⠀
Trận Bình Lệ Nguyên: Khi đại Đại Việt và Mông Cổ dàn quân đánh ‘sòng phẳng’
Đội tượng binh to lớn của quân Trần dàn hàng chữ nhất, đồng loạt xông lên che chắn cho lục quân Trần phía sau thẳng tiến vào quân Mông Cổ…
Thời gian: Ngày 17/1/1258
Địa điểm: Bình Lệ Nguyên nay là huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc
Tham chiến
– Đế quốc Mông Cổ
– Nhà Trần
Chỉ huy
– Mông Cổ: Uriyangqatai (Ngột Lương Hợp Thai), Aju (A Truật), Cacakdu (Triệt Triệt Đô)
– Nhà Trần: Vua Trần Thái Tông, Lê Phụ Trần
Lực lượng
– Mông Cổ: khoảng 20.000 ~ 30.000 quân Mông Cổ, 20.000 hàng binh Đại Lý
– Nhà Trần: khoảng 100.000 quân gồm bộ binh, kỵ binh, thủy binh, tượng binh
Bối cảnh
Trong chiến dịch đánh Nam Tống, quân Mông Cổ sẽ chia làm 4 cánh quân lớn do Mông Kha, Hốt Tất Liệt và Tháp Sát Nhi, Ngột Lương Hợp Thái chỉ huy vượt sông Trường Giang sẽ tấn công vào từ phía Bắc, Tây, Nam. Theo kế hoạch, cánh quân do Ngột Lương Hợp Thai thống lĩnh sẽ tấn công vào Đại Việt và sau khi chiếm được Đại Việt thì sẽ đánh thốc vào Nam Tống từ mạn cực Nam.
Trước trận chiến
Năm 1257, Ngột Lương Hợp Thai sai sứ sang Đại Việt, chiêu hàng vua Trần. Trần Thái Tông chẳng những không chịu khuất phục mà còn bắt giam 3 tên sứ giả vào ngục. Đợi mãi không có tin của sứ giả đến chiêu dụ vua Trần, Ngột Lương Hợp Thai xuất quân tiến vào Đại Việt. Cánh quân đi đầu của Mông Cổ tiến dọc theo bờ sông Thao, lấn sâu vào đất Đại Việt. Còn một cánh do con trai của Ngột Lương Hợp Thai là A Truật đi sau một đoạn để yểm trợ. Hai cánh quân này vừa tiến vừa thăm dò tình hình quân Trần để cấp báo cho đại quân phía sau.
Sau khi nhận được tin, vua Trần Thái Tông đã bàn bạc với các tướng sĩ và quyết định tổ chức một trận đánh chính diện lớn có tính chất quyết chiến ở Bình Lệ Nguyên. Đây là một cánh đồng cao bên cạnh khúc sông Cà Lồ có nhiều chỗ uốn lượn, tạo ra một bãi chiến trường tương đối bằng phẳng nhưng khá phức tạp và bị sông chia cắt. Chọn chiến trường ở đây, với sông Cà Lồ làm chiến hào thiên nhiên chặn quân Mông Cổ, trong điều kiện khả năng đánh bộ của ta và Mông Cổ tương đương thì rõ ràng cái địa lợi đã thuộc về Đại Việt ta. Nhưng khả năng đánh bộ của ta trên địa hình bằng phẳng như vậy không thể dễ bề khống chế đội quân kỵ, bộ binh thiện chiến của Mông Cổ.
Thuyền binh của Đại Việt chở quân, voi, ngựa đến Bình Lệ Nguyên. Quân lính, voi và ngựa đổ bộ lên cánh đồng, dàn trận san sát, vua Trần thân chinh chỉ huy cùng 6 loại quân đi chống giặc (6 quân là các quân Thiên Thuộc, Thiên Chương, Thánh Dực, Chương Thánh, Thần Sách, Củng Thần. Đó là toàn bộ quân chủ lực nhà Trần lúc đó). Thuyền được đưa tránh xuống bến Lãnh Mỹ ở khúc sống phía dưới (nay là xóm Bến, làng Thịnh Kỷ, Mê Linh, Vĩnh Phúc), có nhiệm vụ đón bộ binh nếu thế trận trên bờ bất lợi.
A Truật cho quân đi dò thám, thấy tình hình chuẩn bị ứng chiến của quân đội nhà Trần liền thông báo cho cha. Được tin báo, ngày 12 tháng Chạp âm lịch (17/1/1258), Ngột Lương Hợp Thai tiến vào và gặp hai cánh đi trước ở Việt Trì ngày nay. Hợp quân xong, đại quân Mông Cổ tiến đến nơi quân Trần chốt giữ và dàn trận bên kia bờ để chuẩn bị tấn công.
