Quan niệm của Antonio Gramsci về bá quyền và đại chúng trong văn hóa, văn học

Bá quyền trong quan niệm của Gramsci là sự kiến tạo, khuôn định, duy trì và phổ biến quan niệm về thế giới của nhóm xã hội. Vì vậy, bá quyền đặt định khuôn khổ để đánh giá các hiện tượng văn hóa nghệ thuật từ thế giới quan của nhóm hay giai cấp dẫn dắt xã hội, tạo nên sự phân biệt giữa văn hóa bình dân và văn hóa tinh hoa, văn hóa tiến bộ và văn hóa đi ngược với sự tiến bộ.

Quan niệm của Antonio Gramsci về bá quyền và đại chúng trong văn hóa, văn học

Văn hóa và văn học đại chúng có vai trò như thế nào trong đời sống văn hóa và xã hội? Hiểu như thế nào về sự khác biệt và va chạm giữa văn hóa đại chúng và văn hóa tinh hoa, văn học đại chúng và văn học tinh hoa?

Những câu hỏi trên nêu lên vấn đề quan trọng và bức thiết của văn hóa và xã hội đương đại Việt Nam, một xã hội có sự chuyển mình kể từ sau 1986. Ta nhìn thấy ở đây một mặt là sự hồi sinh của các tiếng nói khác nhau trong văn hóa đại chúng vốn rất phong phú trong giai đoạn trước những năm 1950, mặt khác là hệ thống quy chuẩn và hệ giá trị được định chế hóa từ sau những năm 1950, có hiệu lực mạnh mẽ trong việc đánh giá văn hóa nghệ thuật nói chung và văn hóa đại chúng nói riêng. Câu hỏi sinh ra trong trường hợp này là cần nhìn nhận như thế nào về vai trò và giới hạn của việc đánh giá văn hóa và văn học hiện đại từ hệ quy chuẩn chính thống được định chế hóa. Nhưng sâu xa hơn là việc nhận thức cơ sở và quan hệ quyền lực của các hệ giá trị đánh giá văn học và văn hóa: các hệ giá trị này hình thành từ đâu và chúng vận hành ra sao trong đời sống xã hội. Antonio Gramsci sẽ cung cấp cho chúng ta gợi ý về vấn đề này. Bằng phân tích về bá quyền văn hóa và ý tưởng về sự thương lượng (negotiation) giữa các nhóm xã hội, Gramsci mở ra một tầm nhìn chịu ảnh hưởng từ Marx về vấn đề đấu tranh và giải phóng những tiếng nói thiểu số khỏi sự áp bức của các nhóm bá quyền trên bình diện ý hệ.

Antonio Gramsci (1891-1937) là lí thuyết gia văn hóa và chính trị người Ý theo khuynh hướng tân-Marx luận. Ông là thành viên sáng lập Đảng Cộng sản Ý, mang tinh thần chống phát xít, bị chính quyền phát xít Ý bắt giam và chết trong tù. Công trình ông để lại là những bài báo khi hoạt động trong các phong trào cách mạng xã hội và mười quyển sổ viết tay trong giai đoạn ở tù ghi lại những phân tích về chính trị và văn hóa. Về đại thể, ông khởi đầu như là kiến trúc sư của chủ nghĩa xã hội, nhưng khi nhận ra thách thức lớn lao của việc tạo nên một bá quyền tổng thể của giai cấp vô sản, những suy tư của ông đi vào việc nhận thức các vấn đề của bá quyền và văn hóa đại chúng, và hướng vào phân tích xã hội hiện đại từ góc độ ý hệ và bá quyền. Tư tưởng của Gramsci được phát hiện lại từ những năm 1960 ở phương Tây, ảnh hưởng lớn đến các lí thuyết gia nghiên cứu văn hóa đại chúng, văn học đại chúng, truyền thông và chính trị như Raymon Williams, Stuart Hall, Tony Bennett, Chantal Mouffe.

