⠀
Vai trò của múa trong lễ hội của cộng đồng các dân tộc Việt Nam
Vai trò của nghệ thuật múa các tộc người được thể hiện trong các lĩnh vực: lễ hội, lao động, tục cưới, tục tang và trong văn hóa tâm linh. Các tộc ít người có nhiều loại hình sinh hoạt văn hóa cộng đồng theo vùng, miền khác nhau, song, phổ biến là các nghi thức, lễ hội, tín ngưỡng, tết, giao duyên, đồng dao, cưới xin, tang ma, giao lưu văn hóa. Trong các sinh hoạt văn hóa ấy, nghệ thuật múa là một thành tố không thể thiếu. Nói cách khác, nghệ thuật múa tham gia vào mọi lĩnh vực đời sống tinh thần của toàn cộng đồng. Nó tồn tại như một thực thể khách quan theo nhu cầu của xã hội, của đời sống tinh thần nhân dân. Nghệ thuật múa gắn bó với vòng đời ví như không khí, dòng sữa tinh thần nuôi dưỡng con người.
Tác giả: Lê Ngọc Canh.
Nguồn: Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật số 308, tháng 2/2010.
Nghệ thuật múa các tộc ít người có thể quy nạp thành 8 ý nghĩa: chủ thể, cội nguồn, hội tụ, bản sắc, liên kết, bình đẳng, giao lưu, giải trí.
Các dân tộc ít người đều có nhiều loại lễ hội đặc sắc, mang dấu ấn văn hóa bản địa và văn hóa đặc trưng tộc người. Lễ hội mang tính cộng đồng cao, nó hàm chứa đầy đủ ý nghĩa văn hóa, xã hội, thẩm mỹ. Đặc biệt, vai trò ý nghĩa của các loại hình ca múa, nhạc, diễn xướng là rất quan trọng; chúng hiện diện trong hầu hết lễ hội. Có thể kể đến một số lễ hội đặc trưng mà ở đó nghệ thuật múa hiện diện như một loại hình không thể thiếu vắng. Không những thế, trong lễ hội còn xuất hiện nhiều điệu múa dân gian và nó chiếm một tỉ lệ đáng kể.
Lễ hội các tộc ít người là loại hình sinh hoạt văn hóa cộng đồng lớn nhất, quan trọng và quy mô nhất trong năm. Đặc biệt, lễ hội là nơi quy tụ đầy đủ nhất các thành tố của nghệ thuật biểu diễn như âm nhạc, ca hát, nhảy múa, diễn xướng, là nơi thi tài sáng tạo nghệ thuật. Có lễ hội là có nghệ thuật biểu diễn ca, múa, nhạc, với sự gắn bó hữu cơ trong một chỉnh thể nguyên hợp mang tính thống nhất. Ở lễ hội các tộc người thiểu số thì nghệ thuật múa là trung tâm, điểm sáng trình diễn nghệ thuật. Xin lược qua một số lễ hội có vai trò và mức độ đậm đặc của nghệ thuật múa: xen mương (Thái) có xòe vòng, xòe nhạc, đàn tính, cồng chiêng, trống, xòe nón; sắc bùa (Mường) có múa sắc bùa, hòa tấu cồng chiêng; sải sáng (Mông) có múa khèn, trống, hát; lồng tồng (Tày) có múa xòe chiêng, trống chiêng, hát lượn, si, múa sư tử; đâm trâu (Tây Nguyên) có soong (soan), múa trống, múa khiên; ók om bók (Khmer) có múa trống xayam, múa bơi thuyền, múa rồng, múa lân, hát agay; yang va (Chơ ro) có múa cây bông, đàn ta lók, trống, cồng chiêng; rifia prông (Chà Và – Chăm) có múa chàm rông, vải thài, nhảy lửa, trống ghi năng, trống baranưng, kèn saranai.
Nghệ thuật múa, nghệ thuật biểu diễn là những thành tố đặc biệt quan trọng, nhiều khi trở thành linh hồn của lễ hội. Chúng ta thử tưởng tượng lễ hội của các tộc ít người nếu thiếu vắng tiếng trống, kèn, tiếng cồng chiêng, điệu múa, hát, thì sẽ ra sao?