Diễn biến
Mở đầu trận đánh, Ngột Lương Hợp Thai chia làm 3 đội: tiên phong do Triệt Triệt Đô, đại quân do Ngột Lương Hợp Thai thống lĩnh, hậu quân do Khaidu và con trai A Truật phụ trách. Đạo quân tiên phong gồm 1000 người do Triệt Triệt Đô chỉ huy đi trước, vượt sông nhưng không đánh ngay mà chờ cánh quân tập hậu đánh vào sau lưng quân Đại Việt rồi mới xông vào cướp thuyền, còn đại quân thì mới xung trận trực tiếp vào quân Trần. Ý đồ của Ngột Lương Hợp Thai là bằng một trận giao chiến có thể san bằng trận địa quân Trần, bắt sống vua Trần vì viện quân đã bị cánh quân tập hậu của Khaidu và A Truật chặn đứng còn nếu rút chạy bằng thuyền bè thì phương tiện đã bị cướp.
Nhưng kế hoạch tác chiến lợi hại của Ngột Lương Hợp Thai đã bị phá sản do sự hăng máu chiến đấu của tướng tiên phong. Triệt Triệt Đô vừa sang được sông, leo lên bờ, gặp ngay quân Trần là đánh ngay, quên mất nhiệm vụ cướp thuyền. Thành ra chỉ một đạo tiên phong Mông Cổ đã lọt vào trận địa trùng điệp của nhà Trần. Lúng túng trước tình thế ấy, Ngột Lương Hợp Thai vội vã xua đại quân vượt sông và đáng lẽ là lực lượng xung kích thì thành ra là quân tiếp ứng, cả đến cánh hậu quân đi cắt đường tiếp viện của ta thì cũng xông vào trận địa quân Trần.
Trận hỗn chiến xảy ra. Nhờ địa hình chiến trường phức tạp, quân Trần không bị phô ra nên lúc đầu chiếm ưu thế, hạ gục nhiều lính Mông Cổ.
Đội tượng binh to lớn của quân Trần dàn hàng chữ nhất (一), đồng loạt xông lên che chắn cho lục quân Trần phía sau thẳng tiến vào quân Mông Cổ. Đoàn ngựa chiến Trung Á hoảng sợ trước những thớt voi đồ sộ, quay đầu bỏ chạy, hàng tiền quân kỵ binh Mông Cổ rối loạn. Quân Trần thừa thắng hăm hở reo ồ ạt tràn lên.
Nhưng đại quân Mông Cổ lại gồm những chiến binh thiện xạ bách phát bách trúng và giàu kinh nghiệm trận mạc. A Truật phất hiệu lệnh, đội kỵ binh chia làm tả hữu dạt sang hai cánh, và tung vào những tay cung thiện xạ Mông Cổ gương cung tên bắn vào đội tượng binh Trần. Những yếu điểm của voi là mắt, vòi, tai bị ghim đầy tên, những con voi này hoảng sợ, lồng lên tháo chạy. Đến lượt quân Trần bị hỗn loạn, bầy voi chạy càn, giẫm đạp, xé nát các cánh quân, quản tượng hết phương điều khiển. Thế trận Trần bất lợi dần.
Tiếng tù và Mông Cổ rúc lên từ hai phía, đội kỵ binh quay ập lại từ hai phía, tiếng thét xông trận vang trời, vó ngựa phi rầm rập rung chuyển mặt đất. Vua Trần Thái Tông vẫn ra sức đốc thúc quân sĩ và tự thân chinh xung trận, tự mình xông pha giữa tên đạn, kèm bên là danh tướng Lê Tần.
Trận đánh càng kéo dài thì lối đánh của quân Trần tỏ ra không đương đầu nổi với với lực lượng kỵ binh, bộ binh cơ động lợi hại và những cung thủ thiện xạ nổi tiếng của Mông Cổ. Chiến tuyến quân nhà Trần bị chọc thủng, các cánh quân bị chia cắt, vây thành từng cụm nhỏ, bị tiêu diệt dần. Trận xáp chiến diễn ra ác liệt, xem chừng chẳng cầm cự được bao lâu nữa vì đội hình quân Trần đã bị đánh tan tác. Các tướng có người khuyên vua nên ở lại đánh quyết tử, có người khuyên nên rút quân. Mưu sĩ Lê Tần đã có lời khuyên đúng đắn với vua rằng: ”Như thế này là bệ hạ chỉ đánh một dốc ván túi thôi! Hãy nên tạm lánh chúng!”.
Lời nói sáng suốt giữa giữa cuộc chiến hiểm nghèo này đã khiến vua Trần thức tỉnh hẳn. Người đứng đầu trận Bình Lệ Nguyên, đứng đầu cơ đồ Trần, đứng đầu cả sự nghiệp kháng Mông Cổ, cuối cùng đã quyết định bỏ trận địa, rút rui để bảo toàn lực lượng, chờ cơ hội về sau.
Trong khi đó, Triệt Triệt Đô đã kéo được quân đến gần bến thuyền của quân Đại Việt, cố gắng thực hiện âm mưu cướp thuyền hòng bắt sống vua Trần. Vừa kịp đúng lúc tướng Phạm Cự Chinh cùng quân cứu viện đã liều chết xông ra ứng chiến chặn ngang quân Triệt Triệt Đô và hi sinh. Nhờ vậy, vua và quan quân Trần kịp thoát lên thuyền.