Về cơ bản, góc nhìn về văn hóa của Gramsci khai triển quan điểm của Marx về việc nhận thức mối quan hệ giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng. Kế thừa gợi ý của Marx trong Lời nói đầu góp phần phê phán khoa kinh tế chính trị, theo đó không chỉ cơ sở hạ tầng mà cả kiến trúc thượng tầng cũng phản ánh mâu thuẫn và đấu tranh giai cấp trong xã hội, Gramsci cho rằng mâu thuẫn và đấu tranh ý hệ là đầu mối phương pháp luận cho việc nhận thức tồn tại xã hội. Mặt khác, Gramsci dựa trên thực hành chính trị của Lenin để phát triển quan niệm về bá quyền. Theo ông, bá quyền là sự thực hành đấu tranh giai cấp trên bình diện ý hệ của các nhóm lãnh đạo và có quyền lực xã hội. Nhìn chung, Gramsci nâng vấn đề bá quyền lên bình diện phổ quát như là sự thực hành chính trị nhằm phổ biến quan niệm và ý hệ của tất cả các nhóm xã hội, kể cả nhóm thiểu số, thay vì chỉ là các nhóm xã hội lãnh đạo hay các giai cấp bóc lột như quan niệm của Marx và Lenin.

Theo Gramsci, bá quyền sinh ra từ nhu cầu tồn tại và khẳng định vị trí của nhóm xã hội. Bá quyền hiểu theo nghĩa này không phải là sự trấn áp bạo lực mà là sự phổ biến các ý hệ mới của nhóm xã hội, thay đổi nhận thức và phương pháp nhận thức của xã hội. Vì thế đây là sự kiện của nhận thức và tri thức, sự kiện có tính triết học nhiều hơn là sự kiện của cuộc cách mạng xã hội theo quan niệm của Marx và Lenin. Ví dụ như các nhóm thiểu số người đồng tính, nhóm đấu tranh cho nữ quyền, để khẳng định quyền và nhu cầu của họ, cũng như cất lên tiếng nói cho quyền và nhu cầu đó, họ tạo ra các diễn ngôn diễn giải lại hình ảnh và nhận thức của xã hội về họ, nhằm chống lại quan niệm kì thị, nêu ra những đề nghị tác động đến các định chế bá quyền trực tiếp là luật pháp và sự quản lí nhà nước. Đó chính là hình thức tiêu biểu của sự phổ biến ý hệ và thế giới quan, đồng thời sản sinh hình thức bá quyền về ý nghĩa và diễn giải ý nghĩa.

Nhìn chung, trong quan niệm của Gramsci, bá quyền có ba đặc điểm. Trước hết, bá quyền không phải là hành động mà là mối quan hệ; đây không phải là hành động áp bức đơn thuần của người này với người kia, nhóm này với nhóm kia, mà là quan hệ giữa áp bức và tuân chịu về mặt ý hệ. Một nhóm xã hội muốn chi phối và phổ biến thì phải thực hiện những đặt định về ý hệ bằng nhiều hình thức khác nhau, đòi hỏi sự tuân chịu của các thành viên. Nó giáo dục và tuyên truyền văn hóa, phổ biến cái nhìn về thế giới, định hình nên các hệ giá trị và các chiến lược cấp nghĩa cho sự vật thông qua các định chế xã hội. Thứ nữa, thực hành bá quyền có tính chất tiến trình. Gramsci gọi đây là cuộc chiến về vị thế (war of position), trong đó các định chế xã hội dần dần lan tỏa ảnh hưởng thông qua phổ biến và đặt định quan niệm về thế giới, cách giải thích thế giới. Những tiếng nói khác biệt được chuyển hóa dần và hòa nhập vào quan niệm của nhóm bá quyền theo tiến trình thương lượng (negotiation). Cuối cùng, bá quyền vận hành mềm dẻo và phức tạp, không đơn thuần là sự bắt buộc một chiều và nhất thành bất biến. Đây là tiến trình thỏa thuận và thương lượng, mỗi cá nhân chấp nhận điều gì đó để nhận được điều gì đó, được thuyết phục tin vào điều gì đó để làm điều gì đó đáp ứng sự mong mỏi của họ. Nhìn chung đóng góp của Gramsci ở đây là phương pháp nhận thức kiến trúc thượng tầng của xã hội thông qua tổng thể các thực hành bá quyền hay là tổng thể quan hệ quyền lực của các nhóm xã hội. Góc nhìn này của ông tạo nên trào lưu “Trở về với Gramsci” (Turn to Gramsci) trong nghiên cứu văn hóa Anh – Mĩ.

