Tư tưởng đạo đức – nhân sinh: 1 – Triết lý của Socrates

Socrates (470-399 trước CN) là một trong những tư tưởng gia Hy Lạp cổ đại đầu tiên kêu gọi giới học giả và các nhà lãnh đạo quốc gia đương thời, những người quá chú tâm đến các công trình nghiên cứu thế giới tự nhiên, nên quan tâm nhiều hơn đến bản chất của con người.

Tư tưởng đạo đức – nhân sinh: 1 – Triết lý của Socrates

Đối với Socrates, con người là đối tượng đáng được quan tâm hơn cả và bất cứ điều gì ảnh hưởng đến con người đều có tầm quan trọng quyết định. Tri thức về thế giới tự nhiên bên ngoài (vũ trụ học-cosmology), nếu không có ý nghĩa thiết thực đối với cuộc sống con người, chỉ có tầm quan trọng thứ yếu. Mọi tri thức có liên quan đến bản chất và cuộc sống của con người đều đáng được sở hữu và cần phải được tích luỹ. Hơn nữa, theo cách nói của Socrates, “cuộc sống vô minh (the unexamined life) thì không đáng để sống.”

Tự biết mình

Tự biết mình, hoàn toàn biết rõ bản chất ý thức lẫn vô thức của chính mình, là động cơ tạo nên năng lực, sự tiết độ và thành đạt. Các cá nhân gặp phải khó khăn trong đời phần lớn bởi vì họ không thực sự hiểu biết được sự hiểu được bản chất, khả năng, giới hạn, động cơ-toàn bộ cung bậc tính cách của chính họ. Thực chất, họ cần đến một tấm gương “tâm lý” có khả năng giúp họ nhận ra bản ngã của chính mình, bao gồm toàn bộ ưu khuyết điểm và tiềm năng thực tế của họ.

Một người thực sự tự biết mình sẽ đạt được thành công trong cuộc sống, bởi lẽ anh ta biết chính xác những gì nằm trong khả năng của mình cũng như cách thức vận dụng chúng. Ngược lại, một người không tự biết mình sẽ tiếp tục vấp ngã, thậm chí đi đến những huỷ hoại cả cuộc đời.

Hầu hết mọi người đều cho rằng tự biết rõ chính mình, rằng “không ai gần gũi ta hơn chính bản thân bản thân ta.” Tuy nhiên, tự tin không có nghĩa là tự biết mình. Thực ra, một người khôn ngoan và từng trải có thể “biết ” về bạn nhiều hơn chính bạn đấy! Socrates đã đặt ra câu hỏi: “ Phải chăng bạn cho rằng bạn tự biết mình, đơn giản chỉ vì bạn sở hữu cái tên của mình?”. Ông cũng chỉ ra rằng, nếu chỉ muốn biết về con ngựa, chúng ta phải nắm được tuổi đời , sức vóc và tình trạng sức khoẻ của nó, từ đó mới có thể xác định được mức độ nhanh nhẹn và khả năng làm việc của nó. Nguyên lý này cũng áp dụng đúng với con người để hiểu chính mình, con người trên cõi đời. Quá trình tìm hiểu bản thân đòi hỏi không ít nỗ lực. Nói cho cùng, tự biết mình là mọt lẽ thiện trong đời.

Đức hạnh là tri thức

Đối với Socrates, bất cứ ai biết điều gì là đúng đắn tất sẽ thực hiện điều đó. Hành vi sai trái chỉ xuất phát từ sự vô minh. Một người có hành động không đúng bởi vì, và chỉ vì, anh ta không biết cái gì là đúng đắn. Không có một người tỉnh táo và lành mạnh nào lại chủ tâm làm tổn hại bản thân mình. Nếu anh ta thực sự làm một điều như vậy, đơn giản chỉ vì phạm phải sai lầm nào đó trong quá trình hành động, hoàn toàn không phải do cố ý. Không ai chủ định chọn lựa điều sai trái, bởi lẽ hành vị tội lỗi luôn mang đến tai hoạ cho bản thân họ và người khác.

Nếu thấu hiểu hậu quả thực sự của trộm cắp, dối trá, lừa đảo, thù hằn và các hành vi tội lỗi khác; nếu biết được chúng sẽ gây tổn hại như thế nào cho bản thân họ, chẳng hạn như sự sa đoạ về mặt tinh thần và sự thoái hoá về mặt nhân cách, chắc chắn con người sẽ tự giác né tránh chúng. Thiếu nhận thức đúng đắn chính là lý do duy nhất khiến một số người không thể kiềm chế được chính mình trước những cám dỗ tội lỗi; bởi lẽ bất cứ người nào biết điều gì là đúng đắn tất sẽ thực hiện điều đó.

Đức hạnh là hạnh phúc

Theo Socrates, đức hạnh không chỉ là tri thức, bản thân nó cũng đồng nghĩa với hạnh phúc. Bởi lẽ, hành vi đạo đức cũng chính là hành vi mang đến những điều tốt đẹp cho người thực hiện nó. Hạnh phúc kết thành quả từ đó.

S.T

Tags: , , ,