Tình trạng ‘bất an chiến lược’ tại châu Á – Thái Bình Dương và thách thức với Việt Nam

“Bất an chiến lược” là một khái niệm không mới trong quan hệ quốc tế nhưng những năm qua lại ít được đề cập tới. Tình trạng trên gây ảnh hưởng trực tiếp tới các xu hướng và nguy cơ mới tại khu vực như vấn đề chọn bên, nguy cơ chạy đua vũ trang v..v. Và với Việt Nam – đất nước có vị trí địa chiến lược quan trọng trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương thì việc phân tích tình trạng “bất an chiến lược” lại càng có vai trò quan trọng trong việc định hình và hoạch định chính sách đối ngoại.

Tình trạng ‘bất an chiến lược’ tại châu Á – Thái Bình Dương và thách thức với Việt Nam

“Bất an chiến lược là gì”?

Tình trạng “bất an chiến lược” được đề cập trong một bài nghiên cứu đăng trên tạp chí Nghiên cứu quốc tế vào năm 2018 của học giả Tô Anh Tuấn, đây là vấn đề nóng mang tính chiến lược và ảnh hưởng trực tiếp trong việc hoạch định chính sách đối ngoại của Việt Nam nhưng từ đó đến nay lại chưa được thảo luận, phân tích nhiều. Tình trạng “bất an chiến lược” có thể hiểu là sự lo lắng khi không có một khuôn mẫu chung cho các nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Với sự trỗi dậy mạnh mẽ và khả năng thách thức vị trí số một thế giới của Mỹ từ phía Trung Quốc buộc Washington phải thực hiện chính sách xoay trục về châu Á nhằm kiềm chế Bắc Kinh. Từ đó dẫn tới những nhận định rằng trật tự thế giới và khu vực đang sắp kết thúc[1].

Cả hai nước Mỹ và Trung Quốc đều có những chính sách với quy mô khu vực và thế giới với mục đích định hình ra “luật chơi” mới không chỉ cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương mà cho toàn thế giới mà tiêu biểu nhất là Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) và Chính sách Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương Tự do và rộng mở của Mỹ. Cả hai chiến lược này đã thúc đẩy các nước trong khu vực hành động để có phản ứng phù hợp với tình trạng “bất an chiến lược”.

Tác động, ảnh hưởng của tình trạng “bất an chiến lược” với các nước trong khu vực châu Á – Thái bình dương và hành động của các nước.

Vấn đề chọn bên, nỗ lực hình thành liên minh của các cường quốc và hình thái mới của hợp tác quốc tế

Hai chủ thể chính trong cuộc cạnh tranh chiến lược tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương là Mỹ và Trung Quốc, hai quốc gia này luôn tìm cách hình thành liên minh lôi kéo các nước trở thành đồng minh của mình chống lại nước kia. Ngoài các đồng minh truyền thống của Mỹ là Nhật Bản, Hàn quốc, Austrailia hay của Trung Quốc là Triều Tiên thì các quốc gia Đông Nam Á đang là trọng tâm tranh giành ảnh hưởng của hai siêu cường này.

Dịch về Nam Á còn có Ấn Độ cũng là một nhân tố đáng chú ý trong vấn đề chọn bên liên quan đến sự lôi kéo hình thành liên minh của Mỹ và Trung Quốc. Nhưng khác với các nước Đông Nam Á, Ấn Độ là nền kinh tế lớn thứ năm thế giới, với quy mô dân số hơn 1,4 tỷ người và được dự báo sẽ sớm vượt Trung Quốc trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới cùng với tiềm lực quân sự không thể xem thường. Cũng giống như các quốc gia trên toàn thế giới hiện nay, Ấn Độ sẽ luôn đặt lợi ích quốc gia là trên hết và việc lôi kéo, thuyết phục được Ấn Độ nghiêng hẳn về một phe sẽ đầy khó khăn với những ai đang có ý định đó. Trung Quốc là bên ít có lợi thế vì còn nhiều điểm còn bất đồng với Ấn Độ, đặc biệt là vấn đề chủ quyền lãnh thổ ở biên giới. Mỹ là bên đang thể hiện rõ nhất ý đồ thuyết phục Ấn Độ là đồng minh chống Trung Quốc của mình khi hai nước này cùng Úc và Nhật đã thành lập Bộ tứ kim cương (Quad). Tuy nhiên, Ấn Độ cũng bày tỏ lập trường của mình khi không cùng Mỹ tham gia cấm vận Nga và là một đối tác chính bên cạnh Trung Quốc đã tích cực thu mua dầu giá rẻ từ Nga mặc cho những phản ứng đến từ Mỹ.