Bá quyền trong quan niệm của Gramsci là sự kiến tạo, khuôn định, duy trì và phổ biến quan niệm về thế giới của nhóm xã hội. Vì vậy, bá quyền đặt định khuôn khổ để đánh giá các hiện tượng văn hóa nghệ thuật từ thế giới quan của nhóm hay giai cấp dẫn dắt xã hội, tạo nên sự phân biệt giữa văn hóa bình dân và văn hóa tinh hoa, văn hóa tiến bộ và văn hóa đi ngược với sự tiến bộ. Ý niệm này thể hiện qua việc Gramsci phân biệt giữa mô hình con người chính trị và mô hình con người nghệ sĩ trong xã hội. Con người chính trị nhìn mọi hiện tượng theo viễn tượng rằng chúng được sắp xếp trong một trật tự phát triển cho mục đích cuối cùng. “Đối với nhà chính trị, mỗi hình ảnh được cố định hóa là một sự phản động tiên nghiệm (a priori reactionary): anh ta xem xét sự vận động toàn bộ qua sự phát triển của nó”, Gramsci nói. Con người nghệ sĩ thì không như vậy, anh ta phải khớp nối các hình ảnh đầy màu sắc vào hình thức xác định, theo cách thức đầy mâu thuẫn và khác biệt. Do đó Gramsci cho rằng hai con người này không thể chấp nhận nhau và đồng nhất với nhau. Trong góc nhìn đó, Gramsci phê bình cách nhìn có tính chất chính trị đối với lịch sử nghệ thuật, xem lịch sử nghệ thuật như là lịch sử tiến triển của các trường phái, theo một lược đồ của những sự tiến bộ: “Một sai lầm nghiêm trọng là chấp nhận một chiến lược tiến triển duy nhất, theo đó mỗi sự tăng tiến mới tích lũy và trở thành tiền đề cho sự tăng tiến cao hơn. Không chỉ vì các chiến lược vốn đa tạp, mà ngay cả chiến lược gọi là tiến triển nhất cũng có những moment thoái lui”. Cái nhìn về lịch sử nghệ thuật như là lịch sử của sự tiến bộ như thế sẽ chỉ khái quát hiện thực của nghệ thuật theo viễn tượng và tầm nhìn của nhà nghiên cứu, và theo đó, thực tiễn nghệ thuật hiện ra như là trật tự định sẵn và tất yếu, cái trước tác động đến cái sau và là tiền đề cho cái sau.

