Toàn cầu hóa và các vấn đề môi trường nảy sinh trong nông nghiệp và nông thôn

Toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế vừa có tác động tích cực vừa có tác động tiêu cực đối với môi trường sinh thái nông thôn.

Toàn cầu hóa và các vấn đề môi trường nảy sinh trong nông nghiệp và nông thôn

Bài viết của GS. TS Lê Văn Khoa, PGS. TS Hoàng Xuân Cơ .

Toàn cầu hóa kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế với những đặc điểm cơ bản như: đầu tư gia tăng; mở rộng thương mại quốc tế, tính cạnh tranh gay gắt và việc đổi mới công nghệ diễn ra nhanh mạnh, phổ biến tạo ra sự thay đổi cơ cấu thị trường rộng lớn và sâu sắc. Với việc tự do hoá nền kinh tế sau thời kỳ mở cửa năm 1980, Việt Nam đã thực sự tham gia vào nền kinh tế thế giới.

Quá trình hội nhập và hợp tác quốc tế gia tăng đã gây ra nhiều tác động tới môi trường thông qua các hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế, du lịch, nghỉ dưỡng và nghiên cứu khoa học. Những tác động này có thể phân loạn như sau:

Tác động theo quy mô: Việc đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp đi đôi với gia tăng sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và mở rộng mạng lưới tưới tiêu, dẫn đến ô nhiễm đất, nước, mặn hóa, chua phèn và nhiều hậu quả khác. Đối với các khu đô thị, khu tập trung làng nghề, có thể phải giành nhiều đất để xây dựng các khu công nghiệp, khu chế xuất gây ô nhiễm không khí, chất thải rắn và lỏng.

Tác động lên cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Hội nhập quốc tế theo cơ chế thị trường luôn đi cùng với thay đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp và chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Ở các vùng nông thôn, nhiều loại sản phẩm, mặt hàng vốn không phải là sản phẩm truyền thống của địa phương lại được đưa vào sản xuất. Nhiều vùng nông thôn trước đây hoang vắng thì nay lại là các khu chế xuất sầm uất, khu du lịch sinh thái quốc tế, khu nuôi trồng thủy sản kéo theo sự phát triển của thương mại và dịch vụ.

Tác động lên công nghệ. Quá trình hội  nhập và hợp tác quốc tế sẽ làm thay đổi hình thái quản lý, xử lý chất thải và các công nghệ chống ô nhiễm. Sự phát triển nhanh chóng các làng nghề truyền thống để xuất khẩu hoặc trở thành nơi tham quan của du khách quốc tế, nhiều mặt hàng nông nghiệp như cà phê, lúa gạo, chè, cao su… đòi hỏi phải chế biến dẫn đến phải thay đổi công nghệ, nhập khẩu các thiết bị để đảm bảo sự phát triển mạnh trong sản xuất nhưng lại giảm thiểu về chất thải và ô nhiễm môi trường.

Tác động lên sản phẩm. Hội nhập và hợp tác quốc tế cũng tác động mạnh lên sản phẩm, đặc biệt là làm thay đổi mẫu hình tiêu thụ. Thị hiếu của khách quốc tế tăng lên theo xu thế tiêu thụ những mặt hàng có chất lượng cao, an toàn sinh thái. Đây là một xu hướng phát triển mới liên quan đến sản xuất nông nghiệp sạch, nhãn sinh thái, chứng chỉ môi trường, các tiêu chuẩn quốc tế về sản xuất (ISO 14001) và phát triển hệ thống du lịch sinh thái bền vững.

Toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế vừa có tác động tích cực vừa có tác động tiêu cực đối với môi trường sinh thái nông thôn. Một mặt, tự do hóa thương mại làm tăng quy mô trao đổi và buôn bán do đó khuyến khích việc khai thác sử dụng ngày càng nhiều hơn các nguồn đầu vào có nguồn gốc từ thiên nhiên và hậu quả là làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và hủy hoại môi trường, nếu chúng ta sử dụng tài nguyên không hợp lý. Tự do hóa thương mại còn là nguyên nhân lây lan ô nhiễm giữa các vùng, miền và quốc gia. Mặt khác, quá trình tự do hóa thương mại cũng tạo điều kiện để bảo vệ môi trường như phổ biến các công nghệ sạch, sản phẩm thân thiện với môi trường, tăng chi phí làm sạch môi trường, tăng cường hợp tác quốc tế để bảo vệ môi trường. Hơn nữa, áp lực cạnh tranh trong bối cảnh tự hóa buộc ngành nông nghiệp phải giảm chi phí, áp dụng các tiêu chuẩn môi trường để mở rộng thị trường dẫn đến tiết kiệm tài nguyên, tuân thủ các yêu cầu môi trường trong nước. Như vậy, tác động hai mặt của tự do hóa thương mại đối với môi trường nông nghiệp và nông thôn có thể khái quát theo một số điểm chủ yếu như sau:

Những tác động tích cực

Mở cửa và hội nhập đã tạo ra những điều kiện thuận lợi cho nước ta chú trọng hơn tới vấn đề bảo vệ môi trường.

Nhờ tham gia vào các tổ chức quốc tế về bảo vệ môi trường và được sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách về bảo vệ môi trường (BVMT), điển hình là sự ra đời của Luật Bảo vệ môi trường năm 1993 va Luật BVMT sửa đổi 2005. Đã từng bước nâng cao bước nhận thức của quần chúng (cả trong nhân dân và các nhà sản xuất) về vấn đề BVMT, góp phần hạn chế tình trạng gia tăng ô nhiễm tại các khu công nghiệp và trung tâm dân cư lớn, các vùng nông thôn, cũng như nạn tàn phá và sử dụng quá mức tài nguyên thiên nhiên.

Có điều kiện tiếp thu công nghệ cao, công nghệ ít hoặc không sinh sản chất thải. Nhiều dự án đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp đã đem theo vào nước ta những công nghệ tiên tiến nhất, ít gây ô nhiễm, sử dụng tài nguyên nông nghiệp hiệu quả hơn.

Tự do hóa thương mại tạo cho người tiêu dùng nhiều cơ hội lựa chọn các sản phẩm xanh và sạch. Một khi thu nhập gia tăng, nhu cầu về các loại hàng hóa và dịch vụ môi trường cũng tăng theo, do vậy nhà nước có thể nâng cao các tiêu chuẩn về môi trường về đất, nước và chất lượng nông sản.

Phát triển kinh tế theo hướng hạn chế khai thác tài nguyên, nâng cao chất lượng sản phẩm, thân thiện với môi trường tránh được nguy cơ ô nhiễm môi trường trong tương lai. Một điều nhận thấy rất rõ là từ năm 2001 đến nay, phần lớn hàng xuất khẩu nông sản và thủy sản của nước ta đã được chấp nhận ở các thị trường có tiêu chuẩn cao về môi trường như EU, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Việc thực hiện các Công ước quốc tế về môi trường dẫn đến việc kiểm soát hàng hóa nhập khẩu sẽ thuận lợi hơn, tránh được nguy cơ ô nhiễm từ bên ngoài, ngăn chặn phần nào tình trạng buôn bán các loài động và thực vật quý hiếm.

Việc cam kết cắt giảm các rào cản thương mại để tham gia vào các tổ chức thương mại thế giới, thực hiện các hiệp định quốc tế về môi trường tạo điều kiện để các doanh nghiệp nông lâm nghiệp, thủy sản cải thiện khả năng cạnh tranh của mình đồng thời nâng cao nhận thức về các vấn đề môi trường. Những yêu cầu vè những sản phẩm thân thiện với môi trường sẽ là áp lực để các doanh nghiệp cải tiến công nghệ, phương thức tổ chức kinh doanh nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường. Điều này một mặt tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa nông nghiệp Việt Nam, đồng thời giảm bớt nguy cơ ô nhiễm môi trường trong nông nghiệp và nông thôn.

