Từ cuộc giải phóng kinh tế tư nhân của Thủ tướng Phan Văn Khải

Cựu Thủ tướng Phan Văn Khải có cống hiến lịch sử là trình Luật Doanh nghiệp năm 1999 ra Quốc hội. Bộ luật đã giải phóng kinh tế tư nhân.

Cuộc giải phóng sức mạnh kinh tế tư nhân của Thủ tướng Phan Văn Khải

Tác giả: Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế.

Trước đó, theo Luật Công ty 1990, doanh nghiệp muốn thành lập phải có chữ ký của chủ tịch tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Hồi đấy ông Đinh Hạnh làm Phó chủ tịch Hà Nội thường dành riêng chiều thứ bảy để họp. Mỗi chiều, ông thông qua được hai doanh nghiệp. Như vậy mỗi năm, Hà Nội chỉ cho ra đời được 104 doanh nghiệp tư nhân.

Cựu Thủ tướng Phan Văn Khải, theo kiến nghị của chúng tôi, đã cho thực hiện quyền tự do kinh doanh. Tức là, công dân được quyền đăng ký và theo đúng quy định thì người ta đương nhiên được kinh doanh, tước bỏ quyền trên của chủ tịch tỉnh.

Thế nhưng, khi quy định này được ban hành thì các bộ chẳng ai thực hiện cả. Ban Nghiên cứu của Thủ tướng, lúc đó trưởng ban là anh Trần Đức Nguyên, đã trình với Thủ tướng Khải cho lập Tổ công tác của Thủ tướng và giao cho tổ ấy đi đôn đốc, kiểm tra các bộ, làm rõ lý do vì sao lại không thực hiện. Tổ công tác đó do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Xuân Giá làm tổ trưởng, tôi làm tổ phó thường trực.

Chúng tôi đi khảo sát và phát hiện ra trong nền kinh tế có 560 – 580 giấy phép con. Chúng tôi trình lên và anh Khải đã ký quyết định bằng giấy hủy 268 giấy phép trong số đó. Như vậy, anh Khải đã cắt nguồn thu bất chính của các bộ rất nhiều.

Điều đó làm cho kinh tế tư nhân được giải phóng, khuyến khích sự sáng tạo và năng động của người dân. Và kinh tế lúc bấy giờ đã có bước phát triển mạnh, người dân cảm thấy thoải mái, họ cảm thấy được tự giải phóng. Như vậy, có thể thấy rõ anh Khải là người dám nghĩ, dám làm, dám cải cách, tin vào người dân và biết được thực tế cuộc sống.

Thủ tướng Phan Văn Khải cũng là người đầu tiên đối thoại với kinh tế tư nhân, giải quyết những vướng mắc của kinh tế tư nhân. Đặc biệt, ông nhất định không chịu lập các tập đoàn kinh tế, vì không muốn lập ra các thực thể quá lớn để rồi không kiểm soát được chúng. “Phải có cơ chế kiểm soát đủ minh bạch thì mới lập, nếu chưa có thì chưa lập vội”, ông nói. Đó là quyết tâm của ông và đó là điều sáng suốt. Tất cả đều là hướng đi rất quan trọng, thúc đẩy kinh tế thị trường.

Sau này, từng có nhà đầu tư nước ngoài đề nghị đầu tư đường 5 theo hình thức BOT nhưng ông phản đối. Ông đã nói, nếu làm BOT thì phải làm con đường mới, còn người dân của chúng tôi phải có quyền lựa chọn đi hoặc không. Sau đó, ông đã quyết định vay vốn từ Ngân hàng Phát triển châu Á và Ngân hàng Thế giới để làm đường 5. Đó là những quyết sách rất đáng quý, dù không phải tất cả mọi ý kiến khi đó đều ủng hộ.

Đại hội XIII của Đảng vừa xác định yêu cầu: cần có cơ chế để bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung.

“Sáu dám” lần này là một nội dung mới, phù hợp với thay đổi như vũ bão về khoa học – công nghệ, về kinh tế – xã hội đang diễn ra trong thời đại của chúng ta và cũng là niềm hy vọng của những người muốn đưa Nghị quyết của Đại hội XIII vào cuộc sống, hình thành một môi trường thảo luận dân chủ, cởi mở, khuyến khích mạnh dạn đổi mới sáng tạo.

Sự đúng đắn, kịp thời này rất cần được sớm cụ thể hóa bằng những quy định có hiệu lực pháp lý để bảo vệ và khuyến khích không chỉ những cán bộ mà cả những người dân phát huy sáng kiến; những người phát hiện bất hợp lý trong cuộc sống, dám tìm tòi, suy nghĩ về giải pháp mới vượt khỏi những lối mòn cũ kỹ đang kìm hãm tiến bộ xã hội và sự phát triển.

