sứ mệnh đảm bảo an ninh lương thực, tuy nhiên hiện nay khu vực ĐBSCL đang đối mặt với một số thách thức lớn bao liên quan đến các vấn đề kinh tế, xã hội và môi trường. Trong đó, vấn đề môi trường bao gồm biến đổi khí hậu, hạn hán, nước biển dâng đang làm suy giảm đáng kể lượng phù sa bồi đắp cho khu vực này. Theo thống kê từ Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam từ năm 2010 lượng mưa trung bình trong khu vực đã suy giảm từ 10-30%, kéo theo đó là dòng chảy của nước tại khu vực này cũng giảm từ 5-10%. Việc dòng nước giảm cũng sẽ khiến cho tình trạng xâm nhập mặn trở nên nghiêm trọng hơn do lượng nước không đủ để đẩy nước mặn quay trở lại biển. Hiện nay, xâm nhập mặn đã vào sâu trong sông 20-25km so với trung bình nhiều năm về trước. (3) Các hiện tượng cực đoan này diễn ra cùng thời điểm làm đe doạ đến nguồn nước và canh tác nông nghiệp tại khu vực này. Nhận định thêm về tình hình hạn hán, xâm nhập mặn ở ĐBSCL trong thời gian tới, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia Mai Văn Khiêm cũng đưa ra cảnh báo từ tháng 1-2/2024, hiện tượng El Nino (Hiện tượng El Nino là một thuật ngữ dùng đề chỉ hiện tượng nước biển nóng lên dị thường ở khu vực xích đạo trung tâm và Đông Thái Bình Dương, khiến thời tiết trên phạm vi toàn cầu cũng bị ảnh hưởng) sẽ tiếp tục duy trì với xác suất trên 95%. Sau đó, xác suất của hiện tượng El Nino giảm xuống mức 60-85% vào thời kỳ tháng 3-5/2024. Ngoài những tác động của tự nhiên, việc suy giảm nguồn nước do các hoạt động thủy điện ở các vùng thượng nguồn, khai thác tài nguyên nước quá mức, thay đổi sử dụng đất và mâu thuẫn trong sử dụng nước đang đưa ĐBSCL vào tình thế khó khăn (4) Theo Phó Cục trưởng cục Thuỷ lợi thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – ông Nguyễn Hồng Hiếu cho biết dòng chảy sông Mê Kong cung cấp chủ yếu nguồn tài nguyên mặt nước cho vùng ĐBSCL với khoảng 475 tỷ m3. Tuy nhiên, hiện tại lượng nước này đang bị ảnh hưởng bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, cộng hưởng cùng nhau.
Thực hư tác động của dự án kênh đào Phù Nam Techo
Mặc dù các cửa ngõ đổ ra biển của sông Mê Kông đều nằm ở Việt Nam nhưng nguồn cung nước cho con sông này trải rộng qua lãnh thổ của nhiều quốc gia láng giềng. Do đó, việc khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên ở lưu vực sông Mê Kông đang trở nên khó quản lý.
Tháng 5/2023, Campuchia đề nghị Trung Quốc tài trợ cho Dự án đầy tham vọng mang tên kênh đào Phù Nam Techo (tiếng Anh: the Funan Techo Canal) trị giá 1,7 tỷ USD, dài 180km nhằm cải thiện giao thông ở Phnom Penh. Mục đích chính của dự án là cải thiện hệ thống vận tải ở khu vực thủ đô Phnom Penh, kết nối từ sông Basak (sông Hậu) đến tỉnh Kampot, qua bốn tỉnh gồm Kandal, Takeo, Kampot và Kep. (5) Tuy nhiên nếu nhìn rộng ra, dự án này là tham vọng của Thủ tướng Hunsen nhằm đưa Campuchia trở trung tâm kinh tế và hậu cần quan trọng của Đông Nam Á và mang lại lợi ích cho khoảng 1,6 triệu người dân sống quanh khu này. Như Thủ tướng đã nói, Campuchia hy vọng rằng kênh đào sẽ giúp nước này tự “hít thở bằng mũi của chính mình” và giảm sự phụ thuộc vào Việt Nam trong việc xuất nhập khẩu hàng hóa, đồng thời giảm chi phí vận chuyển và lệ phí thông quan. (6) Dự án cũng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế của khu vực phía Nam Campuchia và tạo cơ hội việc làm cho người dân Campuchia ở khu vực. Hiện nay, dự án này đã được Tập đoàn Cầu đường Trung Quốc (CBRC), một trong những tập đoàn nhà nước khổng lồ của Trung Quốc, ký thoả thuận đầu tư với chính phủ Campuchia và được khởi công xây dựng vào tháng 8/2024.
