Quản lý và quản trị xã hội từ góc độ lý thuyết hệ thống

Quản lý và quản trị xã hội cần có cách tiếp cận lý thuyết hệ thống. Theo cách tiếp cận này, quản lý và quản trị xã hội là một tiểu hệ thống thực hiện chức năng định hướng phát triển bền vững cho cả xã hội. Đồng thời, quản lý và quản trị xã hội luôn hoạt động theo nguyên lý mở, hướng đích, hợp trội, đa chiều cạnh và phản trực cảm trong môi trường luôn biến đổi. Cần làm rõ những vấn đề này để tránh những lỗi hệ thống trong nghiên cứu, đào tạo và thực hành quản lý và quản trị xã hội trong bối cảnh mới hiện nay.

Quản lý và quản trị xã hội từ góc độ lý thuyết hệ thống

Tác giả: GS, TS Lê Ngọc Hùng, Viện Xã hội học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Nguồn: Tạp chí Lý luận chính trị số 9-2017.

1. Quản lý và quản trị xã hội

Quản lý

Henri Fayol (1841-1925) cho rằng: “quản lý tức là lập kế hoạch, tổ chức, chỉ huy, phối hợp và kiểm tra” (Gerer, cést planifier, diriger, coordonner et contrôler)(1). “Quản lý chỉ là biện pháp và công cụ của tổ chức xã hội…. Chức năng quản lý chỉ tác động đến con người”(2). Nhưng chức năng đó không trùng khớp với chức năng “lãnh đạo” như nhiều người từng quan niệm.

Tuy nhiên, trong thực tế hiện nay, khái niệm “người lãnh đạo”, “người quản lý” đang bị hiểu là một, dẫn đến trong nội dung chương trình đào tạo về khoa học quản lý chủ yếu chỉ nêu những kinh nghiệm, kỹ năng, biện pháp nhằm biến “người lãnh đạo”, “người quản lý” thành tác nhân, người phải làm thế thế này, phải ứng xử thế kia đối với “người bị lãnh đạo”, “người bị quản lý”. Điều này không sai, nhưng đang làm cho khoa học về quản lý chỉ là tập hợp các kinh nghiệm thực tiễn lãnh đạo, quản lý và đối tượng được đào tạo chỉ dành cho “cán bộ lãnh đạo, quản lý” mà quên mất mặt kia của vấn đề là cần phải đào tạo một cách khoa học về lãnh đạo, quản lý cho cả đội ngũ nhân viên.

Quản trị

Quản trị (governance) có nguồn gốc trong tiếng Latinh là “gubernare”, có nghĩa là lái, điều khiển, dẫn hướng. Quản trị là hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm soát một nhóm người, một tổ chức hay một quốc gia nhằm đáp ứng nhu cầu của họ. Quản trị được định nghĩa là việc thực thi quyền lực hay quyền hành bởi người lãnh đạo nhằm bảo đảm phúc lợi của các thành viên trong tổ chức hay cộng đồng. Theo nghĩa rộng hơn, quản trị là việc huy động và thực thi quyền lực nhằm mục tiêu phát triển hệ thống xã hội. Như vậy, quản trị xã hội là sự huy động và thực thi quyền lực xã hội nhằm mục tiêu phát triển xã hội, phát triển con người. Định nghĩa này không trực tiếp nói đến “quản lý xã hội” nhưng bao hàm cả quản lý xã hội. Do vậy, cần làm rõ nội hàm khái niệm quản trị xã hội với nghĩa bao hàm cả quản lý xã hội.

