Những điều cần biết về Công ty đa quốc gia

Công ty đa quốc gia (MNC – Multinational corporation) là gì? Nó tồn tại với mục tiêu và vai trò gì trong hoạt động đầu tư và trực tiếp nước ngoài? Cơ cấu tổ chức và nghiệp vụ chuyển giao nội bộ của nó?

Những điều cần biết về Công ty đa quốc gia

1. Khái niệm, vai trò của các công ty đa quốc gia trong hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Theo định nghĩa của nhóm chuyên gia Liên hiệp quốc, Công ty đa quốc gia (MNC – Multinational Corporation) là Công ty có sở hữu hay quyền kiểm soát khả năng sản xuất hoặc dịch vụ ở bên ngoài biên giới của một nước mà công ty đó có trụ sở chính.

Chủ thể của đầu tư trực tiếp nước ngoài là các công ty đa quốc gia. Chính sự quốc tế hóa hoạt động kinh doanh của các MNC là nguyên nhân trực tiếp tác động đến sự hình thành và phát triền của dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (Foreign direct investment – FDI).

Tổ chức Thương mại Thế giới đưa ra định nghĩa như sau về FDI:

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) xảy ra khi một nhà đầu tư từ một nước (nước chủ đầu tư) có được một tài sản ở một nước khác (nước thu hút đầu tư) cùng với quyền quản lý tài sản đó. Phương diện quản lý là thứ để phân biệt FDI với các công cụ tài chính khác. Trong phần lớn trường hợp, cả nhà đầu tư lẫn tài sản mà người đó quản lý ở nước ngoài là các cơ sở kinh doanh. Trong những trường hợp đó, nhà đầu tư thường hay được gọi là “công ty mẹ” và các tài sản được gọi là “công ty con” hay “chi nhánh công ty”.

Theo số liệu thống kê, có hơn 90% vốn đầu tư nước ngoài trên thế giới là do các công ty đa quốc gia. Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, FDI được xem là giải pháp hỗ  trợ vốn cho các nước nghèo và là một trong những phần không thể thiếu của nền kinh tế hiện đại. Thông qua cách thức đầu tư của MNC mà FDI sẽ hình thành các biểu hiện như sau:

– Thành lập công ty 100% vốn nước ngoài: đây là hình thức các MNC đầu tư vốn vào nền kinh tế của một nước để lập công ty 100% vốn nước ngoài. Các công ty này thuộc quyền sở hữu và chịu sự quản lý điều hành về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của mình trước pháp luật nước sở tại.
– Tham gia các hợp đồng kinh tế, hợp đồng kinh doanh: là hình thức mà một chủ đầu tư nước ngoài liên kết một chủ đầu tư trong nước sở tại để thực hiện một hay nhiều hoạt đọng kinh doanh ở nước sở tại trên cơ sở quy định rõ về trách nhiệm của từng bên cũng như quyền lợi trong công việc phân chia lợi nhuận. Đối với hình thức này thì không cần thành lập công ty hay xí nghiệp hay nói cách khác là không ra đợi một tư cách pháp nhân khách tại nước tiếp nhận đầu tư.
– Mua lại một phần hay toàn bộ một doanh nghiệp đang hoạt động tại nước tiếp nhận đầu tư.
– Góp vốn liên doanh liên kết với nước chủ nhà: các bên tham gia góp vốn liên doanh phải có trách nhiệm góp vốn liên doanh, đồng thời  phân chia lợi nhuận và rủi ro theo tỷ lệ góp vốn.
– Hình thức xây dựng – vận hành – chuyển giao và một số hình thức tương tự khác như xây dựng, chuyển giao và vận hành; xây dựng và chuyển giao là các loại hình đầu tư nhằm khuyến khích xây dựng các công trình hạ tầng như: cầu, đường, bến cảng và công trình cung cấp năng lượng trong lúc mà nhà nước tiếp nhận đầu tư còn nhiều khó khăn về mặt tài chính.

Tại Việt Nam cũng tồn tại đầy đủ các hình thức của FDI nêu trên. Từ khi thực hiện mở rộng nền kinh tế thì luồng vốn FDI đổ vào ngày càng nhiều, kể cả về mặt số lượng cũng như chất lượng. Cụ thể là Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố năm 2014 các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam 20,23 tỷ USD; bằng 93,5% so với cùng kỳ 2013 và tăng 19% so với kế hoạch năm 2014 (17 tỷ USD). Đây là một kết quả ngoài sự mong đợi.

MNC bao gồm công ty mẹ ở một nước, và thực hiện các đầu tư trực tiếp ra nước ngoài để hình thành các công ty con. Các công ty mẹ con này ảnh hưởng lẫn nhau và cùng chia sẻ kiến thứ, nguồn lực và trách nhiệm lẫn nhau. Trong một tập đoàn đa quốc gia có xác lập các mối quan hệ thân thuộc: (1) mối quan hệ chiều dọc giữa công ty mẹ và các công ty con (quan hệ kiểm soát hay quan hệ chi phối tùy thuộc vào tỷ lệ vốn tham gia đầu tư); (2) quan hệ chiều ngang giữa các công ty con với nhau. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động các giao dịch các công ty trong mối quan hệ này đều được quyết định hoặc ảnh hưởng từ công ty mẹ.

Các MNC phát triển rất nhanh và có vai trò vô cùng to lớn trong nền kinh tế thế giới, sản xuất ra khoảng từ 20% đến 25% tổng sản lượng của toàn thế giới và chiếm 90% tổng khối lượng đầu tư nước ngoài trên toàn cầu.