Thông qua việc tham gia vào các tổ chức quốc tế khu vực, Việt Nam có thể đóng góp tiếng nói của mình trong các vấn đề về môi trường, thu thập thông tin, kiến thức về bảo vệ môi trường và nhận thức đầy đủ hơn về mối quan hệ giữa thương mại và môi trường; đồng thời có thể học hỏi được kinh nghiệm từ các nước khác trong việc duy trì hài hòa giữa lợi ích kinh tế từ thương mại quốc tế và BVMT.

Những tác động tiêu cực

Bên cạnh những tác động tích cực, hội nhập kinh tế quốc tế vừa qua cũng cho thấy một số tác động tiêu cực đối với môi trường trong nông nghiệp và nông thôn. Cho đến nay, xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu vẫn là xuất khẩu tài nguyên và hàng sơ chế (hơn 50% năm 2005), tỷ lệ hàng hóa chế biến xuất khẩu thấp (đạt 43% năm 2005), dẫn đến nguồn tài nguyên nông nghiệp của nước ta sẽ có nguy cơ bị cạn kiệt. Mặt khác, từ nhiều năm nay, người nông dân đã quen với phương thức sản xuất tùy tiện, sản phẩm nông nghiệp làm ra có chất lượng thấp như dư lượng thuốc BVTV trong rau, trong hải sản, trong hoa, trong quả, hoặc chứa hàm lượng NO3 cao do bón nhiều phân đạm để hấp dẫn và tăng tính thị hiếu của người tiêu dùng. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hàng hóa ngoại nhập có chất lượng tốt hơn, mẫu mã đẹp hơn trên thị trường thì rất có thể hàng hóa sản xuất theo phương thức cũ sẽ không có người tiêu thụ ở thị trường trong nước và như vậy người nông dân sẽ ‘thua ngay trên sân nhà’.

Thương mại là cơ chế luân chuyển hàng hóa và dịch vụ sản xuất từ địa điểm này sang người tiêu dùng tại địa điểm khác. Đặc tính này tạo cho người tiêu dùng khả năng hưởng thụ các sản phẩm tại đất nước mình không có hoặc không có khả năng sản xuất. Song, nếu các hàng hóa xuất khẩu được sản xuất ồ ạt theo cách thức phá hủy môi trường thì đương nhiên việc sản xuất hàng hóa cho mục đích thương mại sẽ gây ra nhiều hậu quả môi trường nghiêm trọng.

Tự do hóa thương mại có xu hướng làm tăng các hoạt động kinh tế nông nghiệp. Điều đó có nghĩa là sẽ có nhiều hơn nữa nguyên liệu, năng lượng được sử dụng vào các hoạt động sản xuất nông nghiệp như lượng xăng dầu, khai thác các nguồn năng lượng tái tạo (năng lượng sinh học, năng lượng mặt trời, năng lượng gió…) để vận hành máy móc nông nghiệp, để chế biến, phơi sấy nông sản; đồng thời còn kéo theo nhiều thay đổi trong việc sở hữu đất đai, tài sản, cách thức sử dụng đất đai, đe dọa môi trường tự nhiên.

Nhập khẩu của Việt Nam chủ yếu là nguồn nguyên liệu và công nghệ trong nước chưa sản xuất được từ thị trường các nước trong khu vực, đây không phải là công nghệ thân thiện với môi trường. Đã có trường hợp nhập khẩu những công nghệ lạc hậu mà những nước bán hàng không còn sử dụng được nữa (công nghiệp mía đường, dâu tằm…) và những loại động vật, hàng hóa gây tác động tiêu cực tới môi trường như ốc bươu vàng, hải ly…

Việt Nam tham gia hội nhập với kinh tế thế giới trong khi khuôn khổ luật pháp của ta còn chưa hoàn thiện, việc thực hiện pháp luật chưa nghiêm cùng với năng lực quản lý và giám sát thực hiện luật hạn chế đã dẫn đến một số hiện tượng ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường nước ta như buôn lậu động vật và tài nguyên quý hiếm, chặt phá rừng bừa bãi…

Theo VUSTA.VN

Tags: , ,