Tính logic địa chính trị trong cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung

Địa chính trị bao gồm các vấn đề chính trị, kinh tế và quân sự. Khi so sánh Trung Quốc và Nhật Bản, chúng ta phải chú ý cả ba vấn đề này. Trong trường hợp của Nhật Bản, các cân nhắc quân sự được ưu tiên hơn hai vấn đề kia và hạn chế các hành động của Mỹ. Trong trường hợp của Trung Quốc, cả chính trị và kinh tế đều thúc đẩy Mỹ hành động, trong khi không có sự cân nhắc về quân sự để ngăn chặn Mỹ. Tính lô gíc địa chính trị đã đưa chúng ta đến điểm này. Và Mỹ khó có thể lùi bước nếu Trung Quốc không nhượng bộ.

Tính logic địa chính trị trong cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung

Bài viết của tác giả George Friedman, nhà dự báo và chiến lược gia địa chính trị được quốc tế công nhận về các vấn đề quốc tế và là người sáng lập và chủ tịch của Geopolitical Futures. Bài viết được đăng trên Geopolitical Futures.

Kể từ khi Donald Trump nhậm chức năm 2017, Mỹ đã đưa ra một loạt biện pháp nhằm cố gắng giảm mất cân bằng thương mại với Trung Quốc. Nhưng quyết định áp thuế Trung Quốc của Trump đã có từ trước một thập kỷ khi các đàm phán thất bại trong việc thiết lập một mối quan hệ thương mại công bằng hơn giữa hai nước. Chính quyền Obama đã có nhiều cuộc gặp cấp cao với các quan chức Trung Quốc để thảo luận về các rào cản của Trung Quốc đối với các mặt hàng nhập khẩu của Mỹ và thao túng đồng nhân dân tệ. Cho dù đúng hay không, các đời chính quyền Mỹ đều cho rằng Trung Quốc đã được hưởng lợi khi tiếp cận tự do thị trường Mỹ mà không đáp lại thứ gì.

Người Trung Quốc thể hiện muốn thỏa hiệp, nhưng họ không đáp ứng yêu cầu của Mỹ được tiếp cận sâu hơn vào thị trường Trung Quốc. Nền kinh tế Trung Quốc lâu nay phụ thuộc vào xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài, vì thị trường nội địa của chính họ không thể hấp thụ số lượng lớn hàng hóa mà ngành công nghiệp Trung Quốc sản xuất. Nhưng với sự bắt đầu mạnh mẽ của cuộc khủng hoảng tài chính 2008, thị trường trong nước nhìn chung mang lại một ý nghĩa hoàn toàn mới.

Ví dụ Nhật Bản

Có một số điểm tương đồng giữa mối quan hệ thương mại Mỹ-Trung ngày nay và quan hệ thương mại Mỹ-Nhật trong những năm 1980 của thế kỷ trước. Trong suốt những năm 1970 và 1980, sản xuất công nghiệp Nhật Bản đã vượt quá nhu cầu trong nước, và Nhật Bản đã phải đóng cửa phần lớn thị trường của mình để nhập khẩu từ Mỹ. Từ giữa cho đến cuối những năm 1980 là thời điểm căng thẳng cực độ giữa hai nước. Mỹ đã đưa ra các mối đe dọa trả đũa nghiêm trọng, nhưng không thực hiện vì hai lý do. Thứ nhất, Nhật Bản là đồng minh chiến lược của Mỹ. Sự cần thiết phải ngăn chặn Vladivostok – đòi hỏi sự hợp tác của Nhật Bản – còn quan trọng hơn cả việc mất cân bằng thương mại của Mỹ với Nhật Bản. Thứ hai, vào cuối những năm 1980, nền kinh tế Nhật Bản bắt đầu sụp đổ. Cạnh tranh từ các trung tâm sản xuất khác đã buộc Nhật Bản giảm giá xuất khẩu, điều này làm giảm tỷ suất lợi nhuận và làm suy yếu hệ thống ngân hàng vốn là trụ đỡ cho ngành công nghiệp xuất khẩu của Nhật Bản. Các ngân hàng bị thu hẹp và phá sản, có nghĩa các nhà sản xuất Nhật Bản không thể xuất khẩu ở mức tương tự như trước đây.

