Từ một video tuyên truyền man rợ nhìn về nền giáo dục mang màu sắc Phát-xít của Ukraina

Mạng xã hội lan truyền một loạt video tuyên truyền của Ukraina mà trong đó, video do nữ diễn viên Adrianna Kurylets thủ vai chính đang tạo ra một cú sốc thật sự với ngay cả những người ủng hộ Ukraina.

Tác giả: Nhà báo Hà Quang Minh. Bài viết có tham khảo báo cáo của Đại học George Mason – USA có nhan đề “Ukraina – Nga: Chiến tranh sách giáo khoa”.

Trong video này, Adrianna tay cầm liềm, tay nắm đầu một “con lợn Nga”, miệng nói những lời hận thù và kết thúc bằng hành động cắt cổ bằng liềm chỉ có thể thấy ở thế giới man rợ. Đoạn thoại cuối cùng trích dưới đây có lẽ đã đủ nói lên tất cả.

Và bây giờ chúng tôi đang gặt hái mùa màng đẫm máu của mình. Bây giờ cái chết đang chờ đợi tất cả các người. Vì Bucha, Irpin, Kyiv, Kharkiv, Odessa, Mariupol, tất cả các người sẽ bị giết. Xác chết của các người, giống những xác chết tồi tệ nhất, sẽ nằm trên các cánh đồng, vành đai rừng và dọc theo các con đường. Chúng sẽ bị chó và động vật xé xác. Mẹ của các người sẽ đợi các ngươi ở Tver, Pskov, Ryazan. Nhưng lũ khốn kiếp không về nhà đâu. Không bao giờ! Chào mừng đến với địa ngục“. (hết trích).

Có thể nói, khi một quốc gia bị ngang nhiên xâm lược, lòng hận thù nảy sinh cũng là tất yếu. Nhưng nếu nhìn lại lịch sử mấy chục năm nay, chúng ta sẽ nhận ra rằng thực tế chính phủ Ukraina đã nuôi dưỡng một lòng hận thù Nga sâu sắc bằng các cuộc cải cách giáo dục của mình. Chính từ các cuộc cải cách giáo dục với nội dung mang tính dân tộc cực hữu ấy mà các thế hệ thanh thiếu niên Ukraina có xu hướng bài Nga, xu hướng tân phát xít đã được nuôi dưỡng thành hình mà video tuyên truyền có nữ diễn viên Adrianna kể trên chỉ là một ví dụ quá nhỏ.

>> Những chính sách sặc mùi phát-xít của nhà nước Ukraina sau Maidan 2014

Thực trạng giáo dục ở Ukraina sau khi Liên bang Xô-viết sụp đổ là lạc hậu, vấn nạn tham nhũng trong ngành giáo dục rất lớn và do đó nó thu hút được sự quan tâm của Liên hợp quốc qua chương trình “Đổi mới giáo dục để nâng cao mức sống và xoá đói giảm nghèo”. Chương trình này được chính phủ Ukraina thời 2003 giao cho thứ trưởng giáo dục Stepko làm chủ trì và có sự tài trợ của một quỹ từ Mỹ mang tên International Rennaissance Foundation (IRF). Quỹ IRF này thực tế được thành lập bởi tỷ phú Mỹ gốc Hungary George Soros và mục đích của nó chủ yếu là gieo rắc dân chủ ở các quốc gia thứ ba. Bản thân George Soros cũng là một tỷ phú đứng sau lưng rất nhiều đợt tấn công đảng Cộng hoà của Mỹ mà điển hình là liên minh dân chủ (Democracy Alliance) mà ông này thành lập sau chiến dịch đánh bại George Bush trong cuộc bầu cử năm 2004 bất thành. Chương trình cải cách giáo dục lần thứ nhất này của Ukraina có tên “Chiến lược cải cách giáo dục ở Ukraina”. Ngoài sự tài trợ từ IRF của Soros, nó còn nhận được sự cố vấn nội dung rất sâu sắc của Bộ giáo dục Bỉ và Trung tâm nghiên cứu Kinh tế và Xã hội Ba Lan. Và chương trình cải cách đã đi vào thực tế áp dụng sau 3 năm nghiên cứu. Chính thức từ 2006, Ukraina thay đổi triệt để hệ thống sách giáo khoa của mình với trọng tâm được xoáy vào là “Chủ nghĩa ái quốc của dân tộc Ukraina”.

Một trong những cơ quan tham gia sâu vào cải cách nội dung sách giáo khoa của Ukraina là Viện nghiên cứu lịch sử quốc gia Ukraina, được thành lập 31/05/2006. Người giữ chức Viện trưởng là Viện sỹ hàn lâm Igor Uhnovskiy. Ông này tuyên bố “Mục tiêu chính của việc thay đổi SGK là dạy học sinh chủ nghĩa ái quốc dân tộc Ukraina để từ đó kiến tạo quốc gia”.

>> Sự thật kinh hoàng về mạng lưới trại tẩy não trẻ em của phát-xít Ukraina

Chủ nghĩa ái quốc, tinh thần dân tộc, hai thứ đó luôn đáng trân trọng và được dạy trong giáo trình của mọi nền giáo dục. Tuy nhiên, cách dạy thế nào mới đáng nói. Uhnovskiy tuyên bố: “Giáo dục phải khơi gợi ký ức nạn nhân và sự đàn áp mà người Ukraina đã từng trải qua để thuyết phục thế hệ hôm nay rằng những người yêu nước đã phải trả cái giá thế nào cho nền độc lập và tinh thần, kinh tế cũng như đời sống chính trị hàng ngày của các thế hệ kế tiếp là phải đảm bảo cho duy nhất một thứ: nền độc lập của Ukraina. Cuộc chiến độc lập của người Ukraina đã diễn ra theo nhiều dạng thức khác nhau ở dưới mỗi thời kỳ lịch sử và vận mệnh của những người tham gia vào các cuộc chiến ấy luôn là bi kịch”. Nguyên văn những phát biểu năm 2007 này của Uhnovskiy đã được phương Tây gọi bằng cái tên “Ý tưởng sắm vai nạn nhân” (Victimhood being idea).

