Vài nét về nghệ thuật tạo hình tượng Phật của người Việt

Nếu như tháp là hình ảnh biểu trưng của Đức Phật vốn mang tính ước lệ, thì tượng lại thuộc dòng chảy nghệ thuật điêu khắc mang tính nhân dạng, biểu thị niềm kính ngưỡng đối với Đức Phật.

Vài nét về nghệ thuật tạo hình tượng Phật của người Việt

Tượng A Di Đà chùa Phật Tích.

Tượng Phật khắc họa chân dung, diễn tả hiện thực đời sống con người, đồng thời cũng mang đầy tính siêu thực, trừu tượng với vô vàn chi tiết biến ảo của trí tưởng tượng. Hệ thống tượng Phật trong những ngôi chùa Việt Nam (điển hình ở Bắc Bộ) vô cùng sinh động, bất kỳ pho tượng nào cũng là tác phẩm điêu khắc nghệ thuật, phản ánh suy nghĩ, tâm tưởng của chúng sinh.

Phật tượng trong dòng chảy văn hóa

Mỗi thời đại thịnh trị đã để lại những di sản Phật Giáo rực rỡ, các nhà khảo cổ gọi đó là những tầng văn hoá. Văn hoá Phật giáo gồm 6 tầng rõ rệt: Văn hoá thời Bắc thuộc (thế kỷ 7-9);Văn hoá thời Đinh Lê (nửa cuối thế kỷ 10);Văn hoá thời Lý Trần (thế kỷ 11-14); Văn hoá thời Lê (thế kỷ 15-18);Văn hoá thời Nguyễn (thế kỷ 19-nửa đầu thế kỷ 20); Văn hoá đương đại (từ năm 1945 trở đi). Xen giữa những tầng văn hoá là thời kỳ khủng hoảng văn hoá: Loạn 12 sứ quân (giữa thế kỷ 10); Lê ngoạ triều (đầu thế kỷ 11); giặc Minh xâm lược (đầu thế kỷ 15); giặc Thanh xâm lược (năm 1788); thực dân Pháp xâm lược (1858)… Di sản Phật giáo thuộc những thời kỳ này rất hiếm hoi, các nhà khảo cổ học gọi là “mảng tối văn hoá”, hay “đứt gãy văn hoá”.

Hệ thống tượng Phật ở Bắc Bộ vô cùng đa dạng, không những về loại hình mà còn về chất liệu. Tượng cổ chủ yếu sử dụng các chất liệu: đá, đồng, gỗ, đất sét nung, và đặc biệt là gỗ mít. Theo quan niệm dân gian, đây là loại gỗ “thiêng”, rất được ưa chuộng trong việc chế tác các đồ thờ cúng. Gỗ mít có đặc tính dẻo, mềm, thớ dặm, do vậy tránh được những sơ suất trong khi đục, lại có độ bền cao, ít nứt, dễ gọt. Ngày nay, bên cạnh những nguyên liệu cổ truyền, người ta đã sử dụng cả bê-tông để chế tác tượng, vì nguyên liệu này vừa dễ tạo hình, lại có độ bền cao.

Tượng Phật bằng đá có niên đại sớm nhất hiện còn lưu giữ được ở Bắc Bộ là những pho tượng thời Lý, số lượng ít, và cũng không có pho tượng nào còn nguyên vẹn. Được nhắc tới nhiều nhất là pho tượng A Di Đà chùa Phật Tích (Bắc Ninh), niên đại 1057. Pho tượng Kim Cương bảo vệ Phật pháp cùng niên đại cũng ở chùa này đã mất đầu và chân, hiện được bảo tồn tại Viện Bảo tàng lịch sử. Chùa Duyên Ứng (Long Đọi – Hà Nam) có pho tượng Kim Cương cao 1,57m; chùa Huỳnh Cung (Hà Nội) có pho tượng A Di Đà, cả hai pho tượng bằng đá thời Lý quý giá này đều đã mất đầu. Tượng thời Lý còn đầy đủ bộ phận hơn cả là hai pho đá chùa Ngô Xá (Nam Định) và chùa La Khê (Hà Tây), chỉ bị vỡ một phần đài sen.