Nhưng trước khi các ngân hàng sụp đổ, đã có sự cay đắng và tình cảm chống Nhật ở Mỹ về việc mất việc làm cho các nhà sản xuất Nhật Bản. Hôm nay, chúng ta chứng kiến những phản ứng tương tự đối với Trung Quốc. Và Trung Quốc cũng hiện đang phải đối mặt với cạnh tranh mạnh mẽ và hạ giá thành, trong khi cố gắng bước vào các thị trường cạnh tranh khác cao hơn về công nghệ.

Điều đó nói lên rằng, có một sự khác biệt cơ bản giữa Nhật Bản và Trung Quốc. Nhật Bản là một tài sản chiến lược đối với Mỹ- trong một chừng mực nào đó, đã giúp kiềm chế cọ sát kinh tế. Trong khi đó, Trung Quốc không những không phải là tài sản chiến lược của Mỹ mà thực tế còn bị coi là một mối đe dọa chiến lược. Bắc Kinh vừa là mối đe dọa quân sự và kinh tế sẽ buộc các phản ứng khác nhau từ Washington.

Nhưng Trung Quốc đã làm theo chiến lược của Nhật Bản trong việc đối phó với Mỹ. Họ đã tổ chức nhiều cuộc họp mà kết thúc không có giải pháp nào. Vì dường như không có đòn bẩy nào để buộc Trung Quốc thay đổi chính sách của họ, nhiều chính quyền Mỹ đơn giản là tiếp tục tổ chức các cuộc đàm phán mà dường như cuối cùng chẳng đi đến đâu. Trong các cuộc đàm phán, Trung Quốc được hỗ trợ bởi các khoản đầu tư lớn vào Trung Quốc do các công ty Mỹ thực hiện, điều này đã thúc đẩy Washington duy trì mối quan hệ ổn định với Bắc Kinh. Nhưng trong khi những công ty này được hưởng lợi từ mối quan hệ với Trung Quốc, thì người ta luôn đặt câu hỏi liệu nền kinh tế Mỹ có được hưởng lợi như vậy hay không. Họ đến Trung Quốc để tận dụng giá nhân công rẻ, nhưng để làm vậy, họ phải đóng cửa các nhà máy ở Mỹ và loại bỏ những công nhân Mỹ. Đây chính là điểm mấu chốt vì sự giàu có chỉ được tạo ra khi họ ở Trung Quốc.

Một sự thay đổi

Trong các chính quyền trước đây, việc các doanh nghiệp Mỹ thuê sản xuất bên ngoài đã gây khó khăn cho hành động chống lại Trung Quốc. Nhưng sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, sự dịch chuyển ồ dạt của tầng lớp lao động công nghiệp mạnh mẽ trước đây đã tạo ra một bộ phận dân chúng đông đảo và giận dữ có tác động chính trị lớn giống như các doanh nghiệp Mỹ hoạt động ở Trung Quốc. Việc lựa chọn tiếp tục các cuộc đàm phán không có tác động đến chính sách của Trung Quốc đã dần tan biến.

Và vì vậy, chính quyền Trump đã sử dụng thuế quan để cố gắng buộc Trung Quốc mở cửa thị trường để cạnh tranh với Mỹ. Vấn đề là nền kinh tế Trung Quốc không có khả năng chấp nhận sự cạnh tranh như vậy. Khủng hoảng tài chính đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành xuất khẩu của Trung Quốc khi suy thoái kinh tế toàn cầu giảm nhu cầu hàng hóa Trung Quốc. Điều này làm tổn thương nền kinh tế rất nhiều, làm mất cân bằng trong một cuộc khủng hoảng vẫn còn ảnh hưởng ở Trung Quốc ngày nay. Giải pháp chính của Trung Quốc cho vấn đề này là tăng tiêu dùng nội địa– một nhiệm vụ tỏ ra khó khăn bởi sự phân phối của cải ở Trung Quốc, các thị trường tài chính không thể tăng mạnh tín dụng tiêu dùng và việc xác định ngành công nghiệp Trung Quốc nhắm mục tiêu người tiêu dùng nước ngoài, thay vì trong nước. Việc bán iPads cho người nông dân Trung Quốc là điều không dễ dàng.