Sau đây là một số điệu múa trong lễ hội và sinh hoạt văn hóa cộng đồng của các dân tộc Việt Nam.
Múa sạp (Mường)
Bối cảnh văn hóa xã hội, cùng các hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng là môi trường cho sự nảy sinh múa sạp của tộc người Mường. Việt Nam nói riêng, Đông Nam Á nói chung là vùng nhiệt đới, nên có nhiều loài cây, hoa, chim, sinh vật cảnh làm đẹp cho cuộc sống của họ. Điều đó đã đi vào nghệ thuật của từng cộng đồng tộc người, trong đó có nghệ thuật múa sạp của người Mường, mà đạo cụ của nó là cây tre. Tre làm nhà, làm công cụ sản xuất, làm ống đựng nước, đựng thức ăn, làm nhạc cụ, làm đạo cụ để múa. Hơn nữa người Mường lại ở vùng thung lũng, nên tre nứa đã là hình ảnh thân thương gắn bó với đời sống của họ. Và lẽ đương nhiên, cây tre, vầu, bương nhỏ đã được người dân sáng tạo thành đạo cụ, tạo thanh âm thanh tiết tấu múa. Chính vì vậy, múa sạp là một trong những điệu múa hay nhất của người Mường và của Việt Nam.
Múa sạp Mường xuất phát điểm từ trò chơi dân gian mà thành nghệ thuật múa. Khởi đầu là trò chơi đập gậy, đập chày, đâm ống, đâm đuống, trải qua quá trình phát triển, nghệ thuật múa sạp ngày càng phong phú, sinh động hàm chứa tính nghệ thuật cao. Quá trình đó có thể chia thành các bước: Trò chơi dân gian đập gậy, đập chày – múa sạp đơn giản nhảy vào, nhảy ra có thêm động tác (ít biến động) – múa sạp được cải biên nâng cao sinh động hấp dẫn, bổ sung chất liệu, hình thức, kết cấu múa.
Do sự giao lưu văn hóa nên người Thái cũng phát triển múa sạp. Toàn bộ điệu múa được diễn biến theo nhịp 4/4, một phách mạnh, ba phách nhẹ. Bước cơ bản là nhảy đều nhịp, một chân co, một chân đặt trọng lượng trên mặt đất có thể hoán vị cho nhau. Phách một nhảy ngoài sạp, phách hai, ba, bốn nhảy trong sạp. Cứ như vậy tiếp tục nhảy theo quy cách phân nhịp trên. Có ba cách nhảy: tiến, lùi, tiến chéo.
Cách đập sạp: phách 1 (mạnh) đập sạp vào nhau, phách 2, 3, 4 (nhẹ) đập trên sạp cái, sạp con theo kiểu tư duy cấu trúc nghệ thuật của người Mường, như chàm đuống, chàm thau, chàm ống, bao giờ cũng có cái, con. Động tác múa có thể biến động, nhưng cơ bản vẫn là múa nhảy tung khăn. Đội hình là vòng tròn, hàng ngang, hàng dọc. Sạp tổ chức từ 1 đến 2 đôi (2 người đập sạp, 2 người nhảy). Phát triển nâng cao: bổ sung nhảy cao, nhảy bay trên sạp, có sử dụng thêm một số động tác múa quạt, múa nhạc của tộc người Thái. Tiết tấu âm nhạc lúc nhanh, lúc chậm có cao trào. Phát triển quan trọng nhất là đưa những cây sạp khỏi mặt đất, cho sạp quay, guồng sạp (kiểu guồng nước của người Mường, Thái).
Hình thức tổ chức, kết cấu cơ bản giữ được nguyên, sáng tạo mang tính mở: sạp tổ chức từ 4 -5 đôi tạo thành bộ sạp.
Múa nón (Thái)
Chiếc nón gắn bó mật thiết với người nông dân để che nắng, che mưa, làm duyên của các cô gái đã trở thành điệu múa nón duyên dáng.
