Về sự thật và chính nghĩa trong cuộc chiến ở Ukraina

Quý vị nói rằng chúng tôi cũng hành xử giống như các nước đế quốc còn lại. Đúng là hiện nay chúng tôi lại được người ta gọi là đế quốc một lần nữa…

Trong bài phát biểu và trả lời câu hỏi tại cuộc họp báo về kết quả hoạt động của ngành ngoại giao Nga năm 2022 ngày 18/1/2023, Bộ trưởng Ngoại giao Liên bang Nga Sergey Lavrov khẳng định sự thật và chính nghĩa thuộc về Nga khi tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraina.

Câu hỏi: Nhiều người Châu Âu có ý kiến cho rằng Nga đã “không thể hiện mặt tốt nhất” của mình khi quyết định sử dụng biện pháp quân sự [ở Ukraina]. Như vậy, Nga hành động giống các nhà nước đế quốc khác như Hoa Kỳ đã từng ném bom gần một nửa hành tinh khi họ vi phạm luật pháp quốc tế để đánh chiếm các vùng lãnh thổ nhất định. Chúng tôi thường nghe thấy những lời chỉ trích này ở Hy Lạp, Sip và các nước Balkan vì họ là nạn nhân của chính sách đế quốc như vậy. Người ta còn nói rằng đang có nguy cơ ở vùng biển Aegean, Thổ Nhĩ Kỳ có thể tấn công Hy Lạp. Là một trong những người am hiểu sâu sắc nhất chủ đề này, ngài có thể tranh luận thế nào với quan điểm đó?

Bộ trưởng ngoại giao Sergei Lavrov: Tôi sẽ không tranh luận. Tôi chỉ phát biểu ý kiến của tôi. Quý vị nói rằng Nga đã “không thể hiện những phẩm chất tốt nhất” của mình khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt. Đây là một cách diễn giải thú vị.

Chúng tôi đã từng thể hiện những phẩm chất tốt nhất của mình sau khi Liên Xô giải thể. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhiều lần nói về điều này. Năm 2001, sau khi được bầu làm tổng thống, một trong những chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của ông là tới nước Đức-nơi ông có bài phát biểu tại Quốc hội bằng tiếng Đức. Như vậy, Vladimir Putin đã đích thân tham gia vào công cuộc hòa giải lịch sử giữa Đức và đất nước chúng tôi. Sự hòa giải này diễn ra vào cuối những năm 1980, đầu những năm 1990, kể từ khi bức tường Berlin sụp đổ và nước Đức thống nhất. Đó là một sự hòa giải chính thức ở cấp độ nhà nước. Chính Vladimir Putin đã “đầu tư” vào sự hòa giải lịch sử này giữa người Nga và người Đức. Chúng ta đừng quên rằng nước Đức thống trước hết là nhờ Liên Xô. Bởi vì những nước còn lại đã từng là các cường quốc chiến thắng [trong Chiến tranh thế giới thứ hai], diễn giải một cách nhẹ nhàng, đều không thực sự muốn điều này.

Chúng tôi đã sẵn sàng và thể hiện những mặt tốt nhất của mình trong một thời gian dài xét từ việc tôn trọng luật pháp quốc tế và tìm kiếm các giải pháp có hiệu quả vì lợi ích cho Châu Âu và toàn nhân loại. Quý vị trích dẫn ví dụ về “Maidan” đầu tiên của Ukraina (2004), khi quan chức Châu Âu nói rằng Ukraina phải lựa chọn đi theo Châu Âu hay theo Nga. Sự kiện đó diễn ra ba năm trước khi Vladimir Putin có bài phát biểu tại Munich [tại Hội nghị an ninh quốc tế năm 2007]. Khi đó, chúng tôi hy vọng rằng lý trí sẽ thắng thế và Châu Âu sẽ hiểu rằng không thể liên tục lừa dối và tiếp tục mở rộng NATO sang phía đông, đi ngược lại những cam kết đã từng đưa ra. NATO không thể mở rộng vì không chỉ trái với lời hứa mà còn trái với các cam kết được ghi trong OSCE, theo đó không quốc gia nào được tăng cường an ninh của mình bằng cách gây thiệt hại đối với an ninh của quốc gia khác. Không một tổ chức nào trong khu vực OSCE có thể khẳng định vai trò chi phối. Điều này đã được ghi rõ trong văn kiện chính thức có chữ ký xác nhận của nguyên thủ các quốc gia, trong đó có Hy Lạp, Hoa Kỳ và Nga. Công thức tương tự xác định rằng không ai được quyền tuyên bố giành quyền thống trị ở Châu Âu cũng được xác nhận trong các văn kiện của Hội đồng Nga-NATO ở cấp cao nhất.

Nếu quý vị nghĩ rằng việc NATO hoàn toàn vô cớ mở rộng bất chấp sự phản đối chính thức của chúng tôi là việc thực hiện nghĩa vụ này, thì chúng ta không thể hiểu nhau. Tôi tin chắc chắn rằng các quý vị không nghĩ như vậy và hoàn toàn hiểu câu chuyện ở đây là gì.