Nhiều thay đổi cơ bản đã được thiết kế trong bộ SGK mới của Ukraina và đều có xu hướng xem người Nga là kẻ thù dã man nhất. Các ví dụ điển hình có thể thấy trong việc bẻ cong lịch sử của giáo dục Ukraina là các sự kiện lớn. Với cổ vương quốc Kievan Rus, SGK Ukraina dạy đó là quốc gia “của người Ukraina”, tức là loại bỏ hoàn toàn sự dính dáng của người Nga trong đó. Về sự kiện 1917, SGK Ukraina gọi đó là thắng lợi của Đế chế II Đức khi muốn kéo Nga ra khỏi cuộc chiến nên đã “sử dụng lực lượng Bolsheviks”. Về cuộc nội chiến 1917-1922, trong khi SGK mới của Nga thừa nhận người Bolsheviks có rất nhiều sai lầm nhưng vẫn nhận định Bạch vệ là một lực lượng có lý tưởng khá gần gũi với lý tưởng phát xít sau này thì SGK Ukraina lại dạy rằng đó là một cuộc đồ sát có hệ thống nhắm vào người Ukraina của người Nga. Về cuộc thế chiến thứ 2, SGK Ukraina dạy rằng lực lượng Ukraina Insurgent Army (UIA) đã giải phóng các thành phố, thị trấn, làng mạc Ukraina dưới sự dẫn dắt của tổ chức hải ngoại The Organization of Ukrainian Nationalist nhưng chính quyền Xô-viết vì không muốn Ukraina có quân đội riêng nên đã giải tán và đàn áp. Và nhận định về người Nga, học trò Ukraina hôm nay được dạy đó là “bọn mọi rợ phương Đông theo chính thống giáo Nga” (trích dẫn từ sách của sử gia Ukraina Birulev ấn bản năm 2002, trang 32)…

Rất nhiều ví dụ cho thấy, SGK và sách lịch sử Ukraina đang lưu hành hiện nay đều là sách mới xuất bản khoảng sau 2000 với xu hướng coi người Nga là kẻ thù khát máu. Từ giáo dục như vậy, sau hơn 22 năm (trong đó có 16 năm cải cách GD), có bao nhiêu thế hệ Ukraina đã tin vào điều đó. Từ việc các thế hệ trẻ Ukraina tin vào vai trò nạn nhân của dân tộc mình, nhận thức của họ hoàn toàn sai lệch và dẫn tới lòng hận thù được nuôi dưỡng đến mức độ không thể nào hoá giải.

Trong các bình luận, phân tích của giới học giả phương Tây về mâu thuẫn xung đột nội bộ Ukraina nhiều năm qua, đỉnh điểm là từ 2014 tới nay, họ vẫn dùng 2 từ cho 2 phe đối lập là “phe chính phủ” và “phe thân Nga”. Cách dùng từ đó càng khắc hoạ rõ nét hơn Chính phủ Ukraina thực tế đã đứng về phía cực hữu quốc gia dân tộc rất lâu rồi. Và sau đợt cải cách giáo dục 2006, họ tiến hành đợt cải cách giáo dục lần thứ 2 vào năm 2017 với đỉnh điểm là chuyện loại bỏ tiếng Nga như 1 ngôn ngữ thứ 2 ra khỏi hệ thống giáo dục.

Tính đến thời điểm 2017 ấy, có khoảng 400 ngàn học sinh dân tộc thiểu số ở Ukraina. 356 ngàn trong số đó là học sinh người Nga; 16 ngàn là học sinh người Romania; phần còn lại là Hungary, Moldova và Ba Lan. Số trường học cho học sinh gốc Nga là 581 trường; gốc Romania là 75; gốc Hungary 71; gốc Ba Lan 5 và gốc Moldova là 3. Sự lột bỏ tiếng Nga khỏi người Nga thiểu số ở Ukraina càng dấy lên thêm cơ hội của trả thù khi bắt đầu nảy sinh rất nhiều vụ đánh người chỉ vì không chịu nói tiếng Ukraina và thay vào đó lại nói tiếng Nga.

Sẽ không có gì có thể bao biện cho hành vi xâm lược Ukraina của Putin. Putin là kẻ tuyên chiến và gây chiến nhưng những thế lực thúc đẩy cho sự gây chiến ấy không thể vô can. Và sau khi chúng ta đã nói đến rất nhiều về sự can dự của bàn tay phương Tây, Trung Quốc…, chúng ta cũng nên nhìn nhận thêm một khía cạnh nữa là sự tham gia ngấm ngầm trong các hận thù sắc tộc hiện đại hôm nay của những tổ chức phi chính phủ, những quỹ phát triển với mục tiêu nghe có vẻ cao đẹp nhưng thực chất lại ẩn sâu những âm mưu thâm độc vô cùng.

Việc một trường học mới được mở vẫn luôn là việc rất tốt. Tuy nhiên, nếu kẻ nào khác đến mở trường và gieo rắc một nhận thức khác thì hãy nên coi chừng. Sự thay đổi nhận thức của một thế hệ có thể mang lại nhiều hệ quả sâu sắc. Sự thay đổi nhận thức của nhiều thế hệ thì hệ quả còn kinh khủng đến nhường nào?

Theo HÀ QUANG MINH FACEBOOK 

Tags: , , , ,