Đạo cụ là chiếc nón bằng. Múa nón người Thái rất phong phú, đa dạng, đẹp độc đáo có nhiều yếu tố nghệ thuật kỹ thuật cao. Nổi trội là hệ thống động tác múa nón của người Thái ở Mường Lay, Phong Thổ. Các nhà sưu tầm nghiên cứu đã thống kê được khá nhiều động tác trong hệ thống múa nón như: đưa nón ra phía trước, xoay hai bên, ngửa hứng hoa, đọ nón, lao nón, nón trên đầu, xoay nón, che nón nghiêng, nón trước sau, xoay nón trên đầu, nón cúp phá, đưa nón hai bên, ngồi xoay nón, nón ngửa sau gáy, quay nón di động. Môtíp cơ bản là cúp phá (nón bổ) có hai phần nhún tại chỗ và đổi chỗ cho nhau.
Nhún tại chỗ, hai tay cầm hướng lòng nón về phía trước dâng lên ngang bụng. Chân trái bước nhỏ sang cạnh, chân phải đưa sang bên trái chân ký, vừa bước vừa nhún. Rồi chân phải bước nhỏ sang phải đồng thời chân trái đưa sang phải. Tay phải kéo về sát bụng, tay trái đưa ra phía trước, lòng nón hướng bên trái, rồi hướng bên phải, nón luôn ở thế dựng. Đầu nghiêng sang phải, nghiêng sang trái. Tiếp chân phải bước nhỏ sang cạnh, chân trái đưa sang phải đồng thời nhún. Tay nón qua trước bụng rồi chuyển sang phải, tay trái sát bụng, tay phải ra phía trước đầu nghiêng sang trái. Quá trình nhún, nón dập dình lên xuống theo động tác của chân.
Nhún đổi chỗ cho nhau, chân trước, chân sau đi lướt đổi chân liên tục. Khi đi thì tay cầm nón dựng cạnh, tay phải đưa nón ra phía trước, rồi kéo về tiếp đến lượt tay trái. Cứ thế tiếp tục múa và đổi nón theo bước chân đi lướt tiến, đồng thời người nghiêng theo chiều nón, phần vai hướng trước cùng với cạnh nón. Khi về đến vị trí của bạn múa thì lại múa nhún tại chỗ, lòng nón hướng phía trước, rồi nhún đưa nón một khổ múa, sau đó lao nón về vị trí cũ. Điệu múa này đã được các nhà biên đạo chuyên nghiệp phát triển có tính thẩm mỹ cao.
Múa chàm rông (Chăm)
Điệu múa được lưu truyền từ đời này qua đời khác, còn có tên gọi chà prông, nó thường được trình diễn trong lễ hội Rijia prông. Khởi đầu chà prông dành cho nữ múa với đạo cụ là chiếc quạt, trong quá trình phát triển có nơi nam cũng múa. Môtíp chủ đạo với động tác cơ bản của phần tay: hai tay cầm quạt bật, hất cổ tay xoay quạt, nhấn hất lên. Khi múa, hai tay xòe quạt song song, uốn bật hất cổ tay sang phải sang trái. Hoặc, hai khuỷu tay gập, cầm quạt dựng thẳng gần ngang vai giữ phần khung tay ổn định.
Động tác cơ bản phần chân là bước nhảy nhẹ, một chân hơi kiễng, một chân làm trụ. Rồi đổi chân trụ, tiếp tục động tác nhún bật lên. Mọi động tác múa tiến hành trong nhịp trống ghinăng, kèn saranai và đàn kanhi.
Múa katu (Cơ tu)
Người Cơ tu sống ở miền rừng núi trùng điệp. Môi trường sống ít nhiều có tác động, ảnh hưởng tới tư duy sáng tạo nghệ thuật múa của họ.
Con gái Cơ tu thuở xưa mặc váy ngắn, tay, ngực để trần, khi có chồng mới mặc yếm. Có lẽ vì thế mà múa katu luôn sử dụng những động tác về tay và thân người uốn lượn ở mức tối đa.