Cho phép Mỹ tiếp cận thị trường Trung Quốc sẽ là nỗi đau nếu không muốn nói là thảm họa. Thị trường nội địa Trung Quốc là bến đỗ duy nhất mà Trung Quốc có và nhu cầu của Mỹ tiếp cận sâu hơn là không thể đáp ứng. Trung Quốc đã trả đũa thuế quan của Mỹ nhưng rất yếu. Xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ chiếm 4% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), trong khi xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc chỉ chiếm 0,5% GDP. Trung Quốc có thể gây thiệt hại cho Mỹ ít hơn là Mỹ gây thiệt hại cho Trung Quốc. Nhiều người chỉ trích đòn thuế của chính quyền Trump đối với Trung Quốc gây thiệt hại cho các nông trang và các nhà máy của Mỹ. Những chỉ trích này là hợp lý, nhưng nó không vẽ lên bức tranh đầy đủ.

Trung Quốc phản ứng bằng cách hạ thấp giá trị của đồng nhân dân tệ, do đó làm cho hàng xuất khẩu của họ rẻ hơn. Chiến lược này sẽ có hiệu quả trong ngắn hạn, nhưng vì nó làm tăng giá các mặt hàng như dầu mỏ, thì đây không phải là giải pháp dài hạn. Nó cũng chứng minh quan điểm của những người cho rằng Trung Quốc thao túng tiền tệ để củng cố vị thế là nhà xuất khẩu hàng đầu. Điều quan trọng cần nhớ rằng đây không phải là một lời buộc tội mới; chính quyền Obama đã rất tức giận về vấn đề này nhưng không trả đũa. Chính quyền Trung cũng đã nhiều lần lặp lại cáo buộc này và, đầu tháng 8, đã chính thức gán mác cho Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ.

Nhưng Trump gần đây đe dọa sẽ có hành động nghiêm khắc hơn: buộc các công ty Mỹ ở Trung Quốc rời đi hoặc trở về Mỹ. Nếu Mỹ quyết tâm thực hiện thì nó sẽ gặp một số vấn đề pháp lý và sẽ bị thách thức bởi các tòa án trong thời gian dài. Một động thái như vậy sẽ là một mối đe dọa lớn đối với các doanh nghiệp Mỹ, có thể còn hơn cả chính Trung Quốc. Về mặt chính trị, động thái này củng cố quan điểm của Trump trong số những người Mỹ đổ lỗi cho việc Trung Quốc lấy đi việc làm của họ. Và với một cuộc bầu cử đang đến gần, chiến lược đe dọa chính trị của Trump là rõ ràng. Nhưng đó cũng là áp lực mà Mỹ đang đặt lên Trung Quốc. Các công ty công nghệ cao nước ngoài hoạt động ở Trung Quốc là nguồn chính để Trung Quốc tiếp cận các công nghệ mới.

Địa chính trị bao gồm các vấn đề chính trị, kinh tế và quân sự. Khi so sánh Trung Quốc và Nhật Bản, chúng ta phải chú ý cả ba vấn đề này. Trong trường hợp của Nhật Bản, các cân nhắc quân sự được ưu tiên hơn hai vấn đề kia và hạn chế các hành động của Mỹ. Trong trường hợp của Trung Quốc, cả chính trị và kinh tế đều thúc đẩy Mỹ hành động, trong khi không có sự cân nhắc về quân sự để ngăn chặn Mỹ. Nếu Trung Quốc quyết định phản đối quân sự, tốt hơn họ nên làm điều này bây giờ khi họ vẫn còn yếu, thay vì sau này khi họ mạnh hơn. Tính lô gíc địa chính trị đã đưa chúng ta đến điểm này. Và Mỹ khó có thể lùi bước nếu Trung Quốc không nhượng bộ.

Theo NGHIÊN CỨU BIỂN ĐÔNG

Tags: , , ,