An ninh nguồn nước ngày càng trở thành một vấn đề cấp thiết
Nguồn nước chính ở khu vực ĐBSCL của Việt Nam bị đe dọa do sự biến động bất thường của dòng chảy đầu nguồn, từ đó ảnh hưởng đến lượng nước, lượng phù sa và nguồn dinh dưỡng cần thiết cho phát triển nông nghiệp của vùng trong tương lai, đặc biệt là vào mùa khô. Một số vùng dọc theo sông Tiền, sông Hậu thuộc Vĩnh Long, Cần Thơ, Bến Tre và Tiền Giang có thể bị hạn mặn cục bộ cho các trà lúa và vườn cây ăn trái ảnh hưởng đến kinh tế của người dân trong khu vực. Với thực tế biến đổi khí hậu ngày càng trở nên cực đoan và khó lường như vậy, kết hợp với hoạt động phát triển kinh tế của kênh đào Phù Nam, nhiều dự báo là sẽ có khả năng sẽ can thiệp lớn vào nguồn nước của khu vực, theo ông Đặng Thanh Lâm, Phó viện trưởng Viện Quy hoạch thuỷ lợi miền Nam, chia sẻ với báo Tuổi trẻ. Do Việt Nam nằm ở hạ lưu nên những tác động này cũng sẽ ngày càng trở nên khó lường hơn. Cũng trong một báo cáo khác, Viện Quy hoạch Thuỷ lợi miền Nam đã nhận định: “Trường hợp Campuchia không chỉ sử dụng kênh đào cho mục đích giao thông đường thủy mà còn hướng đến đa mục tiêu phát triển nông nghiệp, công nghiệp dịch vụ và thương mại thì ước tính sơ bộ lưu lượng khai thác có thể lên đến 150 m3/giây, chiếm khoảng 30% lưu lượng về sông Hậu trong mùa khô. Qua đó có thể khiến tình trạng xâm nhập mặn ở ĐBSCL trở nên gay gắt, khó lường hơn.” (7)
Cạnh tranh vận tải hàng hoá
Một số chuyên gia Campuchia khi chia sẻ trên chuyên trang The Diplomat thì cho rằng lý do chính cho những lo ngại của Việt Nam xuất phát từ vấn đề lợi ích kinh tế. Những người này cho rằng nếu dự án hoàn thành thì các tàu chở hàng từ Campuchia sẽ không còn phải ghé qua cảng Cái Mép và Cái Lát trên sông Thị Vải của Việt Nam nữa, do đó chính phủ Việt Nam sẽ mất đi một khoản thu đáng kể từ việc quá cảnh của tàu bè. (8) Ước tính cho đến hiện nay trên các tuyến đường thuỷ giữa Việt Nam và Campuchia đã có khoảng 20 triệu tấn hàng hoá được vận chuyển kể từ khi hai quốc gia ký kết hiệp định vận tải đường thuỷ năm 2011.(9) Tuy nhiên, theo Đại diện Cục Đường thủy nội địa Việt Nam – cơ quan thường trực Hiệp định vận tải đường thủy giữa Việt Nam và Campuchia, nhận định nếu hàng hoá xuất khẩu qua cửa khẩu Việt Nam và các cảng biển ở tuyến sông thì sẽ chỉ mất khoảng 300 km đến 375km nhìn từ góc độ vận tải thuỷ. Tuy nhiên, trong trường hợp kênh đào này hoàn thành, thì hàng hoá vẫn phải đi vòng qua mũi Cà Mau (khoảng 900km) trước khi đến được các nước phía Đông như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Như vậy kênh đào này sẽ khó có thể mang lại lợi ích cho Campuchia như nước này kỳ vọng. (7) Tuy nhiên, về phía Trung Quốc dự án này có thể mang ý nghĩa lớn khi kênh đào đi vào hoạt động. Trung Quốc có thể dễ dàng đi từ sông Lancang qua Mê Kông đến Thái Lan và Malaysia mà không cần đi qua Việt Nam nữa. Đồng thời sẽ tăng cường thêm quan hệ kinh kế, thương mại giữa quốc gia này và các nước ASEAN khác. (7)
