Về những cạm bẫy dẫn đến tham nhũng trong ngành y

Trong những ngày liên tục có các lãnh đạo, nhân viên ngành y bị bắt, tôi nhận được nhiều lời động viên, an ủi và cả câu hỏi rằng, chỗ chúng tôi “có xao động gì không”.

Về những cạm bẫy dẫn đến tham nhũng trong ngành y

Tác giả: Bác sĩ, Tiến sĩ Y học Quan Thế Dân.

Tôi không xao động, không bối rối vì những sự việc ấy xảy ra dễ hiểu. Nhiều nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm pháp trong ngành đã được nói đến từ lâu. Có thể kể đến: Mức đãi ngộ thấp dẫn tới tham nhũng vặt để “tự cứu lấy mình”; Bổ nhiệm lãnh đạo không đủ rõ ràng, thậm chí không căn cứ vào chuyên môn, mở đường cho “yếu tố” đồng tiền xuất hiện; Những kẽ hở của pháp luật như mời chào người ta phạm luật, không khác gì cái bẫy.

Giá thuốc là một cái bẫy, một nguyên nhân dẫn đến tham nhũng trong ngành y, điều mà những người lăn lộn trong ngành sẽ thấy rõ.

Năm 2005, khi lần đầu tiên tham gia quản lý bệnh viện ở mức thấp, tôi mới biết đến một quy định của BHYT: Bệnh viện không được hưởng lợi nhuận nào trên tổng tiền thuốc mà bệnh viện tiêu thụ. Ví dụ một năm, bệnh viện nhập về 100 tỷ tiền thuốc để chữa bệnh, thì cuối năm BHYT trả cho bệnh viện đúng 100 tỷ, không hơn không kém.

Tôi rất ngạc nhiên vì tôi và các bác sĩ lúc đó cũng đang mở phòng mạch ngoài giờ ở nhà, chúng tôi biết giá thuốc bán sỉ và bán lẻ phải khác nhau. Nên việc bệnh viện tiêu thụ được cả 100 tỷ tiền thuốc mà không được đồng lời nào thì quá khó hiểu. Càng khó hiểu hơn nữa, là bất công như thế mà không thấy ai lên tiếng.

Không ai giải thích cho tôi, cuối cùng tôi cũng tìm hiểu được, như sau: Toàn thể nhân viên bệnh viện, từ giám đốc cho đến hộ lý, đều làm thuê cho nhà nước. Đất xây bệnh viện nhà nước cấp, nhà cửa máy móc phần lớn nhà nước trang bị… thuốc được cấp để phát lại cho bệnh nhân. Hoàn toàn là xin-cho và cấp-phát.

Toàn bộ quy trình này là không lợi nhuận. Vì thế, thuốc tiêu bao nhiêu thì được thanh toán bấy nhiêu.

Trước đây thì quy trình này đúng, vì thuốc cung cấp từ các xí nghiệp dược quốc doanh, nên xí nghiệp dược quốc doanh có lãi thì cũng vào “nồi cơm chung” là nhà nước, không ai thắc mắc gì.

Nhưng khi ngành dược được tư nhân hóa thì khác. Công ty dược tư nhân mọc lên như nấm, chiếm chủ đạo trong việc cung cấp thuốc cho bệnh viện. Đây là lúc kẽ hở hiện ra.

Công ty dược tư nhân cung cấp thuốc cho cửa hàng, dĩ nhiên phải với giá bán sỉ, rồi cửa hàng mới bán lẻ thuốc đến tay người bệnh. Chênh lệch giữa giá bán sỉ và lẻ khoảng 20% hoặc cao hơn. Thế nhưng khi công ty dược cung cấp thuốc cho bệnh viện, thì được bán với giá nào? Giá bán lẻ hay bán buôn? Lẽ tự nhiên chúng ta nghĩ bệnh viện là những khách hàng lớn, phải được hưởng giá bán buôn.

Nhưng khảo sát thực tế, giá thuốc bệnh viện nhập vào không rẻ hơn giá bán lẻ đến tay người dùng là bao. Ví dụ thuốc kháng sinh Medocef, giá BHYT thanh toán trong bệnh viện là 53.500 đồng, giá bán ở hiệu thuốc là 50.000 đến 56.000 đồng tùy số lượng. Tuy nhiên ma trận giá thuốc ở Việt Nam rất phức tạp.

Để biết giá thuốc bệnh viện mua vào đã là giá thật chưa, có thể quan sát dòng chảy của lợi ích. Nếu giá thuốc của bệnh viện thật sự là giá bán buôn, sẽ có hiện tượng tuồn thuốc trong viện ra ngoài bán kiếm lời. Hiện nay, dù sự quản lý của các bệnh viện chưa thực sự chặt chẽ, hiện tượng này hầu như không có.

Như vậy có thể nói giá thuốc mà bệnh viện được BHYT thanh toán chưa phải là giá thấp nhất có thể. Để ngăn chặn các tiêu cực trong giá mua thuốc, ngành y tế có rất nhiều quy định về đấu thầu. Nhưng hiệu quả đến đâu thì người trong cuộc mới hiểu. Trong giới am hiểu, người ta nói đến tỷ lệ vàng 20%. Vậy phần chênh lệch này phân chia thế nào?

