Vấn đề xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam

Nền kinh tế thế giới hiện nay vận động trong bối cảnh toàn cầu hoá và khu vực hoá đang diễn ra rất sâu sắc và nhanh chóng, khái niệm, ranh giới giữa thị trường trong nước với thị trng nước ngoài đã bị thu hẹp. Có thể khái quát hình tượng của nền kinh tế trong thế kỷ 21 như sau: thị trường là toàn cầu, định chế quản lý là WTO và các định chế của các khối kinh tế khu vực, chủ thể kinh doanh chủ yếu là các công ty xuyên quốc gia…

Vấn đề xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam

Kinh tế thị trường – thành quả của loài người

Trong lịch sử phát triển của xã hội loài người, sản xuất hàng hóa ra đời từ khi tan rã chế độ công xã nguyên thuỷ, nó tồn tại và phát triển trong xã hội nông nô, xã hội phong kiến và đạt tới đỉnh cao trong xã hội tư bản chủ nghĩa. Sản xuất và lưu thông hàng hóa hợp thành kinh tế hàng hóa. Kinh tế hàng hóa – như V.I. Lênin đã chỉ rõ(1), chính là cách tổ chức của kinh tế xã hội, trong đó sản phẩm đều do những người sản xuất cá thể, riêng lẻ sản xuất ra, mỗi người chuyên làm ra một sản phẩm nhất định, thành thử muốn thỏa mãn các nhu cầu xã hội thì cần phải có mua bán sản phẩm (vì vậy sản phẩm trở thành hàng hóa) trên thị trường.

Trong nền kinh tế hàng hóa luôn có hai chủ thể kinh tế quan trọng – Cá nhân và Doanh nghiệp. Cá nhân cũng như Doanh nghiệp được xem xét dưới hai giác độ: người cung ứng và người tiêu dùng. Một khi các quan hệ kinh tế giữa người ta với nhau đều biểu hiện qua mua bán hàng hóa, dịch vụ trên thị trường, người bán cần tiền, người mua cần hàng và họ phải gặp nhau trên thị trường, thì nền kinh tế đó là kinh tế thị trường.

Kinh tế thị trường là một hệ thống tự điều chỉnh nền kinh tế, bảo đảm có năng suất, chất lượng và hiệu quả cao; phong phú hàng hóa, dịch vụ trên thị trường; năng động, luôn luôn đổi mới mặt hàng, công nghệ và thị trường. Xét về mặt lịch sử, thị trường xuất hiện vào thời điểm kinh tế hàng hóa ra đời, nhưng không vì thế mà gọi kinh tế hàng hóa là kinh tế thị trường. Chỉ đến khi thị trường được mở rộng phong phú, hoàn thiện, đồng bộ và trở thành nhân tố kích thích sự tăng trưởng của hàng hóa – dịch vụ, các quan hệ kinh tế trong quá trình tái sản xuất xã hội đều được tiền tệ hóa; các yếu tố của sản xuất như đất đai và tài nguyên, vốn bằng tiền và vốn vật chất, sức lao động, công nghệ và quản lý; các sản phẩm và dịch vụ làm ra; chất xám… đều là đối tượng mua bán, là hàng hóa thì kinh tế thị trường mới xuất hiện. Do đó, có thể nói: kinh tế thị trường là trình độ phát triển cao của kinh tế hàng hóa. Kinh tế thị trường không phải là một giai đoạn khác biệt, độc lập, đứng ngoài kinh tế hàng hóa mà là sự hòa nhập của kinh tế hàng hóa với kinh tế thị trường để đạt tới sự quyết định và chi phối của thị trường trong sản xuất, lưu thông. Là cách tổ chức kinh tế xã hội, kinh tế thị trường dựa trên những cơ sở sau: i/ Tự do (tự do sở hữu, tự do kinh doanh, tự do giao dịch thương mại, tự do hành nghề, tự do học hành); ii/ Mỗi chủ thể kinh tế theo đuổi lợi ích của chính mình trong hoạt động kinh tế; iii/ Khách hàng là thượng đế, sản xuất và bán hàng hóa theo nhu cầu thị trường; iv/ Cạnh tranh; v/ Tiền tệ hóa các quan hệ kinh tế.