Trước kia, quản trị thường gắn với chính phủ (government), chính quyền và chủ yếu nói về quyền lực nhà nước, quản trị nhà nước. Nhưng từ những năm 1980 đến nay, nội hàm khái niệm quản trị được mở rộng bao gồm: (i) quản trị nhà nước với các chủ thể là các tổ chức và thể chế của nhà nước, (ii) quản trị xã hội dân sự với các tổ chức phi chính phủ và hộ gia đình (iii) quản trị thị trường, khu vực tư nhân với các tổ chức doanh nghiệp(3). Tuy nhiên, sự phân biệt ba loại quản trị này chỉ mang tính chất tương đối bởi quản trị nhà nước bao quát tất cả các khu vực công và khu vực tư, các lĩnh vực của đời sống con người, tổ chức, cộng đồng, gia đình và cá nhân. Căn cứ cấp độ, phạm vi hoạt động, có thể phân biệt quản trị địa phương, quản trị quốc gia, quản trị khu vực và quản trị toàn cầu. Căn cứ lĩnh vực đời sống xã hội, có thể phân biệt quản trị kinh tế, quản trị giáo dục, quản trị khoa học, quản trị xã hội và các loại quản trị khác.

Xã hội hiện tại có nhiều biến đổi nên không chỉ chức năng mà quản trị với tính cách là một tiểu hệ thống xã hội cũng biến đổi. Trước kia, quản trị chủ yếu là quá trình tập trung và thực thi quyền lực, quyền hành và quyền uy để chỉ huy, thống trị và kiểm soát. Nhưng ngày nay, quản trị bao gồm cả quá trình phi tập trung, quản lý quan hệ và tạo sự đồng thuận bởi bất kỳ một hoạt động chỉ huy và kiểm soát nào cũng bao gồm nhiều tổ chức, nhóm và cá nhân có mối quan hệ phân công, hiệp tác với tính cách vừa là chủ thể và khách thể, đối tượng và đối tác, đối thủ và đồng minh. Đặc biệt, trong quản trị nhà nước hiện nay có sự biến đổi từ “cai trị, thống trị, chỉ huy, ra lệnh, kiểm soát” sang “điều tiết, phục vụ, hỗ trợ và kiến tạo, phát triển”. Theo cách tiếp cận lý thuyết thể chế của Acemoglu và Robinson thì tương ứng với hai loại thể chế chính sách chiếm đoạt và dung hợp là hai kiểu quản trị chiếm đoạt và quản trị dung hợp, bao trùm. Sự biến đổi quản trị xã hội đang tuân theo xu hướng biến đổi từ quản trị chiếm đoạt sang quản trị dung hợp, bao trùm thu hút tất cả mọi người tham gia vào quá trình kiến tạo, phát triển.

Để hiểu rõ hơn mối quan hệ của quản trị với quản lý trong phạm vi tổ chức doanh nghiệp, có thể nghiên cứu trường hợp hội đồng quản trị trong công ty cổ phần. Điều 149 Luật Doanh nghiệp (2014) quy định: “Hội đồng quản trị là cơ quan quản lý công ty, có toàn quyền nhân danh công ty để quyết định, thực hiện các quyền và nghĩa vụ của công ty không thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông”. Như vậy chứng tỏ quản trị bao hàm quản lý tổng thể công ty. Trong công ty cổ phần, người quản lý bao gồm cả chủ tịch hội đồng quản trị và các thành viên hội đồng quản trị, người chủ sở hữu và những người có chức danh quản lý trong công ty. Điều này có nghĩa là “quản lý” bao hàm cả “quản trị”. Trong mô hình tổ chức quản lý của công ty cổ phần có “hội đồng quản trị” và chủ tịch hội đồng quản trị là người đại diện theo pháp luật của công ty. Đại hội đồng cổ đông có quyền và nghĩa vụ bầu, miễn, bãi nhiệm thành viên Hội đồng quản trị; xem xét và xử lý các vi phạm của Hội đồng quản trị. Việc xuất hiện “hội đồng quản trị” trong một tổ chức như công ty cổ phần chứng tỏ “quản trị” liên quan đến vấn đề quyền sở hữu và lợi ích của các bên tham gia tổ chức. Trọng tâm của quản lý là thực hiện các mục tiêu trong khuôn khổ đã được quản trị xác định. Trọng tâm của quản trị là bảo đảm cân bằng tăng lợi ích của các bên tham gia.