Quý vị nói rằng chúng tôi cũng hành xử giống như các nước đế quốc còn lại. Đúng là hiện nay chúng tôi lại được người ta gọi là đế quốc một lần nữa. Hãy để các thuật ngữ này cho các chuyên gia và các nhà chuyên môn kiến giải.

Chúng tôi là một quốc gia-nơi có rất nhiều dân tộc sinh sống, có gần ba trăm ngôn ngữ, có hầu hết các tôn giáo trên thế giới, tôn trọng truyền thống của mỗi dân tộc. Chúng tôi, với tư cách là một quốc gia đa dân tộc và đa tôn giáo, đã phát triển qua nhiều thế kỷ. Khác với tập quán của các quốc gia thực dân Phương Tây, người Nga không bao giờ đàn áp các dân tộc từng là một phần của Đế chế Nga, không tiêu diệt họ, không ném họ vào “lò luyện” để xóa bỏ hết tất cả bản sắc, tính độc lập và trở thành “người Mỹ” chỉ còn có một bản sắc. Người Mỹ đã không thành công như các quý vị có thể nhìn thấy trong thời gian gần đây. Ở đất nước chúng tôi, tất cả những ai gia nhập Đế chế Nga đều giữ nguyên phong tục, truyền thống, bản sắc, tính độc lập và ngôn ngữ của họ.

Bây giờ nói về việc giành giật lãnh thổ và những gì các vị coi là “bản năng” giống như các đế quốc Phương tây. Hoa Kỳ đã xâm chiếm lãnh thổ nước ngoài khoảng ba trăm lần. Trong hầu hết các trường hợp, vì ai đó đã xúc phạm người Mỹ như vẫn thường xuyên xẩy ra ở Trung Mỹ và ở Caribbean, hoặc để loại bỏ các mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh. Ví dụ, Saddam Hussein [Tổng thống Iraq] bị cáo buộc sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt. Về sau, cáo buộc này hóa ra là một trò lừa bịp. Libya-nơi họ muốn tiêu diệt M.Gaddafi-người mà đối với Mỹ dường như không phải là một nhà dân chủ mà là một nhà độc tài. Mỹ đã tàn phá cả Iraq và Libya là những quốc gia thịnh vượng, nơi người dân có cuộc sống khá tốt về kinh tế-xã hội. Ở Nam Tư, người Mỹ quyết định chia nhỏ khu vực Balkan, vừa để làm hài lòng nước Đức-quốc gia thậm chí không đợi EU soạn thảo đường lối thống nhất và công nhận Croatia và Slovenia. Do đó, nước Đức đã tạo ra quá trình không thể đảo ngược và xóa bỏ mọi khả năng xây dựng một nhà nước liên bang hoặc một định dạng khác giữa các quốc gia Balkan.

Serbia phản đối việc các nước Balkan phải phục tùng Phương Tây. Họ đã làm gì với Serbia? J. Biden khi còn là thượng nghị sĩ, thậm chí 1 năm trước khi NATO xâm lược Serbia, vào năm 1998, tuyên bố rằng ông ủng hộ việc ném bom Belgrade và đề xuất cử điều động phi công Mỹ ném bom và cho nổ tung tất cả các cây cầu bắc qua sông Drina và chiếm đoạt tất cả trữ lượng dầu mỏ của quốc gia này. Như quý vị đã thấy, tất cả các đề xuất của Thượng nghị sĩ John Biden đã được thực hiện 1 năm sau đó, vào năm 1999. Tạp chí Time vào thời điểm đó đã đăng trên trang bìa: “Buộc người Serbi phải chấp nhận hòa bình. Một vụ đánh bom lớn sẽ mở rộng cánh cửa tới hòa bình”. Thế là hết. Không có tòa án nào được thành lập, cũng không ai nghĩ về vụ ném bom này nữa.

Làm thế nào mà không ai nghĩ tới chuyện thành lập tòa án nào để xét xử chuyện Mỹ xâm lược Syria, không xuất phát từ bất kỳ lý do chính đáng nào họ đã tàn phá hoàn toàn các thành phố. Ví dụ, thành phố Raqqa đã bị phá hủy hoàn toàn. Hàng chục, hàng trăm xác chết nằm đó hàng tháng trời không ai thu gom. Vâng, cộng đồng quốc tế, “các bác sĩ không biên giới” và “các phóng viên không biên giới” có nói điều gì đó và ở đâu đó nhưng không ai đề cập đến chuyện thành lập bất kỳ tòa án nào. Khi Tòa án hình sự quốc tế (ICC) bất ngờ quyết định điều tra các cáo buộc về tội ác chiến tranh của Mỹ ở Afghanistan, Hoa Kỳ đã nói với ICC rằng sẽ trừng phạt tất cả những người này và thu giữ toàn bộ số tiền của họ gửi trong các ngân hàng Mỹ. Thế là mọi chuyện kết thúc. Cơ quan tư pháp quốc tế cấp cao này chỉ đơn giản là im lặng.