Nếu nhìn từ góc độ tích cực hơn, về phía Việt Nam, dự án kênh đào được đánh giá là có thể tạo ra các tác động tích cực đối với thương mại Việt Nam – Campuchia. Hiện tại, Việt Nam đã củng cố vị thế là đối tác thương mại lớn thứ hai của Campuchia sau Trung Quốc với kim ngạch thương mại giữa hai bên tăng 24,5% lên 2,32 tỷ USD trong quý I/2024, so với cùng kỳ năm ngoái. Việt Nam cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Campuchia sau Mỹ với 1,39 tỷ USD trong quý 1/2024, tăng trưởng ấn tượng 53% so với cùng kỳ năm ngoái. (10) Ngoài ra, hai bên cũng đang hướng tới việc tích hợp kênh đào Phù Nam với tuyến đường sắt xuyên Á từ Campuchia sang các tỉnh phía Nam của Việt Nam để giúp cho cảng biển của hai nước phát triển mạnh mẽ hơn. Nhờ vào việc phát triển cơ sở hạ tầng này, cả hai nước sẽ tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế, con người với đa dạng hơn những cơ hội hợp tác và đầu tư không những trong khu vực mà còn từ các quốc gia khác trên thế giới. (10)
An ninh khu vực
Theo nhà nghiên cứu Soko Rim tại tổ chức think tank “Think China”, ông cho rằng kênh đào này sẽ thay đổi giá trị chiến lược về cả kinh tế và chính trị của toàn bộ khu vực Đông Dương. Bởi lẽ, sau khi hoàn thành, chính quyền Campuchia sẽ tăng cường sức mạnh tự chủ quốc gia và bớt phụ thuộc vào bên ngoài. (9) Tuy nhiên, nhìn từ khía cạnh khác sẽ dễ dàng thấy được vai trò của Trung Quốc ở Campuchia ngày càng tăng khi Trung Quốc đầu tư vào dự án này. Sự phụ thuộc kinh tế phần nào đó có thể được chuyển thành ảnh hưởng chính trị để Campuchia hỗ trợ Trung Quốc trong các vấn đề khu vực và quốc tế, như vấn đề chồng lấn yêu sách biển giữa Trung Quốc và các nước Đông Nam Á ở Biển Đông, trong đó Việt Nam có vùng chồng lấn lớn nhất với Trung Quốc. Trước đó, các tàu chiến Trung Quốc đã cập cảng Căn cứ Hải quân Ream của Campuchia trong hơn 5 tháng, làm dấy lên lo ngại về khả năng hiện diện quân sự thường trực của Trung Quốc tại khu vực này, đặc biệt là cuộc tập trận gần đây với hơn 2000 quân nhân (11). Mặc dù Bộ Quốc phòng Campuchia tuyên bố các tàu này không đóng quân cố định mà chỉ tập trận chung và huấn luyện thủy thủ Campuchia, nhưng những hình ảnh vệ tinh xác nhận sự hiện diện liên tục của những con tàu Trung Quốc tại khu vực này.(12) Căn cứ do Trung Quốc tài trợ có ý nghĩa chiến lược, nằm gần Biển Đông và eo biển Malacca. Hoa Kỳ và các quốc gia khác cũng đang bày tỏ quan ngại về vấn đề nơi đây có thể trở thành tiền đồn quân sự của Trung Quốc, mặc dù Campuchia khẳng định không cho phép các căn cứ quân sự nước ngoài trên lãnh thổ của mình, theo quy định của Hiến pháp nước này. (13)
Vấn đề rút ra cho Việt Nam và đề xuất
Đã có nhiều những hội thảo về vấn đề ĐBSCL được tổ chức nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo an ninh và phát triển bền vững cho khu vực này. Để đạt được hiệu quả, Việt Nam cần thực hiện nhiều biện pháp chiến lược đồng thời. Bởi vì, chỉ khi thực hiện đồng bộ những biện pháp này, Việt Nam mới có thể bảo vệ ĐBSCL trước những thách thức hiện tại và hướng tới một tương lai bền vững hơn.
