Vẻ đẹp sâu lắng của nghệ thuật chèo ngày xuân

Phần ưu thế của âm nhạc ngày xuân, âm nhạc truyền thống trong mỗi dịp lễ hội lại thuộc về nghệ thuật Chèo.

Vẻ đẹp sâu lắng của nghệ thuật chèo ngày xuân

Mỗi dịp xuân về, những người yêu văn học nghệ thuật đều không khỏi bâng khuâng với những câu thơ tuyệt đẹp của Nguyễn Bính: Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay/Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy/Hội chèo làng Ðặng đi ngang ngõ/Mẹ bảo:“Thôn Ðoài hát tối nay”.

Đoạn thơ cũng cho thấy, trong đời sống của người dân thuở xưa, Chèo có vị trí rất quan trọng, rất thân quen mỗi khi tới hội làng mùa xuân.

NSND Thúy Mùi, người gắn bó suốt quãng đời thanh xuân với nghệ thuật chèo đã tự hào lý giải về nguyên nhân tại sao mỗi độ xuân sang, các làng quê xưa thường rất yêu thích được đón các nghệ sĩ về diễn Chèo: “Các lễ hội làng thường tìm đến những câu chuyện cổ tích, huyền thoại cho nhẹ nhàng. Nhưng đặc biệt những vở diễn mà ở đó yếu tố hài nhiều thì các làng rất thích, bởi vì nó đem tới tiếng cười làm cho người ta tin rằng, sẽ đem đến may mắn, đem đến một mùa xuân tưng bừng, rộn ràng, cảm giác đấy là sự hanh thông cho cả một năm. Vì thế, đầu xuân các làng hầu như chỉ có đón Chèo thôi vì chỉ trong chèo mới bật lên được cái hài xuân sắc ấy. Và trong cái hài đấy có sự sâu sắc, thâm thúy, có sự giáo dục phù hợp với văn hóa của người Việt Nam”.

Chèo ăn sâu vào tâm thức người dân từ nhiều trăm năm nay và vì thế, chèo cũng có những làn điệu dành riêng cho mùa xuân, tươi tắn và rất xuân sắc. NSUT Ngọc Sơn của Nhà hát Chèo Quân đội chia sẻ: “Mùa xuân gắn với lễ hội và ở làng quê Việt Nam thì mùa xuân gắn với nghệ thuật Chèo. Trong các vở chèo ấy có nhiều yếu tố gắn với mùa xuân. Riêng ở vở chèo Từ Thức gặp tiên có làn điệu hát Dương Xuân, nói nên đầy đủ khí thế của mùa xuân. Ví dụ tả về hoa, lá, bướm… chất xuân của nó rất rõ. Ngọc Sơn xin gửi tặng quý vị một trổ trong làn điệu đó”.

Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan nói rộng hơn về những hình thức nghệ thuật thường diễn ra trong làng xã thuở xưa: “Chiếu chèo xưa là khát vọng của người dân, tới đó để được nổ ra những trận cười vui vẻ nhất. Trong hội làng còn có hát xẩm, họ kể những câu chuyện thơ cổ và đặc biệt, người ta sáng tác ngay tại chỗ để châm biếm những thói hư tật xấu trong xã hội. Cùng với hai nghệ thuật trên, còn có một nghệ thuật chỉ diễn ra trong đình làng là hát ca trù, các nhà Nho làm thơ để các đào nương ca hát bộc bạch ý chí, tâm khảm của mình trước cuộc đời”.

Tuy nhiên, phần ưu thế của âm nhạc ngày xuân, âm nhạc truyền thống trong mỗi dịp lễ hội lại thuộc về nghệ thuật Chèo, như ý kiến của nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long: “Chèo lấn át rất mạnh so với các nghệ thuật khác. Nó không đơn thuần là loại hình âm nhạc mà trở thành một hình thức sân khấu kinh điển. Chính vì thế không chỉ tập hợp được hệ thống các làn điệu của chèo mà còn khai thác rất nhiều các nghệ thuật khác. Đặc biệt trong các lễ hội làng vào mùa xuân ở khắp vùng đồng bằng Bắc bộ không thể thiếu được câu Chèo kể cả ở vùng Quan họ, kể cả vùng Xoan ở Phú Thọ. Chèo là đại diện cho một cộng đồng lớn. Chèo có nhiều soạn giả hơn, được hoạt động trong một môi trường hết sức chuyên nghiệp. Chèo có một truyền thống lưu truyền từ năm 1951 khi thành lập Nhà hát Chèo Việt Nam cho tới bây giờ. Trong khi đó, các hình thức khác như xẩm, ca trù đã bị mai một…”

Suốt chiều dài phát triển của nghệ thuật Chèo, các sáng tác mới cũng liên tục có những bài hát, làn điệu dành riêng cho mùa xuân. NSUT Ngọc Sơn so sánh: “Chèo từ xưa đến giờ đã qua nhiều thế hệ các tác giả, soạn giả viết. Trong thời kháng chiến, cũng có những soạn giả chèo viết về mùa xuân để khích lệ động viên… Xuân trong vở Từ Thức mang âm hưởng cảnh tiên giới, nhưng bài Nước non vĩnh viễn một mùa xuân, cái giai điệu, lời văn khác hơn. Ca ngợi tinh thần và sự hi sinh của toàn dân tộc để có chiến thắng mùa xuân năm 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước…”.

Trong cuộc sống hiện nay, dù nhịp sống đã gấp gáp hơn xưa rất nhiều, nhưng mỗi dịp Tết cổ truyền dân tộc, vẫn vang vọng khắp nơi những thanh âm của các vở diễn Chèo, những làn điệu thân thuộc của Chèo. Đã từng có những lo ngại rằng, thế hệ trẻ sinh ra và lớn lên cùng với rất nhiều hình thức giải trí mới mẻ, thế hệ tiếp cận với những lợi thế của công nghệ lớn như hiện nay sẽ quay lưng lại với những hình thức sân khấu dân tộc, quên đi âm nhạc dân tộc. Nhưng những nhà nghiên cứu nghệ thuật lại có cách nhìn lạc quan hơn rất nhiều, dựa trên những theo dõi của cá nhân họ.

Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền chia sẻ: “Âm nhạc cổ truyền giống như một cái xe, chuyển tải bất cứ một nội dung nào, cho nên sức biểu cảm về nội dung rất là phong phú. So với cách đây mấy chục năm thì khán giả trẻ thích nghe ca trù, thích nghe chèo, thích nghe xẩm và thậm chí là họ đi học hát ca trù, hát xẩm., đấy là tín hiệu rất đáng mừng”.

Vâng, với tâm thức hướng về cội nguồn, tin tưởng rằng, các hình thức nghệ thuật sân khấu dân tộc trong đó có Chèo mãi giữ được vị trí xứng đáng trong sinh hoạt văn hóa của người dân Việt Nam.

Theo VOV

Tags: , , ,