Thực trạng ‘thấp bé nhẹ cân’ và giấc mơ xa vời của bóng đá Việt Nam

Người châu Á nói chung, Việt Nam nói riêng, do nòi giống, di truyền, khung xương, cơ bắp đều khó có thể so sánh với châu Âu, châu Mỹ. Dinh dưỡng và khoa học thể thao của Việt Nam cũng còn kém xa các nước phát triển.

Thực trạng ‘thấp bé nhẹ cân’ và giấc mơ xa vời của bóng đá Việt Nam

Tác giả: Phan Anh Tú, nguyên Tổng thư ký Liên đoàn bóng đá Hà Nội, nguyên Giám đốc Trung tâm huấn luyện và thi đấu Thể dục Thể thao Hà Nội.

Một người quen gửi cho tôi link một bài báo, kèm biểu tượng mặt buồn cùng lời chia sẻ: “Cầu thủ mình vẫn thấp bé nhẹ cân, chưa cải thiện được bao nhiêu thì người ta đã đòi sửa luật chơi”.

Bài báo trích ý kiến của thủ môn huyền thoại người Italy – Gianluigi Buffon – rằng nên tăng kích thước khung thành môn bóng đá.

Anh giải thích: “Kích thước của khung thành không thay đổi từ năm 1875… Bây giờ, với tầm vóc của các thủ môn và cầu thủ, có lẽ chúng ta cần xem xét lại”. Khung thành vẫn vậy, trong khi các thủ môn ngày càng cao lớn hơn, khiến các cú sút trở nên kém hiệu quả, bóng đá vì thế ít bàn thắng, thiếu hấp dẫn hẳn đi.

Ý kiến của Buffon không phải không có lý. Tất cả các môn thể thao chuyên nghiệp đều liên quan đến sự mới mẻ của trò chơi, khả năng hấp dẫn khán giả, tức là phải chiều theo thị trường. Bóng đá từng có nhiều thay đổi về luật để kịch tính hơn, tốc độ trận đấu cao hơn. Chẳng hạn, thủ môn bây giờ không được dùng tay bắt bóng của cầu thủ mình đá về, để hạn chế những đường chuyền đi chuyền lại về gôn. Ngoài bóng đá, các môn thể thao khác như bóng bàn, bóng chuyền cũng đã thay đổi luật, để tăng độ khó của trò chơi, khiến khán giả “đỡ cảm thấy buồn ngủ”. Thể thao chuyên nghiệp là một ngành kinh doanh, cần người xem, cần thị trường.

Tất nhiên, kịch tính, sức hấp dẫn của một môn thể thao không chỉ phụ thuộc vào độ khó, mà còn có thể dựa vào việc nâng cao kỹ năng con người: nhanh hơn, sắc bén hơn. Nhưng khả năng của con người có hạn. Để rèn luyện kỹ thuật cho cầu thủ, vận động viên đòi hỏi rất nhiều thời gian. Cải tiến luật chơi là cách nhanh hơn để duy trì sự hấp dẫn của game, nhằm giữ chân khán giả.

Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu một ngày nào đó FIFA nhận thấy bóng đá hiện đại thiếu tính hấp dẫn và cân nhắc sửa luật cho phù hợp với thể trạng đã thay đổi của các cầu thủ. Tương tự, bóng chuyền cũng có thể được nâng lưới cao hơn, mở sân rộng ra. Lúc bấy giờ, lo ngại trên không phải là không có cơ sở. Việt Nam và các nước Đông Nam Á, thậm chí châu Á, đã luôn bất lợi về thể lực, sẽ càng bất lợi hơn.

Điều này gợi cho tôi những suy nghĩ xa hơn về tính khả thi trong việc thiết lập mục tiêu cho môn bóng đá. Đây là môn thể thao mang tính đối kháng cao, va chạm thể lực trực tiếp. Cầu thủ chân ngắn chạy 10 bước bằng người chân dài chạy ba bước. Rõ ràng, anh chạy 10 bước phải sản công nhiều hơn, và vì thế nhanh mệt hơn, chóng “hết pin”, hết năng lượng hơn.

