Thuyết Monroe của Trung Quốc và cuộc Chiến tranh Lạnh mới

Học thuyết Monroe nói rằng một thế lực bá chủ địa phương sẽ giơ bàn tay bảo vệ trên vùng của nó và sẽ không nhân nhượng bất cứ thế lực nào khác trên sân sau của nó. Ai không lưu tâm tới điều này thì phải dự tính trước với sự phản công bằng quân sự của thế lực bảo hộ.

Thuyết Monroe của Trung Quốc và cuộc Chiến tranh Lạnh mới

Trích dịch từ cuốn “Der nächste Kalte Krieg: China gegen den Westen” [“Cuộc Chiến tranh Lạnh kế tiếp – Trung Quốc chống Phương Tây”] của Wolfgang Hirn, xuất bản năm 2013.

James Monroe là tổng thống thứ năm của Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ. Việc tên của ông cho tới nay vẫn còn hiện hành đối với nhiều sử gia và nhà chính trị học có nguyên nhân của nó trong bài diễn văn của Monroe về tình hình quốc gia mà ông đã trình bày trước Quốc Hội Mỹ ngày 2 tháng Mười Hai năm 1823. Lúc đó, ông tuyên bố rằng người Âu không nên xen vào Mỹ – và trong đó ông có ý muốn nói cả phần phía Bắc lẫn phía Nam của lục địa. Và nếu như các thế lực châu Âu tuy vậy vẫn dám, ví dụ như can thiệp vào trong các thuộc địa trước đây của họ ở châu Mỹ La tinh, thì ông đe dọa sẽ có chiến tranh.

Quan điểm này của Monroe đi vào sử sách như là thuyết Monroe. Nó nói rằng một thế lực bá chủ địa phương – trong trường hợp này là Hoa Kỳ – sẽ giơ bàn tay bảo vệ ra trên vùng của nó và sẽ không nhân nhượng bất cứ thế lực nào khác trên sân sau của nó. Ai không lưu tâm tới điều này thì phải dự tính trước với sự phản công bằng quân sự của thế lực bảo hộ.

Bây giờ thì người Trung Quốc cũng có ý định giống như vậy. Họ muốn là quyền lực thống trị ở châu Á, và muốn đẩy lùi tất cả những ai theo cách nhìn của họ là không có dính líu gì tới đó. Và qua đó tất nhiên là họ có ý muốn nói tới người Mỹ trước tiên. Nhà chính trị học ở Chigaco John Mearsheimer không thể nhận ra điều gì xấu xa trong hành vi này: “Tại sao người Trung Quốc không được phép có một học thuyết Monroe như chúng ta đã từng có?”

Người Trung Quốc không ủng hộ rõ ràng và công khai cho việc người Mỹ rút lui ra khỏi Tây thái Bình Dương. Thế như hành động Trung Quốc gợi ý điều này.

Giới quân đội Trung Quốc hiện nay đã có một kho lớn những thứ vũ khí được gọi là Anti-Access/Area-Denial (A2/AD) mà với chúng người Trung Quốc muốn ngăn cản không cho người Mỹ bước vào Hoàng Hải, Biển Hoa Đông và Biển Đông. Thuộc vào trong số đó là các tên lửa di động tầm ngắn với tầm hoạt động trên 1000 kilômét. Người ta cho rằng Trung Quốc đã sở hữu hơn 1100 tên lửa như vậy.

Người Trung Quốc vẫn còn phát triển loại vũ khí quan trọng nhất của họ để giữ không cho người Mỹ tiếp cận. Nó đã có một cái tên: Đông Phong 21D. Tức là Gió Đông. Và thứ vũ khí kỳ diệu này cũng được hướng về phía Đông, tức là Thái Bình Dương. Vũ khí kỳ diệu, vì từ đất liền nó có thể bắn trúng chính xác ví dụ như hàng không mẫu hạm trên biển. Một loại tên lửa như vậy cho tới nay là chưa có. Vào lúc cuối của cuộc Chiến tranh Lạnh lần thứ nhất, Hoa Kỳ và Liên bang Xô viết thống nhất với nhau không phát triển một loại vũ khí như vậy, vì nó rất đắt tiền.

Thế nhưng rõ ràng là tiền không đóng vai trò nào ở người Trung Quốc cả.  Sự phát triển Đông Phong 21 được cho là đã tiến triển khá xa, ngay khi theo ý kiến của các chuyên gia thì còn phải thử nghiệm nhiều năm liền, cho tới khi vũ khí này thật sự có thể được sử dụng. Người Trung Quốc không phủ nhận là họ đang phát triển một loại vũ khí như vậy, nhưng ngây thơ tuyên bố rằng họ chỉ sẽ sử dụng nó để phòng vệ chớ không tấn công.

Loại tên lửa đất chống hạm đầu tiên trên thế giới này được các chuyên gia quân sự như đô đốc người Mỹ hiện đã về hưu Robert Willard xếp vào hàng game changer. Nó sẽ làm thay đổi sâu sắc tương quan lực lượng ở Thái Bình Dương, và là nghiên cán cân về cho người Trung Quốc. Cho tới nay, Hoa Kỳ thống trị Thái Bình Dương với những chiếc hàng không mẫu hạm của họ. Nhưng nếu như những chiếc tàu này có thể bị Đông Phong 21D tấn công, thì sự thống trị Thái Bình Dương của Mỹ sẽ thuộc về quá khứ.

Nhưng cả quyền bá chủ trên không của người Mỹ cũng ngày càng bị hoài nghi. Một nghiên cứu của Rand Corporation (Shaking the Heavens and Splitting the Earth) đi tới kết luận rằng trong vòng năm năm tới đây, không quân Trung Quốc có thể thách thức ưu thế của Hoa Kỳ và đồng minh của nó. Đối với tác giả Roger Cliff, Trung Quốc là “người đầu tiên thách thức ưu thế trên không của Mỹ kể từ Chiến tranh Triều Tiên”.

Nhưng Hoa Kỳ sẽ không tự nguyện và không rời bỏ Tây Thái Bình Dương mà không đấu tranh. Họ trả lời sự tăng cường vũ trang của Trung Quốc với phương án mới của AirSea Battle, được trình bày trong một bản ghi nhớ trong tháng Chín 2009. Phương án này tương đương với phương án Air-Land-Battle trong thời của cuộc Chiến tranh Lạnh, và kết hợp hết sức chặt chẽ các lực lượng hải quân và không quân. Trong tháng Mười Một 2011, một phòng điều phối mới trong Lầu Năm Góc đã được thiết lập riêng cho việc này.

Người Trung Quốc đã đe dọa, rằng họ – nếu người Mỹ tiếp tục theo đuổi phương án AirSea Battle và cũng thực hiện nó – sẽ trả lời với một dự án đối lại.

Vì vậy mà vòng xoáy tăng cường vũ trang cứ tiếp tục xoay, và đứng ở kết cuộc cay đắng của nó có thể là một cuộc xung đột vũ trang ở Thái Bình Dương, và cuộc Chiến tranh Lạnh lần thứ nhì có thể trở thành một cuộc chiến tranh nóng.

Theo PHAN BA BLOG

Tags: ,