Tìm hiểu về tín ngưỡng phồn thực của người Việt

Tín ngưỡng phồn thực từng tồn tại suốt chiều dài lịch sử, được thể hiện ở hai dạng: thờ cơ quan sinh dục của cả nam lẫn nữ và thờ hành vi giao phối.

Tìm hiểu về tín ngưỡng phồn thực của người Việt

Tín ngưỡng phồn thực là gì?

Những trí tuệ sắc sảo thì tìm các quy luật khoa học để lý giải hiện thực và họ xây dựng nên triết lý âm dương, còn những trí tuệ bình dân thì nhìn thấy ở thực tiễn đó một sức mạnh siêu nhiên, bởi vậy mà họ sùng bái nó như thần thánh và xây dựng nên tín ngưỡng phồn thực (phồn: nhiều, thực: nảy nở). Tín ngưỡng phồn thực từng tồn tại suốt chiều dài lịch sử, được thể hiện ở hai dạng: thờ cơ quan sinh dục của cả nam lẫn nữ và thờ hành vi giao phối.

Các cơ quan sinh sản được đặc tả để nói về ước vọng phồn sinh. Người xưa, qua trực giác, tin rằng năng lượng thiêng ở thiên nhiên hay ở con người có khả năng truyền sang vật nuôi và cây trồng. Do vậy tín ngưỡng phồn thực, với nhiều nghi thức thờ cúng, phát sinh và phát triển đa dạng.

Hình nam nữ với bộ phận sinh dục phóng đại được tìm thấy trên tượng đá với niên đại hàng nghìn năm tr.CN ở Văn Điển (Hà Nội), ở những hình khắc trên đá trong thùng lũng Sa-pa, ở nhà mồ Tây Nguyên…

Ở Hà Tĩnh và nhiều địa phương có tục thờ cúng nõ nường (nõ: cái nêm, tượng trưng cho sinh thực khí nam; nường: nang, mo nang, tượng trưng cho sinh thực khí nữ). Hội làng Đồng Kị (Hà Bắc) có tục rước sinh thực khí (làm bằng gỗ) vào ngày 6 tháng giêng; tan hội hai sinh thực khí được đốt đi và tro đem chia cho mọi người mang ra rắc ngoài ruộng – hành động này có tác dụng như một ma thuật truyền sinh cho mùa màng. Theo các cụ thì năm nào bỏ qua tục này, trong làng sẽ có nhiều chuyện không lành xảy ra.

Việc thờ sinh thực khí còn thể hiện ở việc thờ các loại cột (cột đá tự nhiên hoặc cột đá được tạc ra, có thể có khắc chữ dựng trước cổng đền miếu, đình chùa) và các loại hốc (hốc cây, hốc đá trong các hang động, các kẽ nứt trên đá).

Bên cạnh việc thờ sinh thực khí giống như nhiều dân tộc nông nghiệp khác, cư dân nông nghiệp lúa nước với lối tư duy chú trọng tới quan hệ còn có tục thờ hành vi giao phối, tạo nên một dạng tín ngưỡng phồn thực độc đáo, đặc biệt phổ biến ở khu vực Đông Nam á.

Trên nắp thạp đồng tìm được ở Đào Thịnh (Yên Bái, niên đại 500 năm tr.CN), xung quanh hình mặt trời với các tia sáng là tượng 4 đôi nam nữ đang giao hợp. Thân thạp khắc chìm hình những con thuyền, chiếc sau nối đuôi chiếc trước khiến cho hai con cá sấu – rồng được gắn ở mũi và lái của hai chiếc thuyền chạm vào nhau trong tư thế giao hoan. Hình chim, thú, cóc,… giao phối tìm thấy ở khắp nơi.

Ở Hòn Đỏ (Khánh Hòa) khi nhiều ngày liên tục không đánh được cá, người ta phải tới cầu xin, lạy 3 lạy và cầm vật tượng trưng cho sinh thực khí nam đâm vào Lỗ Lường 3 lần (lại con số 3, số lẻ là số ưa thích của người phương Nam!).

Từ thời xa xưa, chày và cối – bộ công cụ thiết thân của người nông nghiệp Đông Nam á – đã là những vật tượngtrưng cho sinh thực khí nam và nữ, còn việc giã gạo là tượng trưng cho hành động giao phối. Không phải ngẫu nhiên mà trong vô vàn cách khác nhau được tách vỏ trấu khỏi hạt gạo, người Đông Nam á đã chọn cách này; trên các trống đồng khắc rất nhiều những hình nam nữ giã gạo từng đôi.

