Về sự phục hồi các giá trị tôn giáo

Chính vào lúc khoa học đạt đến đỉnh cao nhất trong quá trình phát triển của nó, tôn giáo không những không mất đi như lời tiên đoán của các nhà tư tưởng thuộc phong trào Ánh Sáng, trái lại, đã có nhiều dấu hiệu không thể nhầm lẫn về sự phục hồi của tôn giáo và giá trị tâm linh ở khắp nơi trên thế giới.

Về sự phục hồi các giá trị tôn giáo

Từ thế kỷ XVIII, hầu hết các nhà tư tưởng thuộc phong trào Ánh Sáng, với niềm tin mạnh mẽ vào sức mạnh gần như tuyệt đối của tinh thần duy lý, đều đưa ra một dự báo ảm đạm về tôn giáo, theo đó, tôn giáo sẽ biến mất trong thế kỷ XX, khi những điều kiện xã hội cho sự phát sinh niềm tin tôn giáo đã bị triệt tiêu, và nhất là khi sự tiến bộ của khoa học, kỹ thuật có thể giúp giải quyết được nhiều vấn đề của con người, kể cả những vấn đề có tính chất cơ bản nhất. Như John Naisbitt đã nhận định, chính “niềm tin khoa học” đó là tiền đề của các cuộc cách mạng công nghiệp và tạo nên những sự tiến bộ kỹ thuật chưa từng thấy trong lịch sử nhân loại, làm cho cuộc sống loài người có những biến chuyển hết sức sâu sắc trên nhiều bình diện khác nhau.

Nhưng chính vào lúc khoa học đạt đến đỉnh cao nhất trong quá trình phát triển của nó, tôn giáo không những không mất đi như lời tiên đoán của các nhà tư tưởng thuộc phong trào Ánh Sáng, trái lại, đã có nhiều dấu hiệu không thể nhầm lẫn về sự phục hồi của tôn giáo và giá trị tâm linh ở khắp nơi trên thế giới. Đó là điều mà một số học giả gọi là “sự trở về vĩ đại” (Le grand retour) với các giá trị tâm linh trong một thế giới mà sự thống trị của khoa học, kỹ thuật và các giá trị vật chất đã không đem đến hạnh phúc đích thực cho con người. Tất nhiên, tuỳ theo đặc điểm môi trường văn hóa, xã hội của từng khu vực hoặc tùy theo thiên hướng của từng cá nhân mà sự phục hồi các giá trị tâm linh này có thể diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau.

Với ý nghĩa đó, sự phục hồi tôn giáo không nhất thiết chỉ diễn ra trong phạm vi nội bộ của các thiết chế tôn giáo có tổ chức mà còn có thể bộc lộ bên ngoài các thiết chế này, ở chính sự nhận thức lại các giá trị đích thực của tôn giáo mà vì nhiều lý do, đã từng bị ngộ nhận trong lịch sử. Ở Mỹ, theo kết quả của một số cuộc thăm dò gần đây, có đến 61% người được hỏi cho rằng tôn giáo, hiểu theo nghĩa rộng, là một điều rất quan trọng trong cuộc sống của họ; và dù sống trong một xã hội mà các giá trị vật chất được tôn sùng quá mức, họ vẫn luôn “hướng về tâm linh” dưới hình thức này hay hình thức kia.

Ở Việt Nam hiện nay, mặc dù chưa có một số liệu thống kê nào được công bố chính thức, nhưng bằng vào quan sát thực tiễn, chúng ta thấy chưa bao giờ nhu cầu tâm linh của xã hội lại lớn như bây giờ, và đó chính là một tiền đề quan trọng để có thể phục hồi các giá trị tôn giáo. Tất nhiên, không ai lại đồng nhất điều đó với sự xuất hiện ngày càng nhiều những ngôi chùa, nhà thờ nguy nga tráng lệ, hoặc ở những cuộc hành hương ngày càng có đông tín đồ tham gia. Những biểu hiện hình thức đang phát triển rất đa dạng của đời sống tâm linh cũng chỉ có thể được xem là những dấu hiệu của sự hồi phục tôn giáo, mặc dù giữa sự hồi phục này với sự phục hồi đích thực các giá trị tâm linh vẫn còn là một khoảng cách khá xa.

Điều gì đã làm cho người ta đưa ra dự báo thiên niên kỷ thứ ba là thiên niên kỷ của sự hồi sinh tôn giáo?

– Trước hết, nhân loại đang sống trong một giai đoạn “chuyển tiếp vĩ đại” từ thiên niên kỷ thứ hai sang thiên niên kỷ thứ ba. Và sự chuyển tiếp này được đánh dấu bằng những thay đổi hết sức nhanh chóng, lớn lao trên hầu hết các lãnh vực của đời sống. Đứng trước thay đổi đó, con người rơi vào một trạng thái tâm lý đầy mâu thuẫn: vừa tràn trề hy vọng, vừa lạc quan về “sức mạnh trí tuệ” của mình, đồng thời lại vừa lo âu, hoảng sợ trước một tương lai mà từ trong sâu thẳm của tâm thức, con người cảm thấy chưa thực sự làm chủ được. Và khi con người bị “giằng xé” giữa hai cực mâu thuẫn như đã nói trên, thì nhu cầu và niềm tin về tâm linh càng trở nên mạnh mẽ. Để tìm lại sự bình an trong tâm hồn, phần đông thường làm theo một trong hai cách: hoặc là hướng nội theo những phong trào “tin vào cảm xúc bên trong”, hoặc là hướng ngoại, tin theo những thế lực siêu nhiên tồn tại ở bên ngoài con người.

