Tổng quan về dân ca Việt Nam

Dân ca Việt Nam là một thể loại âm nhạc cổ truyền, qua việc truyền khẩu, truyền ngón các bài dân ca, mỗi người diễn xướng có quyền ứng tác tự do, góp phần sáng tạo của mình vào tác phẩm trong quá trình biểu diễn. Do vậy họ gần như là “đồng tác giả” với những người sáng tác mà người sáng tác ban đầu không rõ là ai. Một bài dân ca thường tồn tại với một bản coi như bản gốc, gọi là lòng bản và nhiều bản được ứng tấu thêm hay sửa đổi gọi là dị bản. Những bài dân ca được nhiều người yêu thích sẽ được truyền bá đi khắp nơi.

Khái niệm về dân ca

Để có một khái niệm chuẩn về dân ca thật không đơn giản. Người Đức gọi dân ca là volkslied (tạm dịch là: bài ca của nhân dân), người Pháp gọi là chanson populaire (tạm dịch là: bài ca phổ cập trong quần chúng), người Anh gọi dân ca là folk song (tạm dịch là bài ca mang tính dân tộc). Ngay cả trong các tài liệu Việt Nam về dân ca hay công trình Nghiên cứu của Gs. TS Vũ Ngọc Khánh “Tiếp cận kho tàng folklore Việt Nam” cũng không có khái niệm cụ thể hay một định nghĩa công thức về dân ca như các định nghĩa về những phạm trù khác.

Dân ca Việt Nam là một thể loại âm nhạc cổ truyền, qua việc truyền khẩu, truyền ngón các bài dân ca, mỗi người diễn xướng có quyền ứng tác tự do, góp phần sáng tạo của mình vào tác phẩm trong quá trình biểu diễn. Do vậy họ gần như là “đồng tác giả” với những người sáng tác mà người sáng tác ban đầu không rõ là ai. Một bài dân ca thường tồn tại với một bản coi như bản gốc, gọi là lòng bản và nhiều bản được ứng tấu thêm hay sửa đổi gọi là dị bản. Những bài dân ca được nhiều người yêu thích sẽ được truyền bá đi khắp nơi. Hiện nay các nhạc sĩ đã sáng tác thêm những lời ca mới dựa trên các làn điệu đã có tạo nên sự đa dạng và phong phú cho dân ca . Các dịp biểu diễn thường là lễ hội, hát làng nghề ngoài ra thường ngày cũng được hát lên trong lao động để động viên nhau, hay trong tình yêu đôi lứa, trong tình cảm giữa người và người. Tuy nhiên mỗi tỉnh thành, dân ca Việt Nam lại có phát âm, giọng nói và các từ khác nhau nên cũng có thể phân theo tỉnh cho dễ gọi vì nó cũng có tính chung của miền Bắc, miền Trung và miền Nam. Ngày nay, khi khảo sát một bài dân ca được phổ biến ở một vùng nào đó, muốn biết được xuất xứ của chúng, người ta thường dựa vào một vài đặc điểm có trong đó ví dụ như tiếng địa phương, những địa danh. Đây là cách dễ nhận biết nhất để nhận ra xuất xứ của một bài dân ca. Nói chung trong các bài dân ca miền Bắc thường có những từ đệm như: “rằng, thì, chứ…” và các dấu giọng như: sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng được dệt bới những nốt nhạc sao cho việc phát âm được rõ nét. Một số phụ âm được phát âm một cách đặc thù như: “r, d, gi” hay “s và x” phát âm giống nhau, không phân biệt nặng nhẹ. Dân ca miền Trung thì thường có chữ “ ni, nớ, răng, rứa…” dấu sắc được đọc thành dấu hỏi (so với giọng người Bắc), dấu hỏi và ngã đều được đọc giống nhau và trầm hơn chữ không dấu. Những bài dân ca miền Nam thì thường có chữ “má (mẹ), bậu (em), đặng (được)…” chữ “ê” đọc thành chữ “ơ”, dấu ngã đọc thành dấu hỏi,… Nhưng nhìn chung thì vẫn là thoát thai từ lòng dân với đậm tính chất mộc mạc giản dị của họ.