Trong lịch sử kinh tế thế giới, sự hình thành và phát triển của kinh tế thị trường là một quá trình lâu dài, trải qua nhiều thế kỷ, qua nhiều phương thức sản xuất khác nhau và đạt được sự hoàn thiện trong phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Tuy nhiên, kinh tế thị trường không phải là thuộc tính riêng có của chủ nghĩa tư bản mà là kiểu tổ chức xã hội, là một thể chế kinh tế phổ biến đối với tất cả các chế độ chính trị xã hội nào mà ở đó sản xuất hàng hóa còn là tất yếu. Để tạo ra được những điều kiện kinh tế xã hội này, các nước có nền kinh tế thị trường phát triển đó phải đi chặng đường dài hàng mấy trăm năm. Ngày nay, do có kinh nghiệm, lý luận và quá trình quốc tế hóa kinh tế thế giới, các nước ở trình độ thấp có thể chuyển sang kinh tế thị trường một cách nhanh hơn nếu như biết cách tái hiện lại những tất yếu kinh tế mà lịch sử kinh tế thế giới đã trải qua trong hình thức cô đọng và rút ngắn. Thực chất của quá trình rút ngắn và cô đọng những tất yếu kinh tế đó là quá trình tạo ra những điều kiện kinh tế – xã hội cho sự hoạt động của nền kinh tế thị trường, là quá trình tạo ra những điều kiện tự do, dân chủ hoá các quan hệ kinh tế. Những tất yếu kinh tế là các điều kiện, hoàn cảnh lịch sử. Tùy theo điểm xuất phát trên con đường chuyển sang nền kinh tế thị trường mà những tất yếu này được thể hiện ở các mức độ khác nhau, đòi hỏi những biện pháp khác nhau.

Nền kinh tế thị trường hiện đại có những đặc điểm cơ bản khác so với kinh tế thị trường ở các thập kỷ trước, biểu hiện ở chỗ:

– Là một nền kinh tế mở trên phạm vi toàn thế giới và do đó, quyền tự do kinh doanh của mỗi tổ chức, cá nhân được mở trên phạm vi toàn cầu.

– Từ sự buôn bán chủ yếu trong phạm vi của thế giới hai cực sang thế giới đa cực. Tuy vậy, mỗi quốc gia đều tự nguyện gắn chặt với một số nước khác thành những khối kinh tế có những lợi ích chung nào đó nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh và đảm bảo ổn định trong một trật tự kinh tế mới.

– Với kinh nghiệm và kỹ thuật hiện đại, cho phép những nước đi sau rút ngắn được thời gian và nếu xác định đúng chiến lược có thể từ một nước nghèo nhanh chóng trở thành nước có nền kinh tế thị trường phát triển, xã hội văn minh.

Trong nền kinh tế thị trường, các loại thị trường ở trình độ cao: thị trường tư liệu sản xuất, thị trường tư liệu tiêu dùng, thị trường tiền tệ, vốn, thị trường chứng khoán, thị trường sức lao động, thị trường khoa học – kỹ thuật, thông tin … Người bán và người mua quan hệ với nhau thông qua giá cả và nhiều thị trường khác nhau. Các hàng hóa được sản xuất ra đều đem trao đổi, mua bán trên thị trường. Đây là đặc trưng cốt lõi của sản xuất hàng hóa và kinh tế thị trường. Các sản phẩm làm ra phải được xã hội thừa nhận thông qua trao đổi, mua bán trên thị trường. Đó là tấm gương phản ánh thực trạng nền kinh tế và biểu hiện sự vận động của các quy luật kinh tế.

Kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước

Nếu như sự vận động của nền kinh tế thị trường nói chung (hay còn gọi là nền kinh tế thị trường truyền thống, cổ điển, hoang dã tùy theo quan niệm của mỗi nhà kinh tế học) chỉ tuân theo sự điều khiển của “bàn tay vô hình” – cung – cầu – giá cả (cơ chế thị trường) thì sự vận động của nền kinh tế thị trường có sự quản lý (điều khiển, điều tiết) của nhà nước tuân theo sự điều khiển song hành, tức là sự tác động cùng một lúc của hai yếu tố: yếu tố tự vận động bởi quan hệ cung – cầu và yếu tố nhà nước – chỉ huy (quản lý, điều tiết) nền kinh tế. Theo bản chất của mình, nền kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước không chỉ vận động theo cơ chế thị trường, cũng không chỉ vận động theo cơ chế chỉ huy mà vận động bởi sự tác động đồng thời của hai cơ chế đó. Chính vì vậy người ta gọi cơ chế tác động đồng thời (song hành) này là cơ chế hỗn hợp. Cơ chế hỗn hợp là cơ chế vận động của nền kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước; hoặc: nền kinh tế hỗn hợp là nền kinh tế vận động theo cơ chế thị trường có sự chỉ huy, điều khiển (mà ta quen gọi là có sự quản lý) của nhà nước.

Sự can thiệp của nhà nước nhằm sửa chữa, khắc phục những khuyết tật vốn có của kinh tế thị trường, tạo ra những công cụ quan trọng điều tiết thị trường ở tầm vĩ mô, trong khi không vi phạm bản chất và các cơ chế tự điều chỉnh ở tầm vi mô. Bằng cách đó, nhà nước kiềm chế sức mạnh nguy hiểm của tính tự phát chứa đựng trong lòng thị trường, đồng thời kinh tế thị trường vẫn là kinh tế thị trường với tất cả tiềm năng kích thích của nó đối với sản xuất thông qua trao đổi hàng hóa – tiền tệ được thực hiện một cách tự do. Với nghĩa đó, chúng ta nói kinh tế thị trường có điều tiết, hay kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước.

Cơ chế thị trường là cơ chế tinh vi, vận hành một cách vô ý thức trong sự liên kết các cá nhân, doanh nghiệp lại với nhau trên thị trường thông qua giá cả và số lượng. Lịch sử chứng tỏ rằng loài người đã từng bước xây dựng được cơ chế kinh tế thị trường, từ thô sơ đến tinh vi và ngày càng hoàn thiện. Lịch sử cũng đã thách thức các cơ chế khác nhau để đưa đến hình thành cơ chế thị trường như hiện nay. Kinh tế thị trường và cơ chế thị trường gắn liền với sự phát triển của mọi quốc gia trên con đường tiến bộ lịch sử.

Cơ chế thị trường ngày nay đặt người tiêu dùng ở điểm xuất phát của các chương trình kinh tế. Cùng với sự phát triển của khoa học và công nghệ, cơ chế thị trường là công cụ giúp các chính phủ có khả năng thỏa mãn một cách tốt nhất nhu cầu không ngừng tăng lên của các nhóm dân cư sao cho phù hợp với lối sống, truyền thống văn hóa, luân lý, đạo đức và lý tưởng chính trị, xã hội trong điều kiện tài nguyên khan hiếm.

Cơ chế thị trường tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của nền sản xuất xã hội, mà trước hết là sự phát triển của khoa học – công nghệ và kỹ thuật của sản xuất. Sự khác nhau căn bản giữa kinh tế thị trường cổ điển (tự do) với kinh tế thị trường hiện đại chính là ở vai trò của nhà nước ngày càng tăng trong sự phát huy các quan hệ thị trường và hạn chế các mặt trái của thị trường, đặc biệt là trong việc giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển xã hội, công bằng và hiệu quả.

Kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa

Mặc dù kinh tế thị trường là cấu trúc xã hội phổ biến đối với tất cả các nền sản xuất hàng hóa phát triển, nhưng dưới ảnh hưởng của điều kiện lịch sử – văn hóa – xã hội của các dân tộc khác nhau, kinh tế thị trường được thể hiện dưới các hình thức sống động khác nhau. Mức độ hoạt động của quan hệ cung – cầu – giá cả và hàng – tiền do đó cũng rất khác nhau. Chính vì vậy sẽ là sai lầm nếu cho rằng có thể áp dụng nguyên bản mô hình kinh tế thị trường của nước này vào nước khác. Nhưng cũng sẽ là sai lầm nếu việc xây dựng một nền kinh tế thị trường dân tộc mà lại không tuân theo những nguyên tắc chung. Do đó, quá trình chuyển đổi nền kinh tế nước ta sang cơ chế mới có thể hiểu là quá trình thể hiện những nguyên tắc chung của kinh tế thị trường và quản ký kinh tế theo cơ chế thị trường trong điều kiện lịch sử – văn hóa – xã hội đặc thù của dân tộc.

Đã qua rồi thời đại của nền kinh tế thị trường truyền thống, hay nền kinh tế thị trường hoang dã, không chỉ có chúng ta mà các nước tư bản phát triển, các nước đang phát triển cũng đang hướng tới một nền kinh tế thị trường nhân văn, tức là hướng tới một nền kinh tế đúng theo chức năng của nó là làm cho con người ngày càng sống một cách tốt hơn, thoả mãn ngày càng đầy đủ hơn những nhu cầu vật chất, văn hóa và tinh thần. Chính xu hướng đó đang làm cho các nước có chế độ chính trị xã hội khác nhau, có thể cùng tồn tại, cùng xích lại gần nhau để giải quyết những vấn đề toàn cầu như dân số, môi trường, môi sinh. Không phải chỉ nước ta theo định hướng XHCN mới thù ghét nạn thất nghiệp, lạm phát và sự phân hóa dân cư thành kẻ giàu, người nghèo mà những hậu quả này cũng làm nhức nhối các chính phủ đang hướng đến nền kinh tế thị trường hiện đại. Khắc phục những khuyết tật ấy không phải chỉ là mong muốn của chúng ta mà đang là mong muốn chung của nhiều nước và điều đó hoàn toàn phù hợp với dự báo của các nhà sáng lập ra chủ nghĩa Mác – Lê nin rằng: chủ nghĩa tư bản phát triển lên đến trình độ cao bao nhiều càng chứa đựng nhiều các yếu tố của chủ nghĩa xã hội bấy nhiêu. Vì vậy, cần nhìn nhận những ưu việt cũng như những hậu quả do kinh tế thị trường tạo ra trong quá trình không ngừng vận động và chuyển hóa.

Theo quan điểm đó, chúng tôi cho rằng cần phải hiểu về định hướng XHCN của nền kinh tế thị trường ở nước ta trên các quan điểm sau:

1. CNXH là khát vọng của con người về một xã hội văn minh, giàu có, ai cũng có cuộc sống ấm no hạnh phúc xứng đáng với tài năng và mức độ cống hiến của mình cho nhân dân. Đại hội Đảng lần thứ VII đề ra mục tiêu định hướng của nền kinh tế nước ta là XHCN. Có nghĩa rằng CNXH là định hướng mà nền kinh tế thị trường nước ta hướng tới. Hiểu như thế về “định hướng XHCN của nền kinh tế thị trường hướng tới ở nước ta” cho phép chúng ta có cách nhìn khách quan về nền kinh tế thị trường của các nước TBCN, cho phép chúng ta tổng kết, học hỏi những bài học kinh nghiệm của chính các nước này.

2. Mặc dù kinh tế thị trường được hiện thực hóa ở các nước có chế độ chính trị xã hội TBCN, nhưng không phải là thuộc tính riêng có của chế độ chính trị xã hội này, mà là thuộc tính phổ biến mang tính quy luật của tất cả các chế độ chính trị – xã hội dựa trên cơ sở kinh tế của nó là nền sản xuất hàng hóa. Mặc dù CNXH và CNTB là hai chế độ chính trị xã hội khác nhau nhưng cùng đứng trước sự giới hạn về tài nguyên, hàng hóa và dịch vụ so với nhu cầu của con người, nên nền sản xuất tất yếu là sản xuất hàng hóa. Do đó, sự cần thiết phải quản lý nền kinh tế theo cơ chế thị trường có điều tiết hay cơ chế kinh tế hỗn hợp cũng là lẽ đương nhiên.