Đối với khu vực công, việc đo lường, đánh giá năng lực lãnh đạo, quản lý xác định 6 nhóm năng lực thành phần gồm(4): (i) năng lực đạo đức công vụ, (ii) năng lực am hiểu địa phương, (iii) năng lực chuyên môn, (iv) năng lực quản lý, điều hành, (v) năng lực quản trị nhân sự và (vi) năng lực quản trị bản thân.

Cấu trúc sáu thành phần này của năng lực lãnh đạo, quản lý cho thấy quản lý bao gồm cả quản trị cụ thể là quản trị nhân sự và quản trị bản thân. Riêng năng lực thành phần “quản lý, điều hành” có 9 năng lực, trong đó có “quản trị sự thay đổi”, “quản trị thông tin nội bộ” và “quản trị nguồn lực của tổ chức”. Riêng năng lực “quản trị bản thân” bao gồm 16 năng lực, trong đó có năng lực “quản trị áp lực trong công việc” và “quản lý thời gian”.

Việc tìm hiểu sơ bộ hai trường hợp quản trị trong công ty cổ phần và quản trị trong khung năng lực lãnh đạo, quản lý khu vực hành chính công cho thấy mối quan hệ tương tác, bổ sung lẫn nhau của quản trị với quản lý. Từ đó đặt ra vấn đề, một mặt sử dụng từ ngữ này để định nghĩa từ ngữ kia và mặt khác cần phân biệt quản trị, quản lý doanh nghiệp với quản trị, quản lý xã hội. Có thể cần sử dụng từ ngữ quản lý xã hội theo nghĩa rộng để nhấn mạnh tính toàn thể, tính hệ thống ở đối tượng, phạm vi của quản trị xã hội. Đồng thời, có thể vận dụng cách tiếp cận lý thuyết phân hóa(5) của Luhmann để định nghĩa quản trị xã hội là quản lý toàn thể xã hội với tính cách là hệ thống xã hội phân hóa, khác biệt hóa với môi trường. Định nghĩa này không phân biệt quản trị xã hội với quản lý xã hội mà tập trung làm rõ đặc trưng của quản lý xã hội, quản trị xã hội trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN.

2. Quản trị xã hội từ góc độ lý thuyết hệ thống

Quản trị xã hội từ góc độ lý thuyết hệ thống tổng quát

Bertalannfy (1950) là nhà khoa học tiên phong trong việc xây dựng lý thuyết hệ thống tổng quát với các khái niệm, nguyên lý có thể áp dụng cho tất cả loại hệ thống vật lý, hệ thống sinh học và hệ thống xã hội. Ông đã đưa ra khái niệm hệ thống mở và hệ thống đóng. Hệ thống mở là hệ thống luôn cởi mở để trao đổi chất với môi trường, nhờ vậy mà hệ thống mở sống động, tiến hóa, phát triển. Hệ thống đóng là hệ thống khép kín không trao đổi chất với môi trường, do vậy hệ thống đóng có xu hướng bị tan rã, phân hủy, tiêu tan. Hệ thống đóng là hệ thống vô cơ, vật lý và hệ thống mở là hệ thống sinh học và hệ thống xã hội. Các nguyên lý tổng quát của hệ thống mở gồm nguyên lý đẳng kết, tiệm biến, tự điều tiết và một số nguyên lý khác. Các nguyên lý này có thể vận dụng trong quản trị xã hội để bảo đảm tiến bộ và phát triển của xã hội với tính cách là hệ thống. Thí dụ: theo nguyên lý đẳng kết, cần thực hiện chính sách khuyến khích các cá nhân và các cơ quan, tổ chức, cộng đồng thực hiện nhiều loại việc làm khác nhau, sản xuất kinh doanh nhiều sản phẩm khác nhau với nhiều công nghệ khác nhau và tất cả mọi người chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa đều có thể đạt được mục tiêu giống nhau là tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống trong mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau tạo nên sự đoàn kết hữu cơ và cùng phát triển. Một xã hội chậm phát triển khi các cá nhân chỉ có một cách làm giàu, thí dụ tất cả đều làm một nghề nông nghiệp giống nhau, khi đó tất cả mọi người đều hao hao giống nhau, thiếu sự trao đổi, hợp tác phong phú, đa dạng.