Lần theo sử sách, nhiều tài liệu ghi về việc đúc những pho tượng bằng đồng vào thời Lý, đặc biệt là pho tượng Phật khổng lồ do Minh Không đúc trên núi chùa Quỳnh Lâm – một trong những Thiên Nam tứ đại khí. Nhưng đáng tiếc, pho tượng bằng đồng và gỗ của thời Lý không còn tồn tại được đến ngày nay.

Bộ tượng Tam Thế Phật chùa Linh Ứng, Bắc Ninh.

Tượng Phật thời Lý còn sót lại đã hiếm, tượng Phật thời Trần lại càng hiếm hơn. Ngày nay không còn tìm thấy bất cứ pho tượng nào của thời Trần, riêng bệ tượng thì lại vô cùng phong phú. Trong những ngôi chùa cổ ở suốt dọc sông Đáy còn sót lại rất nhiều hương án đá có niên đại cuối thế kỷ 14, đầu thế kỷ 15. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng đây là những bệ ngồi của tượng, vì ở phía sau không còn chỗ nào để đặt tượng.

Từ thời Hậu Lê trở đi, hệ thống tượng Phật ngày càng phát triển mạnh mẽ, đa dạng về chất liệu (gỗ, đá, đất, sứ…) lẫn nghệ thuật tạo hình. Niên đại thế kỷ 15, còn lưu giữ được Bộ tượng Tam Thế Phật bằng đá ở chùa Ngọc Khám. Riêng niên đại thế kỷ 16 đã khá phong phú, tượng Phật chủ yếu tạc từ gỗ. Ta gặp những bộ Tam Thế Phật ở chùa Thầy, chùa Ninh Hiệp (Hà Nội); chùa Trà Phương (Hải Phòng)… chùa La Khê (Hà Nội) có tượng Thích Ca tọa thiền. Thế kỷ 16 cũng đã bắt đầu xuất hiện tượng Quán Âm Nam Hải (Thiên Thủ Thiên Nhãn), hiện còn lưu giữ ở chùa Đào Xuyên, chùa Nga My (Hà Nội); chùa Thượng Trưng, chùa Hội Hạ (Vĩnh Phúc); chùa Động Ngộ (Hải Dương). Chùa Phổ Minh (Nam Định) có tượng Quán Âm cứu độ.

Tứ pháp trong 4 ngôi chùa cổ: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện cũng đều là những pho tượng được xác định niên đại thế kỷ 16. Trước công nguyên, nhân dân ta thờ các vị thần: Mây, Mưa, Sấm, Chớp. Khi đạo Phật truyền vào, đã được dung hòa với tín ngưỡng bản địa, vì vậy bốn vị thần được người dân coi là Phật. Lúc đó trong chùa chưa thờ Phật Thích Ca, mà Tứ pháp là các vị Phật sơ khởi được nhân dân thờ phụng trong chùa. Tương truyền Tứ pháp được Sĩ Nhiếp cho tạc để thờ trong 4 ngôi chùa cổ trên vào thế kỷ thứ 3. Trải qua thời gian, những pho tượng từ thời Sĩ Nhiếp đã không còn. Theo các nhà khoa học, Tứ pháp trong 4 ngôi chùa cổ nhất nước ta hiện nay là những pho tượng có niên đại muộn hơn nhiều, vào thời Hậu Lê.

Tượng Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn chùa Hội Hạ, Vĩnh Phúc.