Không gắn việc giã gạo với tín ngưỡng phồn thực, sẽ không thể nào hiểu được trò cướp cầu – một trò chơi Việt Nam rất độc đáo đặc biệt phổ biến ở vùng đất tổ Phong Châu (Vĩnh Phú) và các khu vực xung quanh: Hai phe tranh nhau một quả cầu màu đỏ (dương), ai cướp được thì mang về thả vào hố (âm) của bên mình. Với cùng ước mong phồn thực, cầu may, cầu hạnh phúc là hàng loạt trò chơi như tung còn, ném cầu, đánh phết. đánh đáo….

Vai trò của tín ngưỡng phồn thực trong đời sống của người Việt cổ lớn tới mức chiếc trống đồng – biểu tượng sức mạnh, quyền lực cũng đồng thời biểu tượng toàn diện cho tín ngưỡng phồn thực. Cách đánh trống đồng theo lối cầm chày dài mà đâm lên mặt trống được khắc trên chính các trống đồng và còn được bảo lưu ở người Mường hiện nay là mô phỏng động tác giã gạo – động tác giao phối. Trên tâm mặt trống là hình mặt trời với những tia sáng biểu trưng cho sinh thực khí nam, và giữa các tia sáng là một hình lá với khe ở giữa biểu trưng cho sinh thực khí nữ. Xung quanh mặt trống thường gắn các tượng cóc – con cóc trong ý thức của người Việt là “cậu ông trời”, mang theo mưa, khiến cho mùa màng tốt tươi, cũng là một dạng biểu trưng của tín ngưỡng phồn thực.

Ngay cả những hiện tượng tưởng chừng rất xa xôi như chùa Một Cột (dương) trong cái hồ vuông (âm), tháp Bút (dương) và đài Nghiên (âm) ở cổng đền Ngọc Sơn (Hà Nội), cửa sổ tròn (dương) trên gác Khuê Văn (tượng trưng cho sao Khuê) soi mình xuống hồ vuông (âm) Thiên Quang Tỉnh trong Văn Miếu vv…, cũng đều liên quan tới tín ngưỡng phồn thực. Cũng không phải ngẫu nhiên mà ở các nơi thờ cúng thường gặp thờ ở bên trái là cái mõ và bên phải là cái chuông: Sự việc đơn giản này là biểu hiện của cả lí luận “Ngũ hành” lẫn tín ngưỡng phồn thực – cái mõ làm bằng gỗ (hành Mộc) đặt ở bên trái (phương Đông) là dương, cái chuông làm bằng đồng (hành Kim) đặt ở bên phải (phương Tây) là âm. Tiếng mõ trầm phải hòa với tiếng chuông thanh: nếu không có nam nữ, âm dương hòa hợp sẽ không có cuộc sống vĩnh hằng.

Tín ngưỡng phồn thực qua trò diễn hội làng Châu thổ Bắc Bộ

Khi sự hiểu biết của con người về thế giới xung quanh còn hạn chế thì họ tin và thờ phụng, cầu mong nhiều thứ. Hệ thống tín ngưỡng lúc bấy giờ thật đa dạng, hỗn tạp, mà một trong những biểu hiện là tín ngưỡng phồn thực, tín ngưỡng cầu mong sự sinh sôi nảy nở về con người, cầu phồn thịnh trong sản xuất, thịnh vượng của mùa màng. Các cơ quan sinh sản được đặc tả để nói về ước vọng phồn sinh. Người cổ sơ, qua trực giác, tin rằng năng lượng thiêng ở thiên nhiên hay ở con người có khả năng truyền sang vật nuôi và cây trồng. Do vậy tín ngưỡng phồn thực, với nhiều nghi thức thờ cúng, phát sinh và phát triển đa dạng.