Quản trị xã hội từ góc độ lý thuyết hệ thống bốn chức năng

Talcott Parsons có đóng góp lớn trong nghiên cứu và phát triển lý thuyết hệ thống tổng quát trong xã hội học theo hướng lấy chức năng để giải thích cấu trúc của hệ thống xã hội. Theo Parsons, bất kỳ một hệ thống xã hội nào cũng phải thực hiện ít nhất bốn yêu cầu chức năng để có thể sinh tồn, vận động và phát triển trong môi trường luôn biến đổi. Đó là chức năng thích ứng, hướng đích, đoàn kết và duy trì khuôn mẫu. Do vậy, hệ thống xã hội bị phân hóa thành bốn tiểu hệ thống mà mỗi hệ thống chuyên môn hóa vào thực hiện một chức năng. Các tiểu hệ thống này tương đối độc lập nhưng luôn tương tác với nhau tạo thành một cấu trúc tương đối ổn định, bền vững. Đến lượt nó, mỗi tiểu hệ thống có thể tiếp tục phân hóa thành bốn bộ phận tương ứng với bốn chức năng. Nguyên lý phân hóa hệ thống này có thể tiếp tục diễn ra tùy theo sự yêu cầu chức năng mà môi trường đòi hỏi. Thí dụ, một xã hội với tính cách là một hệ thống luôn có cấu trúc gồm bốn tiểu hệ thống tương ứng với bốn chức năng là (i) tiểu hệ thống kinh tế thực hiện chức năng thích ứng bằng cách sản xuất ra sản phẩm cần thiết cho toàn xã hội, (ii) tiểu hệ thống chính trị thực hiện chức năng hướng đích để vạch ra mục tiêu, đường lối hoạt động cho cả hệ thống; (iii) tiểu hệ thống pháp luật thực hiện chức năng đoàn kết xã hội để tạo ra trật tự của cả hệ thống bằng cách đề ra và đảm bảo các quy tắc ứng xử được tuân thủ; (iv) tiểu hệ thống văn hóa có chức năng duy trì những khuôn mẫu ứng xử phù hợp nhất cho cả hệ thống. Mỗi tiểu hệ thống này tiếp tục phân hóa thành bốn tiểu hệ thống tương ứng với bốn loại chức năng thích ứng, hướng đích, đoàn kết và duy trì khuôn mẫu. Sự phân hóa chức năng – cấu trúc của hệ thống cứ thế tiếp tục làm cho hệ thống xã hội trở thành một chỉnh thể của các thành phần và cấu trúc vô cùng phức tạp.

Vận dụng cách tiếp cận lý thuyết hệ thống bốn chức năng, có thể thấy quản trị xã hội có chức năng hướng đích cho cả hệ thống. Chức năng hướng đích này có thể được thao tác hóa thành những chức năng cụ thể là: (i) thiết kế và tổ chức các hoạt động đầu vào, hoạt động sản xuất và hoạt động đầu ra của cả hệ thống; (ii) xác định mục tiêu chung của cả hệ thống đảm bảo cân bằng lợi ích các bên tham gia; (iii) xác định hệ giá trị, chuẩn mực để đảm bảo sự đồng bộ, an toàn, trật tự; (iv) xây dựng và phát triển văn hóa của hệ thống xã hội. Như vậy, với tính cách là một tiểu hệ thống hướng đích của hệ thống xã hội, quản trị xã hội thực hiện cả bốn chức năng là thích ứng, hướng đích, đoàn kết và duy trì khuôn mẫu cho cả hệ thống nhằm đáp ứng các yêu cầu đặt ra trong mối quan hệ với môi trường xung quanh.

