Rabindranath Tagore nói về ý nghĩa của sự đau khổ

Người nào không còn cảm thấy thú vị để chấp nhận đau khổ thì càng ngày càng xuống thấp, xuống tận các vực thẳm không đáy của cùng cực và tàn tạ.

Tagore nói về ý nghĩa của sự đau khổ

Tác giả: Rabindranath Tagore, nhà thơ, triết gia Ấn Độ. Nguồn: Thực nghiệm tâm linh, NXB Văn học.

… Chúng ta đang trên con đường chiến thắng bệnh tật, chết chóc, đau khổ và nghèo đói; nhờ kiến thức khoa học, ta luôn luôn tiến bước về sự thực hiện cái phổ quát trên phương diện vật lý của nó.

Với tiến bộ ta khám phá ra rằng đau khổ, bệnh tật, bất lực, chẳng phải là những giá trị tuyệt đối, nhưng chỉ là cái hậu quả của điều là cái tôi cá nhân của ta không được hòa đồng với cái tôi vũ trụ của ta.

Trong đời sống tinh thần của ta cũng vậy. Khi con người cá nhân ở ta nổi lên chống lại cái luật quân bình của con người phổ quát, chúng ta trở thành nhỏ nhen trên phương diện tinh thần và chúng ta phải đau khổ.

Trong trường hợp này, các thành công của ta lại là những thất bại nặng nề nhất của ta, và sự thực hiện được các ước vọng của ta lại làm ta nghèo đi. Ta thèm khát các lợi riêng cho ta, ta muốn hưởng những đặc quyền mà không ai được chia sẻ với ta.

Nhưng tất cả những gì là tuyệt đối riêng biệt tất phải thường xuyên xung đột với những gì là phổ quát. Trong cái tình huống nội chiến này, con người lúc nào cũng sống sau các hàng rào phòng ngự. Trong mọi nền văn minh ích kỷ, quê hương ta không còn là quê hương thực, mà là một vòng những hàng rào giả tạo.

Ấy thế mà ta phàn nàn là không sung sướng, như thể có một cái gì cố hữu trong bản chất thế giới đã làm ta khổ sở! Tinh thần phổ quát chờ ta để mang lại niềm hân hoan cho ta, nhưng tinh thần cá nhân ta lại từ chối không chịu.

Chính cái đời sống của bản ngã đã gây xung đột và phiền toái khắp nơi, làm sai lệch sự cân đối bình thường của xã hội và phát sinh ra những đau khổ đủ thứ. Nó đưa sự vật đến cái mức mà muốn duy trì trật tự ta phải sử dụng các cưỡng chế giả tạo và những hình thức chuyên chế quy mô, dung túng giữa ta những định chế hiểm độc, làm tủi nhục nhân loại.

Chúng ta từng thấy rằng muốn mạnh phải tuân phục các định luật của các lực lượng vũ trụ và phải thực hiện công nhận rằng các lực lượng ấy là của chúng ta.

Cũng vậy, muốn sung sướng, phải bắt ý chí cá nhân chúng ta quy thuận bá quyền của ý chí vũ trụ, và cảm thức thực sự rằng ý chí này chính là ý chí chúng ta.

Khi ta đạt đến trạng thái mà cái hữu hạn ở ta lại hoàn toàn thích nghi với cái vô hạn, thì đau khổ trở thành một sở hữu quý báu cho ta.

Bài học quan trọng nhất mà con người khả dĩ học được trong đời sống của mình chẳng phải là có đau khổ trong đời này, mà là có lợi dụng được nó hay không là tùy ở ta, mà là muốn chuyển nó thành hoan hỉ là tùy ở ta.

Đối với chúng ta, bài học này không phải hoàn toàn đã mất; không có một người nào trên đời này lại muốn mất đi hẳn cái quyền được đau khổ, vì đó cũng là cái quyền của mình được làm người.

… Sự tự do của con người chẳng hề là muốn trốn tránh các khó khăn, mà là đương đầu với các khó khăn ấy để có lợi cho mình.

Điều này chỉ có thể thực hiện được khi ta hiểu rằng cái tôi cá nhân của ta chẳng phải là ý nghĩa cao nhất của bản thể ta, và rằng ở ta, có con người vũ trụ vốn dĩ bất diệt. Không sợ chết cũng chẳng sợ đau khổ, và chỉ thấy ở đau khổ một phương diện của niềm vui.

Khi ta nhận thức được điều này, ta biết rằng đau khổ là cái tài sản thực sự của những con người bất toàn là chúng ta và nó đã làm ta lớn ra và xứng đáng ngồi bên những con người toàn diện.

Lúc đó chúng ta biết rằng chúng ta không phải là những kẻ hành khất; chúng ta hiểu rằng đau khổ là cái giá phải trả cho bất cứ cái gì có giá trị trong đời sống: quyền năng, minh triết, tình yêu, và sau hết đau khổ là biểu tượng cho khả năng toàn thiện vô biên, cho sự nảy nở đời đời của hoan hỉ.

Người nào không còn cảm thấy thú vị để chấp nhận đau khổ thì càng ngày càng xuống thấp, xuống tận các vực thẳm không đáy của cùng cực và tàn tạ.

Chỉ khi nào ta cầu viện đến đau khổ thì đau khổ mới trở thành một tai họa và nó trả thù cái nhục nó đã phải chịu bằng cách xô ta vào cơ cực.

Thật vậy, nó là cô gái đồng trinh, là nàng trinh nữ hiến thân, phục vụ cho toàn thiện bất diệt, và khi nó đứng đúng chỗ trước bàn thờ của vô tận, nó hất bỏ cái mạng đen che mặt, và phô mặt mình cho kẻ chiêm ngưỡng mình, bộc lộ niềm hoan hỉ tột độ.

S.T

Tags: , ,