Quan niệm của Gramsci gợi ý vấn đề đánh giá văn học, phân loại văn học và nhận thức lịch sử văn học. Thực tại đời sống văn học với những sáng tác vô cùng phong phú, đa dạng, luôn được lựa chọn, đánh giá từ hệ thống quan niệm nào đó. Trong quá khứ, văn học chữ Nôm thường bị các nhà nho cho là “nôm na mách qué”, như Truyện Kiều và thơ Hồ Xuân Hương. Theo góc nhìn này, văn học chữ Nôm không thuộc hệ chuẩn của Nho giáo, không có vai trò giáo hóa xã hội. Và như thế, trong một số trường hợp, nó hầu như được đặt ra bên ngoài không gian văn học chính thống. Trong giai đoạn hiện đại, văn học đại chúng như tiểu thuyết võ hiệp, tiểu thuyết dã sử và tiểu thuyết ngôn tình từng bị đặt ra ngoài lề của lịch sử văn học, theo nghĩa chúng không nằm trong lịch sử tiến triển của các trường phái hay sự cách tân nghệ thuật và tư tưởng. Nhìn suốt chiều dài lịch sử văn học, các tác phẩm văn học không chính thống, các tác phẩm bị đặt ra ngoài lề vì nội dung không hợp với sự khuôn định tư tưởng nào đó cũng biểu hiện cho việc nhà phê bình đã sử dụng tiêu chuẩn của các nhóm bá quyền để phân loại và định giá văn hóa nghệ thuật. Những cách nhìn và đánh giá như thế phản ánh một viễn tượng về lịch sử văn học từ góc nhìn hệ giá trị được phổ biến bởi nhóm hay giai cấp bá quyền. Chúng gạt ra bên ngoài những tiếng nói khác biệt về hệ giá trị, tiếng nói của các nhóm thiểu số, hay là văn học thiểu số. Quan niệm của Gramsci, vì thế, có thể gợi lên những câu hỏi cho nhận thức lịch sử văn học hiện nay ở Việt Nam: Lịch sử văn học cần được miêu tả như thế nào để cho thấy bức tranh đa dạng của những khác biệt, cũng như những hướng phát triển khác nhau, mà về bản chất là không thể đặt chung trong một hệ quy chuẩn và giá trị nào đó?

Để có thể đi đến một nhận thức mới về lịch sử nghệ thuật và lịch sử văn học, cần phải hiểu được vai trò của văn học đại chúng nói riêng và văn hóa đại chúng nói chung đối với quan hệ quyền lực và bá quyền của nhóm xã hội thống trị hệ thống quy chuẩn và giá trị. Trong góc nhìn của Gramsci, văn hóa đại chúng chính là không gian văn hóa mà tầng lớp trí thức, những người đại diện cho tiếng nói của các nhóm xã hội, phản hồi với sự đặt định thế giới quan của các nhóm bá quyền. Tầng lớp trí thức trong quan niệm của Gramsci không hẳn là những người được đào tạo, có bằng cấp và vị trí trong hệ thống giáo dục và khoa học, mà chủ yếu là những người sinh ra cho nhu cầu nhận thức bản sắc và vai trò của nhóm xã hội trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị và xã hội, nên cái nhìn của họ gắn bó với cái nhìn của các nhóm xã hội này. Trên cơ sở đó, Gramsci phân biệt hai loại trí thức, tạm gọi là trí thức cơ hữu và trí thức truyền thống. Trí thức cơ hữu là người gắn bó với các nhóm xã hội, họ nhận thức xã hội thông qua sự tham dự vào đời sống xã hội chính trị, đấu tranh cho quyền lợi và tiếng nói của nhóm xã hội. Ví dụ như các nhóm xã hội đấu tranh cho nữ quyền hay các nhóm đấu tranh cho quyền cất tiếng nói của người đồng tính luôn có những người định hình cho nhóm một bản sắc, và kiến tạo cho nhóm một cái nhìn để diễn giải lại vai trò của họ, tính cá biệt của họ, nhằm hợp thức hóa tiếng nói của họ trong xã hội. Ngược lại là trí thức truyền thống, những người cách li hay độc lập khỏi các vấn đề xã hội. Theo Gramsci, vai trò của tầng lớp trí thức cơ hữu là tạo ra sự thương lượng (negotiation) với các định chế của các nhóm bá quyền từ thế giới quan hết sức đa dạng và khác biệt của các nhóm xã hội thiểu số. Sự thương lượng ở đây được hiểu là họ cất lên tiếng nói cho quyền và vị trí của các nhóm xã hội, giữ vị trí trung gian giữa các nhóm bá quyền và các nhóm thiểu số. Chính ở đây, Gramsci cho rằng xã hội dân sự (civil society), với sự tồn tại của các nhóm xã hội khác nhau dưới hình thức các định chế tư nhân, tạo nên một không gian đa dạng và nhiều chiều cho tầng lớp trí thức thực hiện vai trò thương lượng cho các nhóm xã hội của họ.