3. Trong hầu hết các hình thức tổ chức nhà nước: nhà nước chủ nô, nhà nước phong kiến, nhà nước TBCN, nhà nước nào cũng thừa nhận sự cùng tồn tại của hai hình thức sở hữu: Sở hữu nhà nước và sở hữu tư nhân. Lịch sử phát triển kinh tế của các nước TBCN cũng chứng tỏ rằng sự cùng tồn tại của hai hình thức sở hữu này không hề ngăn cản quá trình lưu thông hàng hóa. Ngược lại chính nhờ có bộ phận sở hữu nhà nước này mà một mặt các chính phủ có thể hạn chế bớt được một phần những khuyết tật của nền kinh tế thị trường. Mặt khác, tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các hình thức sở hữu, giữa các thành phần kinh tế.

Chủ trương, giải pháp xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN

Định hướng XHCN của mô hình kinh tế thị trường mà chúng ta đang lựa chọn thể hiện bản chất nhân văn của nó. Có thể quy tụ lại ở những chuẩn mực sau đây:

1. Tất cả các chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của chính phủ, các doanh nghiệp đều phải tính đến hiệu quả sử dụng tài nguyên; phải được chỉ đạo bởi một tinh thần tối cao rằng: tài nguyên (vốn, lao động, công nghệ và kỹ thuật của sản xuất, kể cả tài nguyên thiên nhiên trong lòng đất, trên rừng và dưới biển) là khan hiếm, cho nên với một nguồn lực hiện có, chính phủ và các doanh nghiệp phải lựa chọn các phương án phát triển nền kinh tế sao cho dân cư có thể thỏa mãn tốt nhất nhu cầu vật chất, văn hóa và tinh thần của họ.

2. Để khắc phục những hậu quả xã hội của nền kinh tế thị trường, chính phủ cần phải thành lập và tăng cường hoạt động của các cơ quan bảo hiểm – từ thiện để bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho những người đã rời khỏi đội quân lao động.

3. Chính phủ ngày càng tăng mức chi tiêu cho các hàng hóa dịch vụ công cộng, chăm sóc y tế, giáo dục, đầu tư thích đáng cho việc tái sản xuất ra sức lao động của thế hệ hiện tại và mai sau.

4. Đầu tư cho mai sau một cách tốt nhất là tìm cách thỏa mãn một cách tốt nhất những nhu cầu của hiện tại. Sự tốt đẹp của nền kinh tế trong những chu kỳ sau phải được bắt đầu ngay từ sự đầu tư cho hiện tại. Do đó, trong nền kinh tế thị trường hướng tới ở nước ta nên tăng trưởng kinh tế theo đường lối tác động vào cầu, tăng mức cầu để từ đó tăng mức cung một cách vững chắc.

Chuyển nền kinh tế nước ta sang nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước không phải là việc làm trong một sớm một chiều, tức khắc có ngay được, đây phải là một quá trình gồm nhiều bước chuyển. Theo đó, những việc cần làm là:

Đổi mới quản lý kinh tế của Nhà nước

Sự hình thành sở hữu nhà nước và khu vực kinh tế nhà nước là tất yếu khách quan. Nhưng trong nền kinh tế thị trường, các doanh nghiệp nhà nước là những chủ thể kinh doanh có quyền quyết định công việc kinh doanh của mình. Nhà nước cần giải phóng khỏi công việc kinh doanh. Vai trò kinh tế của Nhà nước là tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả. Nhằm mục đích đó, Nhà nước với tư cách là cơ quan điều tiết nền kinh tế thị trường, cần phải:

– Thứ nhất, hoàn thiện một hệ thống luật dân sự bảo đảm điều chỉnh một cách kín kẽ và đồng bộ các quan hệ hàng hóa – tiền tệ trong nền kinh tế.

