Văn chương mạng và những dấu hỏi

Từ sự xuất hiện một số tác phẩm văn chương trên internet và sự ra đời của khái niệm “văn học mạng”, gần đây có một số ý kiến dự đoán rằng, “văn học mạng” sẽ là xu thế tất yếu của văn học Việt Nam hiện đại. Tuy nhiên, từ diễn biến của các hiện tượng “văn học mạng” có thể thấy, cơ sở bảo đảm cho dự đoán ấy vẫn còn rất xa vời.

Văn chương mạng và những dấu hỏi

Ở Việt Nam, thành quả đầu tiên của “văn học mạng” mới chỉ dừng lại ở phạm vi lý luận, phê bình văn học. Internet đã góp phần kết nối môi trường học thuật trên thế giới với Việt Nam, và giúp các nhà phê bình, lý luận văn học có thể tiếp cận, tiếp nhận, trực tiếp đánh giá các trường phái, lý thuyết, lý luận phê bình văn học, nghệ thuật đang thịnh hành trên thế giới. Ðã qua thời kỳ các nhà phê bình, lý luận văn học Việt Nam phải trăn trở vì chỉ được tiếp nhận các lý thuyết nghiên cứu, phê bình một cách muộn mằn. Hiện tại, giới lý luận, phê bình đã có thể so sánh, có cái nhìn toàn diện hơn về lý luận, phê bình văn học của các nước khác, cũng như nhận định các khuynh hướng có thể ra đời của văn học nước nhà và thế giới ở tương lai gần. Khi chưa có điều kiện xuất bản, đã có một số công trình dịch thuật lý luận văn học được một số nhà nghiên cứu, phê bình đăng tải trên internet và giúp người yêu văn học tiếp xúc với tư liệu. Cũng từ đó, dường như không ít nhà phê bình văn học đã tìm được “công cụ” còn thiếu cho công việc của họ, đó là internet. Với một số người, internet là nơi họ đối thoại về phê bình văn học cũng như kiểm định suy nghĩ của mình với “người đọc lý tưởng” khác và “lý luận, phê bình văn học mạng” dường như đã bắt đầu định hình hướng đi? Tuy nhiên, không phải nhà phê bình nào cũng giữ được sự tỉnh táo và luôn ước muốn truy cầu các giá trị chân – thiện – mỹ. Vì có nhà phê bình viết tiểu luận như chỉ để khoe kiến thức, áp đặt những giá trị không thể có cho tác phẩm mà họ tiếp cận. Thậm chí để chứng minh cho lý thuyết, quan điểm mà mình theo đuổi, có người sẵn sàng xuyên tạc tác phẩm theo chiều hướng có lợi cho bài viết. Rồi tác giả khác lại sử dụng phê bình để tán dương tác phẩm phi giá trị nghệ thuật, phi giá trị đạo đức, thay vì lẽ ra cần giúp nghệ sĩ nào đó có xu hướng tinh thần mông lung, hoặc bị tha hóa, tìm đến với con đường đúng. Bằng cách mớm đặt suy nghĩ phù phiếm dưới cái vỏ hoa mỹ, cao đạo, hình như các “anh hùng bàn phím” này đang ngấm ngầm khiêu khích, kích động một số nhà văn, nhà thơ vốn chứa sẵn “cái tôi” ảo tưởng về tài năng của mình thành người quá khích, và gây nguy hiểm cho xã hội.