Có thể nói khái quát: cùng một lượng hàng, một công ty xuất cho các cửa hàng tư nhân, thu về 80 tỷ; nhưng xuất cho bệnh viện, thu về 100 tỷ. Gần đây, điều tra ban đầu vụ án Việt Á đã phần nào xác nhận tỷ lệ vàng này. Việt Á xuất bán 4.000 tỷ tiền hàng thì tiền hối lộ là 800 tỷ, đúng 20%.

Đường đi tiếp theo của đồng tiền như sau: giám đốc công ty dược sau khi nhận được thanh toán 100 tỷ liền hiểu ngay phần của mình cả vốn lẫn lãi chỉ 80 tỷ, nên khả năng họ sẽ dùng 20 tỷ để làm chất bôi trơn.

Điều này cũng phổ biến ở các ngành khác, mà ngôn ngữ chung gọi là “gửi giá”.

Những lỗ hổng định giá thuốc phi kinh tế như thế phải được nhận diện và bịt lại, nếu không sẽ trở thành cái bẫy đón hết lớp này đến lớp khác vào tù. Lỗ hổng này có thể bịt bằng cơ chế đấu thầu thuốc minh bạch, làm sao để bệnh viện mua được thuốc với giá thấp nhất, bằng giá bán buôn thực tế, sẽ giảm gánh nặng cho quỹ BHYT quốc gia.

Đấu thầu thuốc tập trung ở cấp địa phương, rồi cấp quốc gia là những hướng đi mà ngành y tế đang hy vọng sẽ chấm dứt tiêu cực trong giá thuốc. Tuy nhiên từ kinh nghiệm vụ Việt Á, cần phải có cơ chế để đảm bảo giá thuốc sẽ không bị lũng đoạn ở cấp cao hơn.

Theo tôi, không thể ngăn chặn tiêu cực trong giá thuốc chỉ bằng các quy định ngày càng chặt chẽ hơn, mà phải hài hòa các lợi ích kinh tế. Nếu không sẽ dẫn đến tình trạng bệnh viện vướng các quy định đấu thầu quá khó khăn, sợ làm sai, dẫn đến tình trạng thiếu thuốc cho bệnh nhân như hiện nay.

Ở Nhật, các quỹ BHYT thanh toán cho bệnh viện theo giá thuốc được quy định trong khung giá do Bộ Y tế và Phúc lợi đưa ra. Mọi viên thuốc lưu hành trên thị trường đều có giá trong khung công khai, áp dụng thống nhất toàn quốc. Bệnh viện thoải mái đấu thầu và thương lượng giá với các đơn vị cung ứng. Nếu mua cao hơn giá Bộ Y tế, họ bị lỗ; nếu mua với giá thấp hơn, họ được lợi. Một điều rõ ràng là các bệnh viện luôn mua được giá thấp hơn so với giá của Bộ Y tế vì các công ty dược luôn muốn bán được hàng. Thách thức ở đây là Bộ Y tế xác định được giá thuốc gần với giá thị trường, để bệnh viện có lãi nhưng không quá cao.

Ở Thụy Sĩ, nhà thương, phòng mạch tư khi mua thuốc của hãng nào, cũng đều mua với giá rẻ hơn 20-30% so với giá thuốc mà bảo hiểm chấp nhận trả, trừ những thuốc rất đắt. Lợi nhuận này là được cho phép và được khai báo, đóng thuế rõ ràng.

Tôi thấy đây cũng là gợi ý hay cho việc quản lý giá thuốc ở Việt Nam. Đó là chấp nhận thuốc cũng là hàng hóa, tuân theo các quy luật kinh tế. Bệnh viện được chủ động đàm phán mua thuốc theo giá bán buôn, sau đó được thanh toán với bảo hiểm y tế theo giá bán lẻ hợp lý. Phần thặng dư sẽ bù đắp cho chi phí hoạt động bệnh viện, trả lương nhân viên, tích lũy phát triển. Điều này là hoàn toàn bình thường theo pháp luật, được theo dõi sổ sách hạch toán minh bạch, tiền không chạy vào túi riêng của ai.

Sẽ có lo ngại nếu bệnh viện có lợi nhuận trong việc dùng thuốc, sẽ xuất hiện tình trạng lạm dụng thuốc. Nhưng mối lo đó đã có từ rất lâu và BHYT cũng đang rất kiên quyết ngăn chặn lạm dụng thuốc và xét nghiệm.

Trong câu chuyện tôi vừa kể, bạn có thể thay từ “thuốc” bằng máy móc, vật tư y tế, kit test… cũng tương tự; và bạn sẽ hiểu vấn đề dễ nẩy sinh tiêu cực trong ngành y, phần lớn do kẽ hở về quản lý, vô tình hay cố ý được giữ nguyên bao năm qua.

Theo VNEXPRESS

Tags: ,