Trước khi cuộc xung đột giữa Nga và Ukraina hình thái chủ đạo trong quan hệ quốc tế là hợp tác và sử dụng biện pháp đàm phán thương lượng để giải quyết các tranh chấp, xung đột nhưng sau khi cuộc xung đột diễn ra làm gia tăng nguy cơ các nước sẽ không còn ưu tiên giải pháp đàm phán, thương lượng để giải quyết các bất đồng. Nguy cơ tác động rõ nhất có lẽ sẽ ở khu vực Đông Á và những nguy cơ sẽ được phân tích rõ hơn trong phần nguy cơ chạy đua vũ trang tiếp theo.

Nguy cơ chạy đua vũ trang

Nỗ lực tập hợp đồng minh ắt sẽ dẫn tới hệ quả gia tăng nguy cơ chạy đua vũ trang giữa các nước. Biểu hiện rõ nhất là ở Đông Á khi Triều tiên liên tục thực hiện các vũ thử tên lửa hạt nhân, nhiều vụ đã bay qua không phận và vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản. Trước những mối nguy luôn thường trực không chỉ đến từ Triều Tiên mà còn cả từ Trung Quốc, Nhật bản đã quyết định tăng mạnh ngân sách quốc phòng để tăng cường năng lực quân đội, bảo vệ an ninh quốc gia của mình. Vào cuối năm ngoái, Nhật Bản đã công bố kế hoạch tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng lên 2% GDP trong 5 năm, từ 2023 -2027 trị giá 43.000 tỷ yên (khoảng 315 tỉ USD), kế hoạch này đưa Nhật Bản trở thành quốc gia chi tiêu cho quốc phòng lớn thứ ba thế giới chỉ sau Mỹ và Trung Quốc[2]. Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga vào Ukraina đã tạo ra một tiền lệ xấu thúc đẩy Trung Quốc thực hiện những hành động tương tự với Đài Loan và gây ra những cuộc khủng hoảng an ninh nghiêm trọng trong khu vực. Lo ngại trên là hoàn toàn có cơ sở khi Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình còn nắm quyền đến ít nhất năm 2028 và nhiều lần khẳng định quyết tâm đưa Đài Loan trở thành một phần của Trung Quốc. Đây là tác nhân chính đưa Nhật Bản tới quyết định trên. Trước sức ép từ những vụ thử tên lửa liên tiếp từ chính quyền Bình Nhưỡng, Hàn Quốc cũng tổ chức những cuộc tập trận quy mô lớn nhất trong những năm gần đây với Mỹ. Tiêu biểu là cuộc tập trận “lá chắn tự do” kéo dài ít nhất 10 ngày với sự tham gia của nhiều vũ khí tối tân như máy bay ném bom B52-H, các tiêm kích F-35, F-15[3] v..v. Những hành động trên của cả hai phía sẽ còn tiếp tục kéo dài trong tương lai và đẩy khu vực Đông Á vào tình trạng luôn căng thẳng, đối đầu nhau. Thậm chí gần đây Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeon còn tuyên bố sẽ không loại trừ khả năng nước này sẽ triển khai hoặc phát triển vũ khí hạt nhân nếu mối đe dạo từ Triều Tiên trở nên nghiêm trọng hơn[4]. Từ Đông Á, hoàn toàn có khả năng cuộc chạy đua vũ trang sẽ mở rộng hơn ra khu vực châu Á – Thái Bình Dương với những quy mô khác nhau vì mỗi nước cũng sẽ ít nhiều có những nhu cầu để đảm bảo an ninh quốc gia trước những mối nguy cơ ở gần mình.