Quản trị xã hội từ góc độ các nguyên lý hệ thống thế hệ thứ ba

Jamshid Gharajedaghi có đóng góp lớn trong nghiên cứu và phát triển lý thuyết hệ thống tổng quát trong quản lý phức hợp và hỗn độn(6). Theo Gharajedaghi, lý thuyết hệ thống đã phát triển qua giai đoạn hệ thống cơ học, hệ thống sinh học và đạt tới đỉnh cao là hệ thống xã hội. Theo cách tiếp cận lý thuyết hệ thống thế hệ thứ ba, xã hội cần được hiểu như là một hệ thống xã hội – đa trí tuệ. Hệ thống này vừa kế thừa tất cả các đặc trưng của hệ thống thế hệ thứ hai là hệ thống sinh học – đơn trí tuệ và hệ thống thế hệ thứ nhất là hệ thống cơ học – không trí tuệ, vừa phát triển các đặc trưng mới. Hệ thống xã hội đặc trưng bởi sự tương tác, phụ thuộc lẫn nhau, thích ứng, tự tổ chức, lựa chọn, chủ đích và nhiều đặc trưng khác của một hệ thống mở, cân bằng động và phân hóa với môi trường. Từ các đặc trưng này, Gharajedaghi lựa chọn và khái quát được năm nguyên lý hệ thống thế hệ thứ ba để vận dụng trong “quản lý hỗn độn và phức hợp”. Có thể coi quản trị xã hội là bội số, là tổng hòa các quản lý hỗn độn và phức hợp, khi đó cần tìm hiểu và vận dụng năm nguyên lý hệ thống thế hệ thứ ba mà Gharajedaghi đã nhấn mạnh. Đó là nguyên lý về tính mở, tính chủ đích, tính hợp trội, tính đa chiều cạnh và tính phản trực cảm của hệ thống. Đây là những nguyên lý hệ thống tổng quát, do vậy hoàn toàn có thể vận dụng vào thiết kế quản trị kinh doanh như Gharajedaghi đã làm và vận dụng trong nghiên cứu và phát triển quản trị xã hội trong trường hợp dưới đây. Cụ thể như sau:

(i) Nguyên lý mởcho biết xã hội với tính cách là hệ thống không khép kín mà luôn mở với môi trường xung quanh thông qua các đầu vào, đầu ra và các ứng xử của hệ thống với môi trường. Nhờ nguyên lý mở mà hệ thống trao đổi chất với môi trường và vận động, biến đổi, phát triển. Nguyên lý mở đòi hỏi quản trị xã hội với tính cách là một tiểu hệ thống luôn mở với các tiểu hệ thống thuộc môi trường bên trong, và đòi hỏi cả hệ thống phải mở với môi trường xung quanh để tìm kiếm các đầu vào và sản xuất các đầu ra.

(ii) Nguyên lý chủ địnhcho biết hệ thống xã hội luôn có mục đích và tìm mọi cách để đạt mục đích đặt ra. Hệ thống xã hội có chủ đích bởi vì con người có ý thức và hành động có chủ đích. Do vậy, quản trị xã hội có chức năng xác định mục đích của cả hệ thống xã hội và vạch ra chiến lược, hệ giá trị chuẩn mực, kế hoạch, chương trình hành động để đạt mục đích đó. Tuy nhiên, quản trị xã hội trong bối cảnh hiện nay phải lựa chọn và xác định mục đích ưu tiên và cam kết thực hiện mục đích trong điều kiện có hạn về các nguồn lực. Vấn đề này không chỉ liên quan đến việc phân biệt mục đích dài hạn, trung hạn và ngắn hạn mà còn liên quan đến việc làm rõ mục đích trên các chiều cạnh của cả hệ thống xã hội và của từng bộ phận cấu thành trong mối tương tác phức tạp giữa hệ thống và môi trường. Thí dụ, quản trị kinh tế chủ yếu nhằm mục đích tăng sản lượng, giảm chi phí, tăng thu nhập, tăng lợi nhuận, và do vậy có thể sẵn sàng làm ô nhiễm, hủy hoại môi trường và làm tăng lợi ích của nhóm người này và làm giải lợi ích của nhóm người khác. Khác với quản trị kinh tế, quản trị xã hội đòi hỏi quản trị kinh tế phải gắn với mục đích phát triển bao trùm, bền vững và phát triển con người, cụ thể là khuyến khích làm giàu gắn với xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm trật tự xã hội, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường.

