Vấn đề Chạy đua vũ trang trong quan hệ quốc tế

Môi trường quốc tế là môi trường vô chính phủ và đặc tính này tồn tại bất biến, vì thế mà các cuộc chạy đua vũ trang cũng tồn tại như một hiện tượng tất yếu và không thể xỏa bỏ được trong quan hệ quốc tế.

Vấn đề Chạy đua vũ trang trong quan hệ quốc tế

Tác giả: Trương Thanh Nhã.

Nguồn: Đào Minh Hồng – Lê Hồng Hiệp (chủ biên), Sổ tay Thuật ngữ Quan hệ Quốc tế, (TPHCM: Khoa QHQT – Đại học KHXH&NV TPHCM, 2013).

Chạy đua vũ trang (Arms race) là một thuật ngữ để chỉ hành động mà các bên tham gia không ngừng tăng cường lực lượng vũ trang so với các bên khác để tạo nên ưu thế trong sức mạnh so sánh của mình nhằm đảm bảo an ninh cho bản thân hay gây ra chiến tranh.

Chủ nghĩa hiện thực cho rằng, hiện tượng chạy đua vũ trang diễn ra là do các quốc gia tồn tại trong một môi trường vô chính phủ, không có bất kỳ một thế lực nào đứng trên tất cả các quốc gia để đảm bảo sự tồn tại cho các quốc gia này. Vì thế mà mỗi quốc gia phải tự thân xây dựng lực lượng vũ trang để tự bảo vệ cho sự tồn tại của chính mình.

Mặt khác, trong khi sự lớn mạnh của lực lượng vũ trang giúp đảm bảo an ninh cho quốc gia này thì nó cũng gây nên mối đe dọa an ninh đối với các quốc gia khác trong khu vực. Do đó, các quốc gia khác cũng phải nâng cấp lực lượng vũ trang của mình để tự đảm bảo an ninh và cân bằng lại mối đe dọa. Tuy nhiên, hành động này đến lượt nó lại tiếp tục gây nên sự bất an cho các nước khác, dẫn tới một vòng xoáy leo thang khiến các quốc gia không ngừng tìm cách nâng cấp lực lượng vũ trang và kho vũ khí của mình. Điều này tạo thành tình thế lưỡng nan về an ninh trong quan hệ quốc tế.

Chạy đua hạt nhân

Chạy đua hạt nhân là một hình thức chạy đua vũ trang đặc biệt chỉ xuất hiện trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh giữa Liên Xô và Mỹ. Phương thức này dựa trên nguyên lý về đòn tấn công thứ hai (second strike) trong chiến thuật sử dụng vũ khí hạt nhân. Trong đó, các đầu đạn hạt nhân trong đòn tấn công thứ nhất (first strike) làm nhiệm vụ phá hủy các cơ sở hạt nhân của đối phương trong khi đòn tấn công thứ hai (second strike) sẽ phá hủy các mục tiêu chiến lược. Chính vì nguyên lý này mà cả hai bên ra sức xây dựng lực lượng hạt nhân của mình về cả sức mạnh đầu đạn, số lượng đâu đạn lẫn tầm hoạt đông của thiết bị chuyên chở nhằm tạo ra sức mạnh so sánh vượt trội để đảm bảo an ninh cho chính mình và các đồng minh. Cuộc chạy đua này chỉ tạm lắng khi Chiến tranh Lạnh kết thúc và Hiệp ước START-I chính thức có hiệu lực do các nỗ lực kiến tạo hòa bình đến từ nhiều phía cũng như những khó khăn về kinh tế để xây dựng và duy trì lưc lượng răn đe hạt nhân gây nên.

.

Những học giả theo chủ nghĩa hiện thực cho rằng môi trường quốc tế là môi trường vô chính phủ và đặc tính này tồn tại bất biến, vì thế mà các cuộc chạy đua vũ trang cũng tồn tại như một hiện tượng tất yếu và không thể xỏa bỏ được trong quan hệ quốc tế.

Thật vậy, kể từ thời kỳ cổ đại, các quốc gia đã không ngừng tiến hành các cuộc chạy đua vũ trang với quy mô lớn với nhiều hình thức cả về chạy đua số lượng và chất lượng. Tập sách Lục Thao được lưu truyền là do Khương Thái Công biên soạn với các bài giảng về quân sự, đặc biệt là chương Hổ Thao bàn về các trang bị của quân đội đã cho thấy quan điểm chạy đua vũ trang của giới quân sự Trung Quốc cổ đại trong việc xây dựng quân đội thiên về chế tạo thêm các chiến xa vũ trang cỡ lớn hơn là tăng cường số lượng binh sĩ đơn thuần.

Hay trong tác phẩm “Lịch sử cuộc chiến tranh Peloponnese” của Thucydides, nhà sử học Hy Lạp đã cho thấy các đồng minh Athens và đồng minh Peloponnese không ngừng gia tăng số lượng tàu chiến để chuẩn bị cho chiến tranh, đại diện cho các cuộc chạy đua vũ trang điển hình của quan hệ quốc tế ở phương Tây cổ đại. Trong thời kỳ hiện đại, các cuộc chạy đua vũ trang vẫn luôn là tâm điểm quan tâm của quan hệ quốc tế như cuộc chạy đua hạt nhân của Liên Xô và Mỹ trong Chiến tranh Lạnh hay cuộc chạy đua vũ trang giữa Pakistan và Ấn Độ, giữa Trung Quốc và Đài Loan… trong những năm đầu thế kỷ 21.

Mặt khác, các học giả theo chủ nghĩa tự do lại cho rằng bản chất của quan hệ quốc tế là hợp tác và các cuộc xung đột chỉ là những hiện tượng tạm thời trong quan hệ quốc tế. Do đó, các cuộc chạy đua vũ trang có thể được hạn chế bằng các biện pháp hợp tác giữa các bên. Quan điểm này cho thấy phần nào tính tích cực của nó khi đã góp phần xoa dịu một số các cuộc chạy đua vũ trang lớn trong thời kỳ hiện đại mà điển hình là các cuộc đàm phán về cắt giảm vũ khí phòng thủ chiến lược (SALT), hay các Hiệp định Cắt giảm và Hạn chế Vũ khí Tấn công Chiến lược (START-I [1991], START-II [1993]) nhằm giảm số tên lửa mang đầu đạn hạt nhân giữa Liên Xô trước đây và sau này là Nga với Mỹ.

Mặc dù không thể giải quyết hoàn toàn được các vấn đề chạy đua vũ trang, nhưng các cách tiếp cận của chủ nghĩa tự do đã đem đến được những giải pháp làm giảm nhẹ tác động của vấn đề này đối với tình hình quan hệ quốc tế, từ đó góp phần làm giảm thiểu các nguy cơ chiến tranh có thể xảy ra trong nửa cuối thế kỷ 20 và những năm đầu thế kỷ 21.

Theo NGHIÊN CỨU QUỐC TẾ

Tags: , ,