Có một điều là trong khi lý luận, phê bình văn học đã đặt được một số dấu ấn trên internet, thì sáng tác văn chương trên mạng vẫn cần thêm thời gian để khẳng định. Thực tế của sự tồn tại các tác phẩm được coi là văn chương trên mạng cho thấy dường như chỉ có “văn chương thị dân” (định nghĩa do một số nhà phê bình định danh cho sáng tác trên mạng) phục vụ nhu cầu giải trí và sự tò mò của một nhóm độc giả nhất định là vẫn “sống khỏe”. Dù vậy, nhìn chung các tác phẩm này vẫn chưa có khả năng cạnh tranh sòng phẳng với một số tác phẩm ngoại nhập. Như với truyện Ngôn tình chẳng hạn, một số trường hợp có vẻ là hấp dẫn người đọc thì vẫn không giấu được tình trạng rập khuôn, “mì ăn liền”, chưa thấy tác giả có khả năng sáng tạo dồi dào. Trào lưu viết truyện ngắn, viết tiểu thuyết như một tập “nhật ký mạng” lúc đầu được một số độc giả đón đợi, giờ đây như trở thành một “món ăn” khá nhàm chán. Ðáng tiếc là tác phẩm kiểu này vẫn ra đời, và càng ngày càng cho thấy tác giả viết như không cần sáng tạo, thiếu ngôn từ độc đáo, thiếu dụng công, và nổi lên là tình trạng “đạo văn” dưới các hình thức tinh vi.

Dẫu sao thì internet vẫn chưa phải là mảnh đất lành cho các sáng tác có đầu tư về mặt tư tưởng – nghệ thuật, nếu không nói nó còn tạo ra sự lười nhác, bất cẩn khi tác giả viết rồi trực tiếp đưa lên mạng mà không tự biên tập (chí ít về câu chữ), hay nhờ đồng nghiệp đọc giúp. Rất ít người viết lựa chọn internet như một phương tiện đưa sáng tác đến với độc giả; cho dù có tác giả quyết định sáng tác tiểu thuyết trên internet, và lựa chọn “ngôn ngữ mạng” là một trong các ngôn ngữ chính trong tiểu thuyết của mình. Trên một số website được cho là ủng hộ “văn học ngoại biên, văn chương xuyên biên giới” tình hình có vẻ sôi động hơn về số tác phẩm, tác giả gửi bài. Nhưng giá trị đích thực của các tác phẩm này vẫn còn là một dấu hỏi lớn. Ðã có không ít sáng tác thơ ca được người ta tán tụng là “ngoại biên” thực chất chỉ là một văn bản liên tục cách dòng với ý tứ thô thiển, lời lẽ tục tĩu nhằm xuyên tạc, bôi nhọ văn hóa và xã hội, tạo nên những hình tượng méo mó. Với định danh “ngoại biên”, mục đích của họ như chỉ để lao vào một thế giới hư danh, với các lợi ích phù phiếm hoặc tư lợi chính trị, yêu sách cá nhân chứ không phải do nhu cầu vì sự sống của văn chương, như họ hô hào.

Vài năm gần đây, một số nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận, phê bình như đang nhầm tưởng vì ngỡ internet là “thế giới lý tưởng” cho sáng tác. Về “văn chương mạng thuần túy”, một nhà thơ định nghĩa đó là văn chương của “tác giả chỉ muốn xuất hiện trên mạng. Họ sống đời sống văn chương của mạng, viết trên mạng, vận dụng ưu thế kĩ thuật của internet, xử lý thông tin trên mạng, tương tác trên mạng, tồn tại trên mạng, buồn vui trên mạng, hy vọng hay thất vọng cũng trên mạng…”. Ðịnh nghĩa này, suy cho cùng chỉ là một định nghĩa không tưởng, xét trên một số phương diện. Dẫu sinh động hoặc hấp dẫn đến thế nào thì internet vẫn không thể tách khỏi đời sống, không phải là một thế giới khác mà chúng ta quen gọi là “thế giới ảo”, như trong các phim khoa học viễn tưởng, để phân biệt với cuộc sống thực. Trước sau với văn chương, internet vẫn chỉ là một phương tiện truyền thông hiện đại, một công cụ giao tiếp thông tin linh hoạt, nhanh nhạy giữa nhà văn và bạn đọc. Còn việc lựa chọn bảo vệ hoặc công khai danh tính có lẽ lại là một vấn đề khác chứ không chỉ là đặc trưng riêng của “văn học mạng”.