Ở Việt Nam, mảnh đất gió mùa nhiệt đới tuy được lợi về ánh sáng và độ ẩm, nhưng lại nhiều dịch bệnh, thiên tai, nên cư dân nông nghiệp lúa nước nơi đây thường xuyên phải vật lộn với thiên nhiên không mấy ưu đãi để đảm bảo cuộc sống. Tâm thức đó là nền móng vững chắc của tín ngưỡng phồn thực. Nhưng, người Việt một mặt chịu sự chi phối của nguyên lý kết hợp hài hòa âm dương, nguồn cội của sinh sôi nảy nở, mặt khác lại ảnh hưởng khá sâu sắc tư tưởng của một số tôn giáo ngoại lai (Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo) sau khoảng thời gian dài diễn ra quá trình đan xen văn hóa. Để giải quyết cái nghịch lý ấy, tín ngưỡng phồn thực phải hóa thân để tồn tại, nó ẩn chứa vào các nghi lễ và trò diễn trong các lễ hội của làng xã cổ truyền.

Tín ngưỡng phồn thực được biểu đạt bởi rất nhiều hình thức khác nhau, tùy theo phong tục của từng vùng mà có những cách làm và thờ những hình “giống” khác nhau. Nhưng bên cạnh những tiểu dị ấy vẫn có những cái đại đồng của văn minh nông nghiệp lúa nước. Cơ quan sinh sản của nam và nữ được “hình tượng hóa” thành hai vật thiêng linga và yoni, được Việt hóa với cái tên nõ và nường. Nõ: khúc gỗ ngắn tượng trưng cho sinh thực khí nam, nói lên sức mạnh dương khí, sinh sản. Nường: mảnh gỗ hình tam giác có đục lỗ, tượng trưng cho sinh thực khí nữ, biểu thị sức chứa đựng.

Chất liệu nếu không là đá, gỗ, mo cau thì cũng là tre, lá dứa, mà cách điệu nữa là lúa, bột, gạo làm nên những biểu tượng khác nhau mang hàm nghĩa cho dương vật (cột đá dựng đứng, cột trụ tròn, cây bông, cây gậy, lưỡi cày, sừng trâu, quả cầu tròn, chiếc bánh chưng dài…) và âm vật (khe đá, bánh dày, lỗ tròn hoặc vuông…), biểu hiện cho sức mạnh về sinh sản hoặc mang yếu tố phồn thực được sùng bái trong Hindu giáo và tín ngưỡng dân gian.

Ở làng Danh Hựu xã Cổ Tiết (Tam Nông, Phú Thọ) thờ Tiền Lý Nam Đế, ngày hội dân làng làm 20 cặp nõ – nường (gỗ vuông – mo cau) treo lên một cây tre, lấy lá chuối làm lọng, tế lễ rồi rung cây tre. Mọi người dự hội xông vào cướp nõ nường, cướp được đem về để ở đầu giường hay treo vào các giàn bầu, giàn bí.

Người dân Sơn Đồng (Quốc Oai, Hà Tây) cũng có cách tổ chức lễ hội rất độc đáo. Vào hai ngày mùng 6 tháng 2 âm lịch, dân làng có tục thi bánh dày và trò cướp bông. Để làm bánh dày trắng và thơm, làng phải cử ra những bà nội trợ có tài ngâm gạo đồ xôi, sao cho xôi dẻo mà không nát. Người dân Sơn Đồng giã xôi bằng mẹt được xoa mỡ với lòng đỏ trứng gà để khỏi dính. Chày giã dài nửa sải tay, đầu chày được bọc bằng mo cau, nhưng không nguyên chiếc, mà phải tước ra thành từng nan rồi đan thành phên kín sau mới bó vào đầu chày, thít chặt bằng lạt giang. Với cách bọc này chày giã lâu mà không bị rách. Mo cau bọc lấy đầu chày, là một hình thức liên tưởng đến tín ngưỡng phồn thực xưa. Không chỉ có vậy, khi nặn bánh, người ta chia một nửa nặn thành những chiếc bánh dày tròn (không có nhân) cỡ bằng quả cà bát, cứ hai bánh kẹp vào làm một, còn nửa kia nặn thành những chiếc bánh dày cuốn cỡ như chuôi liềm ngoài bọc lá chuối giữa có nhân đậu xanh rang nghiền nhỏ trộn mật. Một bộ bánh gồm một cặp bánh dày tròn và một bánh dày cuốn. Dân gian gọi tắt là bánh dày bánh cuốn. Việc xếp bánh lên mâm bồng cũng theo một trật tự riêng có ẩn ý. Trước tiên người ta úp lên giữa mâm một chiếc rá mới để làm cốt. Tiếp đó, bánh cuốn được xếp dựng đứng quanh thân rá, theo vòng tròn cho đến hết, sau đó từng cặp bánh dày được xếp kín mặt mâm cao dần và thu vòng nhỏ dần cho đến khi phủ kín bánh cuốn tạo thành một mâm bánh hấp dẫn, đầy đặn. Cách xếp này phải chăng cũng thể hiện sự giao hòa âm dương? Sau cuộc rước bánh là diễn trò cướp bông. Mỗi thôn sẽ làm một cây bông, một cây tre đực tươi, đủ ngọn, đủ lá, thân thẳng, dài khoảng 5m. Từ giữa hai ống tre người ta tước ập vào bọc lấy xung quanh mấu thành một đám bông tướp tre xù tròn lên, rồi nhuộm phẩm ngũ sắc.