Vấn đề đặt ra đối với Việt Nam và đối sách cho tình trạng “bất an chiến lược”

Khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang trong giai đoạn tranh chấp chiến lược giữa hai siêu cường và trong tương lai gần sẽ chưa định hình ra được một khuôn khổ chung để các quốc gia lấy đó làm cơ sở để xử lí các vấn đề trong quan hệ quốc tế. Việt Nam, với vị thế địa chiến lược quan trọng trong khu vực sẽ luôn có vị trí trong việc hoạch định chính sách của các cường quốc nhằm định hình ra những luật lệ, khuôn khổ cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Vấn đề lớn nhất đặt ra đối với lãnh đạo của Việt Nam là hoạch định được một chính sách đối ngoại phù hợp với quan điểm, lợi ích quốc gia mà vẫn hài hoà được lợi ích của các nước lớn. Ngoài ra chính sách đối ngoại đó còn phải ứng biến linh hoạt với các biến động của thời cuộc. Nhưng chính sách đối ngoại cụ thể như thế nào là phù hợp, linh hoạt và hài hoà lợi ích giữa các bên thì còn mơ hồ và còn khá ít học giả có những bài nghiên cứu phân tích làm rõ.

Xét tới Trung Quốc thì đây có lẽ là nhân tố ít thay đổi khi mới đây nhất Chủ tịch nước Tập Cận bình đã đắc cứ nhiệm kì thứ 3 và tại vị ít nhất đến năm 2028, nắm quyền lực tối cao tại Đảng Cộng sản Trung Quốc. Từ đó có thể dự đoán rằng những chính sách của Trung Quốc với khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ ổn định, dễ dự đoán. Dù muốn hay không, thì có một thực tế khách quan là ở phía bắc của Việt Nam có một “anh bạn láng giềng” to lớn, hùng mạnh về kinh tế, quân sự, chính trị hơn Việt Nam rất nhiều lần. Có thể nhìn vào lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, kẻ thù chủ yếu của Việt Nam đến từ phía bắc, trong thời bình hiện tại Trung Quốc còn là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam với tổng kim ngạch thương mại năm 2022 là 175,57 tỷ USD[5]. Do vậy mà từng hành động của Hà Nội trên trường quốc tế để đảm bảo hoàn toàn lợi ích của quốc gia dân tộc ít nhiều đều phải xét tới yếu tố Trung Quốc và phản ứng, thái độ của Bắc Kinh. Ở châu Âu, Ukraina có khá nhiều điểm tương đồng với Việt Nam, nằm bên cạnh một đất nước rộng lớn gấp nhiều lần, đều đứng giữa những lợi ích của cường quốc đang cạnh tranh chiến lược với nhau đó là Nga với Mỹ và phương Tây. Với Nga, lằn ranh đỏ đối với Ukraina chính là việc trở thành thành viên của NATO, khi Ukaine tỏ rõ thái độ muốn gia nhập NATO ngả theo Mỹ và phương Tây, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga diễn ra tại Ukraina. Vậy lằn ranh đỏ của Trung Quốc đối với Việt Nam sẽ là ở đâu? Nhưng trước hết có thể khá chắc chắn rằng nếu Việt Nam vượt qua lằn ranh đỏ của Trung Quốc thì cũng rất khó có khả năng xảy ra xung đột vũ trang trực tiếp giữa hai nước, những sức ép chủ yếu đến từ lĩnh vực kinh tế, ngoại giao, chính trị v..v. Vì trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay và với tiềm lực của Trung Quốc, gây sức ép về mặt kinh tế sẽ hiệu quả và ít tốn kém và an toàn hơn nhiều so với các hoạt động quân sự đối với Việt Nam. Những lằn ranh đó có thể đề cập tới một vài vấn đề như sau. Đầu tiên là việc nâng cấp quan hệ ngoại giao với Mỹ lên đối tác chiến lược, hay cao hơn nữa là đối tác chiến lược toàn diện, hiện nay quan hệ giữa Mỹ – Việt Nam mới chỉ dừng lại ở đối tác toàn diện được thiết lập vào năm 2013[6], hoàn toàn không tương xứng với mối quan hệ của hai nước hiện tại khi Mỹ đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam, chỉ sau Trung Quốc. Chính phía Mỹ cũng đã nhiều lần đề nghị Việt Nam nâng cấp mối quan hệ nhưng phía Việt Nam luôn tìm cách từ chối khéo, một trong những nguyên nhân chủ yếu cho phản ứng trên là Việt Nam e ngại những hành động phản ứng thái quá đến từ Trung Quốc. Một quốc gia ngay sát vách Trung Quốc với mối quan hệ kinh tế, chính trị, ngoại giao lâu đời mà giờ đây nâng cấp quan hệ ngoại giao với đối thủ chính trong cuộc cạnh tranh chiến lược lớn nhất thế kỉ 21 – Mỹ, là điều Trung Quốc khó có thể chấp nhận. Một mối quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ của Việt Nam có thể khiến Trung Quốc khó chịu và gửi một vài tín hiệu cảnh báo như đóng cửa biên giới để hàng hoá không thể thông thương. Nhưng một mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ và đưa quan hệ Việt Nam – Trung Quốc và Việt Nam – Mỹ ngang bằng với nhau có thể sẽ vượt qua lằn ranh đỏ và khiến Trung Quốc thực sự nổi giận. Những phản ứng chắc chắn sẽ quyết liệt, gay gắt và không thể lường trước được hậu quả, tuy nhiên cho đến hiện tại Đảng Cộng sản Việt Nam và Chính phủ Việt Nam vẫn đang giải quyết vấn đề này khá tốt khi vẫn đưa ra được những giải pháp để từ chối lời mời của Mỹ nhưng vẫn không làm mất lòng các quan chức tại Nhà Trắng từ đó giữ vững mối quan hệ ngoại giao hữu hảo với chính quyền Bắc Kinh.

