Vấn đề phát triển biền vững trong thời đại toàn cầu hóa

Sự phát triển của con người và xã hội chịu ảnh hưởng của nhiều mối quan hệ tương tác với nhau, bồi trúc cho nhau và sự phát triển ấy được gọi là sự phát triển trong thế cân bằng sinh thái và phát triển bền vững.

Vấn đề phát triển biền vững trong thời đại toàn cầu hóa

Mối quan hệ giữa con người và con người, con người với tự nhiên là mối quan hệ trực tiếp, biện chứng, trong đó mối quan hệ giữa con người và con người là mối quan hệ trung tâm. Khi đạt tới trình độ ứng xử hài hoà giữa con người với tự nhiên, mối quan hệ ấy sẽ quy định chất lượng phát triển của con người và xã hội, trong đó tự nhiên tạo nên môi trường sống cho con người, nó là điều kiện gắn bó chặt chẽ với sự sống và phát triển của con người và xã hội.

Quá trình phát triển của lịch sử loài người cho thấy, mỗi khi con người gắn bó với tự nhiên, nương tựa, hoà đồng, chung sống có trách nhiệm và biết cải tạo thế giới tự nhiên đúng quy luật để tự nhiên phát triển thì sự sống sinh sôi, nảy nở. Ngược lại, mỗi khi con người nhận thức thiếu đầy đủ về tự nhiên hoặc do những hoàn cảnh sống của con người tác động thiếu ý thức, vô trách nhiệm đối với tự nhiên sẽ làm cho tự nhiên bị hao mòn và huỷ hoại. Trong thực tiễn khi người sản xuất, kinh doanh biết hiệp tác với cơ quan hữu quan và xã hội để bảo vệ môi trường thì sản xuất, kinh doanh phát triển đồng bộ, lợi nhuận ổn định, xã hội phát triển. Với lẽ đó khi cơ quan bảo vệ môi trường cùng với xã hội hiệp tác với nhà sản xuất, kinh doanh thì việc bảo vệ môi trường đạt hiệu quả thiết thực. Nếu chỉ vì lợi nhuận trước mắt, hoặc lợi ích cục bộ mà người sản xuất, kinh doanh tìm mọi cách khai thác, bóc lột thiên nhiên một cách huỷ hoại phóng xả các chất thải một cách vô ý thức sẽ làm cho môi trường tự nhiên bị tàn phá cạn kiệt. Việc khai thác tài nguyên rừng, đốt nương làm rẫy, khai thác nguồn nước thiếu tính toán, quy hoạch đã làm cho tài nguyên rừng, đất rừng, nguồn nước bị huỷ hoại, độ màu mỡ của đất bị bào mòn, thảm thực vật bị khô cằn, nguồn nước cạn kiệt dẫn đến những cuộc di dân đến những vùng đất mới và sự tàn phá lại tiếp tục mở rộng ?

Những hiện tượng trái đất nóng lên, những trận bão lụt, lũ ống, sạt lở đất, ô nhiễm môi trường, khí hậu có sự thay đổi đột biến… ở nhiều nước, nhiều vùng, nhiều khu vực làm cho môi trường tự nhiên bị tan hoang, dẫn đến thảm hoạ, sự sống của tự nhiên và con người phải hứng chịu hậu quả của việc tàn phá môi trường. Đó là những bài học lịch sử đau xót cảnh báo cho mọi chế độ xã hội và con người phải biết phối hợp, cộng tác với nhau để bảo vệ môi trường bền vững. Mọi sự giữ gìn, bồi trúc cho sự phát triển môi trường tự nhiên hoặc để môi trường tự nhiên thuận lợi phát triển đều có liên quan trực tiếp đến con người và cộng đồng người trong mỗi hoàn cảnh nhất định, đặc biệt trong nền kinh tế thị trường cần phải mở rộng tri thức hiểu biết về tầm quan trọng của môi trường, xã hội hoá về trách nhiệm bảo vệ môi trường. Marx cho rằng: “Sự phát triển là quá trình phát triển tự nhiên vốn có trong lịch sử loài người. Hình thái chính trị cũng có thể xem là một phần của tự nhiên, là cái có thể thay thế cho môi trường tự nhiên. Khi đó tự nhiên được con người tác động thông qua khoa học, kỹ thuật để giá trị vốn có của nó trở thành giá trị sử dụng. Một trong những nguyên nhân sản xuất, kinh doanh không bền vững là sự suy giảm môi trường, ô nhiễm môi trường. Suy giảm môi trường sẽ gây hậu quả khôn lường cho con người và xã hội”.