(iii) Nguyên lý đa chiều cạnh cho biết hệ thống là sự phụ thuộc lẫn nhau của vô số các yếu tố với các chiều cạnh khác nhau thậm chí trái ngược nhau; là sự thống nhất của các mặt đối lập, là toàn thể các khả thi và các bất khả thi, là sự kết hợp của trật tự và hỗn loạn. Biểu hiện rõ nhất của tính đa chiều cạnh là tính đa chức năng, đa cấu trúc và đa quá trình của hệ thống xã hội, mà Ludwig von Bertalanffy gọi là nguyên lý “đẳng kết” (equifinality), theo đó là các quá trình khác nhau có thể đều dẫn đến những kết quả tương tự nhau(7). Vận dụng nguyên lý đa chiều cạnh trong quản trị xã hội đòi hỏi phải tính đến các mục đích khác nhau, các nguồn lực, các phương pháp, các biện pháp khác nhau đều có thể đạt được những mục đích nhất định. Khi đó, quản trị xã hội cần hướng đến việc khuyến khích mọi người phát huy các thế mạnh khác nhau, các nguồn lực khác nhau để đạt các mục đích của họ mà không phương hại đến mục đích chung của cả cộng đồng xã hội. Thí dụ, quản trị xã hội giỏi có thể giúp mọi người nâng cao chất lượng cuộc sống nhờ phân công lao động theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa và liên tục đổi mới, sáng tạo. Theo nguyên lý này, quản trị xã hội giỏi không có nghĩa là làm mọi người đều giỏi làm một việc giống nhau, mà mỗi người giỏi một việc khác nhau, tạo nên các loại sản phẩm, các loại hàng hóa, các loại dịch vụ phong phú, đa dạng.

(iv) Nguyên lý hợp trội cho biết hệ thống xã hội luôn có các đặc tính hợp trội với tính cách là những đặc tính của hệ thống được hình thành từ sự tương tác, kết hợp, phối hợp của các bộ phận cấu thành nên hệ thống. Sức mạnh của cả một hệ thống xã hội phụ thuộc vào sức mạnh của từng tiểu hệ thống và sức mạnh của sự hợp trội do các tiểu hệ thống tương tác, kết hợp, phối hợp với nhau tạo nên. Nguyên tắc này gợi ý cho quản trị nhiều phương thức để đạt hiệu quả như không chỉ tập trung nâng cao trình độ học vấn hay chuyên môn kỹ thuật của từng thành viên mà còn phải nâng cao trình độ tương tác, hợp tác giữa các thành viên của tổ chức. Không ít cơ quan chuyên môn, cơ quan khoa học không thiếu người tài giỏi nhưng lại hoạt động kém hiệu quả, thậm chí yếu kém vì thiếu cơ chế hợp tác, tương tác tích cực giữa các thành viên. Nguyên lý hợp trội cho biết các đặc điểm và tính chất của một hệ thống luôn là sự hợp trội các đặc điểm, tính chất của các yếu tố tương tác với nhau tạo nên hệ thống đó.

