Về sự lạm dụng khái niệm ‘đương đại’ trong nghệ thuật

Lâu nay người ta vẫn sính dùng từ “đương đại” (contemporary). Nào là văn học đương đại, âm nhạc đương đại, sân khấu đương đại, điện ảnh đương đại, múa đương đại và mỹ thuật đương đại… trong các chương trình văn học nghệ thuật giới thiệu các tác giả trẻ. Tuy nhiên không nên lạm dụng cụm từ ấy và lấy đó làm hướng đi cho một thế hệ.

Về sự lạm dụng khái niệm ‘đương đại’ trong nghệ thuật

Bài viết của nhà phê bình mỹ thuật Lê Quốc Bảo.

Cho dù là loại hình, thể loại, hình thức xu hướng nghệ thuật nào, những tác phẩm của những người đương thời sáng tác của bất kỳ thế hệ nào đều thuộc nghệ thuật đương đại. Đâu chỉ có thế hệ hệ trẻ. Và đâu chỉ có nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật trình diễn… mới là nghệ thuật đương đại?

Nhìn lại tác phẩm của các nghệ sĩ trẻ cũng thấy rằng họ có nhiều sáng tạo, đổi mới, cách tân hình thức nghệ thuật. Họ đã biết làm phong phú thêm hình thức tạo hình. Và cũng không ít họa sĩ trẻ đã tự khẳng định mình bằng nghệ thuật hiện thực của thế hệ mình. Như vậy để thấy rằng nghệ thuật hiện thực đâu có lỗi thời.

Còn cái gọi là “nghệ thuật đương đại” mà nhiều người đang tự nhận là “mới” nhưng ai cũng thấy họ đang “xài” các yếu tố tạo hình của các trường phái phương Tây hiện đại. Thực chất là “cũ người mới ta”. Có điều ngay cả chủ nghĩa lập thể, siêu thực, biểu hiện trừu tượng và trừu tượng ra đời đều có những đóng góp nhất định cho lịch sử mỹ thuật, nhưng cứ gì phải gọi là “nghệ thuật đương đại”.

Có một sự nhầm lẫn chết người về quan niệm nghệ thuật đương đại. Nhầm lẫn giữa nội dung phản ảnh của các loại hình thể loại, các xu hướng nghệ thuật trong tác phẩm. Sau một vài cái nhìn phiến diện, sau vài chuyến đi nước ngoài đã vội vàng khẳng định: “Thế giới bây giờ có làm như ta đâu”. Rồi họ lấy ngoài đo trong, rồi khẳng định tranh giá vẽ đã lỗi thời, là tranh “cúng cụ”.

Rồi lại lớn tiếng tung hô nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật trình diễn, video art mới là mới. Không hiểu họ có biết rằng có tới hơn 95% họa sĩ Việt Nam sáng tác theo thể loại tranh giá vẽ. Nhiều tác giả giành Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật vẫn là tranh giá vẽ.

Đương đại cả nội dung phản ánh lẫn hình thức phản ánh quyết không phải là lỗi thời. Có chăng chỉ là đẹp hay xấu mà thôi. Còn nghệ thuật sắp đặt, trình diễn là mới, là đương đại? Phải xem xét lại. Hiện một số họa sĩ đã tiếp cận và tâm huyết với thể loại này, ít hay nhiều đã được thừa nhận – hay có thể nói là “đã có hộ khẩu thường trú”.

Có điều công chúng của thể loại này còn hiếm, vì còn khó hiểu. Ngay đến một số tác giả sáng tác theo thể loại này cũng chỉ nói rằng “Thấy người ta làm thì làm chơi, thế giới người ta gọi như thế”. Sáng tác mỹ thuật mà không tường tận ngôn ngữ và tinh thông, chất liệu, kỹ thuật thì làm sao tới đích?

Song xét đặc trưng ngôn ngữ nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật trình diễn thì có thể nói đó là ngôn ngữ tổng hợp, chất liệu tổng hợp, chiếm lĩnh không gian rộng lớn. Suy cho cùng những thứ đó chưa chắc đã là mới, là đương đại. Nhìn lại những lễ hội trong các hội làng với những đám rước: Cờ, hoa, võng, lọng, phướn, trống, chiêng, đông đảo nhất là những người tham gia lễ hội ăn mặc đủ màu, đủ kiểu… quả là một nghệ thuật sắp đặt đẹp, giàu bản sắc.

Cái đó có từ thời xa xưa và là một nét văn hóa truyền thống. Hay như các buổi lên đồng, ông đồng, bà cốt diễn sao mà điêu luyện thế. Bỏ đi những biến tướng mê tín dị đoan, nếu so với các trò trình diễn hôm nay thì còn thô thiển lắm, thiếu cái thần của ông đồng, bà cốt… Như vậy thì có gì là mới, là đương đại.

Thực chất thì chỉ nên coi là một thể loại, một xu hướng thì đúng hơn, còn hình thức nghệ thuật chỉ là một thể loại không hơn, không kém, và không nên lấy nó làm thương hiệu cho nghệ thuật của mình. Quả thật sáng tác nghiên cứu phê bình mỹ thuật mà không xuất phát từ thực tiễn, hiện thực của dân tộc không bao giờ tới đích.

Theo AN NINH THỦ ĐÔ

Tags: ,