Nông nghiệp chống lại biến đổi khí hậu
Thực hiện tốt Nghị định 120/NQ-CP về việc thúc đẩy các hoạt động phát triển bền vững của khu vực ĐBSCL thông qua tầm nhìn quy hoạch và chiến lược theo từng mục tiêu cụ thể. Trước hết, thực hành những hoạt động nông nghiệp chống lại biến đổi khí hậu bằng việc ưu tiên áp dụng các công nghệ tiên tiến, chuyển đổi cây trồng và nâng cao nhận thức của nông dân về biến đổi khí hậu. Kế hoạch ngắn hạn, trung hạn và dài hạn cần được triển khai, bao gồm việc xây dựng hệ thống thu gom và lưu trữ nước mưa, cải thiện hệ thống thủy lợi và phát triển các dự án thủy điện nhỏ để đảm bảo nguồn nước cho canh tác nông nghiệp và sinh hoạt trong các giai đoạn 5 năm, 10 năm. Hệ thống kênh rạch phức tạp ở đồng bằng sông Cửu Long cần được nạo vét để tăng khả năng cung cấp nước, thoát nước và trữ nước. Các hệ thống thủy lợi hiện tại cần được củng cố và cải tiến, đồng thời cần xây dựng các hệ thống thủy lợi mới để kiểm soát nước ở quy mô tiểu vùng. Như trong hội thảo “Giải pháp về nguồn nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long” do Báo Tuổi Trẻ phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Cần Thơ tổ chức tổ chức tại Cần Thơ ngày 26/4 vừa qua, các chuyên gia trong và ngoài nước đã cùng nhau đề xuất một số giải pháp như công nghệ tưới nhỏ giọt tiên tiến, đã áp dụng thành công tại Israel để đảm bảo đủ nguồn nước cho cây trồng trong mùa khô, lựa chọn những loại giống cây trồng, vật nuôi có thể tồn tại và phát triển trong môi trường khô hạn, nước mặn và nước lợ. (14) Bên cạnh đó, việc bảo vệ và phục hồi hệ sinh thái, áp dụng các biện pháp quản lý tài nguyên nước hiệu quả và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng là cần thiết để duy trì sự cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo tồn thiên nhiên.
Tăng cường hợp tác quốc tế
Việc xây dựng hệ thống kênh đào Phù Nam là đầu tư chính đáng cần có cho sự phát triển của Campuchia. Tuy nhiên, hoạt động này cần tuân thủ theo các nguyên tắc và nghĩa vụ của Uỷ ban sông Mê Kong nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước không ảnh hưởng đến dòng chính của sông. Do đó, cần tăng cường hợp quốc tế giữa các quốc gia thành viên và tham gia tích cực vào các cuộc đối thoại đa phương để tìm kiếm giải pháp chung cho vấn đề an ninh nguồn nước trong khu vực sông Mê Kong. Cho đến hiện nay, đại diện Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam cũng đã trao đổi cùng phía Campuchia và phía Trung Quốc với đề nghị được chia sẻ các thông tin chi tiết về dự án gồm báo cáo khả thi, tiến hành nghiên cứu chung về tác động của kênh đào; và áp dụng hướng dẫn đánh giá tác động xuyên biên giới của Ủy hội sông Mê Kông quốc tế nhằm có cái nhìn tổng thể và toàn diện để đánh giá tình hình của dự án kênh đào nhằm chuẩn bị trước các biện pháp giảm thiểu và giám sát tác động. (4)
Kết luận
ĐBSCL đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam nhưng đang phải đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng. Để đối phó với các thách thức trên, khu vực này cần triển khai một cách chiến lược toàn diện các giải pháp đồng bộ để bảo đảm an ninh cho khu vực chiến lược quan trọng này. Chỉ khi thực hiện đồng bộ và hiệu quả các biện pháp này, Việt Nam mới có thể bảo vệ và phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long, đảm bảo nguồn cung cấp lương thực và an ninh nước cho tương lai.
Theo THẢO LÊ / NGHIENCUUCHIENLUOC.ORG
Tags: Chiến lược phát triển, Tây Nam Bộ, Quan hệ Việt Nam - Campuchia