Thiên tình sử đẫm lệ nổi tiếng triều Trần

Đó là một mối tình đẹp và cảm động, không thể phai nhạt dẫu phú quý nhung lụa tràn đầy và thời gian đằng đẵng cũng…

Ở mục Tiết Phụ trong quyển thứ 15 của sách An Nam Chí Lược, tác giả Lê Tắc đã kể lại câu chuyện tình của Vạn Xuân Thứ Phi. Đó là một mối tình đẹp và cảm động, dẫu phú quý nhung lụa tràn đầy và thời gian đằng đẵng cũng không thể làm mối tình ấy có chút mảy may suy suyển.

Vạn Xuân Phi vốn chỉ là cách gọi của Lê Tắc, bởi tác giả không nhớ rõ tên họ của bà là gì. Vạn Xuân là tên làng nơi cha mẹ bà sinh sống, nay Vạn Xuân thuộc địa phương nào của nước ta cũng chưa thể xác định được. Hiện mới chỉ biết Vạn Xuân Phi sống vào đầu thời Trần, khoảng thời trị vì của Hoàng Đế Trần Thái Tông (1226-1258) và Hoàng Đế Trần Thánh Tông (1258-1278).

Tuy là con nhà thường dân nhưng Vạn Xuân lại rất thanh nhã, hiền thục. Vạn Xuân cùng với Nho sĩ cùng làng là Tiêu Nhã từ sớm đã là một đôi thanh mai trúc mã. Hai gia đình cũng đồng ý sau này sẽ để cho hai trẻ nên duyên. Qua những tháng ngày gần gũi bên nhau, tình yêu của Vạn Xuân và Tiêu Nhã cũng lớn dần, ngày càng keo sơn thắm thiết.

Ở đời, danh tiếng thường mang lại vẻ vang cho con người, nhưng đôi khi, nó lại là khởi đầu của mối họa. Vạn Xuân thường ngày vẫn quấn quýt bên Tiêu Nhã mà không biết rằng tiếng tăm về cốt cách và dung mạo của nàng đã truyền đến tận Hoàng Cung. Hoàng đế nhà Trần muốn kiểm chứng lời đồn, đã tìm cách gặp Vạn Xuân và sau lần gặp ấy, Hoàng đế đã dứt khoát đón Vạn Xuân về cung. Đáng thương cho Vạn Xuân và Tiêu Nhã, đôi trẻ chỉ chờ ngày kết duyên thì phút chốc đã bị chia uyên rẽ thúy. Nhưng mệnh lệnh của Hoàng đế không thể cưỡng lại, Vạn Xuân chỉ biết gạt nước mắt chấp nhận sự an bài của số phận.

Sau khi nhập cung, Vạn Xuân được phong là Thứ Phi và được Hoàng đế rất mực yêu quý. Đã 10 năm trôi qua, Vạn Xuân luôn sống trong cảnh nhung lụa và sự sủng yêu của Hoàng đế. Nhưng đó cũng là quãng thời gian mà không lúc nào Vạn Xuân không nhớ nhung đến Tiêu Nhã. Trái tim của Vạn Xuân không thể dành thêm chỗ cho ai khác. Nhưng hậu cung với bên ngoài cách trở nghìn trùng, Vạn Xuân không có cách nào gặp lại người cũ. Bởi vậy, Vạn Xuân thường mang tâm trạng u uất và thường phải xin phép Hoàng đế cho ra ngoài cung để khuây khỏa. Hoàng đế thấy Thứ Phi của mình lúc nào cũng buồn rầu, đau bệnh thì không nén được thương cảm, sau cùng đã cho phép Vạn Xuân xuất cung, về ở hẳn nơi làng quê.

Về lại quê hương, Vạn Xuân không khỏi thất vọng khi Tiêu Nhã đã không còn ở đó. Dò la khắp nơi, Vạn Xuân mới hay rằng: Tiêu Nhã đã thi cử đỗ đạt và ra làm quan, hiện đang giữ chức An Phủ Sứ Lộ Thanh Hoa. Tiêu Nhã cũng đã lập gia đình được khá lâu.

Đã biết nơi trị nhậm của Tiêu Nhã, Vạn Xuân rất muốn đi gặp người xưa nhưng e như thế sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của Tiêu Nhã nên Vạn Xuân chỉ biết ngậm ngùi ở lại quê hương, với mối tình dành cho Tiêu Nhã ngày thêm sâu đậm.

Về phần Tiêu Nhã, khi Vạn Xuân nhập cung, chàng rất đỗi đau xót. Ngày tháng trôi qua, tâm tình với Vạn Xuân vẫn như ngày nào nhưng biết không thể tái hợp được nữa, Tiêu Nhã đã quyết định thành gia lập thất. Làm An Phủ Sứ Thanh Hoa được một thời gian, Tiêu Nhã xin cáo quan về quê. Việc này xảy ra không lâu sau ngày Vạn Xuân trở về.

Hai người Vạn Xuân và Tiêu Nhã rất mừng vui khi gặp lại nhau. Dẫu vậy, cả hai không thể vượt quá giới hạn bởi dù sao Tiêu Nhã cũng đã có gia đình.

Bẵng đi một thời gian, người vợ của Tiêu Nhã qua đời. Lo hậu sự và để tang cho phu nhân xong xuôi, Tiêu Nhã đã tìm đến và kể hết nỗi niềm thương nhớ đối với Vạn Xuân. Tiêu Nhã muốn được nối lại duyên xưa với Vạn Xuân. Vạn Xuân cũng xúc động bày tỏ tấm chân tình của mình và nghẹn ngào đón nhận lời đề nghị của Tiêu Nhã. Thế là sau hơn 10 năm xa cách, cặp đôi này lại có dịp trùng phùng bên nhau.

Thời gian thấm thoắt thoi đưa, 10 năm nữa lại qua đi. Cuộc sống của Vạn Xuân vẫn luôn tràn ngập tiếng cười. Bỗng một hôm, Tiêu Nhã đột ngột từ trần. Vạn Xuân suy sụp hẳn, ngày đêm ôm linh cữu chồng mà khóc. Sau khi chôn cất Tiêu Nhã, Vạn Xuân càng thấy trong lòng trống trải hơn. Ngày ngày Vạn Xuân vẫn tưởng nhớ đến Tiêu Nhã với tất cả nỗi nhớ nhung sầu muộn…

Nỗi buồn tột độ kéo dài khiến cơ thể Vạn Xuân ngày càng héo hon. Ba năm sau, Vạn Xuân qua đời. Lê Tắc cho biết, trước thiên tình sử và cái chết của Vạn Xuân, “người trong nước ai cũng thương”.

Theo KIẾN THỨC

Tags: , ,