Vài nét về vai trò của hệ sinh thái rừng đối với con người

Trong các hệ sinh thái của sinh quyển thì hệ sinh thái rừng có năng suất cao hơn cả và có một vai trò vô cùng quan trọng đối với con người.

Vài nét về vai trò hệ sinh thái rừng

Mỗi năm sinh vật quang tổng hợp trên trái đất đồng hóa khoảng 170 tỷ tấn dioxitcacbon (CO2) để tạo ra khoảng 100 tỷ tấn chất hữu cơ, 115 tỷ tấn O2 tự do – tạo điều kiện cho sự tồn tại và tiến hóa của các dạng sống, các quần thể sinh vật và các hệ sinh thái trên cơ sở các mối liên kết bởi các quá trình sinh – địa – hóa thì riêng thực vật rừng tạo ra 58 tỷ tấn chất hữu cơ và 52.5 tỷ tấn O2 (S.V.Belop, 1976). Trong các hệ sinh thái của sinh quyển thì hệ sinh thái rừng có năng suất cao hơn cả và có một vai trò vô cùng quan trọng đối với con người.

Rừng cung cấp cho con người dưỡng khí, lương thực, thực phẩm. Mỗi năm, mỗi người cần tới 4.000kg O2 để thở, toàn nhân loại sử dụng khoảng 0,6% sản phẩm quang tổng hợp (tương đương 0,6 tỷ tấn) và khoảng 1 triệu tấn thực phẩm có nguồn gốc từ rừng để phục vụ đời sống (Guering ).

Rừng cung cấp nguyên, nhiên liệu cho nhiều ngành công nghiệp cũng như sinh hoạt hằng ngày. Trước hết phải kể đến gỗ. Gỗ để đóng tàu thuyền, để đốt, làm trụ mỏ, sản xuất giấy, vải, đóng đồ dùng, các sản phẩm hóa học…

Rừng là nguồn dược liệu vô giá. Từ ngàn xưa, con người đã khai thác các sản phẩm của rừng để làm thuốc chữa bệnh, bồi bổ sức khỏe. Ngày nay, nhiều quốc gia đã phát triển ngành khoa học “dược liệu rừng” nhằm khai thác có hiệu quả hơn nữa nguồn dược liệu vô cùng phong phú của rừng và tìm kiếm các phương thuốc chữa bệnh nan y.

Rừng là chiếc “máy điều hòa khí hậu” khổng lồ, là lá phổi xanh của trái đất. Ngoài vai trò sản xuất oxy và các hợp chất hữu cơ – cơ sở của sự sống động vật, quá trình quang tổng hợp của cây xanh là tác nhân chính làm cân bằng lượng CO2 được thải ra từ các quá trình phun trào núi lửa, phân hóa đá vôi, phân hủy xác động, thực vật và các hoạt động sống của con người. Điều này đã giảm thiểu nguy cơ “hiệu ứng nhà kính” mà các nhà khoa học đã tính toán rằng, chỉ riêng việc sử dụng hết các mỏ nhiên liệu trên trái đất, lượng CO2 sẽ tăng lên so với lúc chưa sử dụng 170%, nếu không có rừng và các đại dương, nhiệt độ trái đất lúc đó sẽ tăng tới mức băng ở hai cực trái đất sẽ tan chảy làm mực nước đại dương sẽ dâng cao thêm 120m (Revelle). Hãy tưởng tượng lúc đó sẽ ra sao khi mà mực nước biển chỉ dâng cao hơn hiện tại 1m thì nhiều quốc gia đã biến mất, Việt Nam đã bị ngập 40.000km2 và 22 triệu dân mất nhà ở (IPCC – Bali, 12/2007)!

Rừng trực tiếp ngăn gió bão, lũ lụt. Hàng năm, nhiều tỷ tấn nước bốc hơi từ sông, suối, hồ và đại dương tạo thành mây rồi lại mưa trở về trái đất. Chính nhờ thảm cây xanh và thảm thực bì của vỏ trái đất mà lượng nước khổng lồ đó được hút vào bộ rễ để rồi bốc hơi qua tán lá (khí khổng), phần còn lại được ngấm từ từ vào đất tạo ra các mạch nước ngầm. Sự xói mòn, rửa trôi, các quá trình Feralite hóa, Potzon hóa không những bị hạn chế mà cùng với sự mùn hóa các phế thải hữu cơ bởi các vi sinh vật, động vật đất và nấm làm cho đất ngày càng màu mỡ, cơ sở cho phát triển trồng trọt, chăn nuôi.

Rừng còn là nhà của muôn loài. Trên trái đất có khoảng 1,4 triệu loài sinh vật đã được phát hiện. Việt Nam có khoảng 12.000 loài thực vật, 800 loài chim, 180 loài bò sát, 80 loài lưỡng cư, 275 loài thú, 5.500 loài côn trùng…; khoảng 80% trong số đó thuộc về hệ sinh thái rừng. Sự đa dạng sinh học của rừng chính vì vậy còn có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với khoa học và cảnh quan du lịch…

Lợi ích của rừng đối với sự tồn, vong của loài người có lẽ không còn phải bàn luận. Vậy mà, nhiều thế kỷ qua, có thể do thiếu ý thức, kiến thức, thiếu kinh nghiệm hoặc vì những lợi ích trước mắt, việc khai thác các giá trị của rừng một cách “không nghĩ tới tương lai” đã làm cho rừng bị tàn phá, hủy hoại và là một trong những nguyên nhân chính làm biến đổi khí hậu toàn cầu. Nhiệt độ trái đất đang ngày một tăng; những bất thường của thời tiết, bão, lũ lụt, hạn hán ngày một triền miên, dịch bệnh phát sinh, danh mục các loài tuyệt chủng và đe dọa tuyệt chủng ngày một dài thêm.

Tại Việt Nam, những năm đầu thế kỉ XX, độ che phủ của rừng nguyên sinh vào khoảng 70%, giữa thế kỷ còn 43%, đến những năm 1979 – 1981 chỉ còn 24% (Viện Điều tra quy hoạch rừng). Những động vật quí hiếm như tê giác trước đây phân bố với mật độ cao suốt dọc dải Trường Sơn từ Tây Bắc đến Miền Đông Nam Bộ mà nay chỉ còn khoảng 6 đến 7 cá thể loài một sừng (Rh. sondaicus) tồn tại trong một quần thể nhỏ ở Cát Tiên, Lâm Đồng (IUCN); trong hơn 10 năm trở lại đây, 4 loài động vật, 5 loài thực vật đã hoàn toàn biến mất.

Dọc theo chiều dài đất nước từ Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai đến Thái Nguyên, Hà Nội, Huế, Sài Gòn, Cần Thơ, Cà Mau… hạn hán và bão lũ cứ thay nhau với tần xuất, cường độ ngày một khủng khiếp gây thiệt hại thảm khốc.

Sự biến đổi khí hậu đang nhanh chóng trở thành một trong những mối đe doạ nghiêm trọng nhất đối với loài người (K. Kivutha – Chủ tịch IPCC/2006). Hơn lúc nào hết, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường đã trở thành vấn đề nóng bỏng, cấp bách không của riêng quốc gia nào mà của toàn nhân loại.

Theo KIEMLAM.ORG.VN

Tags: ,