Còn đối với Mỹ là biến số khó để dự đoán hơn khi cứ 4 năm 1 lần nước Mỹ lại diễn ra một cuộc bầu cử và một vị tổng thống ở Đảng đối lập được bầu lên có khả năng sẽ đảo lộn những chính sách đối ngoại của người tiền nhiệm. Điều này sẽ gây khó khăn cho Việt Nam trong việc hoạch định một chính sách đối ngoại lâu dài phù hợp. Mặc dù vậy, chiến lược chính của Mỹ vẫn luôn là kiềm chế Trung Quốc và tìm cách kéo Việt Nam gần lại với Washington hơn để cùng ngăn chặn sự trỗi dậy của Bắc Kinh, chỉ là bằng cách này hoặc cách khác tuỳ theo từng quan điểm của các vị tổng thống của nền kinh tế số một thế giới. Như đã phân tích ở phần trên, Mỹ sẽ cố gắng tìm cách để thuyết phục Việt Nam nâng cấp quan hệ ngoại giao lên đối tác chiến lược. Nâng cấp quan hệ sẽ là một bước đệm cho những tính toán xa hơn của Mỹ, nếu tình hình ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói chung và tình hình ở biển Đông nói riêng trở lên căng thẳng tới mức nguy cơ cao sẽ xảy ra một cuộc xung đột vũ trang thì việc Mỹ triển khai được lực lượng hải quân tại quân cảng Cam Ranh của Việt Nam là một lợi thế vô cùng lớn. Trong trường hợp xung đột xảy ra tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, lực lượng quân đội Mỹ có thể triển triển khai đồng bộ từ tất cả các hướng như đảo Guam, Nhật Bản và Hàn Quốc cùng với lực lượng ở quân cảng Cam Ranh, Philippines có thể phong toả, bao vây mọi lối ra biển Hoa Đông và biển Đông của Trung Quốc, từ đó nắm lợi thế chiến lược trong việc giành thắng lợi cuối cùng. Mặc dù vậy, khả năng Mỹ có thể sử dụng một căn cứ quân sự bên trong lãnh thổ Việt Nam phục vụ cho tham vọng của họ là điều gần như không thể xảy ra.