– Thứ hai, đổi mới hoạt động kế hoạch của Nhà nước. Kế hoạch hóa phát triển kinh tế – xã hội là cần thiết, nhưng phải thay đổi phương pháp, công nghệ kế hoạch hóa. Mô hình kế hoạch hóa nhà nước sẽ là dạng tổ hợp các chương trình có mục tiêu liên quan chặt chẽ với nhau, những chương trình đó được triển khai theo hình thức đấu thầu.

– Thứ ba, xây dựng và duy trì hệ thống tài chính – tín dụng ổn định và điều tiết lưu thông tiền tệ. Phát huy đầy đủ vai trò các đòn bẩy kinh tế như giá cả, thuế, tín dụng, tiền lương, khối lượng tiền mặt phát hành, giá cả và tỷ giá hối đoái, dự trữ và vàng, ngoại tệ… Đồng thời, coi trọng công cụ pháp luật, tăng cường kiềm chế, kiểm soát của Nhà nước. Chỉ khi Nhà nước kiểm soát được tài chính và tiền tệ thì Nhà nước mới có thể kiểm soát, điều tiết được thị trường.

– Thứ tư, chính sách xã hội. Chức năng, vai trò và bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Cần phải xây dựng những chương trình của Nhà nước về phát triển giáo dục, y tế, bảo vệ xã hội đối với người lao động. Thực hiện tốt chính sách xã hội, phát huy nhân tố con người, hạn chế sự bóc lột, sự phân cực giàu nghèo, phát triển các sự nghiệp phúc lợi công cộng, bảo đảm công bằng xã hội.

Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường

Một quốc gia văn minh phải được tổ chức, quản lý thống nhất, phân ngành chuyên sâu nhằm phục vụ tốt nhất lợi ích xã hội. Chủ trương “xây dựng cơ chế thị trường có điều tiết” đòi hỏi mọi ngành, mọi cơ quan các cấp từ trung ương xuống cơ sở cùng tham gia điều tiết theo chức năng của mình. Nếu trên sân cỏ không thể có người vừa đá bóng vừa thổi còi, thì trong sự phân công xã hội không thể duy trì một tổ chức vừa làm nhiệm vụ quản lý hành chính, bảo vệ luật pháp lại vừa kinh doanh. Nó sẽ là một “lỗ hổng” lớn (chứ không còn kẽ hở) cho những người làm ăn phi pháp, gây nhiễu thị trường.

Ngày nay, sau hơn 20 năm chuyển đổi sang kinh tế thị trường, đã có thể rút ra những kinh nghiệm và bài học đáng tin cậy về quá trình chuyển đổi. Vấn đề chủ yếu là có tạo ra được những nguyên tắc và tiền đề cần thiết để các thể chế của kinh tế thị trường có thể hoạt động một cách bình thường hay không. Nếu không tạo được những điều kiện, tiền đề như vậy, các thể chế kinh tế thị trường có thể tồn tại trên danh nghĩa nhưng không thể phát triển được hoặc sẽ phát triển một cách méo mó, các quan hệ thị trường bị biến dạng, gây tổn thất ở các mức độ khác nhau cho nền kinh tế.

Đại hội Đảng lần thứ VII đã quyết nghị đổi mới toàn diện đường lối kinh tế từ bao cấp chuyển sang cơ chế thị trường, coi trọng khuyến khích đầu tư. Một bước đi thuận quy luật mang giá trị chiến lược đã tạo được sức hấp dẫn mạnh mẽ. Tuy nhiên, thị trường vốn mang đặc tính cơ bản là tự do cạnh tranh sinh tồn, manh nha hiện tượng vô chính phủ nhằm lợi ích cục bộ, nên càng bộc lộ hai mặt trái ngược nhau trong quá trình vận động.