Theo GS.TS Trần Quang Hải làm việc tại Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu khoa học về Sơ lược về dân ca Việt Nam: “Dân ca là những bài hát, khúc ca được sáng tác và lưu truyền trong dân gian mà không thuộc về riêng một tác giả nào. Đầu tiên bài hát có thể do một người nghĩ ra rồi truyền miệng qua nhiều người từ đời này qua đời khác và được phổ biến ở từng vùng, từng dân tộc… Các bài dân ca được gọt giũa, sàng lọc qua nhiều năm tháng bền vững với thời gian”.

Để tiện cho việc nghiên cứu, ta có thể hiểu khái niệm về dân ca tạm thời như sau: Dân ca là những bài hát cổ truyền do nhân dân sáng tác được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

https://www.youtube.com/watch?v=Jq-9nQpqFEo

Sự đa dạng và phong phú của dân ca Việt Nam

Việt Nam là một quốc gia đa sắc tộc với nền văn hóa lâu đời, do vậy dân ca Việt Nam bao gồm nhiều vùng miền, nhiều thể loại vô cùng phong phú: dân ca Quan họ Bắc Ninh, hát Ví, hát Dặm (Nghệ An), hát Xoan (Phú Thọ), hát Trống quân ở nhiều làng quê Bắc Bộ, hát Dô (Hà Tây), hò Huế, lý Huế ở TrungBộ, Nam Bộ có các điệu Lý, điệu Hò… dân ca của các dân tộc miền núi phía Bắc, đồng bào Thái, H’mông, Mường, dân ca các dân tộc Tây nguyên… đều có những nét riêng, mang bản sắc riêng. Những âm điệu tiết tấu, đặc trưng của dân ca phần lớn bắt nguồn từ những câu ca dao thâm thúy khúc chiết, loại thơ vần như lục bát hay những câu đồng dao đơn giản được bổ sung qua nhiều giai đoạn rồi trở nên những thể loại hát dân gian khác nhau của từng địa phương, từng vùng đất nước.

Từ bao đời nay dân ca luôn gắn liền với đời sống tinh thần của cộng đồng các dân tộc trên khắp đất nước Việt Nam. Ngoài những làn điệu thuộc các loại dân ca khác nhau còn những loại hát có nhạc đệm theo như: Chầu văn, ca Trù, ca Huế… nhạc tài tử Miền Nam và những hình thức ca kịch độc đáo như Tuồng, Chèo, Cải lương… Hát Chầu văn là hình thức hát nhạc thờ cúng, có tính chất tôn giáo linh thiêng, các thầy cúng chuyên nghiệp đánh đàn nguyệt, có giọng hát điêu luyện phụ theo, thuộc nhiều điệu hát và pha vào là tiếng trống vỗ. Ngoài ra Quan họ Bắc Ninh cũng là một lối hát phong phú và độc đáo về âm nhạc.

https://www.youtube.com/watch?v=RHflYqT7cKU

Dân ca Việt Nam rất phong phú và đa dạng, đi liền với tiếng hát ru, đồng dao, trò chơi trẻ em, rồi đến các điệu hò, điệu lý. Các điệu hát trong khi làm việc, trong những lễ hội tạo điều kiện cho nhiều thế hệ gặp nhau qua các loại hát giao duyên. Mức sáng tác lời mới nhiều hơn các thể loại nhạc cung đình, nhạc bác học, nhạc thính phòng và đưa vào trong văn chương bình dân những đóng góp đáng kể (hát quan họ). Phần nhiều chỉ có tuỳ hứng lời trên một điệu nhạc (hát Trống quân, Cò lả…). Chỉ có hát Quan họ là vừa sáng tác lời lẫn nhạc. Riêng Quan họ theo thống kê mới nhất hiện nay có tới trên 700 làn điệu khác nhau trong truyền thống hát Quan họ. Còn theo TS Nghiên cứu âm nhạc Hà Thị Hoa thì hiện nay có khoảng 250 làn điệu Chèo…

Dân ca lại mang màu sắc địa phương rất đặc biệt, tuỳ theo phong tục ngôn ngữ, giọng nói và âm nhạc của từng vùng mà khác đi đôi chút. Từ những bài hát ru được nghe khi còn nằm trong nôi mà các mẹ (bà ,chị) hát ru trẻ ngủ. Loại này được gọi là hát ru (miền Bắc), ru con (miền Trung), hay gọi là hát đưa em, ầu ơ ví dầu (miền Nam).

https://www.youtube.com/watch?v=dgYyBaUfTeY

TS Trần Quang Hải nói về Dân ca Việt Nam:

Dân ca Việt Nam được trình bày theo trình tự một đời người, nghĩa là bắt đầu bằng các bài hát ru khi em bé bắt đầu chào đời, đến khi đứa bé lớn lên, trưởng thành và chết đi sẽ có những bài hát liên hệ đến từng giai đoạn của một đời người.

