Về sự khốn cùng của chủ nghĩa đế quốc đương đại phương Tây

Để giành quyền thống trị thế giới, Washington và các nước chư hầu của họ đang sử dụng bất kỳ phương tiện nào – từ các biện pháp trừng phạt đơn phương đến chiến tranh thông tin.

Bài phát biểu của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Liên bang Nga Sergey Lavrov tại Hội nghị quốc tế lần thứ XI của các đại diện cấp cao phụ trách các vấn đề an ninh

Moskva, ngày 24/5/2023.

Hiện nay quan hệ quốc tế đang trải qua những thay đổi căn bản mang tính kiến tạo thực sự. Khả năng thống trị của một quốc gia hoặc thậm chí một nhóm quốc gia đã lùi vào quá khứ. Như Tổng thống Vladimir Putin đã từng đưa ra nhận định tại Lễ duyệt binh kỷ niệm Chiến thắng trên Quảng Trường Đỏ ngày 9 tháng 5, thế giới đang tự tin hướng tới một hệ thống đa cực công bằng hơn (https://vk.cc/cnZFjG), dựa trên các nguyên tắc tin cậy và an ninh gắn kết, bình đẳng về khả năng để cho tất cả các quốc gia và các dân tộc được phát triển tự do và độc lập.

Chúng ta đang được chứng kiến vị thế đang không ngừng được củng cố của các quốc gia ở Nam Bán Cầu và Đông Bán Cầu được định hướng bởi các ưu tiên quốc gia cơ bản của họ chứ không phải bởi các lợi ích ích kỷ hẹp hòi của các quốc gia đã từng là thực dân trước đây. Nền ngoại giao đa phương cũng không nằm ngoài xu thế chung. Các liên kết kiểu mới như SCO, BRICS và EAEU đang được tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình dân chủ hóa đời sống quốc tế. Trong tương lai, tất cả những chuyển động này sẽ hướng tới một trật tự thế giới cân bằng, bền vững và bao trùm hơn.

Để giành quyền thống trị thế giới, Washington và các nước chư hầu của họ đang sử dụng bất kỳ phương tiện nào – từ các biện pháp trừng phạt đơn phương đến chiến tranh thông tin. Hành động theo logic Chiến tranh Lạnh, họ đưa thêm tư tưởng vào địa chính trị. Trái ngược với nguyên tắc bình đẳng chủ quyền của các quốc gia được ghi trong Hiến chương Liên Hợp Quốc, họ đang áp đặt lên cộng đồng thế giới sự phân chia giả tạo thế giới thành “dân chủ” và “chuyên chế”.

Tình hình đã diễn biến tới mức Phương Tây tìm cách thay thế trật tự thế giới lấy Liên hợp quốc làm trung tâm được hình thành sau Chiến tranh thế giới thứ hai bằng một kiểu “trật tự dựa trên luật lệ”. Giới tinh hoa Phương Tây đang tìm cách phổ cập rộng ra toàn thế giới những “luật lệ” mà chưa ai nhìn thấy hình hài ra sao và hoàn toàn không có cơ sở pháp lý. Mục tiêu của họ rất rõ ràng: phá hủy hệ thống luật pháp quốc tế đương đại, ngăn chặn sự phát triển của các trung tâm thế giới mới với toan tính tiếp tục giải quyết các vấn đề của họ theo tinh thần của chính sách thực dân và gây thiệt hại đối với các quốc gia khác.

“Tập thể Phương Tây” không cần che giấu ý định buộc Nga phải chịu “thất bại chiến lược”. Họ sử dụng chế độ Kiev làm lực lượng đánh thuê hiện đang được NATO cung cấp nhiều vũ khí. Trong khi đó, phần lớn nguồn vũ khí này của Phương Tây đang được phát tán không kiểm soát ra khắp thế giới. Trên thực tế, các quốc gia NATO đang trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột về phía Kiev. Một chính sách vô trách nhiệm như vậy đang làm gia tăng đáng kể hiểm họa về một cuộc xung đột quân sự trực tiếp giữa các cường quốc hạt nhân. Chúng tôi đang gửi thông điệp tới các thủ đô Phương Tây rằng không thể chấp nhận được một kịch bản như vậy. Thật đáng tiếc, các thông điệp của chúng tôi hoặc bị phớt lờ, hoặc bị bóp méo một cách trắng trợn nhằm mục đích tuyên truyền.