Quá trình sản xuất không tránh khỏi việc thải các chất, trong đó có nhiều chất độc hại vào môi trường, chúng có thể là các khí thải như CO2, SO2.v.v. xâm nhập vào khí quyển. Các chất rắn như các tạp chất, các chất hợp kim, các chất xơ, bụi, rác… được chôn xuống lòng đất, hay đổ xuống cống rãnh, ao, hồ… Ngoài ra nước thải có chứa các chất hữu cơ, vô cơ.v.v. cũng đổ xuống cống rãnh, ao, hồ, sông biển, hoặc ngấm vào lòng đất… gây ra bao tai hại khôn lường cho sự sống. Bởi lẽ con người là sản phẩm của quá trình tiến hoá của tự nhiên và từ đó con người lấy tự nhiên làm môi trường sống và hoạt động, chia sẻ và làm bạn tri ân ! Từ xa xưa con người, đặc biệt là người Việt Nam đã sống trong quan niệm của thói quen và nếp sống nương tựa, hoà đồng với tự nhiên, vui thú với vườn cây, ao cá… lấy thiên nhiên làm bầu bạn, chăm bẵm để được thưởng ngoạn và cùng phát triển với thiên nhiên. Đó là quan điểm sống theo quan niệm triết học Phương Đông “Thiên địa nhân nhất thể”. Con người là “hoa của đất”, con người là “tiểu vũ trụ”, hoà đồng trong đại vũ trụ của thế giới tự nhiên.

Ngày nay con người đang ngày càng phát triển về thể chất và trí tuệ. Sự hiểu biết cả bề rộng và chiều sâu ngày càng cao thì con người càng thấy mối quan hệ tự nhiên và con người càng gắn bó hơn. Chúng ta đã có Luật Bảo vệ môi trường, song thực tế cho thấy sự hiểu biết và phát triển của con người, cộng đồng người trong xã hội thường không đồng đều ở nhiều lĩnh vực, ở các vùng, miền, nên vẫn có sự khác biệt về nhận thức và phương thức sản xuất, canh tác để mưu ích sự sống. Sự khai phá của từng cá thể người, nhóm cộng đồng người ở những vùng miền khác nhau với những phương thức rất khác nhau nên môi trường tự nhiên vẫn luôn bị đe doạ, tàn phá, thậm chí có nơi bị tàn phá huỷ hoại, đe doạ đến sự sống của cộng đồng người. Vì vậy, bảo vệ, giữ gìn, phát triển môi trường tự nhiên phải căn cứ vào điều kiện cụ thể để tìm giải pháp thích hợp, hiệu quả. Chúng tôi nghĩ vấn đề quan trọng là phải đổi mới tư duy và có nhận thức đúng đắn trong quá trình xây dựng quy hoạch về mối quan hệ giữa con người và môi trường sống., đồng thời phải xây dựng cơ chế, chính sách hưởng lợi, thưởng phạt đi đôi với tổ chức thực hiện cụ thể. Tăng cường làm tốt công tác tuyên truyền hướng tới tạo lập được nhận thức của cộng đồng người để đi đến xã hội hoá trong việc giữ gìn, bồi trúc, tái tạo, phát triển môi trường tự nhiên bền vững; phòng tránh những động cơ khai thác tài nguyên môi trường bừa bãi,thải loại rác bẩn và sử dụng các hoá chất một cách thiếu trách nhiệm.

Với xu thế hội nhập kinh tế toàn cầu hoá trong thời đại khoa học, công nghệ phát triển ngày càng cao, sự phát triển nền kinh tế-xã hội ngày càng nhanh, việc hưởng lợi của các quốc gia, các địa phương đang phát triển sẽ có lợi thế trong việc đi tắt, đón đầu để thực hiện mục tiêu kinh tế, xã hội. Thực tế đó đòi hỏi phải có sự đổi mới tư duy, mở rộng tầm nhìn trên cơ sở hiểu biết các tri thức tổng hợp cùng với tri thức chuyên ngành để có chiến lược khi du nhập các ngành nghề mới, công nghệ mới giắn với quy hoạch phát triển sao cho phù hợp, để có hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh gắn với chương trình phát triển dân sinh đồng bộ.

Cần nghiên cứu kỹ đặc điểm của vùng khí hậu khi lập quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng và dân sinh nơi đô thị thành phố, thị xã… khu công nghiệp sao cho đạt tới các tiêu chí chuẩn về các loại hình thảm thực vật, cây xanh, hồ nước, sông sạch, các công trình hệ thống xử lý rác, nước thải…Cần kiểm tra, khảo sát đánh giá đúng chất lượng của công tác trồng cây trong thời gian qua, từ đó có kế hoạch tổ chức tốt việc trồng rừng và trồng cây ở các cơ quan, làng xã, phố xá… Đó không chỉ là vấn đề của hiện tại mà còn là cảnh quan, là sự sống của dân sinh để nâng cao mức hưởng lợi môi trường sinh thái cho cộng đồng, đó còn là cơ sở cho quá trình phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội trong tương lai.

Theo TRUONGCHINHTRINA.GOV.VN

Tags: ,