Các ống tre được dán khoanh bằng những băng giấy nhiều màu. Người được giao nhiệm vụ tung cây bông là các cô đào nương của gánh hát ca trù. Trước đó các cô tung những viên xôi xin từ bàn thờ thánh ra tứ phía, sau đó nâng cây bông lên nói dăm câu tục lệ, múa vài đường và tung cây bông lên trời. Cuộc cướp bông bắt đầu và kéo dài từ chiều mùng 6 đến chạng vạng sáng hôm sau. Trò cướp bông đã thể hiện sự hòa quyện âm dương một cách nhuần nhị. Tục xưa truyền rằng năm nào cướp bông càng vui thì năm đó càng được mùa và đàn ông cướp bông để có con trai, đàn bà cướp bông để lấy khước cho con mình.

Hội làng Miêng Hạ (ứng hòa, Hà Tây) lại có cách thức cầu phồn thực riêng của mình, sau phần tế lễ trang nghiêm là trò ội ại. Trò được diễn về đêm khi đèn đuốc đã tắt hết, môt cụ già của làng cởi dây thả 6 cây bông đã được treo ở thượng lương xuống. Bấy giờ trong đình tối như bưng, trai đinh của các giáp tuân thủ theo hèm của làng, họ phải cởi hết áo quần ra, chỉ mặc quần đùi hoặc đóng khố, sau đó miệng hô ội (tiến tới) ại (lùi lại) lúc mạnh, lúc nhẹ và cùng xông vào nhảy lên cướp cây bông. Khi cây bông được cướp xuống thì các trai đinh phải xé bông cướp lấy cái nõ bằng tre trong tâm cây bông và chạy ra ngoài đình đem về đền của giáp. Các đinh của giáp nào mà cướp được ba cái nõ cây bông, giáp đó tin rằng trong năm họ sẽ làm ăn gặp nhiều may mắn. Trò ội ại của làng Miêng Hạ còn gọi là trò cướp nõ xé bông. Hình ảnh cây bông thực chất là hình ảnh tượng trưng của hai vật âm – dương và trò ội ại làng Miêng Hạ chính là tâm thức cùa người dân mong một năm mới âm dương hòa hợp để vạn vật sinh sôi phát triển, dân an vật thịnh.



Ở Bắc Giang, tín ngưỡng phồn thực biểu hiện rõ nhất là các trò vật cầu, cướp cầu, đánh cầu, với chủ đề chính là cầu mưa, cầu nắng để cây lúa có điều kiện nảy nở đơm bông. Như lễ hội vật cầu nước ở xã Vân Hà (Việt Yên, Bắc Giang). Đây là lễ hội lớn có từ lâu đời, được tổ chức từ ngày 14 đến ngày 17 tháng 4 âm lịch, tại đền Chính, thôn Yên Viên, thờ Đức Thánh Tam Giang, Trương Hống – Trương Hát (Nhị vị đại vương). Tục truyền rằng, trước đây khi hai anh em Đức Thánh giúp dân đánh giặc Ân đã được thần báo mộng giúp sức và chiến thắng. Hội được tổ chức vào ngày hóa của Đức Thánh và là lễ hội mừng chiến thắng. Trước đây làng Vân được chia thành 4 giáp. Vào ngày hội mỗi giáp sẽ cử bốn người, tuổi từ 18 trở lên, khỏe mạnh, chưa có vợ, là cháu của những gia đình tử tế, sau đó làng sắm lễ ra đền thờ và xin phép Thánh rước cầu ra sân trò. Quả cầu được làm bằng gỗ, to và nặng chừng 20kg. Những người tham gia vật cầu phải cởi trần, đóng khố bằng hai chiếc thắt lưng sồi. Một lần diễn trò cần 16 người (mỗi bên hai giáp, 8 người), thi đấu trong nhiều hiệp và mỗi hiệp khoảng 90 phút. Chỉ đạo trò vật cầu là một người do hội đồng nguyên lão cử ra, có chức sắc, biết luật để điều hành. Vào cuộc, quả cầu được đặt ở giữa sân, khi có hiệu lệnh thành viên hai đội tranh nhau ôm và bê cầu theo hiệu trống giục. Nếu bên nào bê được cầu đặt vào hố của bên kia là thắng cuộc. Trong ba, bốn ngày diễn ra trò, tiếng reo hò, tiếng trống giục như đánh thức cả một vùng quê nông nghiệp vốn bình lặng. Người ta giành nhau quả cầu và ra sức cản phá đối phương trong sân đầy bùn và nước. Trò cướp cầu này còn được tổ chức ở làng Hương Câu (xã Hương Lâm, Hiệp Hòa, Bắc Giang) với hai lỗ cầu được gọi là lỗ Đông và lỗ Tây. Làng Tiên Lục (Lạng Giang) lại tổ chức trò cướp cầu với những câu hô của quan hội rất đặc trưng cho lễ hội nông nghiệp: “Hội giai đánh cầu cho được mùa, được màng, sai cau, tốt lúa, trẻ lớn ra, già trẻ lại”. Ngoài ý nghĩa phồn thực, trò cướp cầu còn mang ý nghĩa cầu mặt trời (quả cầu được sơn màu đỏ, được tung từ Đông sang Tây tượng trưng cho sự vận động của thái dương), cầu ánh nắng cho lúa, cho khoai. Trò cướp cầu đã thể hiện những suy nghĩ, những ước mong của người nông dân xuất phát từ điều kiện tự nhiên, môi trường, xã hội mà họ sinh sống.

Một số nghi lễ phồn thực và thờ sinh thực khí đã được cách điệu hóa và nghệ thuật hóa như: tính giao nam nữ được thể hiện qua điệu múa hoặc được cách điệu trong những hình thức trò diễn. Những trò này vừa mang tính linh thiêng vừa mang tính trần tục, mà ở đó người dân luôn nghĩ rằng tạo vật muốn sinh sôi, phát triển cần phải có hành động cụ thể, để gợi mở những niềm tin vào sự may mắn mới, vào khả năng huyền bí của sự chuyển hóa từ những hành động tượng trưng thành hiện thực trong đời sống.

Trong hội làng Quang Lang (xã Thụy Hải, Thái Thụy, Thái Bình) có trò múa ông Đùng – bà Đà, một trong nhiều trò diễn thể hiện rõ tính phồn thực. Dân làng làm một hình nộm đàn ông gọi là ông Đùng và một hình nộm người đàn bà gọi là bà Đà với một số hình nộm trẻ con trai gái tượng trưng cho con cái của hai ông bà. Thân hình nộm được đan bằng trúc sa, một loại tre trồng ở bãi biển. Mặt ông Đùng bà Đà được vẽ trên chiếc nia, mặt trẻ con được vẽ trên chiếc giần, sao cho ngộ nghĩnh. Trên tai bà Đùng và tai các cô con gái được đeo hoa mào gà đỏ (dân Quang Lang gọi là hoa ông Đùng). Quần áo ông Đùng bà Đà được may bằng vải buồm cũ. Khi múa, người múa chui vào thân hình nộm đi bằng cà kheo thành chân ông Đùng bà Đà.