2.  Mục tiêu và cơ cấu tổ chức của công ty đa quốc gia

Các công ty đa quốc gia quan niệm rằng yếu tố nền tảng của họ chính là giá trị của cổ đông. Vì thế, mục tiêu của các công ty đa quốc gia thường là tối đa hóa tài sản cổ đông. Với mục tiêu này công ty phải nỗ lực để mang lại lợi ích tốt nhất cho cổ đông, mà điều này được thể hiện ở giá trị cổ phiếu và cổ tức với một mức rủi ro vừa phải hoặc công ty có thể mang lại rủi ro ít nhất đến các cổ đông với mức lợi ích nhất định.

Các MNC có thể xếp vào ba nhóm lớn theo cấu trúc phương tiện sản xuất như sau:
Công ty đa quốc gia “theo chiều ngang” là các công ty đa quốc gia mà có hoạt động sản xuất kinh doanh các sản phẩm cùng loại hoặc tương tự tại các quốc gia mà công ty này có mặt. Một công ty điển hình với cấu trúc này là công ty Mc Donalds.

Công ty đa quốc gia “theo chiều dọc” là công ty có các cơ sở sản xuất hay các chi nhánh, công ty con tại một số quốc gia sản xuất ra các sản phẩm mà các sản phẩm này lại là đầu vào để sản xuất ra sản phẩm của các công ty con hay các chi nhánh tại các quôc gia khác. Một ví dụ điển hình cho loại hình cấu trúc này là công ty Adidas.

Công ty đa quốc gia “nhiều chiều” là công ty có nhiều chi nhánh hay công ty con tại nhiều quốc gia khác nhau mà các công ty này phát triển và hợp tác với nhau cả chiều ngang lẫn chiều dọc. Một ví dụ điển hình cho loại hình công ty đa quốc gia có cấu trúc như này là Microsoft.

3. Nghiệp vụ chuyển giao nội bộ của công ty đa quốc gia

Các nghiệp vụ chuyển giao nội bộ của MNC là những hoạt động mua bán qua lại giữa công ty mẹ và công ty con hoặc giữa các công ty con của MNC với nhau. Do quy mô hoạt động rộng lớn và dàn trải trên một phạm vi địa lý bao gồm nhiều quốc gia với nhiều chính sách, phong tục tập quán khác nhau mà các nghiệp vụ chuyển giao nội bộ trong MNC rất đa dạng, phức tạp với khối lượng ngày càng lớn. Vì vậy mà các cơ quan thuế riêng lẻ của từng quốc gia sẽ rất khó khăn trong việc quản lý và khó kiểm soát. Các nghiệp vụ này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chiến lược phát triển của các MNC.

Dựa vào tính chất và các đặc điểm của các nghiệp vụ mua bán nội bộ phổ biến trên thị trường, chúng ta có thể phân chia các nghiệp vụ mua bán nội bộ ra thành các nhóm như sau:

– Các nghiệp vụ mua bán nội bộ liên quan nguyên vật liệu có tính chất đặc thù cao, hay các nguyên vật liệu mà một công ty con đặt tại một quốc gia có các lợi thế riêng làm cho giá của nguyên vật liệu ấy thấp.
– Các nghiệp vụ mua bán nội bộ liên quan đến các thành phẩm, các công ty con tịa các quốc gia khác nhau có thể  mua thành phẩm được sản xuất tại một quốc gia và sau đó bán lại mà không cần phải đầu tư máy móc hay nhân công cho sản xuất.
– Các giao dịch liên quan việc dịch chuyển một lượng lớn máy móc, thiết bị cho sản xuất mà đặc biệt hơn là điểm đến của các giao dịch này là các quốc gia đang phát triển.
– Các giao dịch liên quan đến các tài sản vô hình như nhượng quyền, bản quyền, thương hiệu, nhãn hàng, các chi phí liên quan đến nghiên cứu và phát triển sản phẩm.
– Có sự cung cấp các dịch vụ quản lý, dịch vụ tài chính hay chi phí cho các chuyên gia vào làm việc tại nước nhận chuyển giao.
– Có sự tài trợ và nhận tài trợ về các nguồn lực như tài lực và nhân lực.
– Có các khoản đi vay và cho vay nội bộ các công ty con của MNC hay giữa công ty mẹ và các công ty con.

Các nghiệp vụ chuyển giao nội bộ này diễn ra thường xuyên với giá trị lớn, vì vậy mà để hạn chế các tác động tiêu cực của các nghiệp vụ này thì cần phải có một nguyên tắc  áp dụng chung và thống nhất trên các quốc gia. Nguyên tắc này được lập ra nhằm đảm bảo tính công bằng trong thương mại, là cơ sở cho các nghiệp vụ mua bán, trao đổi hàng hóa và cung cấp dịch vụ giữa các quốc gia. Nguyên được được áp dụng đó là nguyên tắc dựa trên căn bản giá thị trường ALP ( The Arm’s Length Principle). Theo nguyên tắc này, các bên có quan hệ liên kết phải định giá chuyển giao cho các giao dịch nội bộ như thể họ là các đối tác độc lập. Điều này có nghĩa là khi các công ty trong MNC có quan hệ trao đổi buôn bán với nhau thì các điều kiện thương mại và tài chính trong hợp đồng kinh tế (giá cả hàng hóa, dịch vụ, điều khoản về tín dụng,..) đều được định hướng và chi phối bởi các tác động khách quan của thị trường.

Theo KETOANDUCMINH.EDU.VN

Tags: