Tình báo Trung Quốc đang ‘định hướng dư luận’ Mỹ như thế nào?

Theo báo cáo của Ủy ban Quốc hội Mỹ, Trung Quốc đang âm thầm tăng cường các hoạt động gây ảnh hưởng tại Mỹ, bao gồm cả việc tài trợ cho các cơ quan nghiên cứu ở Washington và ép buộc người Mỹ gốc Hoa cộng tác.

Tình báo Trung Quốc đang ‘định hướng dư luận’ Mỹ như thế nào?

Bài viết của tác giả Bill Gertz, biên tập viên cao cấp tờ The Washington Free Beacon. Trước khi tham gia Washington Free Beacon, ông làm việc cho tờ Washington Times 27 năm ở các vị trí phóng viên về an ninh an ninh quốc gia, biên tập viên, nhà bình luận.

Bài viết được đăng trên The Washington Free Beacon.

Các hoạt động gây ảnh hưởng của Trung Quốc do Ban Công tác Mặt trận Thống nhất Trung ương, một cơ quan của Ban chấp hành Trung ương Đảng, Đảng Cộng sản Trung Quốc, thực hiện thông qua sử dụng hàng ngàn gián điệp hoạt động dưới cả hình thức công khai và bí mật để thúc đẩy các chính sách của Trung Quốc.

Chiến lược của Mặt trận thống nhất Trung ương là tài trợ cho một số nhóm Think Tanks ở Washington nhằm gây ảnh hưởng lên hoạt động của các nhóm này, từ đó đưa ra các quan điểm ủng hộ chính sách của Bắc Kinh.

Báo cáo của Ủy ban Quốc hội Mỹ cũng cho rằng, “Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tìm cách gây ảnh hưởng đến các diễn ngôn học thuật về Trung Quốc và trong một số trường hợp nhất định đã xâm phạm đến quyền tự do ngôn luận và tự do hiệp hội, là những quyền luôn được pháp luật Mỹ bảo vệ”.

“Bất chấp những thảo luận thẳng thắn của Đảng Cộng sản Trung Quốc về chiến lược của Mặt trận thống nhất Trung ương, vấn đề này vẫn còn tương đối xa lạ với các nhà hoạch định chính sách Mỹ cả về chiều rộng lẫn chiều sâu”.

Báo cáo cũng nói rằng Trường nghiên cứu tiến bộ Johns Hopkins, một viện nghiên cứu chuyên về giáo dục và phân tích chính sách đối ngoại đã nhận tài trợ từ Đổng Kiến Hoa, phó chủ tịch Ủy ban toàn quốc Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc, một tổ chức đảng chỉ đạo các hoạt động của Ban công tác Mặt trận thống nhất Trung ương và có một thành viên thuộc Ban Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Khoản tài trợ này đến từ nhóm phi lợi nhuận của ông Đổng ở Hồng Kông mang tên Quỹ trao đổi Trung – Mỹ (CUSEF), đây là một cơ quan hợp pháp của Trung Quốc ở Hồng Kông.

Ngoài Johns Hopkins, các nhóm Think Tanks khác có liên quan đến Trung Quốc và có ảnh hưởng đến chính sách của Mỹ bao gồm Viện nghiên cứu Brookings, Hội đồng Đại Tây Dương, Trung tâm Tiến bộ Hoa Kỳ, Viện Nghiên cứu An ninh Đông-Tây, Trung tâm Carter và Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế.

Quỹ trao đổi trên gắn liền với các hoạt động gây ảnh hưởng của chính phủ Trung Quốc và sử dụng công ty quan hệ công chúng tương tự như đại sứ quán Trung Quốc.

Người phát ngôn của Trung tâm vì sự tiến bộ của Mỹ (CAP) cho rằng trung tâm này không hề nhận bất kỳ khoản tiền nào từ Trung Quốc. Trước đó vào năm 2014, CAP đã hợp tác với CUSEF thực hiện một báo cáo chung nhưng không hề nhận bất kì khoản đóng góp tài chính nào từ CUSEF.

Cũng theo báo cáo của Ủy ban quốc hội Mỹ, CUSEF đã “chi hàng trăm ngàn đô la để vận động hành lang cho ‘quan hệ Trung – Mỹ’ trở thành một cơ quan đại diện nước ngoài chính thức.

Mục đích tài trợ cho các nhóm Think Tanks của Trung Quốc là cố gắng làm thay đổi các cuộc tranh luận về Trung Quốc, theo đó Bắc Kinh không cần phải sử dụng tiếng nói của chính mình.

Ông Larry Wortzel, một thành viên của Uỷ ban đánh giá kinh tế và an ninh Mỹ – Trung Quốc, cựu sĩ quan tình báo quân đội từng được phái đến Trung Quốc, cho biết báo cáo này đóng vai trò rất quan trọng trong việc phơi bày các hoạt động của Ban Công tác Mặt trận Thống nhất Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc.

Ông Wortzel nói: “Hầu hết nguời Mỹ và rất nhiều thành viên Quốc hội không hề biết về phạm vi hoạt động của mạng lưới trên do Đảng Cộng sản Trung Quốc thực hiện. Đó là một hình thức hoạt động đã có từ lâu.”

Ông Wortzel cho biết hiện Quốc hội đã cảnh giác với các hoạt động gây ảnh hưởng của Trung Quốc, “Quốc hội nên xem xét việc đăng ký chính thức, yêu cầu bất kỳ ai liên quan đến Hội nghị Tham vấn Chính trị Nhân dân Trung Quốc, CUSEF, hoặc Ban Công tác Mặt trận Thống nhất phải đăng ký trở thành một đại diện nước ngoài.”

Thượng nghị sĩ Ted Cruz (bang Texas) cho biết sự câu kết giữa các nhóm người Mỹ và các thành viên của Ban Công tác Mặt trận Thống nhất là chiến lược của Trung Quốc sử dụng người Mỹ để “thúc đẩy một cách vô thức tư tưởng của Đảng Cộng sản Trung Quốc” bằng “tiếng nói đối lập” trong các cuộc tranh luận về Trung Quốc.

Theo bản báo cáo, “Bắc Kinh tìm cách tuyên truyền thông qua các kênh ngoại quốc một phần là do họ tin rằng những người ngoại quốc sẽ dễ dàng chấp nhận thông điệp đó nếu không xuất phát từ các nguồn của Trung Quốc”.

Các cơ quan tình báo Trung Quốc cũng hợp tác với Ban Công tác Mặt trận Thống nhất để chiêu mộ các sinh viên, yêu cầu họ làm giảm các cuộc thảo luận về Trung Quốc tại trường đại học.

Trung Quốc lựa chọn những sinh viên này thông qua 142 Hội sinh viên và học giả Trung Quốc (CSSA) tại Mỹ.

Bản báo cáo cũng chỉ ra các tổ chức đoàn hội này “thường xuyên phối hợp với chính phủ Trung Quốc và … liên quan đến việc hạn chế ngôn luận và có các hành động quấy rối, đe dọa, theo dõi các nhà hoạt động sinh viên Trung Quốc”, trong đó cần phải chú ý đến “các sĩ quan tình báo được phái đến các cơ sở ngoại giao là đầu mối liên lạc chính cho các thành viên của CSSA”.

Các hoạt động của Ban Công tác Mặt trận thống nhất cũng diễn ra khá sôi nổi tại Học viện Khổng tử – những trung tâm được chính phủ Trung Quốc tài trợ sử dụng cho các hoạt động gây ảnh hưởng và tình báo.

Học viện Khổng tử có trụ sở tại hàng trăm khuôn viên các trường đại học Mỹ và được sử dụng để “thúc đẩy luồng quan điểm có lợi cho Bắc Kinh, phá hoại các nguyên tắc học thuật quan trọng như sự độc lập về thể chế và tự do học thuật”.

“Đáng nói đến là Học viện Khổng tử lại được Ban Tuyên truyền Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc tài trợ– tổ chức có liên kết chính thức với Ban Công tác Mặt trận thống nhất – và cũng chịu sự giám sát của các nhân viên hoạt động tại các Đại sứ quán và Lãnh sự quán Trung Quốc”.

Cũng theo báo cáo, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nâng cao vai trò của các tổ chức chịu ảnh hưởng của đảng cộng sản Trung Quốc, coi Ban Công tác Mặt trận thống nhất là một loại “vũ khí kỳ diệu” phục vụ cho điều mà ông gọi là phục hưng Trung Quốc.

Kể từ khi trở thành tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc vào năm 2012, ông Tập đã bổ sung hơn 40.000 người vào hàng ngũ của Ban Công tác Mặt trận Thống nhất đồng thời tổ chức thêm các phòng ban mới.

Theo báo cáo, ‘Mục đích việc thực hiện ‘công tác Hoa kiều ở nước ngoài’ là sử dụng sợi dây liên kết về dân tộc, văn hóa, kinh tế hoặc chính trị để huy động các cộng đồng người Hoa ở nước ngoài đồng tình, lý tưởng nhất là tự nguyện ủng hộ lợi ích của Trung Quốc, tránh xa những đối thủ của Trung Quốc.

“Các cơ quan tình báo Trung Quốc thường bị cáo buộc là cưỡng ép Hoa kiều và buộc họ thực hiện những hoạt động nhằm vào các Hoa kiều khác ở cả Mỹ và các quốc gia khác, điều đó cho thấy những cơ quan này tham gia tích cực vào công tác Hoa kiều nhằm che đậy mối liên hệ chính thức.”

Cựu quan chức ngoại giao Trung Quốc Trần Dụng Lâm, người đã bỏ trốn sang Úc vào năm 2005 nói rằng Trung Quốc sử dụng cả thủ đoạn ép buộc lẫn khuyến khích để chiêu mộ sinh viên Trung Quốc trở thành những người cung cấp thông tin.

Ngoài Ban Công tác Mặt trận Thống nhất, báo cáo còn xác định một tổ chức quân sự Trung Quốc, đó là Ban Liên lạc Đối ngoại Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, đây là cơ quan tham gia vào các chiến dịch tuyên truyền, hoạt động quản lý nhận thức và thu thập thông tin tình báo.

Báo cáo cho biết “Lấy một ví dụ về Hiệp hội liên lạc hữu nghị quốc tế Trung Quốc (CAIFC), một tổ chức tiền tuyến của Tổng cục chính trị trước đây, thực hiện vai trò kép là vừa thu thập thông tin tình báo vừa thực hiện các chiến dịch tuyên truyền và quản lý nhận thức, như thông qua Sáng kiến Tam Á và một loạt các cuộc đối thoại kênh 2 giữa quan chức cấp cao đã nghỉ hưu của lực lượng vũ trang Mỹ và Trung Quốc”.

Sáng kiến Tam Á do Đô đốc nghỉ hưu Bill Owens, cựu phó chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, lãnh đạo. Ông từng sử dụng nhóm Tam Á để vận động Quốc hội và Lầu năm góc phản đối xuất bản báo cáo thường niên Sức mạnh quân sự Trung Quốc.

Một mặt trận khác của Trung Quốc là Hiệp hội liên lạc hữu nghị quốc tế Trung Quốc, một bộ phận của Ban Công tác Chính trị Quân ủy Trung ương Trung Quốc.

Báo cáo kết luận rằng mối đe dọa đối với Mỹ từ các hoạt động của Ban Công tác Mặt trận Thống nhất là “đáng kể” nhưng “quy mô tổ chức và ảnh hưởng của nó vẫn còn tương đối xa lạ đối với các nhà hoạch định chính sách.”

Báo cáo đề xuất: “Để đối phó hiệu quả các hoạt động gây ảnh hưởng của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cần tiếp tục nghiên cứu và điều tra để vạch rõ các hoạt động của Ban công tác Mặt trận Thống nhất, vai trò của nó trong Đảng Cộng sản Trung Quốc, cách thức hoạt động và mối liên hệ của nó với các cơ quan quan trọng khác của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

So với các hoạt động can dự chính trị của Bắc Kinh tại Úc, các hoạt động gây ảnh hưởng của Trung Quốc tại Mỹ không rõ ràng và cũng ít chịu sự kiểm tra giám sát của chính phủ hơn.

Quốc hội Mỹ đang xem xét khía cạnh pháp luật, đó là sẽ yêu cầu tất cả các tổ chức thúc đẩy các chương trình nghị sự chính trị của chính phủ nước ngoài phải đăng ký làm cơ quan đại diện nước ngoài, đồng thời yêu cầu các trường đại học tiết lộ chính xác các khoản tài trợ và quà tặng từ nước ngoài.

Báo cáo cho biết Cơ quan Tình báo An ninh Úc ước tính có ít nhất 10 ứng cử viên chính trị của chính quyền địa phương và chính quyền Úc có liên hệ với các cơ quan tình báo Trung Quốc.

Để đối phó với Đài Loan, Trung Quốc cũng tích cực tiến hành các hoạt động gây ảnh hưởng chống lại Đài Loan.

Báo cáo nói rằng: “Đảng Cộng sản Trung Quốc đang tích cực triển khai cuộc chiến thông tin chống lại Đài Loan nhằm dập tắt phong trào độc lập, làm suy yếu chính phủ Đài Loan, đồng thời chiêu mộ những chính trị gia tại Đài Loan và nước thứ 3 ủng hộ kịch bản eo biển Đài Loan theo tinh thần của Trung Quốc: Thống nhất Đài Loan vào Đại lục”.

Báo cáo của Ủy ban Quốc hội Mỹ do Alexander Bowe thực hiện, ông là nhà phân tích chính sách chuyên về an ninh và đối ngoại.

Theo NGHIÊN CỨU BIỂN ĐÔNG

Tags: , , ,