Với quốc gia xác lập con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội, mục tiêu duy nhất là hạnh phúc của nhân dân, thì Nhà nước phải có nhiều công cụ mạnh đủ sức thuyết phục, chi phối, khuất phục mọi biểu hiện trái nghịch. Cơ sở kinh tế nhà nước là một trong những công cụ cần thiết để thực hiện vai trò “kiểu mẫu” góp phần tích cực trong quá trình điều tiết cơ chế thị trường, định hướng đi lên cho các thành phần kinh tế xã hội.

Trong công cuộc đổi mới, Nhà nước cần đầu tư xây dựng, quản lý cơ sở kinh tế nhà nước một cách thỏa đáng với vị trí của nó. Nhưng bằng phương pháp hạch toán hoàn toàn, không có chuyện bù lỗ dưới bất cứ dạng thức nào. Cơ sở kinh tế nhà nước chịu sự chỉ đạo định hướng sản xuất của Nhà nước và được ưu tiên đầu tư, song nó phải năng động đua tranh về mọi mặt để vượt lên hàng đầu trên thị trường chứ không phải bằng sự “chiếu cố”.

Cạnh tranh là nguyên tắc có tính nền tảng của kinh tế thị trường, nó đòi hỏi các doanh nghiệp phải hoạt động có hiệu quả và thường xuyên nâng cao hiệu quả để thu được lợi nhuận. Những doanh nghiệp nào yếu kém, thua lỗ sẽ bị phá sản, các nguồn lực của doanh nghiệp đó sẽ được chuyển sang các doanh nghiệp khác, hoạt động có hiệu quả hơn chứ không bị mất đi. Chính vì vậy mà nhà kinh tế Mỹ gốc Áo Alois Schumpeter đã coi “phá sản là một sự tàn phá sáng tạo” (creative destruction).

Việc kiểm soát hoặc ngăn chặn hình thành độc quyền đòi hỏi một quyết tâm chính trị rất cao, vượt qua được những lợi ích cục bộ. Độc quyền đem lại những đặc quyền, đặc lợi mới cho một ít người, trong khi toàn thể xã hội phải trả giá.

Hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi phải chấp nhận “luật chơi” và “cách chơi” của WTO, ASEAN, APEC, ASEM, các FTA… song cho tới nay, cơ chế, hệ thống chính sách kinh tế, thương mại của nước ta vẫn còn nhiều bất cập. Kỹ thuật xây dựng chính sách còn hạn chế, còn có tư tưởng áp đặt ý muốn chủ quan khi soạn thảo nên thường xuyên phải điều chỉnh, thay đổi, ảnh hưởng đến lòng tin của người dân và doanh nghiệp.

Những tác động của địa vị nền kinh tế phi thị trường đối với Việt Nam trong giai đoạn đầu gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cũng là một thách thức không nhỏ. Với điều khoản chỉ được công nhận nền kinh tế thị trường sau 12 năm gia nhập WTO, là một trong những điều khoản cam kết sẽ mang lại nhiều thách thức cho Việt Nam trong giai đoạn bắt đầu gia nhập, đòi hỏi phải có những chính sách hợp lý nhằm giảm thiểu các thiệt hại do địa vị kinh tế phi thị trường mang lại.

Đối với bất kỳ một quốc gia nào trên thế giới, sẽ không thể có kinh tế thị trường nếu không tiến hành tự do hoá thương mại. Đây là một trong những đặc trưng chủ yếu và cũng là nội dung quan trọng nhất của việc vận hành nền kinh tế theo cơ chế thị trường. Với việc từng bước thực hiện những quá trình mang tính quy luật của bước chuyển từ nền kinh tế tập trung quan liêu, bao cấp sang cơ chế thị trường có sự điều tiết vĩ mô của Nhà nước, với tự do hóa giá cả và thương mại hoá nền kinh tế là khâu trung tâm đột phá, Việt Nam đã tiến những bước dài trên con đường đổi mới.

Theo TẠP CHÍ CỘNG SẢN

Tags: , ,