Bài học nhãn tiền hiện tại với Ukaine khi đã tự đặt mình trở thành chiến trường cạnh tranh chiến lược cho các siêu cường và hơn ai hết Việt Nam cũng đã từng trải quả quá khứ đau thương với hơn 20 năm đất nước bị chia cắt trong thời kì chiến tranh lạnh. Máu xương của hàng triệu người lính đã anh dũng hi sinh để có được độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, Bắc – Nam liền một dải từ đó luôn nhắc nhở mỗi thế hệ lãnh đạo cũng như từng người dân đều có trách nhiệm to lớn trong việc giữ gìn độc lập, toàn vẹn lãnh thổ, tỉnh táo đưa ra những quyết sách để không trở thành chiến trường của các siêu cường, không chỉ vậy mà còn có nhiệm vụ phát triển nội lực của quốc gia dân tộc, đưa đất nước phát triển hiện đại, văn minh. Làm được điều đó, Việt Nam ta sẽ không còn phải lo lắng việc bị lôi kéo vào cuộc cạnh tranh giữa các nước lớn mà có riêng cho mình tiếng nói có trọng lượng hơn trên trường quốc tế.

————————–ra

Tài liệu tham khảo:

[1] Tô Anh Tuấn, (2018), “Tình trạng “Bất an chiến lược” ở châu Á – Thái Bình Dương: Nguyên nhân và giải pháp”, Nghiên cứu quốc tế, https://sti.vista.gov.vn/tw/Lists/TaiLieuKHCN/Attachments/269015/CVv182S92018163.pdf
[2] Minh khôi, (2022), “Nhật bản tăng mạnh ngân sách quốc phòng”, Báo Điện tử Tuổi trẻ, https://tuoitre.vn/nhat-ban-tang-manh-ngan-sach-quoc-phong-20221216182506559.htm
[3] Bình An, (2023), “Mỹ -Hàn tập trận lớn nhất trong 5 năm bất chấp phản ứng của Triều Tiên”, Báo Điện tử Tuổi trẻ, https://tuoitre.vn/my-han-tap-tran-lon-nhat-trong-5-nam-bat-chap-phan-ung-cua-trieu-tien-20230313072133045.htm
[4] Đức Hoàng, (2023), “ Tổng thống Hàn Quốc nêu kịch bản nếu Seoul có thể phát triển vũ khí hạt nhân”, Báo Điện tử Dân trí, https://dantri.com.vn/the-gioi/tong-thong-han-quoc-neu-kich-ban-seoul-co-the-phat-trien-vu-khi-hat-nhan-20230112163612063.htm
[5] “Trao đổi thương mại giữa Việt Nam và các đối tác lớn nhất năm 2022”, (2023), Báo Điện tử Đài Truyền hình Việt Nam, https://vtv.vn/kinh-te/infographic-trao-doi-thuong-mai-giua-viet-nam-voi-cac-doi-tac-lon-nhat-nam-2022-20230112153005648.htm
[6] Duy Linh, (2022), “Mỹ tự hào vì 9 năm quan hệ “Đối tác toàn diện” với Việt Nam”, Báo Điện tử Tuổi trẻ, https://tuoitre.vn/my-tu-hao-vi-9-nam-quan-he-doi-tac-toan-dien-voi-viet-nam-20220725213043225.htm

Theo PHẠM QUANG PHÚC / NGHIÊN CỨU CHIẾN LƯỢC

Tags: , ,