Người châu Á nói chung, Việt Nam nói riêng, do nòi giống, di truyền, khung xương, cơ bắp đều khó có thể so sánh với châu Âu, châu Mỹ. Dinh dưỡng và khoa học thể thao của Việt Nam cũng còn kém xa các nước phát triển. Bóng đá Việt Nam có thể hài lòng với những cuộc chơi trong khu vực và châu lục. World Cup là một giấc mơ quá tầm với, ít nhất là ở tương lai gần. Thắng Thái Lan, Indonesia, đá được ngang ngửa với Hàn Quốc, Nhật Bản là tốt lắm rồi. Đến bao giờ Việt Nam thắng được Brazil, Đức, Pháp?

Tôi từng tham dự các cuộc hội thảo trong khu vực, tiếp xúc với lãnh đạo ngành thể thao Nhật Bản – quốc gia hàng đầu về bóng đá trong khu vực châu Á. Họ nói, vào top 8 World Cup là vô cùng khó với họ.

Không thể vô địch thế giới nhưng bóng đá vẫn là môn thể thao vua, được yêu thích và có thị trường lớn nhất ở Việt Nam. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, dành sự quan tâm, miếng bánh ngân sách lớn nhất cho bóng đá là tất yếu. Nhưng với những môn thể thao có lượng khán giả lớn như bóng đá, bóng chuyền, Nhà nước cần tận dụng, có cơ chế mở hơn để khuyến khích xã hội hóa, huy động tối đa nguồn lực tư nhân.

Nguồn ngân sách ít ỏi, theo tôi, có thể dành để san sẻ thêm cho các môn thể thao trọng điểm, các môn có cộng đồng người xem không lớn nhưng người Việt có lợi thế cạnh tranh hơn, như bóng bàn, bắn súng, cờ vua, thể dục dụng cụ, các môn thi đấu theo hạng cân… Điều này các quốc gia quanh ta đã nhìn ra từ rất sớm. Vì thế, các nước phát triển phương Tây không thể nào bì kịp Nhật Bản, Trung Quốc ở môn bóng bàn. Hoặc các nước châu Phi hàng chục năm trời vẫn đứng đầu thế giới về các môn điền kinh…

Theo số liệu vừa công bố tại hội nghị định hướng phát triển thể thao thành tích cao đến năm 2030, diễn ra đầu tháng 12/2023, hàng năm, ngành thể thao được chi gần 600-900 tỷ đồng. Khoản tiền này được trang trải cho rất nhiều hạng mục, từ cơ sở vật chất, chi phí ăn tập, lương thưởng của vận động viên… Bóng đá nhận được phần lớn nhất nhưng vẫn chỉ như muối bỏ biển so với chi phí cần có. Tuy nhiên, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam cũng là liên đoàn được xã hội hóa mạnh nhất cả nước. Vì thế, điều kiện ăn ở, tập luyện của các cầu thủ bóng đá ngày càng được cải thiện.

Trong khi đó, các môn thể thao khác chỉ nhận được khoản đầu tư 2-5 tỷ đồng mỗi năm. Nhiều môn vì vậy gặp khó khăn về kinh phí mua sắm thiết bị, trang trải cho vận động viên lên luyện tập, thậm chí cả đi thi đấu ở nước ngoài.

Sự thua thiệt về thể lực của các cầu thủ Việt Nam trước đội tuyển cùng khu vực Indonesia, với một nửa đội hình là các cầu thủ nhập tịch đến từ châu Âu, trong trận đấu cuối tuần qua; hay những lùm xùm ít nhiều hé lộ góc khuất eo hẹp về ngân sách dành cho các môn như bóng bàn, thể dục dụng cụ gần đây, theo tôi, đã đặt ra những vấn đề đòi hỏi sự xoay xở tốt hơn từ phía các nhà hoạch định thể thao.

Giải pháp có thể là: điều chỉnh cơ chế để đẩy mạnh xã hội hóa, xác định rõ hơn vai trò, tính hiệu quả của liên đoàn thể thao các môn, đặc biệt là các môn đông khán giả; và xác định đúng đâu là môn thể thao người Việt thực sự có lợi thế cạnh tranh thành tích cao với thế giới.

Theo VNEXPRESS 

Tags: ,