Ngay từ thuở lọt lòng, dân ca đã dành cho trẻ những bài hát đơn sơ, mộc mạc nhưng du dương, ngọt ngào để đưa trẻ vào giấc ngủ êm đềm. Chuyển sang tuổi ấu thơ các em lại được hát lên những bài dân ca, đồng dao để vui chơi giải trí, luyện cho trẻ quen tiếng nói tiếp cận với thiên nhiên, tìm hiểu những vấn đề xã hội nảy sinh trong đời sống hàng ngày. Khi trưởng thành trai gái lại tụ họp nhau thi hát đố, hát giao duyên và các bài hát vui chơi trong đời sống.

Trong mỗi chúng ta ai cũng có một miền quê, quê hương là cánh đồng lúa thơm ngát, lũy tre xanh trải dọc bờ đê, là những hình ảnh thân thương nhất đối với cuộc sống mỗi con người. Hai tiếng quê hương qua những giai điệu ngọt ngào của dân ca như gần gũi hơn, lung linh hơn nhờ những ca từ đầy hình ảnh.

Chính vì vậy, khi hiểu được những giai điệu quê hương chúng ta sẽ mang lại niềm tự hào cho chính mình. Cũng từ đó mà có sự hãnh diện trong lòng khi thấy dân tộc mình có một nền âm nhạc dân gian phong phú.

Chức năng của dân ca

Một là, chức năng giáo dục

Dân ca giáo dục tình yêu quê hương đất nước, trân trọng giá trị nghệ thuật của con người ở mỗi vùng quê. Dân ca giáo dục tình cảm và thẩm mĩ cho trẻ. Đó là những điều hay lẽ phải, cách ứng xử giao tiếp với ông bà, cha mẹ, thầy cô giáo, bạn bè và những người xung quanh. Ngoài ra còn là nền tảng phát triển đạo đức, những bài hát có ca từ dễ thuộc, giai điệu mềm mại, trữ tình có ảnh hưởng nhất định tới trẻ tạo những cảm xúc tương ứng. Những bài dân ca có giai điệu nhẹ nhàng bay bổng cũng tạo cho trẻ biết cách diễn đạt ngôn ngữ hơn còn những bài có tiết tấu sinh động, rộn ràng, lời ca rắn rỏi, mạnh mẽ sẽ tạo cho trẻ phát huy những tình cảm thẩm mĩ và lành mạnh.

Âm nhạc nói chung và dân ca nói riêng tác động tới con người từ khi mới sinh ra với tiếng ru của mẹ cho đến khi từ giã cõi đời. Tuy không trực tiếp nuôi dưỡng con người như cơm ăn nước uống hàng ngày nhưng âm nhạc lại làm cho con người ta thêm yêu cuộc sống và nhận thức được cuộc sống. Nhờ ngôn ngữ biểu cảm đặc biệt của âm thanh mà con người từ khắp mọi phương trời không cùng ngôn ngữ, không chung phong tục tập quán nhưng lại có thể hiểu thêm được văn hóa của nhau. Sự gắn kết bằng cảm xúc đã trở thành phương tiện giao tiếp hết sức nhạy cảm mà không cần dùng đến ngôn ngữ.

Hai là, chức năng lao động

Dân ca là một thể loại ca hát dân gian, chủ yếu bắt nguồn từ môi trường nông ngư nghiệp ở các vùng nông thôn. Cũng có thể bắt nguồn từ một cá nhân có năng khiếu dệt nhạc vào một bài ca dao (thơ dân gian). Từ môi trường nông ngư nghiệp đó, dân ca có nhiều chức năng trong các hoạt động  của cuộc sống. Chức năng hỗ trợ các thao tác lao động trên cạn như: ru em, xay lúa, giã gạo, tát nước, kéo gỗ…, trên sông nước thì có hò chèo thuyền, kéo lưới… làm bớt đi sự căng thẳng mệt mỏi trong quá trình lao động, đồng thời khiến cho tinh thần của người lao động hưng phấn hơn, giúp cho quá trình lao động được năng xuất hơn, đạt kết quả cao hơn.