(v) Nguyên lý phản trực cảm(Counter-intuitiveness) cho biết hệ thống luôn chứa đựng các yếu tố bất ngờ, khó lường, “hỗn độn”, “bất định”, “tai biến”, quan hệ nhân – quả có thể bị gián đoạn trong không gian và thời gian, thậm chí có thể đổi chỗ cho nhau. Nguyên tắc hệ thống này gợi ý cho lãnh đạo, quản lý khi phải hoạt động trong môi trường liên tục thay đổi thì không được thụ động, mà phải thích ứng tích cực, sáng tạo, thậm chí cần phải thay đổi nhanh chóng, bất ngờ. Đặc biệt, cần phải nắm lấy quy luật, cái ổn định, cái cơ bản để ứng phó với vô số các hiện tượng riêng lẻ, luôn thay đổi; cần phải biết “dĩ bất biến ứng vạn biến”.

Quản trị xã hội từ góc độ lý thuyết phân hóa hệ thống

Khác với các cách tiếp cận lý thuyết hệ thống nặng về các nguyên lý tập trung vào hệ thống với các thành phần, cấu trúc, Niklas Luhmman đưa ra lý thuyết phân hóa hệ thống, nhấn mạnh mối quan hệ giữa hệ thống và môi trường. Ông cho rằng, hệ thống là sự khác biệt của hệ thống với môi trường(8). Vận dụng định nghĩa này có thể thấy, quản trị xã hội có chức năng làm rõ sự khác biệt của hệ thống với môi trường. Thí dụ, quản trị xã hội đối với lĩnh vực giáo dục là việc làm cho lĩnh vực giáo dục khác với các lĩnh vực khác của xã hội, khác với lĩnh vực kinh tế, y tế, khoa học… mặc dù các lĩnh vực này đều liên quan mật thiết với nhau.

Câu hỏi đặt ra là làm thế nào tạo ra sự khác biệt của hệ thống xã hội và môi trường? Chỉ có con người là có thể thông qua hành động làm thay đổi thế giới và bản thân. Tuy nhiên, nếu chỉ có hành động như vậy thì khó có thể tạo nên xã hội loài người với tính cách là sự khác biệt của hệ thống xã hội với môi trường. Theo lý thuyết phân hóa hệ thống của Luhmann, hành động có đối tượng và khách thể là giới tự nhiên chưa trực tiếp tạo ra hệ thống xã hội. Ngay cả hành động xã hội với nghĩa là hướng đến người khác, bị ảnh hưởng bởi người khác cũng chưa trực tiếp tạo ra hệ thống xã hội. Theo Luhmann, giao tiếp mới là loại thao tác, hành động duy nhất có khả năng tạo ra hệ thống xã hội với tính cách là sự khác biệt của hệ thống với môi trường. Theo ông, hệ thống xã hội hình thành khi giao tiếp và phát triển từ giao tiếp. Bởi vì giao tiếp bao hàm sự tương tác của các hành động của các cá nhân, đồng thời đòi hỏi các cá nhân phải sử dụng ký hiệu, ngôn ngữ, biểu tượng để truyền đạt, tiếp nhận, nhận biết thông tin và hiểu biết lẫn nhau.