Nhằm khoe vẻ đẹp tự nhiên của cơ thể, những cánh tay tròn nõn nà, cong lượn chuyển động trong các hướng múa, khi chậm, khi nhanh, khi buông lơi, khi rộn ràng là đặc điểm hấp dẫn của điệu múa này. Có thể nói bản thể của múa katu là giàu tạo hình và tạo hình đẹp, bởi sự hài hòa vận động của đầu, mình, chân, tay trong múa.
Múa katu với đặc điểm sôi nổi trội là sự tươi trẻ được thể hiện bằng những tổ hợp nhảy nhỏ, nhảy lướt nhanh đã góp phần tạo ra sự cuốn hút hấp dẫn lạ thường.
Từ trang phục tự nhiên của người phụ nữ Cơ tu đã đi vào trang phục múa, đó là chiếc váy ngắn, màu xanh của lá rừng, của suối nước xanh. Vai trần, ngực trần, tự nhiên mà nghệ thuật.
Âm nhạc múa katu chứa đựng đặc điểm văn hóa núi rừng, nó đã hòa đồng với múa trong quá trình biểu diễn. Nhạc cụ chủ yếu cho múa là trống, cồng và các nhạc cụ gõ tre, nứa, đá, đồng.
Có thể nói rằng múa katu hay đẹp, hấp dẫn, bởi giàu tính thẩm mỹ, tạo hình và tiết tấu. Những động tác, dáng điệu chính là những bức tranh chuyển động trong không gian và thời gian. Nó biểu hiện tư duy thẩm mỹ vươn tới cái chân chính, hồn nhiên của người Cơ tu.
Môtíp cơ bản của điệu múa là: những cánh tay trần, nhẹ nhàng nâng dần lên cao, đôi tay tạo thành đường dây cung đối nhau chuyển động trong tiếng trống, tiếng cồng. Bước chân nhún nhẹ lướt, xoay cùng dáng người nghiêng nghiêng. Rồi bỗng lượn gấp cúi, xoay người bật vươn lên cùng chân, khuỷu tay đưa lên cao. Sự chuyển động nhịp nhàng của động tác đầu, tay, thân người, chân và hướng độ trong múa đã hình thành môtíp chủ đạo như một cơ thể hoàn mỹ, hấp dẫn. Từ môtíp này tạo ra các tổ hợp múa khác.
Tổ hợp nhún xoay người, hai tay nhẹ nhàng đưa ra phía trước, nhún xoay người rồi hạ xuống đung đưa sang phải, sang trái.
Tổ hợp múa nhảy lướt, chân nhảy nhỏ, lướt nhanh, hai tay vung sang phải, sang trái, kết hợp xoay người, tạo ra tổ hợp múa vui hoạt.
Tổ hợp nhảy nghiêng, dáng người nghiêng nghiêng, một tay cao, một tay hạ thấp.
Tổ hợp nhảy lướt lớn, hai chân nhảy nhún lớn, cuối nhịp múa một chân đưa chéo phía trước, hai tay vung chéo trước ngực sang hai bên, người ngả sang bên.
Những tổ hợp trong múa chia thành hai loại: tính chất nhẹ nhàng và tính chất sôi nổi. Những tổ hợp này luôn đan xen nhau trong quá trình biểu diễn.
Múa tết nhảy (Dao)
Còn có tên gọi nhiàng chằm dao, là một nghi lễ phổ biến của toàn cộng đồng người Dao ở Việt Nam. Nó là sự kế tục của nghi lễ bàn vương, luyện binh tướng (âm binh) để bảo vệ cuộc sống của gia đình, tông tộc và bản làng. Tết nhảy thường tổ chức vào những ngày cuối tháng chạp, trước tết khoảng bốn, năm ngày. Đây cũng có thể coi là tết chính, tết quan trọng của người Dao trong năm hoặc trong ba năm.