Gramsci đề cập đến tầng lớp trí thức là các nhà văn. Theo ông, nhà văn khác với nhà chính trị ở chỗ họ có thể thấy được những khác biệt trong hình thức ổn định, nhận ra được mâu thuẫn giữa các nhóm xã hội. Gramsci phân tích trường hợp sự thành công của vở kịch Ngôi nhà búp bê của Ibsen như là trường hợp tiêu biểu. Vở kịch kể về một người vợ sống trong xã hội mà quyền hợp pháp của người phụ nữ về tài sản không được chấp nhận. Cô ta muốn giúp chồng nên đã phải vay nợ một cách không hợp pháp, nhưng lại bị người chồng phê phán và xem thường vì hành động đó. Cuối cùng, cô đã rời bỏ người chồng của mình. Vở kịch cất lên tiếng nói của người phụ nữ mà vị trí của họ không được xem trọng và thừa nhận, thậm chí là từ người chồng của mình, vì thế hành động tốt đẹp của họ bị phê phán cả về mặt nhận thức và đạo đức. Trong vở kịch này, nhà văn đã thể hiện khuynh hướng đạo đức và tinh thần đại diện cho xu hướng mới của xã hội đấu tranh chống lại bá quyền trong nhận thức về vai trò khác nhau của giới, thể hiện sự trưởng thành có tính lịch sử trong bản thân hành vi xã hội. Theo Gramsci, sở dĩ vở kịch có được sự thành công như thế là do Ibsen đã sống trong đời sống thực với “toàn bộ những nhu cầu mâu thuẫn” của nó, nên vở kịch của ông đem đến được “sự đồng cảm sâu sắc” từ đại chúng. Vì thế, nó đại diện cho tiếng nói của trí thức thỏa thuận với các định chế bá quyền trực tiếp của nhà nước do các nhóm có quyền lực lãnh đạo.

Nhìn chung Gramsci đã gắn kết ý niệm về đại chúng (popular) trong văn hóa đại chúng và văn học đại chúng với vấn đề bá quyền văn hóa hơn là vấn đề phổ biến văn hóa và các hệ giá trị văn hóa. Theo đó, tiếng nói thiểu số sở dĩ là thiểu số vì nó xuất phát từ nhu cầu cá nhân phổ quát nhưng bị đè nén và áp chế về mặt giá trị bởi các định chế xã hội bá quyền. Để thoát khỏi vị thế thiểu số, nó phải được nhận thức, được diễn giải và được phổ biến thế giới quan của mình thông qua sự thương lượng để tạo nên những hệ giá trị khác nhau thể hiện những nhu cầu và viễn tượng khác nhau của con người trong đời sống thực. Và không gian đa dạng hết sức khác nhau của văn hóa đại chúng chính là nơi các tiếng nói thiểu số có thể thực hiện được vai trò của chúng. Có thể nói như Stuart Hall, điều Gramsci gợi ra vẫn còn hữu ích cho chúng ta hôm nay chính là sự tôn trọng những cái khác biệt, là việc lắng nghe âm vọng lịch sử từ những tiếng nói khác, những tiếng nói chưa định hình, cố kết, mà còn tồn tại dưới dạng hỗn độn, chưa có giá trị và thậm chí không có khung để đánh giá chúng. Muốn vậy, chúng ta phải vượt qua những hệ thống quy chuẩn và giá trị được định chế hóa, đã cố kết trong nhận thức của chúng ta về lịch sử, về sự sinh thành, tồn tại và lặng im của các tiếng nói trong đời sống văn hóa.

Theo HOÀNG PHONG TUẤN / VĂN NGHỆ QUÂN ĐỘI

Tags: ,