Cùng với hệ thống tượng gỗ, thời Hậu Lê cũng phong phú các pho tượng đá. Nơi lưu giữ nhiều pho tượng đá cổ nhất nước ta có lẽ là chùa Trầm (Chương Mỹ, Hà Tây) với 48 pho tượng đá thời Lê được chế tác công phu, tinh xảo. Từ thế kỷ 17 trở đi, và mặc dù sau đó đất nước bị thực dân Pháp đô hộ, nhưng thế giới tượng Phật vẫn ngày càng trăm hoa đua nở. Rất nhiều pho tượng mang tính kinh điển đã trở nên thân thuộc với đời sống tâm linh người dân Á Đông: Tòa Cửu Long, Thích Ca tọa thiền, Thích Ca nhập niết bàn, A Di Đà, Tam thế, Di Lặc, Quán Âm tọa sơn, Quán Âm Nam Hải, Tuyết Sơn, Chuẩn Đề, Đại Thế Chí, Văn Thù, Phổ Hiền, Địa Tạng, các vị La hán…

Số lượng tượng Phật và nghệ thuật sắp đặt tượng ở mỗi ngôi chùa mang những phong cách khác nhau, nhưng thường tuân theo quy tắc chung. Hai bên tiền đường luôn sừng sững hai pho Hộ pháp với kích thước to lớn khác thường. Tòa Thiêu hương bố trí nhiều lớp tượng cân xứng hai bên. Chính giữa lớp trên cùng của Thiêu hương là tượng Ngọc hoàng, hai bên có Nam Tào và Bắc Đẩu. Nhiều ngôi chùa để tòa Cửu Long tọa lạc ở trung tâm của Thiêu hương, phía trước tượng Ngọc hoàng. Thiêu hương không thể thiếu các tượng Thánh hiền, Đức ông bố trí đăng đối, mỗi pho tượng này lại có thêm 2 pho người hầu. Lớp dưới cùng thường có tượng Tổ và tượng Thổ địa.

Tượng Phật chùa Ngũ Xã, Hà Nội.

Tam bảo của Thượng điện chỉ dành để bài trí tượng Phật nên còn gọi là điện Phật. Hai bên Tam bảo có 2 hàng tượng Thập điện Diêm Vương (mỗi bên 5 pho) nhằm làm tăng sự uy nghiêm cho Phật điện. Tượng ở Tam bảo sắp đặt thành nhiều lớp, trung bình có 5-6 lớp tượng. Mỗi lớp tượng thường có 1 pho hoặc 3 pho, thậm chí 5 pho. Những pho tượng ngự độc lập trên một lớp thường là: Thích Ca, A Di Đà, tòa Cửu Long, Quán Âm thiên thủ thiên nhãn… Những lớp tượng 3 pho thường tạo thành bộ Tam thế Phật, cùng với biến thể Di Đà Tam tôn.

Không tọa lạc ở những vị trí trang nghiêm tối thượng của Tam bảo, chỉ trú dọc 2 dãy hành lang chùa, nhưng hệ thống tượng La hán vẫn mang giá trị thẩm mỹ cao, đầy ắp giá trị hiện thực nhân sinh. La hán tái tạo những con người sắp thành Phật, đang ở cảnh giới trung gian giữa cõi người và cõi Phật. Để đạt thành chính quả, con người phải trải qua muôn vàn gian nan, kiếp nạn. Bởi vậy, các pho tượng La hán chính là tác phẩm để những nghệ nhân xưa truyền tải vào đó những nỗi thống khổ nhất của kiếp người mà họ và biết bao đời đã từng trải qua, quằn quại trong “đêm trường” của xã hội phong kiến.

Tượng La Hán chùa Tây Phương, Hà Nội.

Một vài quy tắc mỹ thuật trong tạc tượng Phật

Tượng Phật với mục đích để thờ phụng, nên quy trình chế tác đòi hỏi công phu nghiêm cẩn, không phải bất cứ nơi nào cũng làm được. Mỗi nghệ nhân không chỉ cần có sự khéo léo của đôi tay, trí tưởng tượng của khối óc, mà còn phải nắm vững những quy định khe khắt về động tác, dạng thế, kích thước, cách trang phục và các đặc tính cơ bản của mỗi loại tượng. Bởi vậy, từ xưa đã hình thành nên những làng nghề truyền thống chuyên chế tác tượng Phật, phát triển rất thịnh vượng. Ở huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng), nổi danh các phường thợ làm tượng gỗ như: Hà Cầu, Bảo Động, Mai Yên. Làng La Xuyên (huyện Ý Yên, Nam Định) không những lừng danh về nghề tạc tượng Phật từ lâu đời mà ngày nay còn nổi tiếng với các sản phẩm đồ gỗ như sập gụ, tủ chè, tủ chùa… Tỉnh Hà Tây cũ (nay thuộc về Hà Nội) có 2 làng nghề tạc tượng Phật trứ danh, đó là làng Chàng Sơn (ở huyện Thạch Thất) và làng Sơn Đồng (ở huyện Hoài Đức). Những làng nghề chế tác đá lừng danh với sản phẩm tượng Phật bằng đá ở Bắc Bộ phải kể đến: làng Phụng Châu (Chương Mỹ, Hà Nội); làng Ninh Vân (Hoa Lư, Ninh Bình)… Những làng nghề đúc đồng lừng danh với sản phẩm tượng Phật bằng đồng ở miền Bắc có: làng nghề Tống Xá , Vạn Điểm (thuộc huyện Ý Yên, Nam Định); Ngũ Xá (Hà Nội); Đại Bái (Bắc Ninh)…

Trong hầu hết các ngôi chùa ở miền Bắc nước ta, số lượng và sự đặt bày tượng Phật cùng với những lễ nghi tôn giáo có những nguyên tắc nhất định. Do vậy, từ hình thức tới nội dung pho tượng, người thợ cũng phải tuân thủ theo những quy chuẩn khá đồng nhất.

Từ cổ chí kim, các nghệ nhân tạc tượng đều lấy “diện” (kích thước của đầu tượng) để làm chuẩn tính tỷ lệ kích thước các bộ phận của tượng Phật. Tỷ lệ tượng ngồi bằng 4 diện và tượng đứng bằng 7 diện được đúc kết từ bao đời ở nước ta, cũng tương đồng với những quy chuẩn trong nghệ thuật tạo hình nhân dạng ở Châu Âu. Trong quy chuẩn về bố cục tượng Phật thường phân chia như sau: từ chân tóc tới cằm bằng 1 diện; từ cằm tới rốn bằng 3 diện; từ rốn tới gót chân bằng 3 diện. Ngoài việc tuân thủ quy tắc về tỷ lệ chiều cao, người thợ cũng cần tuân thủ những công thức rộng vai, dài tay: rộng vai tượng từ 2 đến 4 diện; dài tay khoảng 3 diện; bề dày thân từ 1,5 đến 2 diện. Công thức đó còn thay đổi tùy thuộc tượng béo hay gầy, tượng nam hay nữ, và cảm hứng sáng tạo riêng của nghệ nhân điêu khắc. Trên khuôn mặt trước khi tạc, các nghệ nhân thường phân chia từng mảng nhỏ để dễ tác nghiệp: khoảng cách giữa hai con mắt, từ chân tóc tới chân mày, chiều dài sống mũi, bề rộng cánh mũi, khoảng cách giữa môi trên và môi dưới, từ môi dưới tới cằm, độ dày của môi… Bằng thủ pháp nghề nghiệp, họ khai thác triệt để những nét “Phật” thường bộc lộ ở vầng trán, đuôi mắt, mi mắt và cằm. Tuy nhiên, mọi công thức chỉ mang tính tương đối, mỗi người thợ đều có những bí quyết riêng. Làm nhiều thành thuận tay quen mắt, nên từng hình mẫu Phật đã nhập sâu vào tâm khảm người thợ.

Theo CHU MINH KHÔI / THẾ GIỚI DI SẢN

Tags: , ,