Ba là, chức năng sinh hoạt

Được sản sinh trong môi trường diễn xướng, qua những buổi lao động sinh hoạt cộng đồng trên đồng ruộng, bãi lúa, ven sông, những buổi hội làng, tính ngẫu hứng đầy thẩm mỹ của dân ca thực sự chỉ được thể hiện trọn vẹn khi đưa vào môi trường diễn xướng dân ca. Trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, ngoài lao động người dân còn tổ chức hội hè đình đám trong, những lúc nông nhàn. Có thể thấy rõ chức năng sinh hoạt trong các thể loại hát Ví, hát Quan họ, Trống quân, Giặm, hát Lý, hát Đúm…

Ví dụ: hát Trống quân phổ biến ở Bắc bộ thường được tổ chức vào những tuần tháng bảy, tháng tám âm lịch, ngoài ra còn được tổ chức hát thi vào những ngày hội. Trong những ngày mùa,  người thợ gặt ở nơi khác đến thường tổ chức hát với trai hoặc với gái trong làng hay giữa họ với nhau vào buổi tối lúc nghỉ việc.

Còn những điệu Ví, Giặm chủ yếu là các cuộc hát đối đáp trong các sự kiện sinh hoạt cộng đồng với quy mô và không gian đa dạng. Hát Giặm có thể kể đầu đuôi một câu chuyện na ná như vè nhưng chủ yếu là sinh hoạt văn hóa cộng đồng.

Bốn là, chức năng nghi lễ

Dân ca nghi lễ thường gắn liền với lễ hội. Để phục vụ cho nghi thức lễ hội, nhiều địa phương đã sáng tạo nên những điệu hát múa cho phù hợp như hát Chầu văn, hát Cửa đình (cửa đền) đây là hình thức hát ca trù phục vụ cho nghi lễ thờ phụng thánh thần ở các đình hay đền làng sở tại. Có thể nói hát cửa đình là hình thái được ưa chuộng nhất trong xã hội thời phong kiến do các tập tục tế lễ thánh thần là một nhu cầu quan trọng không thể thiếu trong đời sống của các cộng đồng cư dân nông nghiệp. Trải qua thời gian thứ âm nhạc trong nghi thức, nghi lễ đó đã dần nâng tầm nghệ thuật. Nhà Nghiên cứu âm nhạc dân tộc Bùi Trọng Hiền ở bài Không gian Văn hóa – Các chức năng văn hóa xã hội và những hình thức biểu hiện của nghệ thuật ca trù – Phần III có viết “Đứng về mặt chức năng xã hội, các hình thức nghi lễ này mang tính thực hành xã hội chứ không phục vụ nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật đơn thuần”.

Năm là, chức năng nghệ thuật

Trên thực tế các chức năng đều chứa đựng yếu tố nghệ thuật. Tuy nhiên, trải qua thời gian với sự sàng lọc tinh hoa của dân tộc, một số thể loại dân ca đã phát triển vượt ra khỏi khuôn khổ đất nước Việt Nam ta như Hò Huế, Ca trù, Quan họ Bắc Ninh, thể loại sân khấu Tuồng, Chèo, cải lương để đến với thế giới và được bạn bè quốc tế yêu thích. Ngoài ra cũng đã có những điệu dân ca đã được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại như: dân ca Ví giặm của tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Dân ca Quan họ của Bắc Ninh.

Có thể nói, âm nhạc nói chung và dân ca nói riêng tác động tới con người từ khi mới sinh ra với tiếng ru của mẹ cho đến khi từ giã cõi đời. Tuy không trực tiếp nuôi dưỡng con người như cơm ăn nước uống hàng ngày nhưng âm nhạc lại làm cho con người ta thêm yêu cuộc sống và nhận thức được cuộc sống. Nhờ ngôn ngữ biểu cảm đặc biệt của âm thanh mà con người từ khắp mọi phương trời không cùng ngôn ngữ, không chung phong tục tập quán nhưng lại có thể hiểu thêm được văn hóa của nhau. Sự gắn kết bằng cảm xúc đã trở thành phương tiện giao tiếp hết sức nhạy cảm mà không cần dùng đến ngôn ngữ.

S.T

Tags: ,