Vài suy nghĩ về chiếc bánh Trung thu thời nay

Những người mua những hộp bánh đắt tiền kia, phần nhiều họ cũng không mang về cho gia đình ăn, mà là đi biếu tặng là chủ yếu… Người ta dường quên hẳn cái tên “bánh đoàn” với ý nghĩa đoàn viên, ngoài việc trên tivi, có những thước phim quảng cáo với ý nghĩa đó.

Suy ngẫm về chiếc bánh Trung thu thời nay

Bánh trung thu trong ký ức của tôi, và nhiều người chỉ đơn thuần là những chiếc bánh dẻo, bánh nướng rất đơn giản, mộc mạc. Nhưng bây giờ, những chiếc bánh bình dân ấy, khó mà kiếm được ở các thành phố lớn…

Trước ngày rằm trung thu, mỗi gia đình mua về vài cái, bày lên thắp hương ông bà rồi đem xuống cắt bánh ra cho cả nhà cùng ngắm trăng, cùng ăn cỗ trung thu. Gọi là cỗ trung thu nhưng thực chất chỉ có bánh, vài loại trái cây rồi cả gia đình ngồi quây quần trò chuyện. Vì thế mà bánh còn có ý nghĩa gọi là, “bánh trăng”, hay “bánh đoàn” (ý nghĩa đoàn viên). Thời ấy, “bánh trăng” ngon hay dở, đắt hay rẻ tôi chẳng nhớ bao nhiêu nhưng hầu như đứa trẻ nào cũng được một cái bánh nho nhỏ, cho dù có những gia đình cũng chẳng dư giả gì.

Bánh trung thu bây giờ thì rất khác và phong phú hơn hẳn. Nhìn thôi cũng hoa cả mắt khi nào bánh thập cẩm, bánh đậu xanh, đậu đỏ, bánh vi cá, gà quay, dăm bông, trà xanh, chocolate… bánh dành cho người ăn chay, bánh dành cho người ăn kiêng, bánh dành cho người bị tiểu đường… Ôi thôi, đủ loại.

Bánh nhiều thể loại, nhưng mẫu mã, kiểu bánh, hộp bánh cũng đa dạng cầu kỳ không kém. Bởi phú quý sinh lễ nghĩa. Bánh trung thu không phải mua vài cái về để gia đình cùng cắt ra ăn ngắm trăng nữa mà người ta làm ra để mang đi biếu, tặng. Chính vì vậy mà tính thương hiệu, vẻ bề ngoài rất được coi trọng. Hộp bánh bốn cái, có khi cả mấy triệu đồng. Loại bình dân thì cũng cả gần triệu đồng một hộp. Vậy nên mới có chuyện, mang bánh trung thu đi tặng trẻ em nghèo… Bởi nó đã được liệt vào thứ hàng xa xỉ với chúng. Vài chục ngàn một chiếc cũng khó mà mua được, huống hồ gì cả hàng trăm, thậm chí hàng triệu đồng mới được một cái bánh.

Nhưng có một điều lạ là, những người mua những hộp bánh đắt tiền kia, phần nhiều họ cũng không mang về cho gia đình ăn, mà là đi biếu tặng là chủ yếu. Vì bánh thì đắt đỏ, mà có nhiều thứ khác ngon-bổ-rẻ hơn bánh trung thu. Còn người được nhận quà tặng cũng cảm ơn trân trọng, nhưng họ thường chẳng buồn ăn mà lại mang đi cho-biếu-tặng lại những người muốn ăn nó hơn họ. Một cái vòng luẩn quẩn vì giá trị và chẳng ai gọi là “bánh trăng” nữa. Người ta dường quên hẳn cái tên “bánh đoàn” với ý nghĩa đoàn viên, ngoài việc trên tivi, có những thước phim quảng cáo với ý nghĩa đó.

Vòng cuộc sống quay cuồng không ngừng với những điều cần-phải-nên làm. Nhưng tôi thiết nghĩ, mỗi người hãy một lần dừng lại để nhìn. Khi bạn thấy những quầy, kệ bánh trung thu ở đường phố; khi bạn nhận, cầm mỗi chiếc bánh trung thu… Có phải mình đang ăn “bánh trăng” với ý nghĩa của sự đoàn viên trong ngày Tết trung thu?

Theo PROGUIDE.VN

Tags: , ,