⠀
Là kẻ ‘cặn bã’, ‘tồi tệ’, Dostoyevsky mới viết được những áng văn bất hủ như vậy
Những áng văn của tiểu thuyết gia người Nga Dostoyevsky chạm đến tâm hồn người đọc trên toàn thế giới. Thế nhưng, ông cũng bị người đời đánh giá tiêu cực vì thói nghiện cờ bạc.
Nguồn: Masato Oono/ Ehomebooks/ NXB Phụ nữ Việt Nam.
Tội ác và hình phạt, Chàng ngốc là những cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của đại văn hào Nga Fyodor Dostoyevsky. Trong số các tác phẩm mà ông để lại có Anh em nhà Karamazov, tác phẩm được cho là kiệt tác đỉnh cao trong lịch sử văn học thế giới. Người ta cũng không thể biết chính xác số nhà văn đã chịu ảnh hưởng bởi tác phẩm này.
Tuy nhiên, các tác phẩm của Fyodor Dostoyevsky vẫn có điểm yếu. Đó chính là “độ khó” của tác phẩm. Tuy nhiên, điều đó không phải do ông cố tình làm tăng độ khó cho những tác phẩm ấy. Sự thật là Dostoyevsky đã viết những điều “rất khó hiểu” thành những điều “khó hiểu” mà thôi. […]
Vậy rốt cuộc đại văn hào Dostoyevsky – cha đẻ của những tác phẩm vừa khó đọc vừa hấp dẫn này – là danh nhân như thế nào?
[…]
Roulette là một trò chơi đánh bạc, người điều khiển sẽ quay bánh xe, sau đó thả một quả bóng nhỏ vào, quả bóng rơi vào con số bất kỳ và người chơi sẽ thắng nếu chọn con số đó.
Dostoyevsky là người rất mê trò chơi này. Trò chơi này nghe có vẻ không thú vị lắm đúng không nào? Rõ ràng, người chơi sẽ dễ bị thua cuộc bởi kết quả của ván cược thường sẽ khác xa những gì họ tưởng. […]
Tuy nhiên, có rất nhiều người nghiện trò chơi đen đỏ này. Tại sao lại như thế?
Khi chơi bạc, người ta sẽ có cảm giác bồn chồn khi tiền của mình bị mất dần đi. Nhưng họ cũng lại luôn hy vọng rằng biết đâu mình sẽ thắng và có thể kiếm được tiền. Sự kích thích khi cảm xúc bị dao động giữa hai luồng suy nghĩ đó khiến không ít người bị cuốn vào trò cờ bạc này.
Dostoyevsky cũng là một trong số đó. Ông sa đà vào những canh bạc, khi thua cuộc và hết tiền, ông phải nhờ cậy các nhà xuất bản cho ra sách của ông, thậm chí có lúc ông còn vướng vào nợ nần.
Những kẻ chìm đắm trong cờ bạc đến độ phải vay mượn tiền bạc của người khác được gọi là “kẻ cặn bã”. Đúng thế, một tiểu thuyết gia với những kiệt tác nổi tiếng thế giới đã từng là “kẻ cặn bã” như thế!
Tuy nhiên, Dostoyevsky lại có thể dùng ngòi bút của mình để viết nên những chương tiểu thuyết rất hấp dẫn về cuộc đời của con người, lột tả được toàn bộ thế giới nội tâm phức tạp của nhân vật. Vậy tại sao một “kẻ cặn bã” như Dostoyevsky lại có thể làm được điều đó?
Câu trả lời thực sự rất đơn giản. Vì là kẻ tồi tệ nên ông mới viết được như vậy.
Trong tâm hồn con người nếu có phần đẹp đẽ, tươi sáng thì cũng tồn tại cả phần đen tối, xấu xa. Nếu ta chỉ biết đến một trong hai phần đó, thì khi viết về con người ta sẽ chỉ khắc họa được một nửa hình ảnh của nhân vật mà thôi.
Cờ bạc đã lột trần những thứ ẩn khuất trong tâm hồn của con người, phải chăng chính vì vậy mà thông qua cờ bạc, Dostoyevsky đã nhìn thấu những góc tối ấy?
Nhưng cờ bạc thường là trò vô bổ. Nó chỉ làm lãng phí thời gian và tiền bạc mà thôi.
Nghĩa là, những thất bại khi nghiện cờ bạc đều chẳng giúp ta trưởng thành hơn, thành công hơn, nó hoàn toàn là một thất bại vô bổ.
Tuy nhiên, có một điều chúng ta cần lưu tâm. Con người thường dễ dàng đánh giá phiến diện về người khác. Chẳng hạn, những kẻ suốt ngày cờ bạc là cặn bã, kẻ chẳng thể học hành được gì là ngu ngốc, người ăn mặc lôi thôi, luộm thuộm thì là những kẻ xấu.
Đương nhiên, chúng ta nghĩ như thế cũng không sao. Nghĩ gì về người khác là quyền tự do của mỗi người.
Tuy nhiên, nếu ta đánh giá người khác một cách phiến diện mà chưa từng tiếp xúc với người đó, thì sẽ là tổn thất của chính bản thân chúng ta.
Chẳng hạn, cũng có những người sẽ không đọc những tác phẩm của Dostoyevsky, bởi họ cho rằng đó là tiểu thuyết của một kẻ chẳng ra gì. Nhưng tiểu thuyết của Dostoyevsky là những áng văn chương chạm tới tận tâm hồn, đọc chúng, ta sẽ nhận ra loài sinh vật mang tên con người ấy rất khác so với những gì chúng ta đã biết từ trước đến nay.
Có lẽ đối với chúng ta, không biết điều đó chỉ là tổn thất rất nhỏ. Nhưng nhiều tổn thất nhỏ tích lại sẽ thành tổn thất to lớn.
Vậy nên, cho dù bạn chỉ nhìn thấy những điểm xấu ở một người, hãy thử trò chuyện với họ để tìm thấy cả những điểm tốt đẹp, hãy tìm lấy những điều thú vị từ những người xung quanh chúng ta và mỗi ngày sẽ càng trở nên thú vị hơn đó!
S.T
Tags: Văn học, Cờ bạc, Fyodor Dostoevsky