⠀
Tư tưởng đạo đức – nhân sinh: Chủ nghĩa vị lợi của John Stuart Mill
Mục đích ban đầu của John Stuart Mill là bảo vệ và gạn lọc thuyết vị lợi của Jeremy Bentham, nhưng cuối cùng ông nhận thức ra rằng quan điểm của mình đối lập với học thuyết ấy.
Mill đã phát triển một thái độ phê phán tiền đề cơ bản của Bentham rằng lạc thú thể xác (hay khoái cảm) là lẽ Chân-Thiện-Mỹ trong đời. Nếu ý tưởng ấy của Bentham là đúng, Mill nhận định, liệu chúng ta có nên đặt vấn đề rằng tạo vật đang chìm đắm trong dục lạc là một con người hay một con lợn? Thực ra, nếu khoái cảm là điều chí thiện tận mỹ trong cuộc sống, vì sao một con người đang chịu khổ đau và thất vọng lại có thể được xem là “thượng đẳng” hơn một con lợn đang thoả mãn trong dục lạc nhầy nhụa?
Mill đi đến kết rằng hoan lạc phải có tính phân biệt về chất; vì thế, chỉ một lượng nhỏ lạc thú của con người cũng có giá trị hơn một lượng lớn lạc thú của một con lợn. Triết lý của Mill, tương phản với thuyết “hoan lạc định tính.” (Qualitative Hedonism)
Tiêu chuẩn luân lý
Như đã trình bày ở phần trước, Bentham đề xuất 7 tiêu chuẩn phân lượng hoan lạc để làm cơ sở xác định thú vui đúng đắn. Về phần mình, Mill đã chọn một chuẩn mực khác, tạm gọi là “ý kiến của chuyên gia hoan lạc.” Điều này có nghĩa là, nếu cần chọn lựa một trong hai lạc thú khả dĩ, quyết định đúng đắn sẽ thuộc về người đã từng có kinh nghiệm về cả hai lạc thú ấy. Trong tình huống hai người bất đồng với nhau trong quá trình đi đến một quyết định chọn lựa lạc thú, lời phán xét cuối cùng phải thuộc về người khôn ngoan và từng trải hơn, bởi vì anh ta có khả năng đưa ra một quyết định chính xác và đúng đắn hơn. Mill đã trình bày quan điểm của mình như sau:
“Nếu được hỏi về ý nghĩa của sự khác biệt về chất giữa các niềm hoan lạc, rằng cái gì đã khiến mọi thú vui này có giá trị hơn một một vui khác, xét về mặt tính chất chứ không bàn đến phạm vi phân lượng của chúng, tôi cho rằng chỉ có một câu trả lời khả dĩ chấp nhận được.
“Xét đến sự chọn lựa giữa hai thú vui. Nếu hầu hết những ai đã từng hưởng thụ cả hai thú vui ấy quyết định chọn một không kể đến mọi định kiến đạo đức, thú vui ấy phải là lạc thú đáng được chọn hơn. Nếu mộpt trong hai thú vui ấy được họ đánh giá cao hơn cái còn lại – mặc dù biết rằng nó bao hàm nhiều điều bất toại hơn, nhưng họ vẫn không sẵn sàng đánh đổi nó với bất kỳ một lượng nào của thú vui còn lại – chúng ta có thể an tâm mà kết luận rằng thú vui được chọn là “có giá trị vượt ra khỏi khuôn khổ phân lượng” và “có chất lượng ưu việt hơn” so với thú vui còn lại”.
“Qua đó, chúng ta sẽ nhận ra một sự kiện không thể chất vấn rằng họ- những người từng trải qua, hưởng thụ và có khả năng đánh giá cả hai thú vui ấy một cách công bằng, đã đưa ra một quyết định chọn lựa đáng trân trọng về thái độ đón nhận những gì tác động “nhân tính”, phần phẩm chất cao nhã bên trong tâm hồn mình. Rất ít người can tâm hạ thấp phẩm giá của mình xuống hàng thú vật chỉ để được thoả mãn những khoái lạc hạ đẳng. Không có người thông minh nào chịu can tâm làm người ngu dại, chẳng có kẻ học thức nào hài lòng với sự dốt nát, không một người có lương tri nào chấp nhận được sự ích kỷ và đê tiện. Họ không bao giờ cam tâm hạ thấp phẩm giá của mình, cho dù được thuyết phục rằng những kẻ ngu dại, dốt nát hay ti tiện có cuộc sống đầy đủ và thoả mãn hơn cuộc sống của họ. Để hạnh phúc, người cao nhã đòi hỏi những nhu cầu cao hơn, họ cũng phải có khả năng chịu đựng cao hơn. Tuy nhiên, bất chấp những đòi hỏi ấy, hẳn là anh ta chẳng bao giờ ao ước muốn chìm đắm trong một đời sống mà anh ta cho rằng nhơ nhuốc và hạ cấp… Thà là một con người không thoả nguyện còn hơn là một con lợn khoái lạc; thà là một Socrates thất cơ lỡ vận hơn là một kẻ tiểu nhân đắc chí. Và nếu như kẻ tiểu nhân ấy, hay con lợn ấy, bất đồng với ý kiến nói trên, đó bởi vì họ chỉ biết đến mặt phải của vấn đề hoan lạc. Những người biết cả hai mặt của vấn đề ấy mới có được một cái nhìn so sánh chính xác….”.
Mọi người đều bình đẳng
Mill đưa vào học thuyết của mình quan điểm dân chủ của Bentham, rằng hạnh phúc và những điều tốt đẹp của mỗi cá nhân đều có giá trị như nhau, rằng mỗi người đều bình đẳng và phải được đối xử công bằng. Hạnh phúc của kẻ bần cùng cũng quan trọng như hạnh phúc của một ông hoàng. Mọi người trên thế giới đều bình đẳng.
S.T