Tương lai nào cho một ‘thế hệ lập trình’ ở Việt Nam?

22 năm trước, tôi chọn ngành công nghệ thông tin ở bậc đại học – ngành học mà tôi tin sẽ tạo ra những sản phẩm tiện ích, nâng cao chất lượng sống của con người và giải quyết nhiều vấn đề bế tắc của xã hội hiện đại.

Tương lai nào cho một ‘thế hệ lập trình’ ở Việt Nam?

Tác giả: Nguyễn Huy Dũng, kỹ sư Công nghệ Thông tin, tốt nghiệp Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore.

Ước mơ đơn giản ngày đó – tạo ra một ứng dụng có hàng triệu người dùng – dẫn dắt tôi vào Đại học Bách khoa Hà Nội, sau đó là Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore. Thời gian học tập ở nước ngoài khiến tôi nhận ra, người Việt, do yếu tố lịch sử, chịu rất nhiều thiệt thòi, trong đó có việc để lỡ nhịp toàn bộ những cuộc cách mạng công nghiệp trước đây. Vì vậy, nếu như nhiều quốc gia có hàng trăm năm để gây dựng và đạt được các thành tựu về khoa học công nghệ, sản xuất, giáo dục hay tiến bộ xã hội thì Việt Nam chỉ có vài chục năm để cải thiện.

Trong kỷ nguyên số, toàn cầu đang nói chung một thứ ngôn ngữ trong lĩnh vực công nghệ, là ngôn ngữ lập trình. Quốc gia nào chuẩn bị, đào tạo được các thế hệ nắm chắc, làm chủ và hơn nữa là sáng tạo về lập trình, quốc gia đó có nhiều cơ hội bứt phá.

Một câu hỏi đặt ra là: Nhiều nước phát triển, đi trước, đã tạo ra những sản phẩm hàng đầu, tại sao những nước đi sau như Việt Nam còn cần đầu tư vào lập trình nữa?

Vì có những vấn đề, những bài toán của người Việt mà nếu chúng ta không làm, sẽ không ai làm giúp. Có những lĩnh vực, chúng ta phải làm chủ công nghệ, phải nắm chìa khóa trong tay – tức viết ra sản phẩm, thay vì chỉ sử dụng các ứng dụng do người khác tạo sẵn.

Dịp này năm ngoái, một số thành phố ở Việt Nam vẫn đang trải qua những đợt phong tỏa kéo dài do đại dịch COVID-19. Tôi lúc đó đang tham gia Tổ công tác đặc biệt tại TP HCM. Một người quen nhờ tôi tìm giúp người thân, không rõ đang được điều trị ở bệnh viện nào, tình trạng ra sao. Do sự đứt gãy về thông tin giữa các tuyến bệnh viện phòng chống COVID-19, phải mất một thời gian tôi mới tìm ra. Lúc đó, bệnh nhân đã mất.

Tôi cảm thấy rất bất lực, giá chúng ta có những giải pháp công nghệ số tốt hơn. Trong những bối cảnh như vậy, rõ ràng không thể trông đợi, mà người Việt phải tự tìm câu trả lời cho vấn đề mình gặp phải.

Đại dịch COVID-19 đã tạm yên, nhưng có thể còn những đại dịch khác. Thực tiễn cuộc sống cũng sẽ đặt ra những bài toán khác.

Lịch sử của mỗi dân tộc là những câu chuyện, trong đó, mỗi thế hệ kể câu chuyện của chính mình, gắn với vai trò của họ trong thời đại họ sinh ra. Cha tôi đã kể cho tôi nghe về những bước chân xẻ dọc Trường Sơn. Tôi lớn lên trong tiếng ru của bà, của mẹ – cả một kho thành ngữ tục ngữ với rất nhiều kinh nghiệm nuôi trồng, cách ứng phó với thời tiết, trong thời buổi khoa học công nghệ còn nhiều hạn chế. Đến thế hệ mình, chúng tôi được tiếp cận gần hơn với tri thức khoa học công nghệ, và Việt Nam bắt đầu có những thành tựu nhất định vượt ra ngoài biên giới đất nước. Nhưng Việt Nam còn cả một chặng đường dài để trở thành quốc gia có tiềm lực chế tạo sản phẩm, trước mắt phục vụ nhu cầu trong nước, sau đó, góp phần giải các bài toán chung của thế giới.

Tương lai đó phụ thuộc vào việc chúng ta có thể truyền cảm hứng cho Thế hệ Z hay không, có khơi dậy được tinh thần và tư duy make things hay không.

Từ rất lâu trước khi chiếc máy tính đầu tiên ra đời, Alan Turing đã ước mơ và hình dung về một chiếc máy có thể tính toán bất cứ thứ gì tính toán được.

Từ rất lâu trước khi Google trở nên phổ biến toàn cầu, Larry Page và Sergey Brin đã ước mơ về việc khiến tất cả thông tin trên thế giới này đều có thể tìm kiếm và truy cập được. Họ vẫn tiếp tục thực hiện việc đó cho tới hôm nay.

Những chiếc iPhone vừa ra mắt gần đây, vẫn tiếp tục thực hiện khát khao của “cha đẻ” ra nó, là tạo ra những sản phẩm tốt nhất thế giới.

Mỗi thành tựu lớn lao đều được nhen nhóm từ rất lâu trước đó bởi những ước mơ như vậy.

Câu hỏi tiếp theo có thể là: Alan Turing, Larry Page, Sergey Brin hay Steve Jobs là những thiên tài, còn chúng ta chỉ là những người bình thường, chúng ta có làm được không?

Tôi vẫn tin, trong mỗi người, đều có sẵn một thiên tài đang say ngủ. Mỗi người có thể chọn một việc để xuất sắc. Mỗi người đều có thể lựa chọn một chỗ phù hợp với mình trong thế hệ lập trình của kỷ nguyên số.

Quan sát thế giới rộng lớn, tôi thường tự hỏi: Tại sao những nước nghèo tài nguyên vẫn có nền kinh tế phát triển?

Vì sự hạn chế về tài nguyên đặt ra những đầu bài, trở thành động lực sáng tạo, đánh thức những năng lực tiềm tàng.

Vì tài nguyên chỉ là một lợi thế, điều quyết định sự phát triển và phồn thịnh lâu dài nằm ở nguồn nhân lực.

Một đất nước với nguồn nhân lực hơn 100 triệu dân không thiếu các tài năng, không thiếu những bàn tay sẵn sàng xây dựng. Điều quan trọng là hình thành nên những giấc mơ và đánh thức các tiềm năng sẵn có.

Ước mơ và khát vọng tạo ra một thế hệ lập trình sẽ giúp hình thành quốc gia lập trình – cơ sở nền tảng để hiện thực hóa mục tiêu trở thành quốc gia số thịnh vượng, phục vụ tốt hơn cuộc sống của người dân.

Theo VNEXPRESS

Tags: ,