– Khoa học, kỹ thuật tuy có sức mạnh to lớn, nhưng có những giới hạn mà nó không thể vượt qua được. Sự sùng bái mù quáng về sức mạnh của khoa học, kỹ thuật có thể đưa đến những hậu quả tiêu cực: chiến tranh, sự ô nhiễm môi trường, sự mất quân bình trong phát triển. Hơn nữa, khoa học và kỹ thuật không dạy chúng ta về ý nghĩa cuộc đời, mà chúng ta chỉ học được điều này qua kinh nghiệm cá nhân và qua đạo đức, văn chương, nghệ thuật và các giá trị tâm linh.

– Sự thất vọng của con người trước những bất cập và tiêu cực của không ít thể chế chính trị – xã hội. Cũng giống như nền văn hóa khoa học, nền văn hóa thể chế cũng có những giới hạn của nó. Và như kinh nghiệm thực tế đã cho thấy, không bao giờ nền văn hóa thể chế này có thể giải quyết được tận gốc những vấn đề mà nó đặt ra như đã hứa hẹn với công chúng. Sự tha hóa trong các thiết chế chính trị-xã hội là một điều khó tránh khỏi, và điều đó càng làm cho con người mất niềm tin vào các giá trị mà nền văn hóa thể chế này có thể tạo ra.

– Cùng với sự phát triển mạnh mẽ về khoa học- kỹ thuật, tinh thần duy lý đã được đẩy lên đến mức cực đoan hơn bao giờ hết. Một khi tư duy lý trí phát triển lên đến cực độ thì sự mất quân bình trong tâm thức sẽ xảy ra. Và chức năng “thi ca”, chức năng “tưởng tượng” của tâm thức sẽ được phục hồi như một yếu tố không thể thiếu, để lập lại sự quân bình trong tâm thức. Có thể nói, cùng với sự phục hưng tôn giáo, con người cũng đang tái khám phá chiều kích cảm xúc của chính mình, đặc biệt là cảm xúc về tâm linh. Như vậy, sự phục hồi các giá trị tôn giáo không phải chỉ bắt nguồn từ các điều kiện xã hội ngoại tại mà chủ yếu xuất phát từ chính bản chất bên trong của con người, một bản chất mà theo như cách nói của nhà triết học Pháp Edgar Morin, đó là sự kết hợp đồng thời giữa trí khôn và tâm linh (L’être humain est à la fois sapiens et demens)

Thực ra, hiểu theo đúng thực chất và ý nghĩa của nó, phục hưng tôn giáo là cả một quá trình dài lâu mà hiện nay, quá trình này chỉ mới bắt đầu ở giai đoạn sơ khởi. Trong giai đoạn này, sự phục hồi chỉ mới diễn ra ở “cấu trúc bề mặt” của tôn giáo [tương đương với khái niệm “tôn giáo tĩnh” (Religion statique), một thuật ngữ do Henri Bergson đặt ra để phân biệt với “tôn giáo động” (Religion dynamique)]. Và đó chính là tiền đề để phục hồi đích thực có thể diễn ra ở “cấu trúc bề sâu” của tôn giáo, một loại “cấu trúc” liên quan mật thiết đến thế giới nội tâm của con người (thuộc phạm trù “tôn giáo động”). Với “cấu trúc bề sâu” này, một người có thể không theo bất cứ một tôn giáo có tổ chức nào nhưng vẫn là một CON NGƯỜI TÂM LINH đích thực. Và tinh thần tôn giáo đích thực là tinh thần bao dung, sẵn sàng chấp nhận những khác biệt và hòa giải các mâu thuẫn.

Trên phương diện văn hóa, có thể nói rằng, sự phục hưng tôn giáo chỉ có thể được thiết lập một cách vững chắc trên căn bản của sự hợp tác và hòa giải giữa ba nền văn hóa lớn của nhân loại: Văn hóa khoa học, Văn hóa thể chế và Văn hóa tâm linh. Trong quá khứ, đã từng có sự đối kháng hoặc mâu thuẫn giữa các nền văn hóa này, và đó là một trong những nguyên nhân tạo nên các cuộc xung đột trên nhiều bình diện khác nhau, từ cá nhân cho đến quốc gia. Có lẽ một trong những sứ mệnh cao cả nhất của văn hóa là sứ mệnh “hòa giải”, và sự “hòa giải văn hóa” này là con đường tốt nhất để tạo ra sự phục hưng tôn giáo.

Đây không phải chỉ là sự phục hưng riêng của nền Văn hóa tâm linh mà còn là sự khắc phục những hạn chế, khuyết tật của nền Văn hóa khoa học và Văn hóa thể chế. Không phải chỉ có sự mâu thuẫn, đối kháng mà chính sự hòa giải giữa các nền văn hóa cũng là một động lực tạo ra tiến trình phát triển của lịch sử.

Theo TRẦN TRUNG PHƯỢNG / GIAO ĐIỂM ONLINE/p>

Tags: