Văn hóa ‘hàng hiệu’ – một biểu hiện bệnh hoạn chủ nghĩa tiêu dùng

Sự điều khiển cảm xúc của con người thông qua quảng cáo, truyền thông khiến người ta lao vào cơn bão tiêu dùng là một vấn đề mà chúng ta cần tỉnh táo nhận diện. Hiểu logic của chủ nghĩa tiêu dùng đang thao túng xã hội là cách giúp chúng ta tránh được những chi tiêu vô ích trong thế giới hàng hóa đầy cạm bẫy này.

Một bộ phận giới trẻ Việt là tín đồ của hàng hiệu chắc hẳn không thể không biết đến kênh YouTube của người mẫu Ngọc Trinh. Cô này nổi tiếng với việc “đập hộp” các mặt hàng xa xỉ lên tới hàng trăm triệu hay hàng tỉ đồng. Số lượng người theo dõi kênh của cô cũng có đến hàng triệu, và mỗi video có cả 4, 5 năm triệu lượt xem. Đời sống của các ngôi sao và thói quen tiêu dùng của họ có vẻ ảnh hưởng khá lớn đến một bộ phận người. Những “thượng đế” đang trở thành nô lệ của hàng hóa và tâm lý hưởng thụ.

Đa phần mọi người lao động vất vả nhưng cuối cùng số tiền họ kiếm được chẳng còn bao nhiêu. Nghèo vẫn hoàn nghèo bởi vì thu nhập ấy phần lớn được tiêu dùng cho quá nhiều mặt hàng được thị trường tung ra từng ngày. Những mặt hàng mà chúng ta cảm thấy không thể sống được nếu thiếu nó.

Có lẽ trước thế kỷ 20, người dân chẳng mấy ai biết đến lăn nách, son môi, quần áo lót hay điện thoại… Những sản phẩm này không phải là điều gì quá cần thiết cho đời sống con người và người ta vẫn sống khỏe mà không cần tới chúng. Nhưng đến nay, hãy tưởng tượng một ngày chúng ta không có cái điện thoại hay đi làm mà không có quần lót, cảm giác sẽ ra sao? Tất nhiên có những mặt hàng cần thiết nhưng tại sao chúng ta sử dụng phần lớn thu nhập của mình để mua sắm quá nhiều thứ, thậm chí là không cần thiết hay không cảm thấy hạnh phúc khi thiếu một món đồ?

Câu trả lời nằm ở logic của chủ nghĩa tiêu dùng cùng sự ra đời của sản xuất hàng hóa tư bản chủ nghĩa. Chủ nghĩa tiêu dùng là một trật tự kinh tế xã hội thúc đẩy tìm kiếm giá trị và dịch vụ. Với cuộc cách mạng công nghiệp thế kỷ 20, sự thừa hàng hóa vượt lên trên nhu cầu tiêu thụ, và quảng cáo ra đời nhằm thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ.

Về mặt trái của chủ nghĩa tiêu dùng, có thể kể đến một số điểm như: thúc đẩy ham muốn bản năng, tạo ra sự bất bình đẳng xã hội, tạo nên sự hủy hoại môi trường… Như cảnh báo của mofa.gov.vn: “Nhu cầu về hàng hóa và dịch vụ tăng cao dẫn đến sự gia tăng về sản xuất, từ đó dẫn đến gia tăng ô nhiễm môi trường, chất thải nhựa, nạn phá rừng và biến đổi khí hậu… Chủ nghĩa tiêu dùng cũng có thể là nguyên nhân tiềm tàng cho các vấn đề về sức khỏe tiềm ẩn trong khu vực. Hiện nay, theo Liên hợp quốc, trên thế giới đã có khoảng hai tỷ người bị thừa cân hoặc béo phì”.

Nhìn nhận về những mặt trái, một vấn đề khác được nêu ra là: tại sao người tiêu dùng lại lao vào “cơn lốc” tiêu thụ như vậy? Logic của chủ nghĩa tiêu dùng nằm ở đâu?

Về bản chất, chủ nghĩa tư bản không chỉ bán hàng hóa cho chúng ta mà còn bán cho chúng ta cảm giác về sản phẩm. Cụ thể hơn là họ bán cho chúng ta nỗi sợ hãi. Sợ hãi vì không thể sống thiếu sản phẩm ấy. Để nói về nỗi sợ hãi, trở lại thời kì trung đại, cái con người sợ là giặc cướp, thú dữ hay hạn hán, mất mùa…, nhưng từ thời hiện đại đến nay, con người trở nên sợ hãi những thứ hết sức tầm thường như: mùi cơ thể, sóng wifi, hay bộ quần áo không hợp thời trang… Sự khác biệt này phản ánh cảm giác mà chủ nghĩa tư bản muốn nhấn mạnh lên chúng ta, hay nói đúng hơn là nỗi sợ hãi của người tiêu dùng.

Một phân tích cụ thể hơn đối với mặt hàng thực phẩm chức năng. Trong gần chục năm trở lại đây, ở Việt Nam, sự bùng nổ các loại thực phẩm chức năng chiếm một thị trường lớn. Có thể nói người người, nhà nhà dùng thực phẩm chức năng dù họ không biết mình đang uống cái gì, và thậm chí là nó được bán với cái giá trên trời. Nó tạo nên cả một chuỗi các công ty đa cấp để thổi phồng những tính năng ưu việt của các loại thực phẩm chức năng này. Nó không đơn giản là một loại thực phẩm mà nó đánh vào tâm lý sợ hãi bệnh tật, ung thư…, đánh vào tâm lý khát khao khỏe mạnh của con người. Đó là một chiến lược bán hàng thực sự hiệu quả, và chỉ có người dùng là bệnh thì cứ bệnh còn túi tiền ngày càng xẹp đi.

Bán hay mua hàng là điều hết sức bình thường, nhưng trước sự điều khiển cảm xúc của con người thông qua quảng cáo, truyền thông khiến người ta lao vào cơn bão tiêu dùng là một vấn đề mà chúng ta cần tỉnh táo nhận diện. Hiểu logic của chủ nghĩa tiêu dùng đang thao túng xã hội là cách giúp chúng ta tránh được những chi tiêu vô ích trong thế giới hàng hóa đầy cạm bẫy này.

Theo THÁI VĂN / VĂN NGHỆ THÁI NGUYÊN

Tags: , , ,