Kỵ binh Mông Cổ truy kích, bám theo thuyền của quân Trần đang xuối dòng. Vừa phóng ngựa dọc bờ, vừa ra sức bắn tên như mưa hòng giết vua Trần. Lê Tần nhanh trí vớ tấm ván thuyền che cho vua. Đến khi chiến thuyền vượt khỏi tầm bắn, tấm ván chi chít tên cắm như lông nhím. Đoàn thuyền xuôi dòng về Phù Lỗ.
Kết quả
Trận Bình Lệ Nguyên ngày 17/1/1258 đã kết thúc như vậy. Đây là trận đánh lớn đầu tiên diễn ra bởi quân Đại Việt và Mông Cổ. Có thể coi như quân Mông Cổ đã thắng trận, ngoại trừ sai lầm của Triệt Triệt Đô khiến quân Mông Cổ không bắt sống được vua Trần. Hoảng sợ trước cơn thịnh nộ của thủ lĩnh, Triệt Triệt Đô đã uống thuốc độc tự vẫn. Nhưng cuộc rút rui thành công của Trần Thái Tông cũng có thể coi như thành công lớn về nhiều mặt (tuy quân số nhà Trần tổn thất khá nặng).
1. Trước hết sự an toàn của bậc quân triều Trần nước Đại Việt, cũng là người cầm đầu cuộc kháng chiến của dân tộc, một khi được đảm bảo, sẽ và đã, là một điều kiện quan trọng để những diễn của lịch sử vương triều, đất nước và sự nghiệp kháng chiến có thể tiếp tục vận hành và không đứt đoạn.
2. Còn quan trọng hơn – về mặt lý thuyết chiến tranh, khoa học quân sự và truyền thống giữ nước của dân tộc. Đó là việc tìm ra bài học: ”Không đánh một ván dốc túi” và ”tạm lánh trước thế mạnh của giặc”. Trong lịch sử đánh giặc giữ nước của dân tộc. Cuộc kháng chiến oanh liệt của Hai Bà Trưng năm 43 đầu C.N, Hai Bà đã đem lực lượng dân binh đánh trực diện với đạo quân nhà nghề hung hãn do mãnh tướng Mã Viện – đã không thấy có bài học này để truyền lại cho vị vua đầu triều Trần vào năm 1258. Thành ra cứ theo dùng ”binh pháp cổ điển” và ”hào khí Đông A”, vua Trần Thái Tông ở những lần đầu tiên biết mặt những kẻ lúc này đang và sau này sẽ chinh phục thế giới, mới đưa và dàn bày hết lực lượng ở Bình Lệ Nguyên để đánh một trận quyết định với lực lượng kỵ binh cơ động, thiện chiến, thiện xạ Mông Cổ. May thay, nhưng thực ra là thông sáng và nhạy bén, không câu nệ và trì tuệ mà biết thức thời (nhận biết chính xác quy luật chân lí), vua Trần Thái Tông đã biết rút khỏi Bình Lệ Nguyên và hôm sau (18/1/1258) đã rút khỏi Phù Lỗ và cả Thăng Long.
Bài học chiến lược từ Bình Lệ Nguyên này đã giúp ích rất lớn cho Quốc công Tiết chế Trần Hưng Đạo, cùng các vua Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông trong cuộc kháng chiến và lãnh đạo thành công hai cuộc kháng chiến chống Mông – Nguyên lần 2 và 3.
Không chỉ vậy, một khi đã trở thành truyền thống như thế này – bài học Bình Lệ Nguyên – còn sáng tiếp lên trong các trường hợp như trong cuộc kháng chiến chống Thanh (1788-1789), khi Ngô Thì Nhậm đã nghĩ ra và đề xuất ”Nước cờ Tam Điệp” – Tạm thời tránh thế mạnh của giặc, rút lui về chốt giữ Tam Điệp, mà còn lập ngôn thành những lời lẽ đặc sắc nổi tiếng: ”Hãy cứ để Thăng Long cho giặc vào ngủ trọ mấy đêm rồi ta sẽ lại ra đuổi chúng đi” và ”Đánh giặc cũng như đánh cờ, trước có thể nhịn (thua) giặc một nước, nhưng là để sau mới thắng nước cuối cùng, miễn là đừng đem nước trước thành nước sau! (Hoàng Lê Nhất Thống Chí).
Chưa nói được những lời như ở thế kỉ 18 ấy, nhưng vào đầu năm 1258 ở tử trận Bình Lệ Nguyên , hành động ”nhịn (thua) giặc một nước”, và ”cho giặc vào Thăng Long ngủ mấy đêm”, đã được Trần Thái Tông thực hiện đầu tiên. Và hiệu quả là chỉ sau 19 ngày ở Bình Lệ Nguyên, Đại Việt đã đánh bại làm quân Mông Cổ chạy dài khỏi Đại Việt.
Theo LỊCH SỬ VIỆT NAM
Tags: Đế quốc Mông Cổ, Nhà Trần, Kháng chiến chống Nguyên - Mông