Trong tết nhảy có hai ông thầy cúng đóng vai trò quan trọng, quán xuyến. Một ông làm chủ đám (sliêu họ), một ông múa (khoi tàn). Ngoài nhiều nghi lễ phức tạp thì nội dung trình diễn các điệu múa là một trong những hoạt động chính, có thể coi đó là phần nghi thức quan trọng của tết nhảy.
Khởi đầu là điệu múa tam nguyên an ham, ông khóc tàn (thầy múa) đi trước một đám thanh niên (khoảng 8-10 người), cầm cờ múa với những động tác khỏe: tung, phất cờ tượng trưng cho sức mạnh của âm binh. Điệu múa gồm:
Múa tết nhảy còn gọi là múa ra binh vào tướng hoặc múa chiến binh, biểu dương tinh thần thượng võ với những động tác nhảy, quay, nhún nhảy, bật tung người. Đạo cụ để múa là dao găm hơi cong. Nhạc cụ đệm là trống, thanh la, não bạt.
Múa phát nương miêu tả quá trình lao động của người Dao, nó còn có thể gọi là múa được mùa. Múa phát nương cổ xưa, động tác gần với những động tác lao động. Điệu múa thường do tốp nam, tốp nữ thực hiện. Nam đi trước múa chọc lỗ, nữ đi sau múa tra hạt, rồi múa phơi, quạt, giã, xay…
Múa bắt ba ba, nữ cầm chũm chọe vỗ đập vào nhau, cũng múa những động tác tương tự như nam.
Kết thúc tết nhảy là ông chủ đám mặc quần áo thầy cúng ra sân thổi tù và khấn, làm các nghi lễ đưa Ngọc Hoàng Thượng đế về thượng đình, rồi làm lễ chiêu binh. Ông chủ đám niệm phép thu thánh tướng âm binh vào một thanh kiếm hay con dao găm đặt lên mu bàn chân, rồi hất mạnh nó lên bàn thờ tổ tiên để cầu mong âm binh bảo vệ cuộc sống cho gia đình, làng bản.
Soang bana (Ba na)
Soang trong tiếng Ba na cũng như các tộc người vùng Tây Nguyên có nghĩa là hoạt động nhảy múa. Soang là loại múa cho quảng đại quần chúng được trình diễn trong các dịp lễ, tết, sinh hoạt văn hóa cộng đồng của buôn làng. Soang có nhiều loại khác nhau và được sử dụng trong các trường hợp khác nhau, như soang grong pơsat múa trong lễ grong pơsat, soang samơk múa trong hội samơk.
Xòe vòng (Thái)
Tiếng Thái, xòe, xé, xe, đều nghĩa là múa. Xòe vòng là một điệu múa phổ biến trong cộng đồng người Thái ở khắp nơi. Khi có tiếng chiêng nổi lên thì mọi người vui vẻ tham gia nhảy múa không phân biệt già, trẻ, trai, gái. Xòe vòng còn có tên gọi khác là xe khăm khen (múa cầm tay). Nó gần như múa soang (Ba na, Ê đê), xarita keo, rồm lêu (Khmer, Nam Bộ)… Xòe vòng được sử dụng trong nhiều trường hợp: mừng năm mới, mừng nhà mới, liên hoan, vui chơi sinh hoạt cộng đồng.
Xòe vòng biểu hiện sự đoàn kết, thân thiện, gắn bó cộng đồng, có tình tập thể, dân chủ cao, nên mọi người Thái đều biết và yêu thích nghệ thuật xòe của dân tộc. Xòe vòng là di sản văn hóa quý giá của người Thái có sức sống bền vững trong nhân dân. Xòe là sự sáng tạo độc đáo văn hóa, nghệ thuật của cộng đồng người Thái. Chính vì giá trị ấy nên nó ngày càng phát triển lan rộng trong nhân dân, bộ đội, công nhân ở khu vực người Thái sống. Ngày nay, xòe vòng còn lan tràn xuống vùng đồng bằng, thành thị. Nhiều nơi sinh hoạt văn hóa tập thể cộng đồng, người ta cũng sử dụng xòe vòng. Động tác cơ bản, một chân bước lên và nhún nhẹ, chân kia giơ lên phía trước rồi kéo về phía sau làm trụ, đồng thời chân làm trụ kéo về và ký (đặt mũi các ngón chân lên gót chân trụ và nhún). Cứ như vậy tiếp tục múa bước theo nhịp trống, chiêng và bài hát.