Cách tiếp cận lý thuyết phân hóa hệ thống của Luhmann đòi hỏi quản trị xã hội phải thiết lập được hệ thống truyền thông “công khai, minh bạch, có trách nhiệm giải trình” giữa các thành tố bên trong hệ thống và của cả hệ thống với các hệ thống khác trong môi trường xung quanh. Thí dụ, quản trị xã hội phải dựa vào hệ thống truyền thông có hiệu quả trong nội bộ cơ quan, đơn vị; đồng thời phải dựa vào hệ thống giao tiếp có hiệu quả với các bên liên quan ở bên ngoài hệ thống bao gồm các tầng lớp nhân dân, các cá nhân, các tổ chức với các vị thế và vai trò xã hội khác nhau. Nói cách khác, quản trị xã hội đòi hỏi phải thường xuyên, liên tục, giao tiếp với nhân dân, gần dân, lắng nghe dân, tham vấn dân, truyền thông đến mọi người dân để cùng “biết, bàn, làm, kiểm tra” để tạo ra sự khác biệt của hệ thống xã hội với môi trường. Sự khác biệt của hệ thống xã hội này với hệ thống xã hội khác ở chỗ hệ thống đó tạo ra cái gì và tạo ra bằng cách nào. Theo đó, quản trị xã hội cần dựa vào giao tiếp công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của cả hệ thống xã hội. Theo nguyên lý giao tiếp có thể phân biệt quản trị xã hội kiểu cũ chủ yếu dựa vào giao tiếp nội bộ bên trong hệ thống xã hội. Trong khi đó quản trị xã hội kiểu mới đòi hỏi phải coi trọng cả giao tiếp bên trong và cả giao tiếp bên ngoài hệ thống xã hội. Nghiên cứu lý luận và thực tiễn cho thấy, quản trị xã hội nặng về giao tiếp bên trong, nghĩa là “đóng cửa” thì chỉ có thể duy trì, củng cố những gì đã có trong hệ thống xã hội. Nhưng để quản trị xã hội nhằm đổi mới, sáng tạo và phát triển thì cần phải tăng cường giao tiếp bên ngoài với môi trường xung quanh, nghĩa là “mở cửa”.

———————————

Chú thích:

(1) Viện Nghiên cứu và Đào tạo về quản lý: Tinh hoa quản lý, Nxb Lao động – Xã hội, Hà Nội, 2008, tr.59; Lê Ngọc Hùng (Chủ biên): Xã hội học lãnh đạo, quản lý, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2010.
(2) Viện Nghiên cứu và Đào tạo về quản lý: Tinh hoa quản lý, Sđd, tr.60.
(3) Anne Mette Kjaer. Governance.Cambridge: Polity Press, 2004.
(4) Lê Quân (Chủ biên): Khung năng lực lãnh đạo, quản lý khu vực hành chính công, Nxb Đại học quốc gia, Hà Nội, 2016.
(5) Lê Ngọc Hùng: Lý thuyết xã hội học hiện đại, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 2014.
(6) Jamshid Gharajedaghi: Tư duy hệ thống – Quản lý hỗn độn và phức hợp, một cơ sở cho thiết kế kiến trúc kinh doanh, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2005, tr.40-42.
(7) Jamshid Gharajedaghi cho biết Ludwig von Bertalanffy đã sử dụng khái niệm “Đẳng kết” (Equifinality, đơn cứu cánh, chung cuộc ngang nhau) khi phân tích tính tự điều tiết, tự cân bằng của hệ thống sống, mở. Gharajedaghi cũng cho biết: Walter Buckley đã viện dẫn khái niệm này của Bertalanffy để ngược lại, đưa ra khái niệm tính “đa kết” (Multifinality, đa cứu cánh, đa chung cuộc). Đó là các đầu vào giống nhau nhưng vẫn có thể tạo ra các kết cục khác nhau. Jamshid Gharajedaghi. Tư duy hệ thống: Quản lý hỗn độn và phức hợp, một cơ sở cho thiết kế kiến trúc kinh doanh, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2005, tr.111; Walter Buckley: Sociology and modern systems theory. New Jersey: Prentice-Hall Inc. 1967. P.60.
(8) Niklas Luhmann (1977), “Differentiation of society” in Canadian Journal of Sociology. Vol 2. No. 1, 1977, Pp.29-53. Niklas Luhmann (1990). “The paradox of System Differentiation and the Evolution of Society” in Jeffrey C. Alexander and Paul Colomy (Editors), Differentiation Theory and Social Change: Comparative and historical perspectives, Columbia University Press, New York, 1990. Pp.409-440.

Theo TẠP CHÍ LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ

Tags: ,