Trò múa này thường diễn ra vào xẩm tối ngày 14 tháng 4. Sau khi vái lạy Thánh ở đền và ở chùa xong, chiêng trống nổi lên, tất cả dân làng hô “tinh, tinh, tinh, phập” thì ông Đùng bà Đà úp mặt vào nhau và bắt đầu múa dọc khắp đường làng. Thỉnh thoảng ông Đùng bà Đà lại múa quện vào nhau, con cái hai ông bà chạy theo ngó nghiêng. Dân làng hai bên đường thì sắm lễ vật dâng cúng chủ yếu là dưa hấu, chè đỗ đen, ngô bắp luộc là những lễ vật mang tính phồn thực. Khi chuẩn bị kết thúc thì ông Đùng bà Đà chạy thật nhanh để dân làng đuổi theo “phá Đùng”. Theo trống hiệu phá Đùng, dân làng tranh nhau xô vào giằng xé, ai cũng mong cướp được một đoạn nan trên người ông Đùng bà Đà để lấy khước. Sau khi lấy được họ đem về gác đầu giường hy vọng sẽ khỏe mạnh, những người trong độ tuổi sinh nở thì sớm sinh con theo ý muốn, cắm xuống thuyền thì thuyền ra khơi vào lộng bình an may mắn, cắm ra ruộng muối thì ruộng muối bội thu… Như vậy, từ những tiếng hô của dân làng “tinh, tinh, tinh, phập” đến động tác quện vào nhau của ông Đùng bà Đà… người dân Quang Lang đã mộc mạc bày tỏ quan niệm phồn thực.

Có những trò diễn lại có cách thể hiện bằng các điệu múa như trò múa Mo ở Đức Bác (Phú Thọ). Xưa dân Đức Bác có thờ một vị nữ thần và có tục múa hát thờ mô phỏng tính giao. Đền thờ xưa nhỏ, làm bằng gỗ có một gian đặt trên một quả gò – gọi là gò ám ảnh. Sau chỗ đất ấy được thay bằng một ngôi đình. Khi tế lễ xong có trò múa âm dương hòa hợp, gồm tám nam và tám nữ ăn mặc chỉnh tề. Bên nam cầm sinh thực khí nạm bằng gỗ vuông, bên nữ cầm hình sinh thực khí nữ bằng mo cau. Trong khi múa có trống chiêng đệm. Bên nam hát trước: Cái sự làm sao, nữ đáp: Cái sự làm vậy, bên nam lấy cây vông chọc một lỗ thủng vào mo cau, sau đó dùng gỗ vuông vừa chọc vào mo cau vừa hát: Cái sự thế này là cái sự làm sao? Tất cả vừa múa vừa đi vòng tròn, tiến lên, lùi xuống trong một thời gian nhất định. Vào buổi tối khi lễ xong, lại có tục tắt đèn, trai gái tự do đùa nghịch. Mục đích của trò này cũng là cầu cho vạn sự sinh sôi nảy nở, kể cả mùa màng cũng như con người được phát triển.

Những hành động “thực” của nam nữ, tự do luyến ái, giao duyên theo “nghi thức” và được đặt trong một không gian thiêng, cùng thời gian là “thời điểm mạnh” trong chu kỳ đời sống, chu kỳ một năm của hoạt động của con người, thì nó sẽ trở thành một nghi lễ hội làng. Những đứa trẻ ra đời trong thời điểm này được dân làng chấp nhận vì họ cho rằng những đứa trẻ đó sẽ mang lại sự phồn vinh cho cả làng.

Như vậy, qua một số trò diễn trong hội làng nêu trên, có trò còn mang giá trị nghệ thuật đã phản ánh được nội dung một hình thức tín ngưỡng dân gian. Những trò diễn đó là nhằm biểu đạt lòng tin vào thế giới hư ảo, bên ngoài do trình độ nhận thức nhiều mặt của người xưa còn thấp. Tuy nhiên giá trị thực tiễn của lòng tin là: con người rất mực chân thành đối với điều mình ngưỡng mộ và phải có lòng tin đó thì con người và cộng đồng đó mới tiến hành một cuộc sống bình thường được. Con người thời xưa tự hình thành các tín ngưỡng dân gian và lấy những điều tự đặt chân thành đó làm đòn bẩy tinh thần cho cộng đồng của mình.

Mặt khác, trò diễn còn giúp chúng ta hiểu rằng tín ngưỡng phồn thực thuở nguyên sơ vốn là một quan niệm gắn bó rất chặt chẽ với quan niệm tín ngưỡng nông nghiệp, là tín ngưỡng cơ bản nhất của cư dân trồng trọt, nó rất phong phú và đã ảnh hưởng sâu đậm tới sinh hoạt xã hội ở nông thôn. Nó không phải là hiện tượng dâm tục mà là ước vọng cơm no áo ấm ngàn đời của cư dân luôn phải “trông trời, trông nước, trông mây” để làm nông nghiệp.

S.T

Tags: , ,