Rõ ràng, đây cũng là một hướng đi đúng đắn để vượt qua những giáo điều, công thức của những người không muốn thấy và không chấp nhận những nhân tố mới. Đó là những người không cảm nhận được sức ép đổi mới, sáng tạo trong cuộc sống, thường xuyên dựa vào những nguyên tắc, giáo điều xưa cũ để kìm hãm, từ chối và công kích, lên án những ý tưởng mới, cách làm sáng tạo và cả những con người can đảm thực hiện những ý tưởng đột phá.

Công cuộc Đổi mới của nước ta cũng là kết quả một quá trình dám làm, dám sửa. Đổi mới có được nhờ quá trình đấu tranh gian khổ vượt qua chế độ quản lý tập trung quan liêu bao cấp – chế độ triệt tiêu động lực của người lao động và doanh nghiệp, biến nước ta trở thành nghèo đói và lạc hậu, từ một nước xuất khẩu gạo phải nhập bo bo để ăn.

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú Kim Ngọc từ những năm 1960 đã thực hiện “khoán hộ”. Ông bị kiểm điểm lên bờ xuống ruộng, nhưng đã khởi đầu cho Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị năm 1988, cho phép hợp tác xã khoán cho nông dân được canh tác, thu hoạch trên mảnh đất của mình, đã cho phép nông nghiệp nước ta phát triển nhảy vọt, không chỉ đủ ăn mà còn trở thành một nước xuất khẩu gạo.

Điều rất thú vị là chính Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh, người đã trực tiếp phê phán gay gắt Bí thư Kim Ngọc về thí điểm này, năm 1986 lại là người đưa ra phương châm “nhìn thẳng vào sự thật, làm rõ sự thật, nói đúng sự thật”, khởi đầu công cuộc Đổi mới ở đất nước ta, thừa nhận “khoán 10” và “khoán 100” theo Chỉ thị 100 của Ban Bí thư về khoán trong nông nghiệp.

Hơn bao giờ hết, trước những biến động rất khó dự đoán ngày nay, chúng ta rất cần thực hiện phương châm chỉ đạo này để phát hiện ra những giải pháp phù hợp với lợi ích của dân, của đất nước.

Đại dịch COVID-19 đã tác động sâu rộng đến toàn bộ lĩnh vực trong đời sống kinh tế xã – hội của nước ta. Đã có nhiều quyết sách chưa chuẩn. Phong tỏa, cách ly quá rộng, quá dài đã phải trả giá cao không cần thiết: kinh tế lao dốc, người dân kiệt quệ. Trong khi đó, những hành động đột phá lại không nhiều.

Làm gì để xóa bỏ cơ chế sợ sai, thực hiện dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo?

Quan sát thời gian dài, từ kinh nghiệm của mình, tôi thấy bộ máy có sức ỳ và chính sách thường chậm trễ, lạc hậu trước những thay đổi nhanh chóng của cuộc sống. Kịp thời tổng kết thực tiễn, phát hiện sáng kiến, làm rõ các nội hàm đúng – sai là điều cần phải làm hiện nay.

Trong bối cảnh hướng tới bình thường mới này, kinh tế số hóa, thương mại điện tử, khám bệnh qua mạng, giáo dục online… là xu thế mới, đòi hỏi Việt Nam phải có đủ các bộ quy định pháp luật cần thiết để đưa vào cuộc sống. Càng sớm càng tốt hoàn thiện việc thực hiện hiệu quả chuyển đổi số, xã hội số, chính quyền điện tử, công dân số… ta vừa tránh tiếp xúc, tránh được lây lan dịch bệnh, vừa tạo điều kiện kết nối chuỗi giá trị đã bị đứt gãy với đối tác nước ngoài, khôi phục và đẩy mạnh sản xuất. Tôi muốn nhấn mạnh từ “hiệu quả” thay vì làm cho đủ bộ.

Trên toàn cầu, hợp đồng điện tử, chữ ký số, hội thảo qua mạng… nền kinh tế số đã và đang đi vào cuộc sống, đưa nhân loại vượt qua đại dịch. Việt Nam không thể vì ngại khó, ngại trách nhiệm mà tụt lại xa hơn.

Hơn bao giờ hết, hệ thống chính trị cần mạnh dạn ủng hộ và bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, bảo vệ những người đổi mới, sáng tạo thúc đẩy tiến bộ xã hội, đem lại lợi ích cho người dân và đất nước.

Đó cũng là một chiến lược để chống dịch.

Theo VNEXPRESS

Tags: , , ,