Một nhầm lẫn khác mà một số người sáng tác văn chương trên mạng đang lầm tưởng là quá trình “đồng sáng tác” giữa người viết và bạn đọc, coi đó là sự triệt tiêu dần “cái tôi” của nhà văn để đem một tác phẩm văn chương mẫu mực đến với số đông. Người đưa ra định nghĩa này cho rằng, văn chương mạng khác văn chương chính thống ở chỗ nó luôn trong quá trình vận động dang dở. Hiểu như vậy, cũng là sản phẩm của cái nhìn có phần phiến diện. Không chỉ đến khi có internet, nhà văn mới có quá trình giao lưu với bạn đọc để “đi tìm nhân vật” cũng như “con đường” cho “đứa con tinh thần” của mình. Trên thực tế, quá trình giao lưu giữa nhà văn với độc giả đâu chỉ diễn ra khi có internet. Ian Fleming, cha đẻ bộ truyện trinh thám nổi tiếng về điệp viên James Bond từng thừa nhận: Ông đã có nhiều ý tưởng mới cho anh chàng có bí danh 007 này sau khi nhận được góp ý thư từ của những bạn đọc. Trước Fleming rất lâu, Tolstoy cũng đã từng đăng Anna Karenina thành truyện dài kỳ trên báo trước khi ấn bản tác phẩm nhưng kiên quyết không thay đổi số phận của nữ nhân vật chính bất chấp thư yêu cầu độc giả để dẫn đến kết cục bi thảm trong tiểu thuyết như chúng ta đã biết. Như vậy, trước sau dù độc giả có thể can thiệp một phần nào đó vào tác phẩm, tác giả vẫn là người duy nhất có quyền định đoạt số phận “đứa con tinh thần” của mình ra sao, bất chấp lời đăng đàn xin lỗi của họ đối với độc giả, trường hợp gần đây nhất là J.K.Rowling với bộ truyện Harry Potter nổi đình đám. Còn ý kiến khác cho rằng, nhà văn hòa mình vào với bạn đọc là tạo ra một hình thức văn học dân gian mới, thì hoàn toàn là nhận định phi thực tế, đi ngược với sự vận động của văn học. Thử hỏi ở Việt Nam, chúng ta đã thu được bao nhiêu giá trị đích thực từ sáng tác văn học dân gian sau vài nghìn năm so với số tác phẩm văn chương thành văn của thế kỷ 20, 21 cộng lại? Nhân nhắc tới văn học dân gian, bài học của các nhà văn thích sáng tác như vậy làm liên tưởng tới trường hợp người “đẽo cày giữa đường”!

INTERNET đã tạo thêm cơ hội để tác phẩm đến với người đọc một cách nhanh chóng, rút ngắn thời gian, mở rộng không gian trao đổi của nhà văn đối với xã hội. Nhưng điều quyết định vẫn là tài năng, là đạo đức nghề nghiệp, và yêu cầu sáng tác vẫn phải là: viết cho ai, viết để làm gì, viết như thế nào và sau cùng vẫn phải hướng đến các giá trị chân, thiện, mỹ. Dù trên internet, thì tác phẩm chỉ được coi là tác phẩm văn chương khi đáp ứng được các yêu cầu tối thiểu về tư tưởng – nghệ thuật. Internet không thể biến bộ óc bất tài trở thành nhà văn, nhà lý luận, phê bình, hay biến các sản phẩm “phản văn chương” thành nghệ thuật. Có chăng là với internet, trong một số trường hợp, chỉ là liều thuốc an thần an ủi người hư danh, thích sống trong ảo vọng được cưng chiều, ca ngợi, bợ đỡ của những cá nhân có xu hướng tinh thần tương tự. Vì vậy trước khi nghĩ tới việc các trang web, diễn đàn có thể “nuôi sống” “nhà văn mạng” khiến họ yên tâm sáng tác, tạo ra một kênh sách điện tử, truyện điện tử cạnh tranh với thị trường sách in (xa hơn là viễn cảnh một mạng văn học thay thế hoàn toàn văn học chính thống!), các nhà phê bình, lý luận cũng như nhà văn, nhà thơ hãy cố gắng rèn luyện tài năng, đạo đức của mình và tạo ra mọi cơ hội có thể để nghệ thuật đích thực đến được với người đọc.

Theo VIỆT QUANG / NHÂN DÂN ONLINE

Tags: ,