Mọi người múa cầm tay nhau, hai tay đưa ra phía trước, rồi hạ về phía sau (tay cùng với thân đưa lên trước, chân đưa về làm trụ thì hạ tay về phía sau). Mọi người múa liên tục trên các đội hình vòng tròn khác nhau. Có loại đội hình theo vòng tròn tròn lớn (chia thành nhiều vòng tròn nhỏ),vòng tròn đôi (do hai người cầm tay nhau múa).
Mỗi lần chuyển đội hình là từ động tác cơ bản vừa múa, vừa tách ra thành đội hình mới. Hoặc, khi múa đội hình thì đi bước nhún vỗ tay theo một khổ trống chiêng, rồi tiếp tục múa trên vòng tròn. Nhưng, cũng có khi ngược lại, múa theo các đội hình vòng tròn sau: vòng tròn đôi – vòng tròn nhỏ – vòng tròn lớn. Âm nhạc của xòe vòng là trống, chiêng, theo nhịp 4/4.
Múa trống xayăm (Khmer)
Đây là điệu múa đặc trưng của người Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long. Múa trống xayăm có tính vui nhộn, hoạt bát, hóm hỉnh, mang nhiều yếu tố sáng tạo ngẫu hứng và phóng khoáng. Điệu múa có tính kỹ thuật cao như quay nhảy, nhào lộn, uốn dẻo, bật tường, quay đĩa, nẩy người, nhiều động tác có yếu tố kỹ thuật xiếc. Ví như vừa múa, vừa dùng hàm răng cắn giữ cạnh đuôi trống, để trống thẳng đứng tay múa…
Múa biến hóa rất nhiều, vừa múa vừa đánh trống bằng nhiều cách: bàn tay, nắm tay, cùi chỏ, khuỷu tay, đầu gối, gót chân.
Hát múa ayay (Khmer)
Trong dân ca Khmer tồn tại một loại hát đối đáp nam nữ, có tên gọi là hát ayay, phát triển chủ yếu ở phum sóc, được lưu truyền từ xa xưa đến nay. Không it người cho rằng hát ayay có nhiều bài, nhiều làn điệu khác nhau. Trong bài hát ayay có loại ayay riêng, có loại hát đối đáp theo tích truyện cổ. Nội dung hát ayay đa dạng phong phú, hấp dẫn. Đặc điểm nổi trội của hát ayay là luôn có kết hợp với múa.
Động tác chủ yếu sử dụng chất liệu của những điệu múa rom vông, lâm lêu, xa ra van. Tùy cảm hứng của người hát mà có những động tác múa cho phù hợp. Có khi từng người vừa hát, vừa múa, hoặc có khi là cả đôi nam nữ cùng hát cùng múa. Cũng có khi là người nam nữ vừa hát, vừa múa, hoặc là cả đôi nam nữ cùng hát múa.
*
Tóm lại, khi nói tới vai trò, giá trị văn hóa Việt Nam không thể không nói tới vai trò, giá trị của nghệ thuật múa các tộc người. Chính nó là những loại hình nghệ thuật quan trọng, là những điểm sáng, là những sắc màu để thêu dệt bức tranh văn hóa Việt Nam đẹp muôn sắc hoa. Những vai trò, giá trị ấy không chỉ ở sử sách, mà tồn tại trong thực tiễn đời sống văn hóa cộng đồng qua mọi thời đại. Người Việt Nam, các tộc người Việt Nam rất đỗi tự hào về những giá trị sáng tạo văn hóa, nghệ thuật mà cha ông đã để lại.
Theo TẠP CHÍ VĂN HÓA NGHỆ THUẬT
Tags: 54 dân tộc anh em, Văn hóa Việt, Múa