Ngoài Moskva, hầu hết các quốc gia khác đều đang đứng trước lời đe dọa và tống tiền. Chúng tôi nhận thấy rằng, trong khuôn khổ của “các chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”, Mỹ đang chủ trương đẩy tình hình căng thẳng xung quanh Đài Loan leo thang. Trong các kế hoạch phá hoại ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, Washington đang lôi kéo các nước chư hầu không chỉ ở Châu Âu mà còn ở Viễn Đông. Sau khi Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid tuyên bố về cái gọi là “an ninh không thể chia cắt của khu vực Châu Âu-Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”, các nước Phương Tây quyết định giáng một đòn chí mạng vào cấu trúc an ninh lấy ASEAN làm trung tâm ở khu vực này của thế giới. Thay vì hợp tác mang tính xây dựng vì lợi ích của tất cả các nước, các quốc gia Anglo-Saxons đang đưa cơ sở hạ tầng quân sự của NATO vào khu vực này, tạo ra AUKUS và các liên minh chính trị-quân sự “quy mô nhỏ” khác, ra sức lôi kéo một số quốc gia ở Đông Nam Á vào trò chơi với lửa. Tất cả tình hình này không thể không gây ra mối lo ngại nghiêm trọng.

Trong nhiều năm, “Phương Tây tập thể” đã gây bất ổn và xáo trộn tình hình Trung Đông và Bắc Phi. Họ đang ra sức thiết lập “trật tự” trong không gian hậu Xô Viết, bao gồm cả ở vùng Transcaucasia và Trung Á. Hành động theo lối chủ nghĩa thực dân, họ tìm cách khai thác ngày càng nhiều các nguồn tài nguyên phong phú nhất của lục địa Châu Phi. Mỹ tiếp tục coi các nước Mỹ Latinh và Caribbean vẫn là “sân sau” của họ và phản ứng một cách đáng lo ngại khi các nước trong khu vực này theo đuổi chính sách độc lập, tự do. Trong tất cả các khu vực được đề cập ở trên, các nước Phương Tây cố tình kích động xung đột giữa các sắc tộc, giữa các giáo phái và giữa các quốc gia.

Để giảm căng thẳng quốc tế, chúng tôi kêu gọi Washington và Brussels từ bỏ các quyết định đơn phương sử dụng sức mạnh, từ bỏ nỗ lực gạt Liên Hợp Quốc ra bên lề và tạo ra các cấu trúc không có tính hợp pháp bên ngoài Liên Hợp Quốc chỉ nhằm mục đích cai trị các quốc gia khác. Chúng tôi buộc phải tuyên bố rằng giới cầm quyền Phương Tây chưa sẵn sàng chấp nhận chính sách đối ngoại phải dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, tinh thần tập thể, bình đẳng và tính đến lợi ích của nhau.

Chúng tôi nhất quán xuất phát từ tiền đề cho rằng tình hình hỗn loạn địa chính trị hiện nay không nên là trở ngại đối với việc liên kết các nỗ lực quốc tế để hóa giải có hiệu quả nhiều mối đe dọa chung đối với toàn nhân loại.

Nga là cường quốc Á-Âu và Châu Âu-Thái Bình Dương lớn nhất, một trong những trung tâm hàng đầu thế giới, luôn ủng hộ sự gắn kết của cộng đồng quốc tế để hóa giải các thách thức an ninh mà thế giới đang phải đối mặt.

Ngoại giao Nga luôn đối thoại cởi mở với các đối tác để đạt được các thỏa thuận thiết thực dựa trên sự cân bằng lợi ích và tôn trọng lẫn nhau. Chìa khóa thành công ở đây là dựa vào các chuẩn mực phổ quát của luật pháp quốc tế, chủ yếu là nguyên tắc bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia.

Theo ĐẠI SỨ QUÁN NGA TẠI VIỆT NAM

Tags: , ,