Tất nhiên, quý vị có thể so sánh. Còn chúng tôi đã bảo vệ an ninh của chính mình. Họ đã biến Ukraina thành bàn đạp tấn công Nga, phá hoại lợi ích của chúng tôi. Ở Biển Azov, người ta đã lên kế hoạch xây dựng các căn cứ hải quân, chủ yếu là của Anglo-Saxon. Đây là mối đe doạ nghiêm trọng. Nguy cơ tiếp theo là họ đã sỉ nhục người Nga mà quyền lợi đã được Hiến pháp Ukraina đảm bảo. Đây là điều không thể chấp nhận được bởi người Nga ở Ukraina là đồng bào của chúng tôi. Chúng tôi phải bảo vệ lợi ích hợp pháp của họ được Hiến pháp Ukraina đảm bảo. Còn cuộc đảo chính do Phương Tây kích hoạt vào năm 2014 hoàn toàn không nhằm thiết lập một cuộc đối thoại quốc gia ở Ukraina. Phương Tây dứt khoát đứng về phía chế độ Kiev-một chế độ chủ trương chống Nga, đi theo các nguyên tắc lý thuyết và thực tiễn của chủ nghĩa phát xít khi họ pháo kích vào Donetsk và Lugansk. Không ai điều tra những tội ác này. Không có tòa án ở đó. Thậm chí không ai nghĩ đến việc điều tra tội ác và thành lập tòa án. Khi cuộc chiến chống lại những người không chấp nhận cuộc đảo chính này dừng lại, các thỏa thuận Minsk đã được ký kết. Như các quý vị đã biết, nguyên thủ các nước Đức và Pháp cùng với P.A. Poroshenko, cả ba bên đã ký kết thỏa thuận này (trừ Tổng thống V.V. Putin), giờ đây đều tuyên bố nói rằng họ làm điều này để câu giờ, để người Ukraina được cung cấp thêm vũ khí, để chuẩn bị tốt hơn cho lần tiếp theo giai đoạn của cuộc chiến. Thế là thế nào?

Thế mà các quý vị cho rằng chúng tôi chưa thể hiện những mặt tốt nhất của mình ở đây sao? Chúng tôi là những người duy nhất tìm cách thực hiện các thỏa thuận Minsk “đáng tiếc” này. Tất cả các bên còn lại đều là kẻ gian lận trong tình huống này và đều làm theo chỉ dẫn của người Mỹ.

Về chuyện Hy Lạp và Sip cũng bị đau khổ từ tình hình này. Tôi không biết tại sao họ lại là đau khổ hơn. Chúng tôi và người Hy Lạp và người Sip luôn là những người bạn gần gũi. Mọi người đã nhận thấy sự biến chất của lãnh đạo cả hai quốc gia này.

Giờ đây mọi người đều đã biết cách thức các lực lượng được xây dựng để bắt đầu cuộc chiến phức hợp chống lại chúng tôi. Tôi thậm chí không thể tưởng tượng rằng những người giữ chức vụ thủ tướng, tổng thống của các nước Châu Âu, và hơn thế nữa lại là các quốc gia có quan hệ lịch sử lâu dài với Liên bang Nga, lại không biết sự thật hoặc không thể phân tích chúng. Kết luận tôi rút ra từ lập trường của các nước Châu Âu, bao gồm cả Hy Lạp và Síp là: họ bị ép buộc, hoặc chính họ sẵn sàng đồng ý, phục tùng các mệnh lệnh của Mỹ. Toàn bộ Châu Âu đều do Hoa Kỳ “dựng lên”. Sẽ không ai cho phép Châu Âu nói về bất kỳ “quyền tự chủ chiến lược” nào nữa. Một năm trước, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ L. Austin, khi thảo luận về sự cần thiết phải gửi thêm quân đội Mỹ đến Châu Âu khi nhận được câu hỏi liệu đội quân đố sẽ thường trực đóng quân hay luân phiên, đã trả lời rằng điều đó sẽ do Washington quyết định. Hoa Kỳ sẽ tự đưa ra quyết định mà không cần hỏi Châu Âu.

Chúng tôi đã rút ra kết luận cho chính mình, và tất nhiên, chúng tôi sẽ rút ra kết luận về quan hệ với những quốc gia đã nhanh chóng ủng hộ cuộc xâm lược chống lại Liên bang Nga.

Một ngày nào đó cuộc chiến này sẽ kết thúc. Chúng tôi sẽ vẫn bảo vệ lẽ phải của mình. Nhưng tôi chưa biết sẽ tiếp tục sống [quan hệ với các nước Châu Âu] ra sao đây. Mọi thứ sẽ phụ thuộc vào các kết luận mà Châu Âu rút ra được.

Theo ĐẠI SỨ QUÁN NGA TẠI VIỆT NAM 

Tags: , ,